Tổng quan về Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Tình trạng biến đổi khí hậu kéo theo sự thay đổi của một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, bão lũ, dông sét, lốc tố, hạn hán, mưa lớn…

Ngập úng tại các tuyến đường ở Hà Giang. Ảnh: Thái Bình / VTC.

Một số khái niệm cần biết

Thời tiết được biểu hiện bằng các hiện tượng: nắng, mưa, mây, gió, nóng, lạnh v.v… tại bất kỳ nơi nào, thường thay đổi nhanh chóng từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, ngay cả khi khí hậu không thay đổi. Ngược lại, khí hậu thường ít thay đổi. Thời tiết tại một nơi nào đó có thể nay mưa mai nắng, nhưng khí hậu của một nơi thường khó thay đổi.

Khí hậu là trạng thái trung bình của thời tiết tại một khu vực nào đó như một tỉnh, một nước, một châu lục hoặc toàn cầu trên cơ sở chuỗi số liệu dài, khoảng 30 năm trở lên.

Biến đổi khí hậu theo UNFCCC (Công ước khung về biến đổi khí hậu) là sự thay đổi của khí hậu do sự đóng góp trực hoặc gián tiếp từ các hoạt động của con người làm thay đổi các thành phần của khí quyển, bổ xung thêm cho những biến động khí hậu tự nhiên được quan trắc trong một thời gian khá dài.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan

Bão là một vùng gió xoáy từ các phía thổi vào vùng trung tâm bão, càng gần trung tâm thì gió càng mạnh, có khi lên đến vài trăm cây số một giờ, nhưng chính giữa lại là một vùng gió tương đối nhẹ hay lặng gió gọi là mắt bão. Không khí chung quanh dồn vào giữa không phải theo những đường thẳng mà theo hình xoắn ốc. Ở Bắc bán cầu, gió xoáy thổi ngược chiều kim đồng hồ. Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh và thường thấp hơn 1000mb. Bão là một dạng của xoáy thuận nhiệt đới.

Mưa lớn: mưa lớn là ngày xảy ra mưa trong 24 giờ (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 19 giờ ngày hôm sau) đạt cấp mưa vừa trở lên (lượng mưa đo được từ 16mm/24giờ trở lên)

Mưa lũ: Mưa lớn và nước được đẩy từ biển vào do gió mạnh có thể gây nên lũ lụt lớn trong vòng 24 giờ. Hệ thống thoát nước của nhiều thành phố ven biển có thể không thể thóat nước kịp do địa hình thoải của các khu vực ven biển này. Khi đổ bộ, một cơn bão trung bình có thể gây nên tổng lượng mưa khoảng 100 đến 300 mm.

Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.

Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

Lụt: ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng

Nắng nóng là dạng thời tiết đặc biệt thường xảy ra trong những tháng mùa hè. Một ngày, tại địa phương nào đó được coi là có nắng nóng khi nhiệt độ cao nhất (ký hiệu là Tx) đạt mức 35 độ C ≤ Tx < 37 độ C. Nắng nóng gay gắt khi 37 độ C ≤ Tx < 39 độ C và được coi là ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt khi Tx ≥ 39 độ C.Trong một khu vực dự báo (ví dụ đồng bằng Bắc Bộ), nếu quan sát thấy có ít nhất từ một nửa số trạm quan trắc trở lên có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là ngày nắng nóng diện rộng. Còn khi chỉ quan sát thấy dưới một nửa số trạm trong khu vực có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là nắng nóng cục bộ.Một ngày được coi là nắng nóng gay gắt trên diện rộng khi có ít nhất 2/3 số trạm quan trắc trong khu vực có nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35 độ C, trong đó ít nhất một nửa số trạm quan trắc trong khu vực dự báo có nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 37 độ C.Khi nắng nóng diện rộng xuất hiện liên tục từ 2 ngày trở lên trong một khu vực dự báo thì được gọi là một đợt nắng nóng.

Hạn hán là hiện tượng lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm cạn kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất, gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo, dịch bệnh…

Dông sét là hiện tượng khí tượng phức hợp gồm chớp và kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Nó cũng thường kèm theo gió mạnh, mưa rào, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng (ở vùng vĩ độ cao có khi còn có cả tuyết rơi).

Lốc là một hiện tượng gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong một phạm vi nhỏ, hàng chục tới hàng trăm mét và tồn tại trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân sinh ra gió lốc là những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra còn có các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như băng tuyết, bão bụi, tan băng cũng là các hiện tượng thời tiết cực đoan nhưng ít xuất hiện ở nước ta.

Diễn biến của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Tình trạng ấm lên của khí quyển dẫn đến hiện tượng nước biển dâng và ấm lên, kéo theo sự thay đổi của một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, dông sét, lốc tố, hạn hán, mưa lớn… Có thể nói tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan trên đều có xu hướng gia tăng về cường độ hoặc tần số và ảnh hưởng đến nước ta. trong đó đáng chú ý là các đợt nóng dị thường, các đợt mưa cường độ lớn gây ra lũ lụt, lũ quét, các đợt khô hạn kết hợp nắng nóng kéo dài, các cơn lốc tố… .

Nhiệt độ trung bình hàng năm ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng rõ rệt với tốc độ tăng phổ biến ở khoảng 0,01-0,15oC/thập kỷ nhưng không đồng đều.

Bão được coi là thiên tai đặc biệt nguy hiểm đối với vùng ven biển Việt Nam. Toàn bộ vùng ven biển Việt Nam đối diện với trung tâm bão Tây bắc Thái Bình Dương – là ổ bão lớn nhất trên trái đất. Phân tích diễn biến của chuỗi số liệu xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng tới lãnh thổ Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ gần đây cho thấy số xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng tới nửa phần phía Nam đang có xu hướng tăng lên nhất là những cơn bão mạnh mặc dù tần số xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới hàng năm không tăng.

Lũ lụt, lũ quét gia tăng là biểu hiện khá rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Không phải năm nào lũ cũng trở thành thiên tai gây hoạ cho nhân dân ở các vùng ven sông, chỉ những đợt lũ lớn với mực nước dâng lên cao mới có khả năng gây hại như các năm 1968, 1971, 1985… Trên những hệ thống sông có đê thuộc Bắc và Trung Bộ thiệt hại tập trung chủ yếu ở các khu vực ngoài đê, nhưng những nơi đê vỡ thiệt hại sẽ rất lớn. Các vùng núi cao thuộc các tỉnh ở Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên hầu như năm nào cũng xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Thiệt hại về người và của cũng ngày một trầm trọng hơn. Các trận mưa lớn dẫn đến các đợt lũ trên sông, suối đặc biệt lũ quét, sạt lở đất cũng có xu thế gia tăng chủ yếu trên phần lãnh thổ phía Bắc, có nơi tăng đến 100%.

Dông, lốc thường gắn với hoạt động của các nhiễu động khí quyển như xoáy thuận nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc, các vùng hội tụ gió nhất là hội tụ nhiệt đới, sự đốt nóng mạnh của lớp bề mặt gây ra dông nhiệt… Trong điều kiện gia tăng nhiệt lớp bề mặt do hiện tượng ‘nóng lên toàn cầu’ đã và sẽ góp phần gia tăng các nhiễu động dẫn đến khả năng tăng lên các hoạt động dông, lốc xoáy trên nhiều khu vực. Trên thực tế, những thiệt hại do lốc xoáy gây ra trong vài thập kỷ gần đây ở Việt Nam cũng cho thấy xu thế gia tăng này.

Hạn hán xuất hiện với mức độ khốc liệt ngày càng nhiều và kéo dài, gây thiệt hại nặng nề cho nền nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Số ngày nắng nóng theo kịch bàn biến đổi khí hậu cũng tăng lên đáng kể, song không rải rác mà thường hình thành những đợt nóng kéo dài nhiều ngày. Theo dự báo đến cuối thế kỷ này số ngày nắng nóng có thể tăng từ 10 đến 20 ngày. Ngược với nắng nóng, số ngày lạnh có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, những đợt lạnh cực đoan với nhiệt độ giảm sâu kèm theo mưa tuyết, băng giá lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh miền núi phía cực Bắc.

Theo NIOEH.ORG.VN

Tags: