Thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc nhìn từ góc độ lịch sử

Khác với Việt Nam, nơi những yếu tố của văn hoá Trung Hoa lúc đầu được đưa vào qua chính sách đồng hoá của Trung Quốc bất chấp ý muốn của người Việt Nam qua gần một ngàn năm Bắc thuộc; văn hoá Trung Hoa được truyền sang Nhật Bản trong khoảng thế kỷ 6-7 chủ yếu theo ý nguyện của người Nhật.

Thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc nhìn từ góc độ lịch sử

Yamazaki AnsaiNhìn về diện tích, Nhật Bản chỉ lớn hơn Việt Nam đôi chút. Điểm khác biệt quan trọng giữa Nhật Bản và Việt Nam trong quan hệ đối với Trung Hoa là vị trí địa lý: không như Việt Nam nằm sát ngay Trung Quốc, Nhật Bản nằm cách đại lục Trung Hoa bởi một eo biển vừa đủ gần để Nhật có thể tiếp thu văn hoá Trung Hoa trước thời cận đại nhưng cũng vừa đủ xa để khỏi bị Trung Quốc xâm lấn. Bởi vậy, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ những tiếp xúc ban đầu cho đến thế kỷ 19 chỉ giới hạn trên lãnh vực văn hoá, và trong thái độ của Nhật Bản đối với văn hoá Trung Hoa có hai khuynh hướng khá rõ rệt: kính phục và phủ nhận.

Từ khi tiếp xúc với văn minh Trung Hoa, người Nhật thường biểu lộ lòng hâm mộ và kính phục đối với nền văn hoá đại lục. Khác với Việt Nam, nơi những yếu tố của văn hoá Trung Hoa lúc đầu được đưa vào qua chính sách đồng hoá của Trung Quốc bất chấp ý muốn của người Việt Nam qua gần một ngàn năm Bắc thuộc; văn hoá Trung Hoa được truyền sang Nhật Bản trong khoảng thế kỷ 6-7 chủ yếu theo ý nguyện của người Nhật. Triều đình Nhật Bản lúc bấy giờ chọn lựa những người tài giỏi và gửi họ sang Trung Quốc thành nhiều phái bộ (mỗi phái bộ thường có đến 500 người) để học hỏi và tiếp thu nền văn hoá tiên tiến Trung Hoa dưới hai đời Tuỳ-Đường.

Họ học đủ mọi ngành: Nho giáo, Phật giáo, cơ chế chính trị, hình luật, kỹ thuật canh nông, mỹ thuật, v.v… Những người này sau khi trở về Nhật đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá những yếu tố tiên tiến của văn minh Trung Hoa. Chữ karamono 唐 物 ( Đường-vật: những vật đem từ nhà Đường, hàm ý Trung Quốc) là danh từ tượng trưng cho những cái gì tao nhã, quý giá lúc bấy giờ.

Đi ngược lại với khuynh hướng hâm mộ văn hoá Trung Quốc là ý thức dân tộc của người Nhật, xuất phát từ nhận thức Nhật Bản là một nước nhỏ bé và chậm tiến nằm trên ngoại vi của văn minh Trung Hoa. Nếu Lý Thường Kiệt của Việt Nam đã viết nên bài thơ “Nam quốc sơn hà” nhằm khẳng định vị trí “nước Nam” của người Việt đối với Trung Quốc ở phương Bắc, Thái tử Shôtoku (Thánh-đức) ngay từ đầu thế kỷ 7 khi viết thư gửi Tuỳ Dạng Đế thay cho thiên hoàng Nhật đã xác định chủ quyền của Nhật Bản về phía Đông của Trung Quốc như sau: “Thư này do thiên tử của xứ mặt trời mọc (phương Đông) gửi cho thiên tử của xứ mặt trời lặn (phương Tây)”1. Tục truyền Tuỳ Dạng Đế khi đọc lá thư đã nổi trận lôi đình, cho rằng kẻ viết thư đã quá ngạo mạn, không biết nghi lễ trên dưới. Có hai điểm khác biệt cần lưu ý giữa bài thơ của Lý Thường Kiệt và bức thư của Thái tử Shôtoku. Trước hết Lý Thường Kiệt đã làm bài thơ này để khích lệ quân sĩ, chứ không phải để gửi cho vua Tống. Còn Thái tử Shôtoku, trong bức thư gửi hoàng đế nhà Tuỳ, không những gọi hoàng đế của Trung Quốc bằng “thiên tử” (con trời) mà còn dùng danh xưng này để gọi thiên hoàng của Nhật. Theo quan niệm của Trung Quốc, trong thiên hạ (dưới cõi trời) chỉ có một thiên tử “độc nhất vô nhị”, đó chính là hoàng đế Trung Quốc. Tuỳ Dạng Đế nổi giận chính vì bức thư của Nhật Bản đã ý thức hay vô ý thức bất chấp khái niệm căn bản này của trật tự thế giới Trung Hoa. Điểm khác biệt này, như ta đã thấy xuất phát từ điều kiện địa lý: khác với Việt Nam, Nhật Bản không chịu áp lực quân sự của Trung Quốc nên không bị ràng buộc bởi thể chế triều cống với Trung Quốc là trung tâm. Ashikaga Yoshimitsu (1358-1408), tướng quân thứ ba của dòng họ Ashikaga, là nhân vật duy nhất trong lịch sử Nhật thừa nhận tước phong “quốc vương Nhật Bản” của hoàng đế Trung Quốc ban cho và do đó đã đặt Nhật Bản vào thế triều cống của Trung Quốc trong thời kỳ ông nắm quyền. Do sự kiện này, Yoshimitsu đã bị các sử gia đời sau phê phán là đã làm nhục quốc thể của Nhật Bản.

Từ cuối thế kỷ 9, ở Trung Quốc loạn lạc nổi lên khắp nơi, Nhật Bản đình chỉ việc gửi người sang Trường An du học và thay vào đó tìm cách biến cải những yếu tố văn hoá Trung Hoa mà Nhật đã tiếp thu từ mấy trăm năm trước cho thích ứng với môi trường văn hoá và xã hội của Nhật Bản. Như đã đề cập ở trên, mô hình tiếp thu văn hoá Trung Hoa của Nhật Bản là wakon kansai (Hoà-hồn Hán-tài), tương truyền do Sugawara-no-Michizane đề xướng. Vào thời kỳ này “văn học nữ lưu” viết bằng tiếng kana rất mực thịnh hành, có nhiều tác phẩm văn học vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày nay, tiêu biểu là cuốn trường thiên tiểu thuyết Genji monogatari (Truyện Genji) do nữ sĩ Murasaki Shikibu sáng tác vào đầu thế kỷ 9. Sự vùng dậy của ý thức dân tộc Nhật Bản còn thể hiện qua các tranh vẽ theo lối Nhật yamato-e (Đại-hoà hội), và sự xuất hiện của danh từ yamato-damashii (hồn Đại-hoà), tức là tinh thần Nhật Bản – dùng ngụ ý để phân biệt với tinh thần Trung Hoa.

Như trên đã nói, Nhật Bản đã tiếp thu và hấp thụ nhiều yếu tố của văn hoá Trung Hoa nhưng nói một cách tổng quát, Nhật Bản không có liên hệ triều cống với Trung Quốc và không chấp nhận – hay nói đúng hơn, ở ngoài – trật tự thế giới của Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không thực thi chế độ khoa cử (và không áp dụng chế độ hoạn quan) như Trung Quốc. Kết quả là mặc dầu người Nhật vay mượn nhiều yếu tố của văn hoá Trung Hoa, nhưng có tư duy độc lập, không nhất thiết suy nghĩ theo những khuôn mẫu của văn hoá Trung Hoa. Ta hãy lấy một vài thí dụ để minh hoạ.

Trước hết chúng ta thử xem người Nhật đã áp dụng chữ Hán và chữ kana như thế nào trong quyển Kojiki (Cổ-sự-kỷ; 712 sau CN), một trong những cuốn sử đầu tiên ở Nhật Bản. Tiếng Nhật trong sách Kojoki tổng hợp cách đọc kundoku và chữ viết kana. Phần chữ Hán trong sách viết theo một biến thể của kambun (Hán-văn), và đọc theo lối kundoku 訓 讀 (huấn-độc, tức là cách đọc chữ Hán theo âm Nhật, bất chấp âm chữ Hán và thứ tự của câu văn bằng chữ Hán, chẳng khác gì trong tiếng Anh hiện đại những từ đi từ tiếng La-tinh như i.e. thì đọc là “that is” (tức là…), hoặc e.g. đọc là “ for example” (ví dụ…). Nếu kundoku là cách đọc bất chấp âm chữ Hán, ngược lại những chữ kana 假 名 (giả-danh) trong sách lại là cách viết chỉ mượn âm của chữ Hán nhưng bất chấp nghĩa của chữ Hán. Ví dụ: mượn chữ “ an” trong chữ Hán để viết thành vần “a” trong tiếng Nhật, chữ “ dĩ” trong chữ Hán để viết vần “i”, chữ “gia” của chữ Hán để viết vần “ka”, v.v… và tuyệt nhiên không để ý đến nghĩa của những chữ “ an”, “dĩ” hay “gia”. Vì hai yếu tố âm (phonetic) và nghĩa (semantic) của một chữ Hán là linh hồn của chữ Hán đó, nếu tách rời hai yếu tố âm và nghĩa – như trong trường hợp kundoku và kana trong Kojiki, có thể nói là chữ Hán không còn là chữ Hán như ở trong tiếng Tàu nữa. Bởi vậy, có thể nói người Nhật, ý thức hay vô ý thức, ngay từ buổi ban đầu đã “hoá giải” tiếng Tàu thành hai yếu tố riêng rẽ. Trên cơ sở của kundoku và kana, tiếng Nhật đã được cải tiến và phát triển cho đến ngày nay. Tóm lại người Nhật vay mượn chữ Tàu trong quá trình hình thành chữ viết của họ, nhưng khi dùng chữ Tàu họ không suy nghĩ như người Tàu, không nhất thiết phải rập khuôn theo những lối mòn của văn hoá Trung Hoa.

Mặt khác, thái độ “kính phục” và “phủ nhận” của người Nhật đối với văn hoá Trung Hoa thể hiện rõ nhất qua lối nhìn của họ đối với nhà thơ Trung Quốc Bạch Lạc Thiên và học thuyết Nho giáo. Trước hết, ta hãy xem vị trí của Bạch Lạc Thiên trong văn học Nhật Bản. Như chúng ta đều biết, Bạch Lạc Thiên, tên thật là Bạch Cư Dị (772-846 sau CN), là một thi hào đời Đường. Không hiểu do một sự tình cờ nào đó tên tuổi của Bạch Lạc Thiên ở Nhật lại còn nổi tiếng hơn cả Lý Bạch và Đỗ Phủ, hai nhà thơ được mến chuộng nhất ở Trung Quốc. Trải qua bao thế kỷ, người Nhật Bản nào muốn làm thơ chữ Hán trước hết cũng phải nghiền ngẫm thơ Bạch Lạc Thiên, vì đối với họ, họ Bạch là vị “thánh thơ chữ Hán”.

Nhưng nhà thơ tiêu biểu cho thi đàn Trung Quốc ở Nhật này có lúc cũng bị phủ nhận. Đó là trường hợp tuồng Haku Rakuten (Bạch Lạc Thiên), một trong những vở tuồng Nô nổi tiếng của Zeami vào thế kỷ 14. Trên thực tế, Bạch Lạc Thiên thuở sinh tiền không hề đặt chân lên đất Nhật Bản. Tuy nhiên theo cốt truyện của vở tuồng này, một hôm nọ hoàng đế Trung Quốc phái Bạch Lạc Thiên sang Nhật để cho người Nhật thấy tận mắt tài làm thơ thần sầu quỷ khốc của người Tàu. Khi thuyền cập bến ở Nhật, họ Bạch gặp hai ngư ông. Bạch Lạc Thiên trổ tài làm thơ, nào ngờ trong hai ngư ông Nhật Bản lại có người làm thơ còn giỏi hơn cả họ Bạch nữa. Kết cuộc, trong cuộc đấu thơ này, Bạch Lạc Thiên bị hạ sát ván. Ngư ông đó hoá ra là Sumiyoshi-no-kami , “vị thần làm thơ” (uta no kami) của người Nhật. Thuyền của Bạch Lạc Thiên bị bão đánh giạt về Trung Quốc, và vở tuồng chấm dứt ở đó. Nội dung của vở tuồng trên, đối với người Việt Nam, nghe có vẻ “trái tai”. Bởi lẽ cho dầu Việt Nam có triệt để chống đối xâm lăng quân sự của Trung Quốc đến đâu chăng nữa, Bạch Lạc Thiên (cũng như các thi hào hay các nhân vật văn hoá khác của Trung Quốc) vẫn được người Việt kính trọng; không có mâu thuẫn về văn hoá giữa nhà thơ Bạch Lạc thiên và người Việt.

Nay ta thử xem thái độ “kính nể / phủ nhận” của người Nhật đối với Nho giáo. Tokugawa Ieyasu (Đức-xuyên Gia-khang), người sáng lập chính quyền Tokugawa (1600-1868), đã áp dụng học thuyết Tống Nho của Chu Hy để củng cố chính quyền bakufu (mạc phủ). Tống học nhờ vậy trên lý thuyết trở thành học phái chính thống. Nhưng trên thực tế, dưới thời Tokugawa có nhiều Nho gia như Yamaga Sokô (Sơn-lộc Tố-hành; 1622-1685) và Yamazaki Ansai (Sơn-kỳ Ám-tế; 1618-1682) phủ nhận cơ chế Nho giáo của Trung Quốc và cho rằng về cả ba mặt nhân, trí, dũng, Nho giáo Nhật Bản hơn hẳn Trung Quốc. Ngay đối với Khổng Tử, cách đặt vấn đề của Ansai cũng khác hẳn các nhà Nho ở Trung Quốc và Việt Nam.

Sách Sentetsu sôdan (Tiên-triết Tùng-đàm) biên soạn cuối thời Tokugawa có ghi lại đoạn vấn đáp sau đây giữa Ansai và các môn đệ. Ansai một hôm vấn nạn các môn đệ:

“Nếu bây giờ Trung Quốc cử Khổng Tử làm đại tướng và Mạnh Tử làm phó tướng dẫn vài vạn kỵ binh sang tấn công nước ta, với tư cách là người theo học đạo của Khổng Mạnh, các trò thử nghĩ chúng ta phải ứng xử như thế nào?”

Thấy các môn đệ lúng túng, Ansai tự đáp: “Nếu điều bất hạnh này xảy ra, thì chúng ta chỉ có cách là mặc giáp mang kiếm, ra trận bắt sống Khổng Mạnh đặng báo ơn nước. Đây chính là điều Khổng Mạnh dạy chúng ta” 2

Chắc hẳn đối với các Nho gia Việt Nam, phản ứng đầu tiên khi nghe đoạn vấn đáp này là: “Đối với các bậc thánh hiền ai lại đặt câu hỏi kỳ cục như thế?”. Cách vấn nạn của Ansai chắc hẳn đã lạ lùng, khó nghe, mà câu trả lời của Ansai cũng không kém bất ngờ, đường đột. Phải là một “Nho gia” không bị chi phối bởi thế giới quan Nho giáo của Trung Hoa mới có đủ tính khách quan để đặt vấn đề trực tiếp và tận gốc như vậy.

Vị trí lãnh đạo về văn hoá của Trung Quốc cũng bị các học phái Kokugaku (Quốc-học) và Rangaku (Lan-học) phủ nhận tận gốc. Motoori Norinaga (Bản-cư Tuyên-trường; 1730-1801) và các học giả của học phái Kokugaku khởi đầu nghiên cứu Hán học, nhưng sau đó chủ trương chối bỏ triệt để “đầu óc Trung Hoa” (karagokoro) thể hiện qua những lý lẽ gò bó và nhân tạo của Nho giáo, sự sai lạc và tính chất quá khích của thuyết “thiên mệnh” 3. Theo Norinaga, trước khi văn minh Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản, tâm hồn người Nhật thuần phác và bộc trực, được thể hiện qua những thơ ca trong tuyển tập thơ đầu tiên của người Nhật là Man’yôshu (Vạn-diệp-tập; biên soạn xong năm 760 sau CN). Học phái Kokugaku đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm sống dậy tinh thần dân tộc của người Nhật vào thế kỷ 19.

Rangaku, học phái nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Tây phương qua những sách bằng tiếng Hà Lan vào cuối thế kỷ 18 cũng có đóng góp không ít vào việc phủ nhận vị trí độc tôn của văn hoá Trung Hoa. Y học là ngành nghiên cứu nổi tiếng nhất của các học giả Rangaku. Vào năm 1711, khi hai học giả Rangaku là Sugita Gempaku (Sâm-điền Huyền-bạch; 1733-1817) và Maeno Ryôtaku (Tiên-dã Lương-trạch; 1723-1803) quan sát cuộc giải phẫu tử thi ở nhà tù, họ cho rằng những gì họ quan sát hoàn toàn phù hợp với quyển sách Tabulae Anatomicae bằng tiếng Hà Lan 4 và từ đó họ thấy rằng những lý thuyết y học Trung Quốc du nhập vào Nhật trước đó là hoàn toàn sai lạc. Bản dịch của sách này nhan đề là Kaitai shinsho (Giải-thể tân-thư) được hoàn thành vào năm 1774. Công trình nghiên cứu và dịch thuật của Sugita có ảnh hưởng vượt khỏi ngành y học, báo hiệu giờ phút cáo chung của vai trò lãnh đạo văn hoá của Trung Quốc trong đời sống tư tưởng và học thuật ở Nhật đã bắt đầu.

Nhờ những thách thức đối với sự độc tôn văn hoá của Trung Quốc qua các học phái Nho giáo, Kokugaku và Rangaku, Nhật Bản đã có những chuẩn bị tư tưởng cần thiết để nhận chân ý nghĩa vì sao sau đó Trung Quốc lại bị nước Anh đánh bại trong chiến tranh Nha phiến; chính nhờ đó người Nhật đã phản ứng kịp thời sau khi hạm đội Mỹ đến đòi Nhật mở cửa vào giữa thế kỷ 19.

———————————–

Chú thích:

1. “Oa nhân truyện”, Tuỳ thư, trích lại từ Shibata Minoru và các người cộng tác, Nihonshi (Lịch sử Nhật Bản), Tokyo: Bun’eido, 1982, tr. 51.
2. Trích lại từ “Jiji shôgen” (Thời-sự tiểu-ngôn), Fukuzawa Yukichi zenshu (Fukuzawa Yukichi toàn tập), ‘I’okyo: Iwanami Shoten, 1958, quyển 5, tr. 211.
3. Theo thuyết thiên mệnh (mệnh Trời, Mandate of Heaven), thiên tử (con Trời) nhận lãnh mệnh trời để cai trị thiên hạ. Nếu người cầm quyền mất lòng Trời thì người dân có quyền lật đổ. Người ta tin rằng Trời báo hiệu cho dân chúng biết người cầm quyền đã mất mệnh Trời qua các thiên tai như bão lụt, động đất, mất mùa, v.v…
4. Nguyên tắc của sách này do Johan A. Kulmus người Đức viết, người Hà Lan dịch lại và xuất bản năm 1734.

Theo ERTC

Tags: , , ,