Tầm nhìn lớn của Putin qua Diễn văn Munich 2007

Giới nghiên cứu quốc tế vẫn thường nhắc lại bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị an ninh Munich năm 2007. Sau 5 năm, rồi 10 năm và hơn thế, người ta nhìn lại và nhận ra rằng những cảnh báo của ông rất đúng.

Tầm nhìn lớn của Putin qua Diễn văn Munich 2007

Ngày 10/2/2007, tại Hội nghị quốc tế Muních lần thứ 43 về các vấn đề chính trị và an ninh, Tổng thống Nga V. Putin là một trong những diễn giả chủ chốt. Ông Putin đã trình bày quan điểm của Nga về các vấn đề an ninh toàn cầu, sau đó trả lời hàng loạt câu hỏi của các bộ trưởng, nghị sĩ và nhà báo nhiều nước tham dự hội nghị.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Tổng thống V. Putin (bản dịch của TTXVN ngày 11/2/2007).

Xin cảm ơn bà Thủ tướng CHLB Đức kính mến! Xin cảm ơn ngài Horst Tetschik, chủ tịch hội nghị! Thưa quý bà, quý ông!

Tôi chân thành biết ơn về lời mời tham dự một Hội nghị tầm cỡ như thế này, một diễn đàn có mặt các chính khách, các nhà quân sự, nhà kinh doanh và chuyên gia của hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Cơ chế hội nghị giúp tôi đỡ phải gò vào một khuôn khổ chính trị “chính thống quá mức” và đỡ phải dùng những lời lẽ khuôn sáo ngoại giao tròn trịa, êm tai nhưng trống rỗng. Cơ chế hội nghị cho phép nói ra những điều mà tôi thật sự trăn trở về các vấn đề an ninh quốc tế. Nếu các bạn cảm thấy những nhận xét của tôi mang tính chất tranh luận quá gay gắt, hoặc chưa được chính xác, thì tôi cũng mong mọi người lượng thứ cho, vì đây chỉ là một cuộc hội nghị. Tôi cũng hy vọng là khi mới phát biểu được đôi ba phút thì sẽ không bị ngài Horst Tetschik bật “đèn đỏ”.

Mọi người đều biết, an ninh quốc tế là một phạm trù rộng hơn nhiều các vấn đề ổn định chính trị – quân sự. Đó là sự ổn định của nền kinh tế thế giới, là việc khắc phục tình trạng nghèo khổ, là an ninh kinh tế và phát triển đối thoại giữa các nền văn minh.

Tính chất tổng thể đồng bộ, không thể chia tách của an ninh cũng được thể hiện trong nguyên tắc cơ bản của nó: “An ninh cho mỗi người là an ninh của mọi người”. Như Franklin D. Roosevelt đã nói trong những ngày đầu vừa bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ hai: “Khi hòa bình ở bất kỳ một nơi nào bị phá vỡ thì hòa bình của tất cả các nước ở khắp nơi đều bị đe dọa”. (As Franklin D. Roosevelt said during the first few days that the Second World War was breaking out: “When peace has been broken anywhere, the peace of all countries everywhere is in danger”).

Câu nói đó hiện vẫn có tính thời sự. Và điều đó cũng được thể hiện qua chủ đề của hội nghị của chúng ta – “Những cuộc khủng hoảng toàn cầu – trách nhiệm toàn cầu”.

Chỉ cách đây hai thập niên thế giới vẫn còn bị phân chia về ý thức hệ và về kinh tế, còn nền an ninh thế giới thì được bảo đảm bằng tiềm lực chiến lược đồ sộ của hai siêu cường.

Sự đối đầu toàn diện đã đẩy các vấn đề kinh tế và xã hội hết sức gay gắt ra ngoài rìa quan hệ quốc tế, ra khỏi chương trình nghị sự. Cũng giống như bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, nếu nói một cách hình ảnh thì “chiến tranh lạnh” đã để lại cho chúng ta “những quả đạn pháo chưa nổ”. Đó là những khuôn mẫu ý thức hệ, những tiêu chuẩn kép và những thói quen khác của lối tư duy theo các khối.

