Thế tiến thoái lưỡng nan của tầng lớp trung lưu Việt Nam

Ở nước ta, con đường làm giàu nhanh nhất thường là đường vòng chứ không phải đường thẳng cho nên tầng lớp trung lưu không có thế và lực thì khó giành được những ưu đãi về đồng vốn, về phân bổ tài nguyên và thường phải vận dụng cơ chế xin cho với nhiều cạm bẫy.

Thế tiến thoái lưỡng nan của tầng lớp trung lưu Việt Nam

Việt Nam đã có một tầng lớp trung lưu chưa? Và họ đang ở đâu trong đời sống kinh tế xã hội đất nước? Đây là câu hỏi không dễ trả lời khi chúng ta còn thiếu các công trình nghiên cứu xã hội học thấu đáo về tầng lớp này, nhưng lại quá thừa những báo cáo về tình trạng xóa đói giảm nghèo như một thành tích, một hệ quả tích cực của chuyển dịch kinh tế.

Ngay cả Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo về “Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” cũng chỉ mới lấy mức sống của người dân như một chuẩn mực để phân loại các thành phần trong xã hội.

Các hộ gia đình được chia thành năm tầng lớp dựa trên mức tiêu dùng hàng ngày (USD/người/ngày, tính theo sức mua tương đương – PPP) gồm: cực nghèo (tiêu dùng dưới 1,9 USD); nghèo (1,9-3,2 USD); dễ bị tổn thương kinh tế (3,2- 5,5 USD); an toàn kinh tế (5,5- 15 USD) và tầng lớp trung lưu (trên 15 USD). Người ta không tìm thấy hình ảnh lớp người giàu và siêu giàu trong báo cáo này bởi không thuộc phạm vi nghiên cứu.

Tuy nhiên với cách phân loại như vừa nói, báo cáo cũng cho thấy các hộ gia đình Việt Nam có 70% thuộc nhóm “an toàn kinh tế”, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu. Tiêu chí này xem ra có vẻ lệch pha so với tiêu chí của các nước phát triển, theo đó người có thu nhập từ 3.000 USD/tháng trở lên mới thuộc tầng lớp trung lưu.

Trung lưu là lớp người không quá giàu mà cũng không quá nghèo thuộc về số đông trong bất cứ xã hội nào, là lực lượng tiêu thụ lớn nhất và cũng là lực lượng sản xuất quan trọng. Như tầng lớp trung nông chẳng hạn, tại đồng bằng sông Cửu Long họ chiếm đến 70% dân cư, 50% lao động, canh tác 80% đất đai.

Tại các đô thị, phần lớn người thuộc tầng lớp trung lưu làm ăn qua hình thái hộ kinh doanh đã đóng góp 32% GDP, hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có vai trò chủ yếu trong việc tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Tầng lớp trung lưu là những người có kiến thức và văn hóa để định hướng một lối sống trách nhiệm với mọi người.

Suy nghĩ theo hướng này thì số người thuộc tầng lớp trung lưu của chúng ta không quá khiêm tốn như báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu bao gồm cả những viên chức trong các ngành hoạt động mà thời gian gần đây đời sống đã được cải thiện. Đó là chưa kể đến một số đông người trở nên giàu có nhờ buôn bán đất đai hoặc chơi chứng khoán, họ đứng vào tầng lớp trung lưu nhờ thời cuộc, tuy không mặn mà với sản xuất kinh doanh nhưng là lực lượng tiêu thụ đáng kể.

Nhìn dưới góc độ kinh tế tiêu dùng, tầng lớp trung lưu làm cho đồng tiền chu chuyển nhanh hơn, qua đó thành phần này ngày càng lớn mạnh.

Như Đài Loan chẳng hạn, đây là vùng lãnh thổ cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về sự dấn thân của tầng lớp trung lưu bắt rễ từ tầng lớp thấp đi lên trở thành giới chủ có vai trò trong nền kinh tế. Chính vì vậy, họ hiểu được cái giá phải trả trong công cuộc làm giàu như thế nào, từ đó tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận cơ hội làm giàu nhanh hơn.

Không như Nhật Bản và Hàn Quốc, ở Đài Loan, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm chủ đạo của nền kinh tế. Hầu hết các ngân hàng lớn của chính phủ và các công ty công nghiệp đã được tư nhân hóa, các doanh nghiệp sở hữu gia đình được tổ chức hợp lý đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của Đài Loan xuống 1,5% trong năm nay.

Mô hình phát triển của Đài Loan tạo nên một hệ thống doanh nghiệp có mức ổn định rất cao, một số doanh nghiệp phá sản cũng không làm thay đổi cục diện kinh tế lãnh thổ này nhờ vào những chính sách cụ thể bảo vệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là bảo vệ quyền được làm giàu chính đáng của giới chủ thuộc tầng lớp trung lưu. Chúng ta cũng có chính sách cho doanh nghiệp nhưng mạnh ai nấy làm mà thua thiệt thuộc về lớp người làm ăn nhỏ.

Ở nước ta, con đường làm giàu nhanh nhất thường là đường vòng chứ không phải đường thẳng cho nên tầng lớp trung lưu không có thế và lực thì khó giành được những ưu đãi về đồng vốn, về phân bổ tài nguyên và thường phải vận dụng cơ chế xin cho với nhiều cạm bẫy. Sống trong môi trường làm ăn mà đồng tiền là sức mạnh vạn năng thì không có gì ngạc nhiên khi giới trung lưu phải ngồi ở chiếu dưới do vị trí xã hội thấp không có khả năng liên kết với các nhóm lợi ích đang ngày trở thành một thế lực tuyệt đối.

Thế là người siêu giàu hội đủ các điều kiện giành lấy vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế và cả trong đời sống xã hội. Tất nhiên không phủ nhận được một điều quan trọng khác là các thế lực này qua hoạt động kinh doanh quy mô lớn cũng tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập giúp tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Đây không phải là sự lớn mạnh tự thân vận động mà trong chừng mực là thiếu yếu tố bền vững vì phụ thuộc vào một tầng lớp trên, trong một cơ chế thiếu công bằng nói gì đến cạnh tranh lành mạnh.

Nếu chỉ nhìn con số lạnh lùng về mức thu nhập hay chi tiêu là chưa đủ để vẽ nên chân dung của tầng lớp trung lưu, nhất là chưa cho thấy vai trò trung gian rất quan trọng của tầng lớp này trong đời sống kinh tế xã hội vào một thời điểm nào đó. Không ít người ví von nên so sánh tầng lớp trung lưu hôm nay với “kẻ sĩ” ngày xưa như mô tả của cụ Nguyễn Công Trứ: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt. Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên”(*). Ông là một vị quan triều Nguyễn có nhiều công trạng về phát triển kinh tế, gìn giữ đất nước. Kẻ sĩ như một mẫu người lý tưởng được kính trọng trong xã hội phong kiến nhờ tài năng và nhân cách. Người đời sau đã nhìn ông qua hình ảnh “kẻ sĩ”.

Thời nay, hình ảnh kẻ sĩ đã bị biến tướng vì xã hội đổi thay nhưng vai trò trung gian của lớp người này nếu được phát huy qua những chính sách phù hợp thì sẽ giúp kinh tế đất nước chuyển dịch theo hướng bền vững hơn.

————————–

Chú thích:

(*) Năm chức tước vua ban cho các quan trong triều: thượng đại phu, hạ đại phu, thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ (sĩ đứng cuối). Trong dân thì có bốn hạng người: sĩ, nông, công, thương (sĩ đứng đầu). Ý nói sĩ có vai trò trung gian trong xã hội.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: , , ,