Tín ngưỡng thờ Tứ bất tử và giá trị tinh thần của dân tộc Việt

Tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” là một trong những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nó là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết cộng đồng trong sự nghiệp đấu tranh“dựng nước và giữ nước”, cho khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc. Ngày nay, tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử’ vẫn tiếp tục có những ảnh hướng tích cực đến đời sống tinh thần cũng như sự nghiệp chấn hưng đất nước của dân tộc Việt Nam.

Bài viết của ThS Ngô Minh Thuận.

“Tứ bất tử” là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam. Theo nghiên cứu của PGS,TS. Phạm Văn Tình khi nói về Tứ bất tử, gồm 4 vị Thánh: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tác giả Nguyễn Tuân, trong thiên truyện “Trên đỉnh non Tản” in trong tập “Vang bóng một thời”, có viết: “Bốn vị Tứ bất tử nơi thế giới u linh: thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử, và Phù Đổng thiên vương, chúa Liễu Hạnh” có ảnh sâu sắc đến tín ngưỡng văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

“Tứ bất tử” thứ nhất; Thánh Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam (PGS.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm năm 1999, Lê Đức Thịnh năm 2001) nhận định: “Thánh Tản Viên là vị thánh đầu tiên được nhắc đến trong tâm thức dân gian của người Việt, là vị thánh biểu đạt cho khả năng sáng tạo to lớn của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân”. Truyền thuyết đồng bằng Bắc bộ kể rằng, Tản Viên vốn là một nông dân dũng cảm, nhân hậu, thiên phú hùng tài, trở thành Sơn thần, thủ lĩnh của muôn loài, gọi là (Sơn Tinh), thường dạy dân làm ruộng, săn bắn, kéo vó, luyện võ và mở hội. Đối lập với Sơn Tinh là Thủy Tinh, vị thần cai quản các loài thủy tộc thường dâng nước tràn lên phá hoại mùa màng, cầm thú, làm hại dân lành. Hùng Vương – vị Vua của các bộ lạc Việt, mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh thắng, được Vua Hùng gả con gái. Thủy Tinh thua, đem hận dâng nước lũ và xua thủy quái đánh phá. Sơn Tinh cùng thần dân và các loài vật trên đất liền chống chọi quyết liệt. Nước càng dâng thì núi lại càng cao, Thủy Tinh bại trận. Cuộc chiến đấu chống Thủy Tinh của Sơn Tinh và muôn loài phản ánh lịch sử tự nhiên của một đất nước lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, quanh năm chống chọi với thiên tai địch họa. Nhân dân tin thờ Thánh Tản, tôn thờ và tin cậy vào sức mạnh thiêng liêng, vào đức nhân nghĩa, tin vào nỗ lực sinh tồn của con người Việt Nam. Với ý nghĩa giá trị tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, tục lệ thờ Đức Thánh Tản có từ rất lâu, khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng, nay thuộc Ba Vì, Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Đến thời nhà Lý đã phong Tản Viên là “Thượng đẳng tối linh thần” và “Đệ nhất phúc thần”. Đền chính là Đền Thượng núi Ba Vì, ngoài ra ở các nơi khác đều có đền thờ Thánh và các bộ tướng, tập trung nhất là ở các tỉnh Vĩnh Phú (cũ), Hà Tây, Hà Nam Ninh (cũ). Để tưởng nhớ công đức Thánh Tản Viên, ở Đền Và (Ba Vì). Cứ ba năm một lần vào ngày 15 tháng giêng Âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội lớn, với hàng vạn người tham dự, lễ tắm ngai, đánh cá thờ, tục thờ làm cỗ thờ 99 đuôi cá, làm tiệc gỏi, múa Rô, Cướp Kén, múa Gà phủ, rước Chúa gái (Mỵ Nương), trò Tản Viên đánh Thục. Ngoài đền thờ chính ở núi Ba Vì, Tản Viên Sơn Thánh được thờ cúng ở nhiều nơi nhất là ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình. Trong tâm thức dân gian thì Tản Viên sơn thánh là biểu tượng của sức mạnh liên kết, liên kết giữa đất và núi, liên kết giữa các bộ lạc, liên kết giữa con người và thánh thần… sự liên kết ấy tạo nên con người khổng lồ, thông tuệ, không những có sức mạnh xẻ núi, khơi sông, dời non, lấp bể, chiến thắng mọi trở lực hung bạo để bảo vệ đất đai, ruộng đồng, làng mạc, khẳng định sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ mà còn có sức mạnh sáng tạo vô biên về giá trị văn hóa của lòng nhân ái cứu nhân độ thế.

“Tứ bất tử” thứ hai; Đức Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, chống ngoại xâm

Theo truyền thuyết, Đức Thánh Gióng sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội thời Vua Hùng thứ 6, trong một gia đình nông dân nghèo, khi lên 3 tuổi không biết nói cười, sống trong tình thương của mẹ và bà con ở làng Gióng, ven sông Đuống (nay là làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội). Rồi giặc Ân hung dữ từ phương Bắc sang xâm lược. Vua lo lắng, bèn sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng sứ giả rao, Thánh Gióng bỗng nhiên cất tiếng nói “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Khi gặp sứ giả, chú bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cây gậy sắt, một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc vừa vui mừng vội về tâu vua. Nhà vua liền xuống lệnh cho dân hai làng, làng Na và làng Mòi thuộc bộ Vũ Ninh (nay là Quế Võ, Bắc Ninh) rèn vũ khí theo như lời Gióng. Lạ lùng hơn, ngay sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Bà mẹ nghèo không thể nuôi nổi Gióng vì mỗi bữa Gióng ăn “bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông”. Dân làng kìn kìn gánh gạo, gánh cà đến phụ với bà mẹ nuôi Gióng. Khi vũ khí được mang đến, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ to lớn khác thường, mặc giáp sắt, cầm gậy sắt, oai phong lẫm liệt. Gióng nhảy lên mình ngựa, hô to “Có ai đi giết giặc với tôi không?”. Ngựa hí vang mấy tiếng, phun ra lửa, đưa tráng sĩ xông thẳng đến núi Trâu Sơn, vùng Vũ Ninh, nơi có bọn giặc đóng quân. Những người nông dân đang đập đất dưới ruộng nghe tiếng Gióng gọi liền xách vồ theo chân Gióng ra trận. Đội quân của Gióng ngày càng đông đảo và khí thế vô cùng hăng hái. Bọn giặc bị đánh tơi bời, tướng giặc bị giết chết, ngựa của hắn bị một gậy của Gióng đứt lìa đầu khỏi cổ, cái đầu văng đến tận chân dãy núi Phả Lại, nay ở đó còn một hòn núi độc gọi là hòn đầu ngựa. Gậy sắt gẫy, Gióng liền nhổ một bụi tre bên đường quật vào quân giặc khiến chúng chết như rạ. Những tên còn lại giẫm đạp lên nhau chạy tháo thân. Nơi bụi tre bị nhổ tạo thành một đầm rộng bằng bảy gian nhà, nay được gọi là đầm Thất Gian. Bụi tre quật vào quân giặc bị tung ra thành nhiều nhánh, văng khắp ruộng đồng vùng Vũ Ninh, nên ngày nay ta còn thấy trên những cánh đồng Quế Võ, Gia Lương, Thuận Thành thỉnh thoảng còn có những bụi tre nho nhỏ mọc bên bờ ruộng, đó là những nhánh tre bị văng ra từ bụi tre khổng lồ kia. Ngựa Gióng đi đến đâu, vết chân để lại thành hồ ao san sát đến đó, ngựa phun lửa dữ dội làm cháy cả một làng nên làng đó giờ vẫn mang tên Làng Cháy. Những bụi tre bên đường bị lửa táp vàng tạo thành giống tre ngà nay còn nổi tiếng khắp vùng trung châu Bắc Bộ. Giặc đã dẹp yên, quê hương được thái bình, vị anh hùng cởi bỏ giáp trụ, không màng vinh hoa phú quý, lặng lẽ lên đỉnh núi Vệ Linh (núi Sài tại Sóc Sơn, Hà Nội) bay về trời. Vua Hùng ghi nhận công lao của Ngài, phong danh hiệu Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại Vệ Linh. Làng Gióng được đổi tên thành làng Phù Đổng. Hàng năm vào ngày 9 tháng 4 Âm lịch, làng tổ chức lễ hội rất long trọng, tái hiện truyền thuyết Thánh Gióng với các hoạt động như tập trận, đấu cờ người… Những nơi mang dấu tích chiến công của Thánh Gióng đều được nhân dân lập đền thờ, gìn giữ. Ngoài đền thờ chính ở làng Phù Đổng, còn có đền thờ ở Sóc Sơn ở núi Vệ Linh, nơi Thánh Gióng đánh giặc xong cởi áo giáp sắt treo lên cây để về trời. Trong tâm thức của người dân đất Việt, Thánh Gióng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, khi có giặc đến nhà kể cả người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà đều tham gia đánh giặc, ai có công quyên góp công, có sức quyên góp sức, có của quyên góp của để đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, truyền thuyết Thánh Gióng còn ẩn chứa giá trị triết lý sinh tồn của dân tộc Việt Nam: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, đồng thời giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương dân cho các thế hệ sau. Với ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc, năm 2010 lễ hội Thánh Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

“Tứ bất tử” thứ ba; Thánh Chử Đạo Tổ (Chử đồng tử) tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang

Chử Đồng Tử sinh ra ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần trong tác phẩm “Việt sử giai thoại”, truyền thuyết về Chử Đồng Tử lan truyền từ khoảng thế kỷ (XV). Đây là câu chuyện của Đạo Giáo, Đạo Thần Tiên, một tín ngưỡng vốn du nhập từ bên ngoài vào nước ta. Cốt lõi tín ngưỡng Chử Đạo Tổ là tín ngưỡng Đạo giáo mang màu sắc tín ngưỡng dân gian thuần Việt, đặc trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang. Ngay từ khi còn nhỏ, Chử Đồng Tử đã mồ côi Mẹ, sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Chử Xá, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Chử Đồng Tử thương cha không muốn cha chết mà phải chôn truồng liền lấy chiếc khố duy nhất mai táng cho cha. Từ đó, Đồng Tử ở truồng, khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn. Một ngày, tình cờ thuyền của công chúa Tiên Dung ghé qua vùng này, cờ xí rợp trời, màu sắc rực rỡ. Đang ngâm mình dưới nước, Chử Đồng Tử sợ quá vội chạy lên bãi sông. Ở đó, Đồng Tử thấy có một nơi lau lách mọc đầy, bốn bề kín đáo, cỏ dày đặc, ở giữa có một bãi cát trống bèn tới đó vùi mình trong cát yên tâm không sợ ai nhìn thấy. Một lát sau, thuyền của Tiên Dung tới, nhân ngắm phong cảnh, thấy bên cạnh có lùm lau sậy rậm rạp, công chúa muốn tắm. Các hầu gái bèn vây màn kín xung quanh, nấu nước thơm, bắc giường cho công chúa ngồi. Không ngờ chỗ Tiên Dung tắm lại đúng vào chỗ Đồng Tử vùi mình. Tiên Dung giội nước, cát cứ trôi dần, thân hình Đồng Tử lộ dần ra. Đồng Tử thẹn quá nhưng không biết trốn vào đâu, hoảng sợ tái mặt. Tiên Dung vốn không định lấy chồng, trước tình cảnh này cho đây là duyên kỳ ngộ do trời sắp đặt bèn thuận theo thiên ý kết duyên cùng Đồng Tử. Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung, toan bắt trị tội. Nàng biết ý nên cùng chồng lẩn trốn ở lại trong dân làng, làm nhiều nghề để mưu sinh. Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo. Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Có lần theo khách buôn đi qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Tiên (có bản ghi là Quỳnh Vi – theo “Việt sử giai thoại” – Chuyện kể Chử Đồng Tử; đây là tên một ngọn núi chỉ có trong thần thọai), Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi, tình cờ gặp một đạo sĩ tên Phật Quang. Chàng bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, nói rằng đây là vật thần thông. Trở về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ, Tiên Dung giác ngộ bèn dừng việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng. Nghe tin, Vua Hùng cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà Vua đóng ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung-Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn. Nhân dân cho đó là điều linh bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Thị. Người sau kể lại, sau khi đã về trời Chử Đổng Tử còn nhiều lần hiển linh cứu giúp đất nước chống giặc ngoại xâm. Với tấm lòng biết ơn, tri ân Chử Đồng Tử nhân dân tôn thờ Ngài như ông tổ của Đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ). Đền thờ của Ngài được nhân dân lập tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hàng năm tế lễ cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh. Lễ hội chính mở vào trung tuần tháng 2 âm lịch với các hoạt động dân gian đặc sắc như múa rồng, hát, đấu cờ người… Chính sự gặp gỡ có phần kì bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Đồng Tử nghèo hèn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Đây là một nét đẹp đậm chất nhân văn. Vì vây, tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử đã đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu thảo, nhân ái mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng đồng mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy thành cánh đồng tốt tươi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển các ngành nghề khác; đặc biệt nghề buôn bán. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã mở một hướng mới cho sự phát triển dân tộc, tạo nên sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài. Người Việt tôn thờ Chử Đồng Tử như ông tổ của đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ). Theo quan niệm dân gian là người ở cõi tiên giáng trần, có đức độ tài ba, sau đó dùng phép lạ của mình để cứu nhân độ thế được dân gian tôn thờ, ngưỡng mộ. Ngày nay, Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân được thờ ở nhiều nơi, theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có tới 72 làng lập điện thờ Chử Đồng Tử, rải rác ở hai bờ tả ngạn sông Hồng. Trong đó, Đền thờ chính của Ngài được nhân dân lập tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