Sau “chiến tranh lạnh”, mô hình thế giới đơn cực cũng không đứng vững.

Trong lịch sử loài người dĩ nhiên đã có những thời kỳ đơn cực và đã có những mưu toan bá chủ thế giới. Lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều chuyện.

Song, thế giới đơn cực là gì? Cho dù người ta đã tìm mọi cách tô vẽ thuật ngữ đó, nói cho cùng trên thực tế chỉ có một nghĩa – đó là một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh, một trung tâm thông qua quyết định.

Đó là thế giới của một chủ nhân, của một vị toàn quyền. Rốt cuộc, điều đó không chỉ tai hại cho tất cả những ai ở trong khuôn khổ hệ thống đó mà còn tai hại cho chính vị toàn quyền, bởi vì nó hủy hoại thực thể toàn quyền đó từ bên trong.

Và tất nhiên điều đó chẳng có gì tương đồng với dân chủ. Bởi vì dân chủ, như chúng ta biết, là quyền lực của đa số nhưng có tính đến quyền lợi và ý kiến của thiểu số.

Cũng xin nói thêm, người ta thường xuyên lên lớp cho chúng tôi, cho nước Nga, về dân chủ. Nhưng chẳng rõ vì sao chính những người dạy chúng tôi lại không muốn học hành.

Tôi cho rằng mô hình đơn cực không những không thể chấp nhận mà nói chung là không khả thi đối với thế giới ngày nay. Không chỉ vì trong thế giới ngày nay – xin nhấn mạnh trong thế giới ngày nay – một nước nắm quyền bá chủ sẽ không có đủ nguồn lực chính trị – quân sự và kinh tế. Quan trọng hơn là chính mô hình đó không hiệu quả bởi vì trong nền móng của nó không và không thể có cơ sở đạo lý cho nền văn minh hiện đại.

Nhưng chính toàn bộ những gì đang diễn ra trên thế giới, mà lúc này chúng ta bắt đầu thảo luận, đều là hậu quả của những mưu toan áp đặt quan niệm đó vào các công việc quốc tế – quan niệm thế giới đơn cực.

Kết quả thế nào?

Những hành động đơn phương và thường là không hợp pháp đã không giải quyết được một vấn đề nào. Không những thế, những hành động đó gây ra những thảm kịch mới đối với loài người và tạo ra những lò lửa căng thẳng. Chúng ta đều thấy chiến tranh, xung đột cục bộ và xung đột khu vực không giảm bớt. Ngài Horst Tetschik chủ tịch Hội nghị đã nhắc qua về chuyện này. Số người chết trong những cuộc xung đột đó không ít hơn, thậm chí còn nhiều hơn trước đây. Nhiều hơn hẳn, nhiều hơn hẳn!

Chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng sức mạnh một cách bừa bãi và ồ ạt trong các công việc quốc tế. Đó là sức mạnh quân sự, nó đẩy thế giới vào cái vòng xung đột triền miên. Rốt cuộc không đủ lực lượng để giải quyết đồng bộ bất kỳ một cuộc xung đột nào. Việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho những cuộc xung đột đó cũng không thể thực hiện được.

Chúng ta đang chứng kiến tình trạng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế ngày càng bị phớt lờ. Hơn thế nữa, một số tiêu chuẩn, thậm chí hầu như toàn bộ hệ thống luật pháp của một nước, tất nhiên trước hết đó là Mỹ, đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và áp đặt cho những nước khác trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, nhân văn. Xin hỏi, ai thích thú điều đó? Ai hài lòng với điều đó?

Trong các công việc quốc tế ngày càng thấy rõ những mưu toan giải quyết vấn đề này hay vấn đề khác theo cái gọi là sự hợp lý về chính trị căn cứ trên những tính toán chính trị nhất thời.

Hiển nhiên đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Tình hình đã đến mức không ai cảm thấy an toàn nữa. Tôi muốn nhấn mạnh: không ai cảm thấy được an toàn nữa! Bởi vì không ai còn có thể nấp dưới sự bảo hộ của pháp luật quốc tế như là nấp sau một bức tường đá nữa. Tất nhiên, thực trạng đó kích thích cuộc chạy đua vũ trang.

Sự ngự trị nhân tố sức mạnh tất yếu thúc đẩy một số nước tìm cách có vũ khí hủy diệt. Nghiêm trọng hơn, đã xuất hiện những mối đe dọa hoàn toàn mới mà trước đây chưa hề có nhưng nay đã mang tính chất toàn cầu, như chủ nghĩa khủng bố.

Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về toàn bộ cơ cấu an ninh toàn cầu. Trong vấn đề này, chúng ta cần bàn rộng thêm về việc tìm kiếm một sự cân bằng hợp lý lợi ích của tất cả các chủ thể quan hệ quốc tế. Đặc biệt là vào lúc này, khi “diện mạo quốc tế” đang thay đổi rất rõ rệt và rất nhanh chóng – thay đổi do sự phát triển năng động của một loạt nước và khu vực.

Bà Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức đã đề cập điều đó. Giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ và Trung Quốc gộp lại xét về sức mua hiện đã lớn hơn của Mỹ. Còn GDP tính theo phương thức đó của nhóm BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã vượt quá tổng GDP của Liên minh châu Âu (EU). Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tương lai không xa sự cách biệt đó càng gia tăng.

Chắc chắn tiềm lực kinh tế của những trung tâm tăng trưởng mới của thế giới sẽ được chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị và sẽ củng cố tính chất đa cực của thế giới.

Trong bối cảnh đó, vai trò của ngoại giao đa phương được nâng cao rõ rệt. Tính công khai, minh bạch và tính chất dự báo được trước trong chính trị là tất yếu, còn việc sử dụng vũ lực phải được coi là một biện pháp hết sức hạn hữu, cũng giống như việc áp dụng án tử hình trong hệ thống luật pháp của một số nước.

Nhưng hiện nay chúng ta đang chứng kiến những điều trái ngược, khi những nước đã cấm áp dụng án tử hình đối với cả những kẻ giết người và những tên tội phạm nguy hiểm lại dễ dàng tham gia các chiến dịch quân sự khó có thể coi là hợp pháp. Mà những cuộc xung đột đó làm cho hàng trăm, hàng nghìn dân thường bị chết!

Đồng thời cũng nẩy sinh một câu hỏi khác: lẽ nào chúng ta có thể thờ ơ và bỏ qua những cuộc xung đột nội bộ ở một số nước, bỏ qua những hành động của các chế độ độc tài, bạo chúa, làm ngơ trước việc phổ biến vũ khí hủy diệt? Thật ra, đó là cốt lõi câu hỏi mà ngài Liberman nêu ra cho bà Thủ tướng CHLB Đức. Đó là một câu hỏi rất nghiêm túc! Liệu chúng ta có thể thờ ơ trước những gì đang xẩy ra hay không? Tôi cũng xin được trả lời câu hỏi của ngài Liberman. Dĩ nhiên chúng ta không thể thờ ơ. Tất nhiên là không.

Nhưng liệu chúng ta có phương tiện để chống lại những mối đe dọa đó không? Tất nhiên là có. Chỉ cần nhớ lại câu chuyện cách đây không lâu. Ở đất nước chúng tôi đã có sự chuyển biến dân chủ trong hòa bình. Chế độ xô-viết đã chuyển biến hòa bình – một sự chuyển biến trong hòa bình! Chuyển biến được một chế độ như thế! Bao nhiêu là vũ khí, gồm cả vũ khí hạt nhân! Tại sao hiện nay hễ có cơ hội là người ta ném bom, bắn phá? Phải chăng, khi không còn nguy cơ hủy diệt lẫn nhau nữa thì chúng ta không đủ văn hóa chính trị, không tôn trọng những giá trị dân chủ, không tôn trọng luật pháp?

Tôi cho rằng Hiến chương Liên hợp quốc là cơ chế duy nhất để có thể thông qua quyết định sử dụng sức mạnh quân sự như là một biện pháp cuối cùng. Nhân đây, tôi muốn nói rằng, có thể tôi hiểu không đúng điều ông Bộ trưởng Quốc phòng Italia nói gần đây, hoặc có thể ông ta diễn đạt không chính xác. Ít ra thì tôi cũng nghe nói rằng, quyết định sử dụng vũ lực chỉ được coi là hợp pháp khi nó được NATO hoặc EU, hoặc Liên hợp quốc thông qua. Nếu ông Bộ trưởng Italia quan niệm như vậy thì giữa chúng tôi và ông ấy có quan điểm khác nhau. Hay là tôi đã nghe nhầm. Chỉ có thể coi biện pháp sử dụng vũ lực là hợp pháp khi quyết định được thông qua trên cơ sở và trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Chớ nên dùng NATO và EU để thay thế Liên hợp quốc. Khi Liên hợp quốc thật sự tập hợp được sức mạnh của cộng đồng quốc tế để phản ứng một cách hữu hiệu đối với những sự kiện ở một số nước nào đó, khi chúng ta loại bỏ được tình trạng coi thường luật pháp quốc tế thì lúc đó tình hình có thể thay đổi. Không làm được như thế thì chỉ đi vào ngõ cụt và phạm phải nhiều sai lầm tai hại hơn. Hiển nhiên phải làm sao để luật pháp quốc tế có tính chất phổ quát cả trong khái niệm cũng như trong việc áp dụng các tiêu chuẩn của nó.

Không được quên rằng, phong cách hành động dân chủ trong chính trị nhất thiết đòi hỏi phải tiến hành bàn bạc và tìm kiếm các giải pháp một cách kỹ lưỡng.

Thưa quý bà, quý ông kính mến!

Tình trạng đình trệ rõ ràng trong lĩnh vực giải trừ quân bị cũng là một nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn các mối quan hệ quốc tế.

Nga ủng hộ việc nối lại đối thoại về vấn đề thiết yếu này.

Điều quan trọng là phải duy trì sự ổn định của cơ sở pháp luật quốc tế về giải trừ quân bị, trong đó phải bảo đảm tính kế thừa của tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Chúng tôi đã thỏa thuận với Mỹ về việc cắt giảm tên lửa hạt nhân chiến lược của chúng tôi xuống còn 1700 – 2200 đầu đạn hạt nhân trước ngày 31/12/2012. Nga quyết tâm thực hiện triệt để những cam kết của mình. Chúng tôi cũng hy vọng các đối tác của chúng tôi sẽ hành động minh bạch như vậy và sẽ không cất vào đâu đó, phòng ngừa “cho một ngày xấu trời nào đó”, đôi ba trăm đầu đạn hạt nhân dư thừa. Nếu hôm nay tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có mặt tại Hội nghị này tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cất giấu những đầu đạn dư thừa trong các kho vũ khí, hay che đậy ở đâu đó, thì tôi xin đề nghị tất cả mọi người đứng dậy hoan hô. Tôi nghĩ, nếu có thì đó sẽ là một tuyên bố rất quan trọng.

Nga đang triệt để tuân thủ và quyết tâm tiếp tục tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cơ chế kiểm soát nhiều bên đối với công nghệ tên lửa. Những nguyên tắc nêu ra trong các văn kiện đó có tính chất phổ quát.

Nhân đây tôi muốn nhắc lại rằng, trong những năm 80, Liên Xô và Mỹ đã ký Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn, nhưng văn kiện đó lại không có được tính chất phổ quát.

Hiện nay một loạt nước đã có những loại tên lửa đó – CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakixtan, Ixraen. Nhiều nước khác trên thế giới đang chế tạo những hệ thống đó và có kế hoạch trang bị cho quân đội. Chỉ Mỹ và Nga cam kết không chế tạo những hệ thống vũ khí như vậy.

Rõ ràng, trong điều kiện đó chúng tôi buộc phải suy nghĩ cách thức bảo đảm an ninh cho mình.

Đồng thời, không được để xuất hiện những loại vũ khí hiện đại mới làm cho tình hình bất ổn. Đó là tôi chưa nói đến những biện pháp nhằm chế ngự những lĩnh vực đối đầu mới, đặc biệt là trong vũ trụ. Mọi người đều biết “chiến tranh giữa các vì sao” không còn là chuyện viễn tưởng nữa mà đã là hiện thực. Ngay từ giữa những năm 80 (của Thế kỷ trước) các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi đã thử nghiệm việc đánh chặn vệ tinh.

Theo quan điểm của Nga, quân sự hóa vũ trụ có thể gây ra những hậu quả không lường hết đối với cộng đồng quốc tế – những hậu quả không kém gì việc mở đầu kỷ nguyên hạt nhân. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra các sáng kiến nhằm ngăn chặn việc đưa vũ khí lên vũ trụ.

Hôm nay tôi muốn thông báo với các bạn rằng, chúng tôi đã chuẩn bị một dự thảo Hiệp ước về việc ngăn chặn bố trí vũ khí trong khoảng không vũ trụ. Trong thời gian sắp tới dự thảo đó sẽ được chuyển cho các đối tác với tư cách một đề nghị chính thức. Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận vấn đề đó.

Chúng tôi cũng rất lo ngại về những kế hoạch nhằm triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu. Một vòng chạy đua vũ trang nữa nhất định xẩy ra, và điều đó cần cho ai? Tôi không nghĩ là điều đó cần cho người châu Âu.

Không một nước nào trong số cái gọi là “những nước có vấn đề” đã sở hữu loại tên lửa tầm bắn khoảng 5 – 8 nghìn ki-lô-mét thật sự đe dọa châu Âu. Cả trong tương lai gần cũng chưa xuất hiện loại tên lửa đó. Ngay giả thuyết về một vụ phóng tên lửa, của Bắc Triều Tiên chẳng hạn, nhằm vào lãnh thổ Mỹ mà bay qua Tây Âu thì cũng trái với các định luật đạn đạo. Như người Nga chúng tôi thường nói, chuyện đó cũng trái khoáy giống như việc “bẻ quặt tay phải ra sau lưng để véo vào tai trái”.

Thêm nữa, trong khi có mặt tại Đức, tôi không thể không nói về tình trạng khủng hoảng của Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu.

Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu được ký năm 1999. Nó tính đến một thực tiễn địa chính trị mới là khối Hiệp ước Vácsava bị thủ tiêu. Đã 7 năm trôi qua nhưng chỉ có 4 nước phê chuẩn văn kiện, trong đó có Liên bang Nga.

Các nước NATO công khai tuyên bố rằng họ sẽ không phê chuẩn Hiệp ước, bao gồm cả điều khoản hạn chế việc bố trí những lực lượng vũ trang nhất định ở các cánh, chừng nào Nga chưa rút hết căn cứ của mình ra khỏi Grudia và Mônđôva. Quân đội Nga đang rút khỏi Grudia, rút với nhịp độ được đẩy nhanh. Chúng tôi phối hợp với các đồng nghiệp Grudia đã giải quyết những vấn đề đó, mọi người đều đã biết. Tại Mônđôva còn một lực lượng khoảng 1,5 nghìn quân nhân đang thực hiện chức năng gìn giữ hòa bình và bảo vệ các kho vũ khí còn lại từ thời Liên Xô. Chúng tôi thường xuyên thảo luận với ngài Javier Solana về vấn đề đó, ông ấy biết rõ lập trường của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hành động theo hướng đó.

Nhưng trong khi đó thì việc gì đã diễn ra? Trong khi đó, ở Bungari và Rumani đã xuất hiện cái gọi là những căn cứ tiền tiêu hạng nhẹ của Mỹ, mỗi nơi có tới 5 nghìn binh sĩ. Như vậy, NATO đẩy các lực lượng tiền tiêu tới sát biên giới quốc gia của chúng tôi, còn chúng tôi thì không thể đáp trả những hành động đó vì triệt để tuân thủ Hiệp ước.

Theo tôi, rõ ràng là tiến trình mở rộng khối NATO hoàn toàn không liên quan đến việc hiện đại hóa liên minh này hoặc việc bảo đảm an ninh ở châu Âu. Ngược lại, việc đó thật sự tạo ra một nhân tố làm giảm bớt mức độ tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi thẳng thắn: cuộc mở rộng đó nhằm chống ai? Liệu những cam kết mà các đối tác phương Tây đưa ra sau khi giải thể Hiệp ước Vácsava có còn giá trị gì nữa hay không? Những tuyên bố đó đâu rồi? Thậm chí chẳng còn ai nhớ những tuyên bố đó nữa. Song tôi muốn nhắc lại với cử tọa ở đây một câu. Tôi xin trích dẫn tuyên bố của Tổng thư ký NATO, ngài Woerner, tại Brúcxen ngày 17/5/1990. Lúc đó ông nói : “Bản thân việc chúng tôi không sẵn sàng bố trí quân đội NATO ở ngoài biên giới CHLB Đức đem lại cho Liên Xô những bảo đảm vững chắc về an ninh”. Những bảo đảm đó đâu rồi?

Những viên đá, những tấm bê-tông của bức tường Béclin đã từ lâu được người ta lấy đi làm vật lưu niệm. Nhưng không được quên là bức tường đó sụp đổ cũng nhờ sự lựa chọn có tính lịch sử, bao gồm cả sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi – dân tộc Nga. Sự lựa chọ nghiêng về phía dân chủ và tự do, nghiêng về phía cởi mở và xây dựng quan hệ đối tác chân thành với tất cả các thành viên đại gia đình châu Âu.

Nhưng hiện nay người ta tìm cách áp đặt cho chúng ta những ranh giới phân chia và những bức tường mới – đành rằng đó có thể là những bức tường ảo song vẫn là những bức tường mang tính chất phân biệt, chia cắt lục địa chung của chúng ta. Lẽ nào rồi đây lại cần có nhiều năm và nhiều thập niên, cần thay đổi một vài thế hệ các nhà chính trị để một lần nữa “phá bỏ” và “tháo dỡ” những bức tường mới?

Thưa quý bà, quý ông kính mến!

Chúng tôi cũng dứt khoát ủng hộ việc củng cố cơ chế không phổ biến vũ khí. Cơ sở pháp luật quốc tế hiện hành cho phép chế tạo những công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân để sử dụng vào mục đích hòa bình. Với một cơ sở hoàn toàn hợp pháp, nhiều nước muốn xây dựng ngành năng lượng hạt nhân của mình, làm nền tảng cho sự độc lập về năng lượng. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng những công nghệ đó có thể nhanh chóng được chuyển hóa để làm ra vật liệu sản xuất vũ khí.

Điều đó gây ra sự căng thẳng nghiêm trọng trên trường quốc tế. Một ví dụ rất rõ ràng là những gì liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Nếu cộng đồng quốc tế không đưa ra được một giải pháp sáng suốt cho tình trạng xung đột lợi ích đó thì thế giới sẽ tiếp tục bị chấn động bởi những cuộc khủng hoảng đầy bất ổn, vì không phải chỉ một mình Iran là nước “có vấn đề”, chúng ta đều biết điều đó. Chúng ta sẽ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt.

Năm ngoái Nga đã đưa ra sáng kiến xây dựng các trung tâm đa quốc gia làm giàu urani. Chúng tôi hoàn toàn cởi mở để những trung tâm đó không chỉ được thành lập ở Nga mà ở cả những nước khác – những nước có ngành năng lượng hạt nhân dựa trên một cơ sở hợp pháp. Những quốc gia muốn phát triển ngành năng lượng nguyên tử có thể được cung cấp nhiên liệu một cách chắc chắn thông qua việc trực tiếp tham gia những trung tâm đó, đương nhiên phải đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Những sáng kiến gần đây của Tổng thống Mỹ George W. Bush đều đồng điệu với đề nghị của Nga. Tôi cho rằng Nga và Mỹ về khách quan đều quan tâm như nhau đến việc xiết chặt cơ chế không phổ biến vũ khí hủy diệt và các phương tiện mang loại vũ khí đó. Chính hai nước này là thủ lĩnh về tiềm lực hạt nhân và tên lửa, nên cũng phải là thủ lĩnh trong việc đề ra những biện pháp mới, nghiệt ngã hơn, trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hủy diệt. Nga đã sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi đang tiến hành tham khảo ý kiến với các bạn Mỹ.

Về đại thể, cần phải bàn bạc việc xây dựng cả một hệ thống những đòn bẩy chính trị và những biện pháp kích thích kịnh tế – những biện pháp kích thích để các nước không còn quan tâm xây dựng các cơ sở riêng của mình nhằm sản xuất nhiên liệu hạt nhân nữa nhưng vẫn có khả năng phát triển ngành năng lượng nguyên tử và tăng cường tiềm lực năng lượng của mình.

Nhân đây tôi muốn đề cập sâu hơn về sự hợp tác năng lượng quốc tế. Bà Thủ tướng CHLB Đức cũng đã nhắc đến điều này. Trong lĩnh vực năng lượng, Nga hướng vào việc xây dựng những nguyên tắc thị trường thống nhất đối với tất cả các nước và những điều kiện minh bạch. Rõ ràng, giá năng lượng cần phải do thị trường xác định chứ không phải là một vấn đề đầu cơ chính trị, gây áp lực kinh tế hay dọa dẫm.

Chúng tôi cởi mở, sẵn sàng hợp tác. Các công ty nước ngoài đã tham gia những dự án năng lượng rất lớn của chúng tôi. Theo những số liệu khác nhau, có tới 26% mức khai thác dầu mỏ ở Nga – xin các vị hãy suy nghĩ kỹ về con số 26% – là nhờ vốn đầu tư nước ngoài. Các vị hãy đưa ra cho tôi một ví dụ về sự tham gia ở quy mô tương tự của các doanh nghiệp Nga trong những ngành kinh tế then chốt của các nước phương Tây. Không hề có trường hợp nào như vậy, hoàn toàn không có!

Tôi cũng xin nói về tương quan vốn đầu tư nước ngoài vào Nga và vốn của Nga đầu tư vào những nước khác trên thế giới. Tương quan đó là khoảng 15:1. Đó là bằng chứng rõ ràng về sự mở cửa và sự ổn định của nền kinh tế Nga.

An ninh kinh tế là một lĩnh vực mà tất cả các bên cần phải tuân thủ những nguyên tắc thống nhất. Chúng tôi sẵn sàng tham gia cạnh tranh một cách trung thực.

Kinh tế Nga ngày càng có thêm nhiều khả năng để làm điều đó. Các chuyên gia và các đối tác nước ngoài đã đánh giá khách quan điều đó. Mới đây, điểm xếp hạng của Nga trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) đã tăng lên: từ nhóm rủi ro thứ tư nước chúng tôi đã lên nhóm ba. Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn các đồng nghiệp Đức đã hỗ trợ cho việc thông qua quyết định tôi vừa nêu trên.

Như các vị đã biết, quá trình gia nhập WTO của Nga đã đi đến giai đoạn chót. Xin nói rằng, trong quá trình tiến hành các cuộc thương lượng kéo dài và khó khăn, chúng tôi nhiều lần được nghe về tự do ngôn luận, tự do thương mại, về những cơ hội bình đẳng, nhưng không hiểu vì sao lại chỉ đòi hỏi tự do đối với thị trường Nga của chúng tôi thôi.

Một đề tài quan trọng nữa cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh toàn cầu. Ngày nay người ta nói nhiều đến cuộc đấu tranh chống đói nghèo. Trên thực tế, chuyện gì đang diễn ra ở đây? Một mặt, những nguồn tài chính được dành cho các chương trình viện trợ cho những nước nghèo nhất – đó là những nguồn tài chính không nhỏ. Nhưng phải nói thẳng ra rằng – và điều này nhiều người ngồi ở đây đều biết – nhiều khi những khoản tiền đó được chi ra để các công ty của những nước cấp viện “khai thác”. Mặt khác, tại các nước phát triển vẫn duy trì chính sách trợ cấp nông nghiệp và vẫn hạn chế nước khác tiếp cận công nghệ cao.

Chúng ta hãy gọi sự vật theo đúng tên của nó: trên thực tế, một tay thì trao “viện trợ từ thiện”, còn tay kia thì không những duy trì sự lạc hậu kinh tế mà còn thu lượm lợi nhuận. Tình trạng căng thẳng xã hội ở những khu vực kém phát triển đó tất yếu làm gia tăng chủ nghĩa cấp tiến, cực đoan, nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và các cuộc xung đột cục bộ. Nếu toàn bộ điều đó xẩy ra ở Trung Đông trong bối cảnh thế giới bên ngoài bị người ta coi là một thế giới bất công thì chắc chắn sẽ xuất hiện nguy cơ làm mất ổn định trên quy mô rộng lớn.

Những nước lớn trên thế giới phải thấy nguy cơ đó. Và phải xây dựng một hệ thống quan hệ kinh tế công bằng, dân chủ hơn trên thế giới – một hệ thống đem lại cho tất cả mọi người cơ hội và điều kiện phát triển.

Thưa quý bà, quý ông kính mến!

Phát biểu tại một hội nghị về an ninh, không thể không nói về hoạt động của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE). Như mọi người đều biết, tổ chức này được thành lập để xem xét tất cả – tôi xin nhất mạnh là tất cả – mọi khía cạnh của nền an ninh: chính trị – quân sự, kinh tế, nhân văn trong mối liên hệ mật thiết với nhau.

Hiện nay chúng ta thấy gì trên thực tế? Chúng ta thấy mối tương quan đó đã bị phá vỡ. Người ta tìm cách biến OSCE thành một công cụ tầm thường để bảo đảm lợi ích đối ngoại của một nước hoặc nhóm nước trong quan hệ với những nước khác. Bộ máy quan liêu của OSCE cũng đã được “cắt xén” cho phù hợp với nhiệm vụ đó – bộ máy này không hề gắn với các nước sáng lập ra tổ chức OSCE. Người ta cũng “cắt xén” trình tự thông qua quyết định và sử dụng cái gọi là “các tổ chức phi chính phủ” cho phù hợp với nhiệm vụ đó. Về mặt hình thức thì đúng là độc lập thật đấy, nhưng những tổ chức này được tài trợ có mục đích cụ thể, do đó, đây là những tổ chức bị kiểm soát.

Theo các văn kiện cơ bản của OSCE, trong lĩnh vực nhân văn, tổ chức này có sứ mệnh giúp đỡ các nước thành viên – theo yêu cầu của họ – trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Đó là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi ủng hộ. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là can thiệp công việc nội bộ các nước khác, nhất là việc ép những nước đó phải sống và phát triển như thế nào.

Sự can thiệp như vậy hoàn toàn không có tác dụng giúp phát triển các quốc gia dân chủ thật sự. Ngược lại, sự can thiệp đó làm cho những nước này trở nên phụ thuộc, hậu quả là trở nên không ổn định về chính trị và kinh tế.

Chúng tôi mong rằng OSCE sẽ thực hiện những nhiệm vụ trực tiếp của mình và xây dựng quan hệ với các nước có chủ quyền trên cơ sở tôn trọng, tin cậy và minh bạch.

Thưa quý bà, quý ông kính mến!

Để kết thúc bài phát biểu này, tôi muốn nói về vấn đề sau đây. Chúng tôi thường xuyên nghe, và cá nhân tôi rất nhiều lần được nghe các đối tác của chúng tôi, trong đó có các đối tác châu Âu, kêu gọi Nga nên đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong các công việc quốc tế.

Do đó, tôi xin có lời bình luận nhỏ. Có lẽ không cần thúc đẩy và kích thích chúng tôi làm việc đó. Nga là một nước có hơn một nghìn năm lịch sử, thực tế nước Nga đã luôn luôn tận dụng đặc quyền thực hiện chính sách đối ngoại độc lập.

Ngày nay chúng tôi không có ý định thay đổi truyền thống đó. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy rõ thế giới đã đổi thay như thế nào, chúng tôi đánh giá một cách thực tế khả năng và tiềm năng của mình. Tất nhiên, chúng tôi mong được làm việc với các đối tác có trách nhiệm và tự chủ, để chúng ta cùng nhau nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới công bằng và dân chủ, bảo đảm an ninh và phồn thịnh cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một số ít, trong thế giới đó.

Xin cảm ơn các vị đã chú ý theo dõi.

Theo TTXVN

Tags: , ,