Thách thức môi trường từ vấn đề mai táng truyền thống ở châu Á

Để giải quyết vấn đề thiếu đất, nhiều quốc gia châu Á đã khuyến khích “mai táng sinh thái” bao gồm quá trình hoả thiêu. Nhưng xét đến các tác động môi trường của việc hoả thiêu, lợi ích đạt được nhiều nhất có lẽ cũng chỉ là tạm thời.

Các ngôi mộ lớn, công phu như thế này ở Trung Quốc là một biểu tượng của lòng hiếu thảo và kính trọng tổ tiên, nhưng cái giá phải trả cho vấn đề môi trường là bao nhiêu?

Ở các thành phố đông đúc tại châu Á, việc thiếu không gian không chỉ là vấn đề của người sống: các nghĩa trang đang bị lấp đầy nhanh hơn bao giờ hết và các chính quyền đang tiến hành mọi cách để giải quyết vấn đề nhạy cảm nhưng rất cấp bách là chôn người chết ở đâu.

Câu trả lời đơn giản là hoả thiêu – chỉ giữ lại tro của người mất sẽ tốn ít đất để chôn cất hơn so với mai táng truyền thống.

Vì lý do này, đây là biện pháp thực tế được khuyến khích bởi các chính quyền Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông, trong các nỗ lực để giải quyết vấn đề thiếu đất. (Nhật Bản đứng đầu về tỉ lệ hoả thiêu do các tín đồ Thần đạo (Shinto) và Phật giáo ưa chuộng hình thức này hơn so với hình thức chôn cất truyền thống).

Trong khi chính quyền các nước này ca tụng hoả thiêu như là hình thức “mai táng sinh thái”, bản thân quy trình này lại không thân thiện với môi trường như người ta tưởng.

Dù là rải tro ra biển, đưa vào trồng cây, hay đưa vào nhà để tro, việc cần làm đầu tiên luôn là chuyển thi hài người chết thành tro.

Trung bình, một lần hoả thiêu kéo dài 75 phút ở mức nhiệt 760-1150 độ C để chuyển hoá một thi thể thành tro hoàn toàn. Tổng mức năng lượng sử dụng tương đương với nhu cầu năng lượng tại nhà trong vòng một tháng của một người.

Ngoài việc đốt cháy năng lượng hoá thạch, khí nhà kính cũng bị thải ra trong quá trình xử lý, đặc biệt là trong quá trình đốt các vật liệu độc hại có thể có – ví dụ như thuỷ ngân trong vật liệu trám răng hay chất nhựa trong quan tài gỗ.

Vấn đề này nghiêm trọng không chỉ bởi hoả thiêu được coi là giải pháp lâu dài bởi nhiều nước đông dân cư, mà còn do số vụ hoả thiêu thật sự được thực hiện.

Ví dụ, ở Trung Quốc, khoảng một nửa trong số trung bình 10 triệu lượt chôn cất trong vòng một năm được thực hiện bằng hình thức hoả thiêu.

Nhưng khi các nhà để tro bắt đầu đầy và dấu chân các-bon (tác động của việc thải cacbon) từ hoả thiêu tiếp tục gia tăng, hoả thiêu không thể là giải pháp duy nhất cho vấn đề chôn cất của bất kỳ quốc gia nào.

Có lẽ các chính quyền nhìn nhận hoả thiêu là biện pháp đỡ tác động đến môi trường hơn so với hai hình thức chôn cất truyền thống (chôn cất truyền thống thải ra nhiều khí mê-tan – một loại khí nhà kính có khả năng gây chết người cao hơn các-bon đi-ô-xít – và cũng thải ra các hợp chất độc hại vào đất từ các chất lỏng ướp xác).

Hoả thiêu rõ ràng cũng giúp tiết kiệm rất nhiều diện tích đất và giúp việc lưu giữ thi hài của người mất thuận tiện hơn.

Tuy nhiên khi các nhà để tro bắt đầu đầy và các tác động của việc hoả thiêu tiếp tục gia tăng, đây không thể là giải pháp duy nhất cho vấn đề chôn cất của bất kỳ quốc gia nào. Và thay vì tìm kiếm các giải pháp để lưu giữ thi hài của người thân, có lẽ việc đưa các thi hài trở lại với tự nhiên theo một cách có lợi với môt trường và có kiểm soát là một ý tưởng bền vững hơn.

Trong những năm gần đây, nhiều phương pháp mới hơn, có thể cho là bền vững hơn để chôn cất người đã khuất mới đã xuất hiện, và những giải pháp này có thể đưa ra một cách tiếp cận cân bằng để giải quyết các vấn đề tồn tại do quá trình gia tăng dân số và những thiệt hại môi trường gây ra bởi quá trình hoả thiêu.

Bù trừ các-bon

Hoả thiêu và các khu nhà xác có thể đưa ra các dịch vụ bù trừ lượng các-bon (ví dụ trồng cây) để cân bằng tác động tiêu cực đến môi trường của mỗi lần hoả thiêu, một giải pháp có thể thúc đẩy nếu các chính phủ có sự quan tâm hỗ trợ.

Quá trình Promession 

Đây là một giải pháp thay thế tiềm năng cho hoả thiêu, giúp loại bỏ việc phát thải khí nhà kình và tiết kiệm không gian. Mặc dù vẫn đang trong quá trình phát triển nhưng đã nhận được sự quan tâm của chính phủ Thuỵ Điển, giải pháp này sẽ dùng ni-tơ lỏng để đóng băng các thi hài thành trạng thái dễ vỡ trong vài phút, sau đó sử dụng các chấn động để biến thi thể thành bụi.

Chôn cất tạo rừng cây

Các phương pháp đơn giản hơn, ví dụ như chôn trực tiếp các thi thể vào quan tài hay cuốn bằng vải niệm tự nhiên (làm từ vật liệu thực vật) sẽ mất thời gian lâu hơn để phân huỷ nhưng là cách hữu hiệu để phân huỷ an toàn các chất hữu cơ. Giải pháp này đã trở nên phổ biến ở Anh nhờ tính chất thân thiện với môi trường. Những khu chôn cất tạo rừng cây này cho phép chúng ta quên đi lăng tẩm và bia mộ, và cho phép bảo tồn các vùng đất rộng và thay thế các phần mộ đã quy hoạch ở các nghĩa trang bằng các khu bảo tồn hoang dã.

Trở thành một cái cây

Nếu hoả thiêu là không tránh khỏi, vẫn có cách để biến tro cốt thành thứ gì đó hữu ích với môi trường: đó là đặt phần tro vào trong các bình phân rã sinh học đã chứa hạt giống cây và dinh dưỡng cần thiết để nảy mầm để chuyển hoá các tro này thành nguồn trung tính các-bon sau khi chôn cất.

Đối với những người muốn giữ hài cốt của người thân gần gũi và di động, họ có thể đặt bình phân rã sinh học vào một “lồng ươm cây,” cần có một máy trồng chứa hạt giống và sau cùng là cây, cách này sẽ xoá bỏ nhu cầu cần đất chôn.

Rào cản văn hoá

Yếu tố văn hoá vẫn là rào cản đối với hoả thiêu ở châu Á. Bởi vì việc thờ phụng tổ tiên là vấn đề quan trọng trong nhiều nền văn hoá Đông Á, việc thi hài người già được bảo quản như thế nào là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, thậm chí là bất khả xâm phạm.

Nhiều người Trung Quốc đi theo đạo Khổng, mà theo đạo này, để linh hồn người mất được yên nghỉ, thi hài của người quá cố phải được chôn nguyên vẹn trong một quan tài vững chắc (gỗ cứng hoặc thép) để bảo quản mãi mãi, không bị phá hoại.

Do đó, ý tưởng để thi hài nằm hài hoà, tiếp xúc với đất và tự nhiên là hoàn toàn trái ngược với ý niệm này. Điều này cũng giải thích tại sao nhiều gia đình muốn lưu giữ phần tro sau khi hoả thiêu trong các nhà để tro thay vì rải ra biển hay chôn vào cây, bởi vì theo các cách này tro cốt không thể lấy lại.

Nhiều người cũng xem việc giữ gìn phần mộ tổ tiên là đặc điểm quan trọng của bản sắc Trung Quốc, họ sử dụng những ý nghĩa mang tính biểu tượng của bia mộ tại nơi an nghỉ của tổ tiên như một cách để thể hiện lòng kính trọng, cùng với việc thường xuyên chăm non, sửa sang các phần mộ này.

Do đó, các phần mộ không có bia và không có sự chăm nom, coi sóc được coi là một điều hổ thẹn cho vong linh tổ tiên.

Tuy nhiên, có lẽ vẫn có hy vọng

Hoả thiêu có thể đi ngược lại một số tín ngưỡng, nhưng sự gia tăng nhanh chóng của hình thức này có thể được giải thích bằng sự khuyến khích hiệu quả của chính phủ (đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc).

Chủ nghĩa thực dụng cũng có thể là một yếu tố của sự thay đổi: giá cả một phần mộ trong nghĩa trang tăng lên ngoài tầm với của những người có thu nhập trung bình, dẫn đến việc nhiều người đặt vấn đề chi phí lên trên tín ngưỡng.

Có vẻ là bất chấp một người có thể bị đánh giá như thế nào dưới góc độ tín ngưỡng hay văn hoá, có khả năng là sự ràng buộc vào các yếu tố này này biến đổi với sự thúc đẩy của những yếu tố bên ngoài, ví dụ như chính quyền.

Điều đó cũng chứng minh rằng ngay cả tục lệ hàng nghìn năm văn hoá cũng có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của dân số, ngay khi người ta nhận ra rằng nhu cầu của họ và của hành tinh này trùng nhau hơn bao giờ hết.

Theo CVDVN.NET

Tags: , ,