“Tứ bất tử” thứ tư; Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên), tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, văn thơ

Căn cứ vào “Quảng Cung linh từ phả ký”, “Quảng Cung linh từ bi ký” và “Cát Thiên tam thế thực lục” hiện đang lưu giữ ở địa phương do Ban quản lý di tích – danh thắng của tỉnh Nam Định sưu tầm, được Hội đồng khoa học lịch sử Nam định thẩm định thân thế và sự tích bà Phạm Tiên Nga (Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Theo truyền thuyết, vào đầu thời Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vị Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ cùng xã Vị Nhuế (nay là thôn Vi Nhuế, xã Yên Đồng, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định). Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà và bà sinh một bé gái. Vì vậy, ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga. Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình. Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462) thân phụ của nàng qua đời. Hai năm sau mẫu thân của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, nơi đây có đền thờ Phụ thân và Mẫu thân của Phạm Tiên Nga). Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi). Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng). Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dày với Phủ Quảng Cung. Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dậy dỗ con em nhà nghèo được học hành. Năm 36 tuổi, Bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ thân phụ và thân mẫu. Sau đó hai năm, Bà tới tu sửa chùa Sơn Trường -ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn – Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn xá – Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn xá, Bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dậy dân trồng dâu, nuôi tằm , dệt vải. Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), Bà trở lại chùa Kim Thoa và tháng 9 năm ấy, Bà trở về quê cũ và tiếp tục giúp đỡ dân nghèo địa phương. Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, Bà đã hoá thần về trời. Năm đó Bà vừa tròn 40 tuổi. Ngay sau khi Bà mất, nhân dân xã Vi Nhuế đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Quảng Cung, tôn Bà làm Phúc thần với Duệ hiệu là “Lê Triều Hiển Thánh, Tầm Thanh Cứu khổ, Tiên Nga tôn thần”.

Sự tích giáng sinh lần thứ hai, truyền thuyết kể rằng: Vì thương nhớ cha mẹ và quê hương ở cõi trần mà đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), Phạm Tiên Nga lại giáng sinh lần thứ 2 tại thôn Vân Cát xã An Thái, huyện Thiên Bản (nay là Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định, cách quê cũ Vị Nhuế chừng 7 km). Lần này, Bà kết duyên với ông Trần Đào, sinh được một người con trai tên là Nhân, một con gái tên là Hoà. Bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Năm ấy, Bà mới 20 tuổi. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dày, thôn Thiên Hương – Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản , Nam Định.

Sự tích giáng sinh lần thứ 3, truyền thuyết kể rằng: Vì tình nghĩa thuỷ chung với chồng con ở trần thế nên đến thời Lê Khánh Đức thứ 2 (1650), Phạm Tiên Nga lại giáng sinh tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai tên là Cổn. Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Đền thờ Bà là Phủ Sòng Sơn, Thanh Hoá. Theo PGS.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, không phải ngẫu nhiên Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào cuối thời Lê khoảng thế kỷ XVI . Đây là thời kỳ ý thức hệ Nho giáo ở nước ta đang đi vào con đường suy thoái, thực trạng xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ, thân phận của người phụ nữ bị xâm phạm nghiêm trọng, khao khát cháy bỏng về một cõi tâm linh an lạc, siêu thoát. Liễu Hạnh là một điển hình về sự khẳng định vai trò của người phụ nữ, dám nói lên tiếng nói phản kháng với triều đình phong kiến, còn mang nặng tư tưởng Nho giáo, không coi trọng vai trò của người phụ nữ. Liễu Hạnh được dân gian tôn sùng là Thánh Mẫu. Trong tâm thức của nhân dân, Bà Chúa Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng của khát vọng tự giải phóng, nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng người Mẹ qua câu thành ngữ (Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ). Tại Phủ Giầy, quê hương của Bà, một quần thể kiến trúc được xây dựng để thờ cúng, tại Phủ Sòng, Thanh Hóa, có đền Sòng thờ Bà, tại Hà Nội có Phủ Tây Hồ-nơi tương truyền diễn ra cuộc gặp gỡ đàm đạo văn chương giữa Bà Chúa Liễu Hạnh với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cũng thờ phụng Bà.

Tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” là một nét sáng tạo độc đáo, riêng biệt thuần túy của người Việt Nam được kết tinh từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh “dựng nước và giữ nước”, là một bộ phận không thể tách rời trong di sản văn hóa của dân tộc. Ngày nay, tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” tiếp tục làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , ,