Tchaikovsky và những giai điệu thần tiên của vở ballet Kẹp hạt dẻ

Không cần gắn với ballet, bản thân âm nhạc của Kẹp hạt dẻ cũng đã chứa đựng những giá trị vô cùng to lớn về mặt nghệ thuật.

Tchaikovsky và những giai điệp thần tiên của vở ballet Kẹp hạt dẻ

Tác giả: Peter Ilyich Tchaikovsky.

Tác phẩm: Kẹp hạt dẻ, Op. 71

Thời gian sáng tác: Năm 1892.

Công diễn lần đầu: Công diễn lần đầu tại Mariinsky Theatre, Saint Petersburg dưới sự chỉ huy của Riccardo Drigo vào ngày 18/12/1892.

Độ dài: Khoảng hơn 80 phút.

Thành phần dàn nhạc: 3 flute (flute 2 và 3 kiêm piccolo), 2 oboe, English horn, 2 clarinet, bass clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, snare drum, bass drum, cymbals, triangle, tambourine, castanets, tam-tam, glockenspiel, celesta, 2 harp, dàn dây. Ngoài ra còn một nhóm “nhạc cụ đồ chơi”: rattle, trumpet, drum, cuckoo, quail, cymbals và rifle và một dàn hợp xướng thiếu nhi.

Sau kỉ nguyên vàng thời kỳ Baroque cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 tại Pháp (vua Louis XIV, vị vua Mặt trời, là một người rất yêu thích khiêu vũ), âm nhạc dành cho ballet lâm vào một thời kỳ suy thoái kéo dài cả về danh tiếng và chất lượng. Chỉ đến thế kỷ 19, với sự xuất hiện của nhà soạn nhạc người Pháp Léo Delibes, ballet mới đạt được một số thành tựu đáng coi trọng như các vở Coppélia hay Sylvia. Và chắc hẳn người Pháp sẽ biết ơn Tchaikovsky vì nhà soạn nhạc người Nga này đã tiếp bước Delibes, đưa âm nhạc ballet lên một tầm cao mới. Tchaikovsky rất yêu thích ballet. Thậm chí đã có người buộc tội ông “viết những bản giao hưởng quá ballet và những bản ballet quá giao hưởng”, như thể đó là một điều tồi tệ. Về phần mình, Tchaikovsky hoàn toàn không hiểu “tại sao âm nhạc ballet đầy biểu cảm lại bị phản đối” – ông coi ballet là một môn nghệ thuật ngang hàng với những loại hình nghệ thuật khác. Và các tác phẩm âm nhạc dành cho ballet của Tchaikovsky, trong đó có Kẹp hạt dẻ (Nutcracker), luôn là những tác phẩm được yêu thích nhất của thể loại này và thường xuyên được vang lên với tư cách âm nhạc cho ballet hay là tác phẩm độc lập.

Sau thành công của vở ballet Người đẹp ngủ vào năm 1890, cuối năm đó, Ivan Vsevolozhsky, giám đốc của Imperial Theatre đã đặt hàng Tchaikovsky một chương trình đúp (gồm một vở ballet và một vở opera), nhà soạn nhạc đã nhận lời. Vở opera là Iolanta còn với vở ballet, Tchaikovsky tiếp tục cộng tác với người viết kịch bản của Người đẹp ngủ, Marius Petipa. Kịch bản mà Petipa lựa chọn là Kẹp hạt dẻ dựa trên câu chuyện cổ tích năm 1816 Nussknacker und Mausekönig (Kẹp hạt dẻ và Vua chuột) của E.T.A Hoffmann qua một câu chuyện kể lại bằng tiếng Pháp của Alexandre Dumas cha (Câu chuyện về một chiếc kẹp hạt dẻ). Câu chuyện ban đầu hài hước và tinh tế dành cho trẻ em, đồng thời đưa ra những ám chỉ mỉa mai mà có lẽ chỉ người lớn mới hiểu được.

Trong lần kết hợp giữa Tchaikovsky với Petipa này, mọi việc lại diễn ra không được suôn sẻ. Tchaikovsky rất không hài lòng với những hạn chế của kịch bản, mà ông nhận được những ý tưởng đầu tiên vào ngày 5/2/1891. So với tác phẩm gốc, câu chuyện đã mất đi tính bí ẩn của nó. Cốt truyện cũng trở nên vô cùng lỏng lẻo và lệch lạc: màn I mang đến tất cả hành động của một bữa tiệc Giáng sinh và trận chiến với Vua chuột; trong khi màn II thuần tuý là một đống bánh kẹo với rất ít ý nghĩa kịch tính thật sự. Điều này được thể hiện trong một bức thư Vsevolozhsky gửi cho Tchaikovsky vào ngày 21/8/1891: “Tôi đã hối hận vì đã đề nghị anh sáng tác vở ballet này. Tôi biết rằng điều này không hấp dẫn anh. Anh có một tâm hồn đặc biệt nhân hậu vì đã không từ chối tôi”. Một trong những lý do khiến nhà soạn nhạc đồng ý với kịch bản của vở ballet này là sự qua đời của người em gái Aleksandra Davydova “Sasha” mà ông rất yêu mến vào ngày 9/4/1891. Sau đó, ông phải lên đường đến Mỹ nhân dịp khai trương Carnegie Hall. Trong chuyến đi này, Tchaikovsky đã hồi tưởng về thời thơ ấu của họ, chắc hẳn có một sự liên kết giữa Sasha và nàng tiên Sugar Plum Fairy. Vương quốc Kẹo ngọt – một Utopia của trẻ em – chính là ngôi nhà thuở nhỏ của gia đình Tchaikovsky, nơi đã từng mang lại cho anh em ông những tháng ngày hạnh phúc.

Buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm diễn ra tại Mariinsky Theatre, Saint Petersburg dưới sự chỉ huy của Riccardo Drigo, biên đạo múa là Petipa và Lev Ivanov, vào ngày 18/12/1892 đã không thành công. Vũ đạo của tác phẩm và một số diễn viên múa bị chê bai thậm tệ. Kịch bản cũng nhận nhiều lời chỉ trích vì không trung thành với tác phẩm gốc. Mặc dù cũng có một số lời chê bai nhưng khá nhiều nhà phê bình đã dành cho âm nhạc của Tchaikovsky những lời khen ngợi: “một sự phong phú đáng kinh ngạc về cảm hứng chi tiết” và “từ đầu đến cuối, đẹp, du dương, độc đáo và đặc trưng”.

Trung tâm dẫn đến sự thành công trong âm nhạc của Kẹp hạt dẻ là sự rực rỡ và cách sử dụng khéo léo các nhạc cụ tạo nên màu sắc đa dạng cho tác phẩm, thể hiện một trí tưởng tượng đáng kinh ngạc, đồng thời nhà soạn nhạc đã triển khai táo bạo hoà thanh để có những hiệu ứng hết sức ấn tượng. Âm nhạc của vở ballet được xây dựng xung quanh hai giọng: Si giáng trưởng (Overture) và Mi trưởng (sự xuất hiện của vương quốc Kẹo ngọt). Về mặt âm nhạc, chúng hoàn toàn đối lập – như màu vàng và tím trong bánh xe màu sắc – cho phép Tchaikovsky tạo nên sự tương phản giữa thực tại và trí tưởng tượng. Tchaikovsky còn sử dụng nhạc cụ để xác định danh tính nhân vật. Chẳng hạn, khi Drosselmeyer xuất hiện, một phần đệm kỳ lạ nhưng hiệu quả với sự kết hợp của tuba, trombone, horn chơi tắt tiếng đầy hung hãn và viola. Hình ảnh của nhân vật này sẽ hiện ra ngay trong tâm trí: “nghiêm túc, có phần đáng sợ và sau đó hài hước”. Và còn ấn tượng hơn là sự liên kết giữa celesta và Sugar Plum Fairy, được bắt đầu ở đầu màn II. Celesta là một nhạc cụ rất mới mẻ vào thời điểm đó. Tchaikovsky đã bị âm thanh của nó mê hoặc khi ông nghe nó lần đầu ở Paris. Ông đã quyết định vận chuyển một chiếc về Saint Petersburg và gây ngạc nhiên cho khán giả cũng như những người đồng nghiệp. Sự xuất hiện của celesta đã tạo nên sự chắt lọc của những hiệu ứng tinh tế, màu sắc kỳ lạ và chất trữ tình khiến Kẹp hạt dẻ có vẻ đẹp đặc trưng không thể cưỡng lại được. Sự phối khí của Kẹp hạt dẻ không bao giờ kém phần kỳ diệu – không chỉ kỳ diệu về hiệu ứng mà còn cả về sự kịch tính. Mỗi khi kịch bản đề cập đến một hiện tượng siêu nhiên hoặc phi thường, Tchaikovsky lại làm một điều gì đó đặc biệt trong dàn nhạc. Ví dụ trong cảnh Lâu đài Phép thuật ở màn II quyến rũ với tiếng flute bay bướm với những nét lướt gợn sóng của harp và celesta. Ở cảnh tiếp theo, khi miêu tả một đài phun nước màu hồng, Tchaikovsky đã tạo ra âm thanh theo từng lớp đầy sự ngọt ngào với kỹ thuật frulato của flute.

