Tại sao nước Pháp trở thành ‘kinh đô thời trang’ của thế giới?

Chanel, Dior, Saint Laurent, Hermes, Louis Vuitton,… danh sách còn không ngừng được mở rộng hơn nữa. Các nhà thiết kế người Pháp từ lâu đã sáng tạo ra những thương hiệu thời trang nổi tiếng và được khao khát nhất thế giới. Sáng tạo theo phong cách riêng và khác biệt về mặt kỹ thuật, danh tiếng vượt trội của ngành công nghiệp thời trang nước Pháp có thể được truy nguồn từ thế kỷ 17, và danh tiếng của nó cứ tiếp tục nối dài từ đó.

Tại sao nước Pháp trở thành kinh đô thời trang của thế giới?

Người Pháp cho rằng khí chất thanh lịch mà họ có được là nhờ Vua Louis XIV, “Vị vua mặt trời” thống trị đất nước từ năm 1643. Louis có gu thẩm mỹ đặc biệt xa hoa, được thể hiện trong công trình ngoạn mục Palace of Versailles cũng như trong cách trưng diện của ông.

Nhận thức được tầm quan trọng của những sản phẩm cao cấp xa xỉ đối với nền kinh tế đất nước, Louis đã chủ trương phát triển qui mô lớn các ngành công nghiệp nghệ thuật, trong đó có ngành thương mại dệt may, dưới sự cai quản của hoàng gia, nơi sau này trở thành trung tâm thời trang toàn thế giới. Trong nhiều thế kỷ, những vật liệu và vải dệt chất lượng tốt nhất đều đã được tìm thấy tại Pháp.

“Ảnh hưởng thực sự của ngành công nghiệp thời trang cả về thương mại lẫn sáng tạo đều đến từ Paris và đó đích thực là nơi nó thuộc về.”

Bởi vậy, khi nghề thủ công Haute Couture (Thời trang cao cấp – may đo trang phục cho một khách hàng xác định) phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19, các thợ may không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập cơ sở riêng của họ tại Pháp. Charles Frederick Worth, một người Anh nhận thức được sự phát triển của ngành thời trang cao cấp, chính là người đầu tiên mở công ty trên đường Rue de la Paix, Paris, với vài cửa hàng thời trang khác chuyên về suit – Paul Poiret và Madeleine Vionnet là hai trong số đó.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-10

Thời trang những năm 1950 – Chiết eo và chân váy chữ A | © virgo200745/Flickr

Vào cuối thế kỷ 19, một công nhân đến từ Paris đã khiến một vài thứ không đáng chú ý trở nên tráng lệ. Được đào tạo thành một thợ làm ô, anh thu lượm những mảnh lụa rơi vãi ở sàn nhà may và biến nó thành chiếc váy cho búp bê của em gái mình. Chàng trai đó tên là Paul Poiret và trong thế kỷ tới, anh sẽ góp phần thay đổi thời trang của người Paris mãi mãi.

Sáng tạo đầm xẻ ngực phóng khoáng vào đầu thế kỷ 20 – là tiền thân của chiếc váy hiện đại – không bắt nguồn từ Coco Chanel. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ đầu những năm 1900 với Poiret ở một xứ sở thần tiên đầy ắp những chiếc áo cape xa xỉ, những chiếc jacket táo bạo lấy cảm hứng từ kimono, hay những quần nhung xếp nếp và quần harem …

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-11

Năm 1906, Poiret đã làm nên điều đáng kinh ngạc. Ông đã loại bỏ áo ngực và giới thiệu một concept mới cho phụ nữ: sự tự do trong chuyển động. Không ai hài lòng với những thiết kế mới của anh. Năm 1901, Công chúa Nga, Bariatinsky, đã phải thốt lên “Thật là kinh khủng!” khi nhìn thấy chiếc áo choàng Kimono viền dệt len đen của ông. Thật may mắn là công chúng không hẳn đồng tình với điều này và vào năm 1903, Poiret đã thành lập cửa hàng thời trang riêng. Chỉ bảy năm sau, ông được biết đến như “Ông hoàng thời trang” của người Mỹ. Ở Paris thì sao? Chỉ hai từ thôi: “Le Magnifique”.

Không khó để hiểu được tại sao khi nhìn vào những thiết kế lộng lẫy của Poiret. Khơi dậy tinh thần phương Đông của nghệ sĩ Ballet người Nga, Diaghilev, những chiếc quần harem và váy ngắn sultana của ông được đánh giá cao bởi những fashionista tân tiến. Sự xếp nếp tự nhiên của Poiret chính là tiền thân của những nếp gấp rủ trong Tân nghệ thuật. Vải được xếp nếp lượn sóng như mặt nước. Đối với Poiret, cái đẹp ẩn chứa trong những chi tiết trang nhã như sự nhỏ nhắn của một tấm lưng thon – gợi cảm hơn nhiều so với một bộ ngực đẫy đà. Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ thể người phụ nữ không bị quá chú ý bởi cái nhìn chòng chọc của nam giới và cũng không bị o ép. Những chiếc váy lót dài và áo ngực bị loại bỏ. Phụ nữ giờ đây đã có thể hít thở trở lại.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-12

Với động lực từ Poiret, Elsa Schiaparelli – một người Italia ở Paris – đã đến với thời trang trong thời kỳ giữa hai thế chiến. Ảnh hưởng to lớn bởi sự dịch chuyển của Dada, Schiaparelli dựa trên quan điểm loại bỏ áo lót của Poiret và tôi thêm phong cách bốc đồng của mình vào. Bạn sẽ kinh ngạc khi biết rằng Elsa chưa từng được đào tạo về kỹ thuật thiết kế. Sự tự do trong chuyển động mà Poiret làm chủ đã giúp xác định cách tiếp cận cá nhân của bà với công việc của mình: bà sẽ rập vải trực tiếp lên cơ thể và ghim luôn trên ấy.

Schiaparelli đã đi tiên phong trong những năm đầu sự nghiệp của bà: là một trong những nhà thiết thời trang đã phát triển wrap dress (chiếc váy liền với thiết kế giống như miếng vải quấn quanh người với nút thắt phần eo cùng dáng váy rủ) vào năm 1930, 4 thập kỷ trước Diane von Fürstenberg vào những năm 1970. Bà cũng là người đầu tiên nâng tầm dây khóa kéo, biến chúng thành những chi tiết trang trí kiểu cách, nghệ thuật chứ không chỉ mang tính thực dụng. Nhưng điều mà chúng ta yêu thích nhất về Schiaparelli là khiếu hài hước của bà. Trong thời kỳ cấm vận rượu ở Hoa Kỳ, bà đã hợp thức hóa “speakeasy dress (đầm rượu lậu)” với một túi đựng chai bí mật. Zelda Fitzgerald hẳn phải là người đầu tiên xếp hàng đặt mua nó.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-13

Trong các cửa hàng thời trang này, thương hiệu được cho là nổi tiếng nhất – và vẫn duy trì được đến nay – là Coco Chanel. Sẽ là không ngoa khi nói rằng Chanel đã thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp thời trang – bà đã tái cấu trúc hoàn toàn thời trang nữ với những quan điểm rất nổi tiếng như bài trừ áo ngực, đồ lót gây đau đớn để biến phần thân trên thành hình mẫu lí tưởng. Thay vào đó, bà lại ưa thích những thiết kế rộng rãi, sự phổ biến của nó tăng lên trong những năm 1920, trở thành hình tượng của một kỷ nguyên – Flapper Style.

Một lần Coco Chanel đã nói: “Hãy tìm kiếm người phụ nữ trong chiếc đầm. Nếu không có phụ nữ thì cũng không có những chiếc đầm.” Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu bạn nhìn lại cả những thế kỷ qua, những chiếc váy được tạo ra không phân biệt người phụ nữ nào mặc chúng. Được tạo cảm hứng từ Poiret, Chanel đã sở hữu cho mình hình ảnh tự do mới. Dưới ảnh hưởng của Thế chiến thứ nhất, vẻ ngoài ngây thơ hoàn toàn biến mất và sự mơ hồ về giới tính trong thời trang được chấp nhận khi mà váy bó ống và mũ rộng vành dường như khiến phụ nữ chậm chạp hơn. Coco khi đó được chào đón trong thời đại của những chiếc váy flapper giải phóng đôi chân với váy ngắn, tóc tém, áo sọc Breton và quần thủy thủ.

Cửa hàng thời trang của bà được mở vào năm 1915 tại ở Biarritz đối diện với một sòng bạc, bán các thiết kế hiện đại làm từ các loại vải bình dân cho các khách hàng quý tộc. Vào đầu những năm 1900, Jersey là một loại vải gây tranh cãi khi nó chỉ được dùng cho một mục đích duy nhất. Như nhà thiết kế của Chanel, Karl Largerfeld, giải thích với Vogue gần đây: “Jersey là vật liệu làm đồ lót nam và nó đang gây kinh ngạc những ngày gần đây bởi phụ nữ không hề biết rằng nam giới cũng mặc đồ lót. Và Chanel làm nên các bộ váy cũng từ chúng.” Cuộc cách mang đang ở gần kề.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-14

Ảnh hưởng mạnh mẽ của Chanel tiếp tục cho đến những năm 1930 khi Vogue Mỹ so sánh chiếc váy đen (LBD – Little Black Dress) của bà với sự phổ biến của xe hơi Ford năm 1926.

Tuy nhiên, trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, ngành công nghiệp thời trang nước Pháp suy yếu đáng kể. Dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, cửa hàng của Chanel buộc phải đóng cửa, cùng với một vài cửa hàng Maisons de couture khác. Nước Mỹ chiếm ưu thế khi dành cơ hội để tạo lập sự hiện diện xa hoa của mình bằng cách hướng sự chú ý của báo giới đến những nhà thiết kế người Mỹ như Claire McCardell.

Danh tiếng của Chanel chỉ được phục hồi từ đầu những năm 1950 khi mà Coco trở lại ngai vàng với chiếc jacket Chanel mang tính biểu tượng của mình. Chiều dài được cắt ngắn bớt và các đường may tạo khối của nó đã đưa ra lời thách thức, sẵn sàng cho trận đấu mà cái tên ở bên kia chiến tuyến không ai khác, chính là Christian Dior.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-15

Năm 1947, Dior giới thiệu “New Look” tại salon của mình tại 30 Avenue Montaigne, Paris. Nếu các thiết kế của Chanel tập trung vào giải phóng cho phụ nữ khỏi những ràng buộc về giới thì kiểu dáng tinh tế của Dior sẽ đưa phụ nữ quay trở lại các đường nét nữ tính sau Thế chiến thứ hai. Váy dài, đường chiết eo và mũ vành đã trở lại. Áo ngực và váy lót một lần nữa ca khúc khải hoàn. “Tôi sẽ thiết kế phụ nữ thành những bông hoa”, tuyên bố nổi tiếng của Dior vào thời điểm đó. “Ông Dior, chúng tôi ghét mặc quần áo quét sàn”, phản ứng mạnh mẽ được đưa lên áp phích của một số phụ nữ không hài lòng. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình này vẫn không ngăn được những sáng tạo của Dior tỏa sáng trong những năm 1950.

Sau nhiều năm phân chia nghiêm ngặt và thiếu hụt vật liệu, sự phục hưng của ngành công nghiệp thời trang đã được lan rộng bởi một người Pháp khác. Christian Dior thống trị thời kỳ hậu chiến với “New look” được biết đến rộng rãi. Đặc trưng bởi nút thắt eo và váy chữ A dài ngang bắp chân, “New look” tạo nên một hình tượng nữ tính và thanh lịch. Ban đầu, nó gây tranh cãi không kém bởi hàng dệt may cao cấp của Dior cần một lượng lớn vải dệt giữa tình trạng thiếu hụt trầm trọng thời hậu chiến. Đáp trả sự chỉ trích này, nhà thiết kế người Pháp tuyên bố đầy thách thức rằng “Châu Âu đã có đủ bom rồi, và bây giờ họ cần được thấy pháo hoa.” Nhờ thúc đẩy sự lạc quan thời hậu chiến, cửa hàng của Dior sau đó ngập tràn trong các đơn đặt hàng, đưa Paris trở thành thành phố thời trang bậc nhất thế giới.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-16

Thế kỷ 20 chứng kiến rất nhiều gương mặt thiết kế. Tại Paris, những người như Hubert de Givenchy và Pierre Balmain xuất hiện giúp duy trì danh tiếng của ngành công nghiệp nước Pháp. Năm 1953, Audrey Hepburn và Givenchy gặp nhau trong bộ sưu tập Sabrina. Và điều xảy ra tiếp theo, như họ nói, đã làm nên lịch sử. Givenchy đã tái hiện lại LBD của Chanel với sự giúp đỡ của Hepburn, một cặp kính mát … và một bộ phim ít được biết đến tên là Breakfast at Tiffany’s. “Đây là bộ quần áo duy nhất mà khi mặc nó tôi được là chính mình. Anh ấy còn hơn cả một người may quần áo, anh ấy là người sáng tạo ra dấu ấn cá nhân,” nàng thơ của Givenchy sau đó chia sẻ.

Cùng trong khoảng thời gian này, ngành thời trang thế giới ghi nhận sự gia tăng đáng kể các đối thủ mới nổi từ cả Mỹ và Italy. Năm 1951, doanh nhân Giovanni Battista Giorgini đã tổ chức một show diễn để quảng bá các tác phẩm của những nhà thiết kế người Italia, chứng minh thành công đáng nể đồng thời nhằm mục đích từng bước đưa Italia trở thành một kinh đô thời trang quyền lực.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-17

Nhưng có lẽ thách thức đáng nói nhất đối với sự hoàn hảo của nước Pháp đến vào những năm 1960. “Youth Culture” phát triển nhanh chóng tại London, với Mary Quant là người dẫn đầu khiến cho London chao đảo và Pháp cũng theo không xa phía sau. Quant là một nhà thiết kế người Anh với những chiếc váy mini ngắn táo bạo được yêu thích bởi thế hệ trẻ đang ngày càng có sức ảnh hưởng đến việc thúc đẩy sự tự do và giải phóng tình dục – những nguyên tắc nền tảng của các phong trào phản văn hóa chiếm ưu thế trong suốt thập niên. Các thiết kế táo bạo của Quant khá tương phản với sự tinh tế, chính xác là những sáng tạo được sản xuất tại Paris, những sản phẩm được bán cho đối tượng khách hàng lớn tuổi hơn. Thời trang cao cấp đã trở thành dĩ vãng, làn sóng phong trào yé-yé bùng nổ đã nhanh chóng biến những nhân vật nổi tiếng như Serge Gainsbourg và Françoise Hardy trở thành ngôi sao theo trường phái thời trang xuề xòa quyến rũ. Nó cũng tạo nên phong cách bất hủ cho Serge và vợ ông, Jane Birkin. Váy mini, chân trần và giỏ picnic cai trị các câu lạc bộ đêm: Beatnik (người lập dị) là từ khóa-của-ngày.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-18

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-19

Yves Saint Laurent đang làm việc tại studio của ông | © Victor Soto/Flickr

Phải đến Yves Saint Laurent mới là người mang lại tác động rõ nét nhất lên ngành công nghiệp thời trang cuối những năm 1960 và sang cả thập niên tiếp theo. Saint Laurent không chỉ chịu trách nhiệm với việc đưa một số thiết kế dành cho nam giới vào tủ đồ phụ nữ, đáng chú ý như ‘le smoking,’ hay ‘dinner jacket’, thương hiệu của ông còn là thương hiệu xa xỉ đầu tiên sản xuất một bộ sưu tập thời trang may sẵn. Năm 1966, ông đã tạo ra một biểu tượng mới trong lịch sử thời trang: bộ vest tuxedo cổ điển cho phụ nữ. Chỉ một năm trước đó, năm 1965, ông đã công bố Bộ sưu tập Mondrian của mình. Sáu chiếc váy cocktail lấy cảm hứng từ những bức tranh của Mondrian này, giờ đây cũng được xem như nghệ thuật. Bằng cách này, ông đã khiến cho quần áo may sẵn trở nên thời trang hơn, ngày càng được công chúng yêu thích khi mà ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đột nhiên trở nên dễ dàng tiếp cận hơn nhiều. Ngày nay, hầu hết tất cả những cửa hàng thời trang cao cấp đều sản xuất dòng thời trang bình dân may sẵn, vì nó nhận được mức độ quan tâm của báo chí cao hơn đáng kể so với các bộ sưu tập thời trang cao cấp và cũng đem lại nhiều lợi nhuận hơn.

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-20

Tai-sao-nuoc-Phap-tro-thanh-kinh-do-thoi-trang-cua-the-gioi-21

Paris vẫn duy trì vị thế là một kinh đô thời trang cho đến ngày nay, bên cạnh Milan, New York và London, cùng với sự tăng trưởng số các thành phố đang tìm cách gây dựng chỗ đứng của họ trong ngành, đặc biệt là Barcelona, Berlin và Singapore. Mặc dù có một mức độ cạnh tranh đáng kể từ các thành phố này, thời trang vẫn là một khía cạnh đã ăn sâu trong nền văn hoá Pháp và trong profile quốc tế của đất nước này – và rất có thể sẽ luôn luôn là như thế.

Theo TÚ QUYÊN / DESIGNS.VN

Tags: ,