Tổng quan về thuyết học tập xã hội trong tâm lý học

Học tập là một quá trình cực kỳ phức tạp chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Như hầu hết các bậc cha mẹ đã nhận ra, quan sát có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc xác định cái trẻ học cũng như quá trình học của chúng. Người ta từng ví trẻ con như miếng bọt biển, mỗi ngày chúng đều hấp thu những trải nghiệm mới, làm căng phồng lên miếng bọt biển đó.

Tổng quan về thuyết học tập xã hội trong tâm lý học

Nguồn: Nguồn: https://www.verywell.com/social-learning-theory-2795074

Vì học tập là một quá tình phức tạp, nhiều học thuyết tâm lý khác nhau được hình thành để giải thích lý do và cách thức học tập của con người.

Nhà tâm lý học Albert Bandura đã đề xuất một học thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory) cho rằng quan sát, bắt chước, và hình mẫu hóa đóng một vai trò chủ chốt trong quá trình này. Học thuyết của Bandura kết hợp các thành tố từ thuyết hành vi – cho rằng tất cả các hành vi đều được học tập qua quá trình điều kiện hóa, và các học thuyết về nhận thức – tập trung tìm hiểu những tác động mang tính tâm lý như khả năng chú ý và trí nhớ.

Cách vận hành của học thuyết học tập xã hội?

Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, tâm lý học hành vi trở thành trường phái thống lĩnh. Những nhà tâm lý học hành vi đưa ra quan điểm học tập là kết quả của trải nghiệm trực tiếp với môi trường thông qua các quá trình liên tưởng và củng cố. Học thuyết của Bandura mặc dù có gốc rễ từ nhiều khái niệm cơ bản từ thuyết học tập truyền thống, nhưng ông lại tin rằng củng cố trực tiếp không thể có tác dụng với tất cả các dạng thức học tập.

Ví dụ, trẻ con và người lớn thường học tập được nhiều thứ mà họ chẳng có trải nghiệm trực tiếp nào.

Thậm chí nếu bạn chưa bao giờ dùng gậy đánh bóng chày trong đời thì có thể bạn cũng biết phải làm gì nếu có ai đó đưa cho bạn một cái gậy bóng chày và nói bạn thử đánh một cú. Đây là do bạn đã từng nhìn thấy người khác thực hiện hành động này trực tiếp hoặc qua tivi.

Trong khi các thuyết hành vi về học tập cho rằng tất cả các dạng thức học tập đều là kết quả của những liên tưởng hình thành từ quá trình điều kiện hóa, củng cố và trừng phạt, thif thuyết học tập xã hội của Bandura lại cho rằng học tập còn có thể xuất hiện đơn giản bằng cách quan sát hành động của người khác.

Học thuyết này của ông bổ sung thêm một thành tố mang tính xã hội, cho rằng con người có thể học được thông tin và hành vi mới bằng cách quan sát người khác. Được biết đến với tên gọi Học tập qua quan sát, dạng học tập này có thể được sử dụng để lý giải hàng loạt các hành vi, bao gồm cả những hành vi không thể được giải thích bằng những thuyêt học tập khác.

3 điều bạn nên biết về Thuyết học tập xã hội

Có ba khái niệm cốt lõi trong trọng tâm của thuyết học tập xã hội. Đầu tiên là ý tưởng cho rằng con người có thể học qua quan sát. Tiếp theo là quan điểm cho rằng trạng thái tinh thần bên trong là phần không thể thiếu được của quá trình này. Cuối cùng là học thuyết này nhận ra rằng không phải cứ học được một thứ gì đó là đồng nghĩa với một thay đổi trong hành vi sẽ xuất hiện.

Bandura giải thích trong cuốn Học thuyết học tập xã hội năm 1977 của mình rằng “Học tập sẽ trở nên cực kỳ gian khổ, nếu không muốn nói là nguy hiểm, nếu con người ta chỉ dựa vào những ảnh hưởng do hành vi mang lại để quyết định mình sẽ làm gì tiếp theo. May mắn thay là hầu hết các hành vi của con người được học tập bằng mắt thông qua các hình mẫu: từ quan sát người khác, ta hình thành ý tưởng về cách thức hành vi được hình thành, và trong những lần liên tưởng về sau, thông tin mã hóa này đóng vai trò như một kim chỉ nam hành động.”

Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn những khái niệm này.

1. Con người có thể học qua quan sát

Một trong số những thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lịch sử tâm lý học, Bandura đã mô tả hiện tượng trẻ học và bắt chước những hành vi chúng quan sát được từ người khác. Những đứa trẻ trong nghiên cứu của Bandura quan sát một người lớn cư xử thô bạo một con búp bê Bobo.

Những đứa trẻ này sau đó được để cho chơi cùng búp bê Bobo trong phòng, chúng bắt đầu bắt chước hành vi bạo lực mà chúng quan sát được trước đó.

Bandura xác định 3 mô hình cơ bản của học tập qua quan sát:

– Một hình mẫu sống, tức một thực thể mô tả hoặc thực hiện hành vi.
– Một hình mẫu hướng dẫn bằng lời nói, ở đây chính là những mô tả và giải thích hành vi.
– Một hình mẫu mang tính hình tượng, tức một nhân vật có thật hoặc giả tưởng thực hiện hành vi trong phim ảnh, sách báo, chương trình truyền hình hoặc phương tiện truyền thông trực tuyến.

Như bạn thấy, học tập qua quan sát không phải lúc nào cũng phải có việc quan sát một ai đó thực hiện một hành động nào đó. Nghe lời hướng dẫn, như khi nghe ứng dụng Podcast, việc học tập vẫn có thể hình thành. Chúng ta cũng học thông qua đọc, nghe, hoặc xem hành động của những nhân vật trong phim hoặc sách.

Và có thể bạn cũng tưởng tượng ra, đây chính là dạng học tập qua quan sát gây nên luồng tranh cãi giữa những bậc phụ huynh và các nhà tâm lý học liên quan đến tác động của văn hóa truyền thông đại chúng đương đại lên trẻ em. Nhiều người lo rằng trẻ em có thể học theo những hành vi xấu như thói hung hăng gây hấn từ các trò chơi video, phim ảnh, các chương trình truyền hình và các video trực tuyến.

2. Các trạng thái tinh thần đóng vai trò quan trọng đối với quá trình học tập

Chỉ quan sát hành động của người khác không phải lúc nào cũng đủ để đưa đến học tập. Trạng thái tinh thần và động lực hiện tại cũng đóng một vai trò quan trọng giúp xác định liệu hành vi nào đó có được học tập hay không.

Mặc dù các học thuyết về hành vi cho rằng chính những củng cố từ bên ngoài là cái tạo nên học tập nhưng Bandura lại nhận ra rằng củng cố không phải lúc nào cũng đến từ các nguồn lực bên ngoài.

Bandura lưu ý rằng các củng cố bên ngoài từ môi trường không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng lên hành vi và quá trình học tập. Ông mô tả củng cố từ bên trong là một dạng tưởng thưởng suất phát từ nội tâm bên trong con người, như lòng tự hào, sự thỏa mãn, và cảm nhận về thành tựu đạt được. Nó đặt trọng tâm vào những suy nghĩ và nhận thức mang tính nội tại, kết nối các thuyết học tập với các thuyết về sự phát triển nhận thức. Mặc dù có khá nhiều sách vở đặt chung các học thuyết học tập xã hội vào với các thuyết hành vi, nhưng Bandura lại mô tả hướng tiếp cận của mình theo một cách riêng và gọi nó là một “học thuyết học tập xã hội.”

3. Học tập không phải nhất thiết lúc nào cũng đưa đến sự thay đổi trong hành vi

Vậy làm cách nào ta xác định được khi nào ta học được một cái gì đó? Trong nhiều trường hợp, học tập có thể được quan sát thấy ngay khi hành vi mới được thể hiện. Khi bạn dạy một đứa trẻ đi xe đạp, bạn có thể nhanh chóng xác định được việc học tập có xảy ra hay không khi đứa trẻ có thể tự đi mà không cần bạn vịn giữ.

Nhưng đôi khi, ta thực sự vẫn có thể học được một số thứ dù cho quá trình học tập này không quan sát rõ ràng được. Một số người theo thuyết hành vi tin rằng học tập đưa đến một thay đổi hành vi mang tính lâu dài thì học tập qua quan sát lại mô tả rằng con người có thể học được những thông tin mới mà không có bất kỳ hành vi mới nào được thể hiện.

Học tập qua quan sát xảy ra như thế nào?

Ta cần lưu ý rằng không phải tất cả các hành vi quan sát được đều được học thành công. Tại sao? Các yếu tố liên quan đến cả mô hình học tập và đối tượng người học cũng đóng một vai trò quyết định liệu quá trình học tập xã hội có diễn ra thành công hay không. Một số yêu cầu và tiến trình nhất định cũng cần được tuân theo.

Những tiến trình dưới đây có liên quan đến quá trình tạo dựng mô hình và học tập qua quan sát:

– Chú tâm: Để học bạn cần chú tâm vào nó. Bất kỳ thứ gì làm xao nhãng sự tập trung của bạn cũng sẽ tạo hiệu ứng tiêu cực lên học tập qua quan sát. Nếu hình mẫu học tập thú vị hoặc có tình huống mang tính mới mẻ thì khả năng rất cao là bạn sẽ tập trung nhiều hơn vào việc học.
– Khả năng ghi nhớ: Khả năng lưu trữ thông tin cũng là một cấu phần quan trọng trong quá trình học tập. Việc ghi nhớ có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, nhưng khả năng truy xuất lại thông tin về sau và xử lý dựa trên thông tin đó là yếu tố mang tính sống còn đối với học tập qua quan sát.
– Mô phỏng hành vi: Một khi bạn đã tập trung vào mô hình và lưu trữ được thông tin, giờ là lúc thực sự thực hiện hành vi bạn quan sát được. Càng luyện tập nhiều hành vi được học bạn sẽ cải thiện và tăng cường kỹ năng nhiều hơn.
– Động lực: Cuối cùng, để học tập qua quan sát được thành công, bạn phải có động lực để bắt chước lại hành vi đã được hình mẫu hóa.

Củng cố và trừng phạt đóng một vai trong quan trọng trong động lực. Mặc dù việc trực tiếp trải nghiệm những yếu tố tạo nên động lực này là rất hiệu quả nhưng bản thân việc quan sát người khác trải nghiệm cũng mang lại hiệu quả không kém. Ví dụ, nếu bạn thấy một học sinh nào đó được thưởng vì đến lớp sớm thì bạn có thể sẽ xuất hiện sớm hơn một vài phút mỗi ngày.

Một số ứng dụng của học thuyết học tập xã hội

Thuyết học tập xã hội có khá nhiều ứng dụng trong thực tế. Ví dụ, nó được dùng để giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cách thức bạo lực và hung hăng được truyền đi thông qua học tập qua quan sát. Bằng cách nghiên cứu bạo lực qua truyền thông, các nhà nghiên cứu có thể có được cái nhìn đầy đủ hơn về những yếu tố có thể khiến trẻ thực hiện những hành động hung hăng mà chúng xem trên truyền hình và phim ảnh.

Nhưng học tập xã hội có thể được sử dụng để dạy mọi người về các hành vi tích cực. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng thuyết này để tìm hiểu và nắm bắt những cách thức mà các hình mẫu tích cực có thể được sử dụng để khuyến khích những hành vi mong muốn và hỗ trợ thay đổi xã hội.

Kết luận

Ngoài ảnh hưởng lên các nhà tâm lý học khác, học thuyết học tập xã hội của Bandura có hàm ý ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Ngày nay, cả giáo viên và học sinh đều nhận ra tầm quan trọng của các mô hình hành vi phù hợp. Những chiến lược như khuyến khích trẻ và giúp chúng xây dựng niềm tin vào năng lực của bản thân trong lớp học đều có gốc rễ từ học thuyết học tập xã hội.

Theo quan sát của Bandura, cuộc sống có thể sẽ cực kỳ khó khăn và thậm chí nguy hiểm nếu bạn phải học mọi thứ từ những trải nghiệm của chính bản thân. Chính vì cuộc sống của bạn có gốc rễ từ những trải nghiệm mang tính xã hội nên không có gì ngạc nhiên khi việc quan sát người xung quanh lại đóng vai trò sống còn như vậy; nó quyết định cách bạn lĩnh hội được những kiến thức và kỹ năng mới. Bằng cách hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của học thuyết học tập xã hội, bạn có thể hiểu tường tận hơn về vai trò của quan sát, chính nó định dạng những thứ ta biết và những điều ta làm.

Theo LINDANGA.COM

Tags: , ,