Phần âm nhạc cho vở ballet được nhà xuất bản quen thuộc của Tchaikovsky Pyotr Jurgenson, xuất bản năm 1892. Nếu như kịch bản của Petipa gồm 2 màn thì Tchaikovsky chia phần âm nhạc ra thành một overture và 3 hoạt cảnh (gồm 15 trích đoạn: hoạt cảnh một: trích đoạn 1-7; hoạt cảnh hai: 8-9 và hoạt cảnh ba: 10-15). Trong đó hai hoạt cảnh đầu tương ứng với màn I còn hoạt cảnh cuối cùng là màn II trong kịch bản.

Sau khúc Overture nhẹ nhàng và khá đặc biệt (không có sự xuất hiện của bè cello và double bass), tấm màn nhung được kéo lên, bắt đầu màn I, cảnh 1.

Đó là đêm Giáng sinh tại nhà của vợ chồng thị trưởng thị trấn Silberhaus và các con của ông, Clara và Fritz. Đôi vợ chồng đang trang trí cây thông Noel. Đúng 9 giờ tối, được thông báo trên chiếc đồng hồ có con cú vỗ cánh mỗi lần có tiếng chuông, lũ trẻ với bạn của chúng lao vào phòng – một tiếng oboe “kinh hoàng” trên nền hợp âm rải của harp và dàn dây chơi tremolo.

Tất cả tham gia vào một cuộc diễu hành sống động xung quanh phòng, trước khi cùng nhau nhảy một điệu galop. Trong trích đoạn này, vở opera Carmen của Bizet (cụ thể là trích đoạn hợp xướng những cậu bé đường phố trong màn I), một tác phẩm mà Tchaikovsky vô cùng ngưỡng mộ, đã ảnh hưởng lớn đến ông.

Cha mẹ của những đứa trẻ kia xuất hiện trong trang phục Incroyables và Merveilleuses của Cách mạng Pháp. Sau một điệu minuet trang trọng, họ nhảy theo bài hát Pháp Bon voyage, M. Dumollet.

Drosselmeyer, cha đỡ đầu của Clara xuất hiện. Âm nhạc trở nên kịch tính và đầy hấp dẫn. Ông ta hơi đáng sợ và khá bí ẩn nhưng không khí nhẹ nhàng hơn khi Drosselmeyer mở hộp quà tặng của mình ra, phân phát quà cho lũ trẻ. Clara được một chiếc kẹp hạt dẻ lớn nhưng Fritz lại cứ muốn chơi với nó.

