Tại sao cải thiện môi trường nên là một hành động chính trị?

Đám đông có thể trở thành một thế lực hùng bạo gieo rắc những cơn thống khổ, phút chốc cũng có thể trở thành một liên minh công lý siêu cường bảo vệ cho hệ sinh thái của hành tinh này. Tất thảy nằm ở việc lãnh đạo của đám đông là ai, và các quyết định của họ.

Tại sao cải thiện môi trường nên là một hành động chính trị?

Hàng ngày, mình lên mạng và được tắm mình trong hàng đống bài viết về các hiểm họa từ biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, về việc môi trường sống của chúng ta đang ngày càng bị hủy hoại như thế nào, về việc chúng ta cần phải nhận thức và hành động ra sao. Có vẻ như chúng ta đang làm tất cả những gì có thể để cải thiện môi trường.

Nhưng mọi thứ ngày càng xấu đi. Chẳng có tính hiệu gì gọi là cải thiện. Mức độ tàn phá môi trường vẫn diễn ra “ổn định”.

Phải chăng phần lớn nhân loại quá ngu si và cố chấp mà tỏ ra thờ ơ trước những sự thật đang diễn ra? Hay thử ngẫm lại xem, những nhà hoạt động vì môi trường, các bạn có đang đi đúng hướng? Liệu rằng liên tục nhồi nhét vào đầu mọi người những hình ảnh thiên nhiên bị tàn phá do khí thải, động vật bị thảm sát do rác nhựa, và hàng loạt hình ảnh bi thương khác nữa về môi trường để hi vọng nâng cao nhận thức của đám ấy là một việc làm hiệu quả?

Có lẽ sẽ có những người trong đám ấy nhận thức được vấn đề, một số trong đám nhận thức được ấy sẽ hành động. Nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể cho với phần đông còn lại thôi. Bản thân mình không cho đó là một việc làm hiệu quả. Đúng đắn, nhưng không bao giờ là hiệu quả. Bởi vì các bạn chỉ đang kể về góc nhìn của các bạn, thứ vốn không phải ai cũng có thể đồng cảm, bởi rằng mỗi chúng ta đều là những cá thể có hoàn cảnh phát triển và tư tưởng hoàn toàn khác biệt nhau. Nên dù góc nhìn đó về môi trường có tăm tối, khủng khiếp đến mức nào, thì không phải ai cũng cảm thấu được, và còn điều quan trọng nữa, phần lớn họ chưa từng trải qua những góc nhìn ấy.

Nhiệt độ Trái Đất đang nóng lên nhanh chóng, khiến cho các hệ sinh thái ngày càng bị đảo lộn. Nhưng bạn có nghĩ những người đang ngồi bóng râm hay điều hòa cả ngày có nhận thức được điều đó không? Và dẫu cho họ có nhận thức được chăng nữa thì điều đó ảnh hưởng gì đến cuộc sống vốn được bao bọc xung quanh là những thiết bị nhân tạo đầy tiện nghi của họ?

Thiên tai, lũ lụt đang ngày một lớn dần về tần suất và sức tàn phá. Nhưng vẫn chưa đủ sức để ảnh hưởng đến phần lớn các nền văn minh trên Trái Đất. Người ta vẫn thoải mái rút mình vào chăn ấm nệm êm dù cho ngoài trời gió mưa có kêu gào khẩn khiết đến đâu.

Muôn vàn sinh vật biển đang hấp hối vì đống rác thải của con người, hệ sinh thái vùng biển đang ô nhiễm hơn bao giờ hết bởi lượng độc tố người ta thải ra. Nhưng điều đó vẫn chưa ảnh hưởng đến con cá họ ăn, ly nước họ uống thì lo gì.

Bản chất của sự biến đổi của môi trường, là từ tốn và thầm lặng. Rất khó để quan sát sự biến chuyển này bằng mắt thường và nhận thức được cách nó tác động sâu sắc vào đời sống chúng ta trong tương lai. Mà ai trong đám con người ấy lại thừa thời gian quan tâm những dự đoán chưa chắc đã diễn ra trong tương lai để bỏ bớt những tính tiện lợi và sự thoải mái trong đời sống hiện tại chứ.

