Tác hại của khí thải phương tiện giao thông tới sức khoẻ và môi trường

Với sự phát triển của xã hội thì các phương tiện tham gia giao thông trên đường cũng ngày càng gia tăng. Và trong quá trình hoạt động đó thì các phương tiện giao thông đã thải ra môi trường bên ngoài rất nhiều loại khí độc hại như CO, CO2, NO2, những loại khói đen,… Tùy theo từng loại động cơ và nhiên liệu mà khối lượng các chất thải độc hại chiếm tỷ lệ khác nhau trong khí xả. Những loại khí này gây ô nhiễm môi trường không khí một cách nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Tác hại của khí thải phương tiện giao thông tới sức khoẻ và môi trường

Đầu tiên phải kể đến chính là khí CO ( cacbon monoxit):

Khí này là sản phẩm cháy không hoàn toàn của nhiên liệu. Ở khu đô thị với mật độ xe cộ rất đông thì lượng CO trong không khí thường rất cao. Khi CO xâm nhập vào cơ thể sẽ liên kết với hemoglobin trong máu gây cản trở sự tiếp nhận O2 dẫn đến nghẹt thở. Chính vì thế mà loại khí này rất có hại đối với phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh tim mạch.

Khi bị nhiễm CO, nhẹ thì có các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, rối loạn thị giác, mệt mỏi,… còn nếu nặng thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu và mô, rối loạn hô hấp, hệ thần kinh, hệ tim mạch sẽ bị tổn thương, liệt hô hấp,…

Khí CO2 ( cacbon dioxit)

Trong không khí có khoảng 15% do các phương tiện giao thông vận tải thải ra. Nó không những gây ô nhiễm môi trường mà còn có tác động rất lớn đến sức khỏe con người. CO2 là một chất gây ngạt thở, nếu tiếp xúc với CO2 ở nồng độ 15% thì cơ thể con người sẽ không thể làm việc đúng chức năng được, ở nồng độ 30- 60% thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hydro cacbon được thải ra ngoài môi trường từ các phương tiện giao thông, chúng là những chất rất độc gây rối loạn hô hấp ngay với nồng độ thấp. Chúng có thể làm sưng màng phổi, hẹp cuống phổi, làm viêm mắt, viêm mũi,… Bên cạnh đó chúng còn là nguyên nhân gây ung thư họng, phổi và đường hô hấp.

Tiếp đến là các oxit nitơ (NO, NO2…)

Ở các khu đô thị thì loại khí này được giao thông thải ra môi trường khoảng 50% mật độ khí trong không khí. Loại khí này là hỗn hợp của 2 khí NO và NO2, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ô nhiễm không khí. Khi tiếp xúc với những loại khí này với nồng độ thấp có thể có những biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản hay là tổn thương răng.

Khí SO2

SO2 có trong không khí là chất hàng đầu được cho là nguyên nhân quan trọng gây hại cho sức khỏe của người dân đô thị. SO2 gây kích ứng niêm mạc mắt và các đường hô hấp trên. Với nồng độ cao, SO2 gây viêm kết mạc, trong trường hợp tiếp xúc ồ ạt với chất này có thể gây chết người do ngừng hô hấp.

Khói bụi các loại  

Không chỉ cản tầm nhìn của người đi đường, làm cho giao thông không an toàn, các loại khói bụi khác phát sinh từ phương tiện giao thông cũng là tác nhân gây ô nhiễm quan trọng.

Chì có trong khí thải của động cơ xăng. Hơi chì theo khí thải phân tán vào không khí, rất có hại cho sức khỏe con người, gia súc và cây cối. Loại xe diesel không chứa chì nhưng lại thải ra nhiều loại hạt trong không khí, các hạt này kết hợp với khí khác gây viêm cuống phổi, hen suyễn… Có một số hạt còn có khả năng gây ung thư.

Bên cạnh nguồn khí bụi sinh ra từ phương tiện giao thông thì còn có cát bụi đất đá tồn đọng trên đường do chuyên chở các vật liệu xây dựng, chở rác hay do chất lượng đất kém. Nguồn bụi này tồn đọng trên đường, khi xe cộ đi thì sẽ bám vào xe và cuốn theo lốp xe khi xe chạy. Điều nay làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến hệ hô hấp của con người.

Tiếng ồn

Và cuối cùng tiếng ồn là dạng ô nhiễm phổ biến ở đô thị và các phương tiện giao thông chính là nguồn chủ yếu tạo ra chúng. Tiếng ồn gây tác hại lớn đến toàn bộ cơ thể nói chung và cơ quan thính giác nói riêng. Tiếng ồn mạnh và thường xuyên thì sẽ gây ra triệu chứng đau đầu, chóng mặt, sơ hãi, bực tức vô cớ, mệt mỏi. Tiếng ồn còn làm cho không gian sống trở nên ồn ào, mất đi sự yên tĩnh, làm môi trường trở nên thiếu trong lành và tổn hại đến sức khỏe của con người.

Theo MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM

Tags: ,