Fritz cố gắng dùng chiếc kẹp hạt dẻ để kẹp vỡ một quả hạch to, nỗ lực này khiến chiếc kẹp bị vỡ. Clara nhặt lại chiếc kẹp, ôm nó vào lòng và hát ru nó trong khi các chú bé khác thì trêu chọc cô. Đã muộn, mọi người phải ra về. Theo truyền thống, điệu nhảy Ông ngoại (Grossvatertanz) vang lên, đó là một điệu nhảy của Đức. Ta có thể nghe thấy một vài nét giai điệu trong đoạn cuối tác phẩm Papillons của Schumann.

Lũ trẻ đã nằm trên giường, Clara không được phép mang kẹp hạt dẻ theo. Cô bé chạy xuống phòng khách để lấy trộm nó lên phòng. Âm nhạc đầy ấn tượng, một khúc nocturne với tiếng English horn độc tấu – và rồi khi tiếng triangle bất ngờ vang lên, báo hiệu đúng nửa đêm. Cây thông Noel lớn dần lên, phần phối khí của dàn nhạc trở nên nhiều màu sắc và đầy đặn hơn.

Lũ chuột dưới sự dẫn dắt của Vua chuột bỗng nhiên xuất hiện từ mọi ngóc ngách, cuộc chiến nổ ra. Những con búp bê hồi sinh, những chàng lính bánh gừng còn sót lại sau bữa tiệc trà cùng chống cự mạnh mẽ, nhưng lũ chuột vẫn áp đảo. Như trong overture 1812, Tchaikovsky đã tạo ra một cuộc chiến tranh âm nhạc giữa hai bộ chủ đề: tiếng kèn lệnh ở âm vực cao và tiếng timpani cuộn lên đại diện cho đội quân đồ chơi còn những âm thanh đáng lo ngại đại diện cho lũ chuột. Clara sợ hãi muốn chạy trốn nhưng đôi chân không tuân theo mệnh lệnh của cô bé. Kẹp hạt dẻ triệu hồi sức mạnh của mình, chiến đấu với Vua chuột. Khi Kẹp hạt dẻ có nguy cơ bị đánh bại, Clara đã ném một chiếc dép của mình và giết chết Vua chuột. Kẹp hạt dẻ biến thành một chàng hoàng từ đẹp trai.

Clara và Hoàng tử bước tới cây thông Noel và căn phòng biến thành khu rừng Vân sam trong mùa đông, họ đã tới quê hương của Hoàng tử. Đây cũng là lúc bước vào hoạt cảnh 2, tương đương với màn I, cảnh 2 trong kịch bản. Khu rừng tràn ngập ánh sao. Sự chuyển đổi này cũng là một cao trào trong tác phẩm. Những hợp âm rải trên hai đàn harp là nền đệm cho một giai điệu dạt dào.

Điệu Waltz của những bông tuyết có thể là một cái tên gây hiểu nhầm. Hoàng tử hộ tống Clara đến vương quốc của mình không phải qua những bông tuyết mà là cả một trận bão tuyết. Trong trích đoạn này, Tchaikovsky đã giới thiệu một màu sắc mới cho tác phẩm khi có sự xuất hiện của một dàn hợp xướng thiếu nhi.

Màn II và cũng là hoạt cảnh cuối cùng. Tại vương quốc Kẹo ngọt, âm nhạc vang lên huy hoàng, nàng tiên Sugar Plum Fairy, nữ hoàng của vương quốc ca ngợi lòng dũng cảm của Clara và Hoàng tử Kẹp hạt dẻ.

Âm nhạc giàu màu sắc của một điệu baccarole, những nét lướt gợn sóng của harp và celesta đưa Clara và Hoàng tử tới Lâu đài Phép thuật, âm nhạc ngọt ngào không gì sánh được.

Hoàng tử thuật lại trận chiến với vua Chuột, tạo điều kiện cho Tchaikovsky tái hiện lại một số chủ đề chiến đấu xuất hiện trong màn I.

Màn tường thuật kết thúc, một bữa tiệc thịnh soạn của những điệu nhảy bắt đầu. Một chuỗi các điệu nhảy của các nhân vật, mỗi loại bánh kẹo, đồ uống gắn với một quốc gia khác nhau:

Sô cô la mang đến một điệu nhảy Tây Ban Nha với màn độc tấu trumpet rực rỡ. Cà phê, hiển nhiên là một điệu múa Ả Rập, trên thực tế thứ âm nhạc phương Đông đầy bay bổng này được dựa trên một bài hát ru của người Georgia. Trà Trung Hoa xuất hiện thoáng qua với những tiếng chuông ngân vang và flute thánh thót. Những chiếc kẹo ngọt thể hiện Trepak, một điệu nhảy dân gian Nga rất sống động và dần dần tăng tốc. Những chiếc bánh Mirliton Pháp xuất hiện rất trang nhã trong một trio của flute được tô điểm với một giai điệu đầy thấm thía của English horn. Mẹ Gừng, người phụ nữ già sống trong một chiếc giày, đến cùng với những đứa con của mình Polichinelle trên một giai điệu được dựa trên một bài hát Pháp khác Cadet Rousselle.

Điệu Waltz của những đoá hoa là điệu waltz nổi tiếng nhất của Tchaikovsky. Sân khấu được lấp đầy với toàn bộ diễn viên và tràn ngập những đoá hoa. Một điệu nhạc tràn đầy sự duyên dáng và hấp dẫn.

Pas de deux có là bản nhạc hay nhất trong toàn bộ vở ballet mà là một trong những tuyệt tác của Tchaikovsky. Âm nhạc cao quý, sang trọng, đầy rung động và da diết. Mở đầu bằng bè cello chơi một giai điệu đơn giản là thang âm giảm dần. Giai điệu tưởng như hết sức bình thường này hoá ra lại có nguồn gốc từ nghi thức tang lễ của đạo Chính thống Nga “Và hãy yên nghỉ cùng với các vị thánh”. Chắc hẳn Tchaikovsky sáng tác trích đoạn này với hình người người em gái yêu quý “Sasha” trong tâm trí. Giai điệu này được lặp đi lặp lại như một lời cầu nguyện với cường độ ngày càng tăng, đẩy tới một cao trào đầy xúc động.

Tiếp theo đó là một điệu Tarantella đầy sức sống thoáng qua và rồi đến khoảnh khắc trọng đại của celesta, Vũ điệu của Sugar Plum Fairy. Kết thúc Pas de deux là một coda cho cả 2 vũ công thể hiện rất nhiều động tác pirouette (xoay tròn nhiều vòng trên đầu ngón chân).

Kết thúc tác phẩm lại là một điệu waltz hân hoan nữa. Có lẽ nó không trang nhã như Điệu waltz của những đoá hoa nhưng không hề thiếu đi sự tươi vui, hồ hởi. Và trong màn tán dương này, cùng điệu bacarolle đã vẫy gọi chúng ta đến với vương quốc Kẹo ngọt nay lại đưa chúng ta trở về với thế giới thực tại, khép lại tác phẩm. Về tổng thể, màn II như một hoài niệm về quá khứ của chính Tchaikovsky với những thú vui thời thơ ấu và ký ức về người em gái yêu quý của mình. Ông đã thêm một tầng ẩn ý của cá nhân mình vào kịch bản vốn khá hời hợt.

Biên đạo múa lừng danh George Balanchine từng nói: “Khiêu vũ là âm nhạc có thể nhìn thấy được”. Và có lẽ cũng đúng theo chiều ngược lại: “Âm nhạc là khiêu vũ có thể nhìn thấy được”. Bản thân Tchaikovsky cũng lựa chọn 8 trích đoạn trong tác phẩm của mình để tạo thành Tổ khúc Kẹp hạt dẻ, Op. 71a, dùng để biểu diễn trong phòng hoà nhạc. Bên cạnh đó, Pas de deux cũng thường vang lên tại các phòng hoà nhạc như là một trong những tuyệt tác của Tchaikovsky. Không cần gắn với ballet, bản thân âm nhạc của Kẹp hạt dẻ cũng đã chứa đựng những giá trị vô cùng to lớn về mặt nghệ thuật.

Theo NGỌC TÚ / NHACCODIEN.INFO

Tags: , , ,