Tư duy con người vốn được thiết kế cho những phản ứng ngắn hạn, hơn là những tác động mang tính tích lũy trong thời gian dài như việc nâng cao ý thức và phát triển góc nhìn. Nên nếu muốn cải thiện tình hình, thì đây là lúc chúng ta cần dùng đến sức mạnh chính trị.

Mình không phủ nhận thực tế rằng những cố gắng trong việc nâng cao nhận thức của đám đông là vô nghĩa, thậm chí về sau cùng đó là phương án tối ưu nhất để giải quyết vấn đề. Bởi nhận thức con người mỗi khi đã được biến chuyển, nó sẽ ăn sâu bám rễ vào lối sống của họ một cách tự nhiên. Dần dà đám ấy sẽ trở thành những đồng minh, thay vì bớt đi những kẻ thù của môi trường. Nhưng nhận thức không phải là thứ có thể dễ dàng thay đổi một sớm một chiều, bởi như mình nói ở trên, đó là linh hồn của lối sống. Vậy nên khi thời điểm đó chưa tới, chúng ta cần cái siết chặt của thể chế, của pháp luật.

Chúng ta ta thường có thói quen lý tưởng hóa ý thức của người dân ở những đất nước có chất lượng môi trường tốt (Singapore, Nhật Bản,..) để xem đó là tấm gương mà họ cần noi theo hoặc đưa ra làm hệ quy chiếu so xét ý thức của nơi mình sống. Điểm cốt lõi trong cuộc cách mạng cải thiện môi trường ở những nước này không phải là ý thức người dân, mà cách chính phủ đã hành động.

Cấm dùng túi nhựa thay vì khuyến khích dùng các vật dụng thay thế.

Cấm xả rác vô ý thức thay vì chỉ liên tục tuyên truyền.

Áp thuế cao những vật dụng, phương tiện gây ô nhiễm và trợ giá cho những thứ thân thiện môi trường.

Chính phủ những nước trên đơn giản là vận dụng lý thuyết “cây gậy và củ cà rốt” để làm nền tảng cho công cuộc uốn nắn ý thức hệ của người dân, bên cạnh các động thái tuyên truyền quen thuộc về những lợi ích to lớn mà một môi trường trong lành mang lại. Tạo ra một suy nghĩ trong quần chúng rằng, dù sự áp chế này có khiến người ta cảm thấy khó chịu đi nữa thì chính phủ cũng đang đi về phía của lẽ phải.

Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, thì dần dà, khi các thói quen cũ bị bỏ đi và thói quen mới được hình thành, quốc gia đó sẽ có cái ý thức dân tộc về môi trường mà những nước khác thèm muốn. Ý thức của dân tộc ấy không hẳn là tiến bộ hơn ý thức của dân tộc khác về mọi mặt, nó chỉ đơn giản là tốt hơn về các khía cạnh môi trường.

Đó chắc chắn không phải là phương án tốt nhất, như mình đã nói. Bởi việc sử dụng sức mạnh chính trị để áp chế những hành vi đã trở thành thói quen cố hữu của đám đông luôn có rủi ro, đặc biệt ở cái thời đại mà tiếng nói dân chủ đang ngày càng lớn mạnh như thế này, quyết định ấy có nguy cơ là mồi lửa cho những ngòi nổ vốn được sắp sẵn từ lâu. Phương án tốt nhất nên là sự giáo dục có tính hệ thống ở gia đình và nhà trường, nhưng nó dành cho những thế hệ tương lai. Sức mạnh thay đổi nằm ở thế hệ hiện tại, ở trong những đám đông đầy quyền năng mà cũng rất ngây thơ này. Nên chúng ta cần cẩn trọng hơn trong những quyết định của mình.

Đám đông có thể trở thành một thế lực hùng bạo gieo rắc những cơn thống khổ, phút chốc cũng có thể trở thành một liên minh công lý siêu cường bảo vệ cho hệ sinh thái của hành tinh này. Tất thảy nằm ở việc lãnh đạo của đám đông là ai, và các quyết định của họ.

Theo PHÀM NHÂN TU TIÊN / SPIDERUM.COM

Tags: