Suy ngẫm về lòng nhân ái trong thế giới mạng

Xã hội đang cần sự tử tế, mà cách tốt nhất để sống tử tế là loại bỏ những “nhập tâm” của tư duy ác, tư tưởng xấu chừng nào hay chừng đó…

Thế giới mạng và lòng nhân ái

Thỉnh thoảng hay ngồi uống cà phê với một ông bạn vong niên, ông nói dạo này “không thèm” lên mạng cho bớt nặng đầu, toàn những câu chuyện hời hợt, tự sướng là chính, trong khi các bản tin lại đa phần đậm chất bạo lực vô cảm thực dụng, thiếu hụt yếu tố nhân văn, sự tử tế cần thiết, quan tham đường quan, dân gian đường dân… đọc riết thêm mệt não. Đã vậy, những “cây bút thép” chính luận phản biện tích cực mỗi ngày lại thưa dần, yếu dần và tỉ lệ nghịch với “chất lượng, số lượng” các vụ việc tiêu cực đã và đang xảy ra trên tất cả mọi mặt xã hội?!Ngẫm thì thấy ông bạn già của người viết đang bi quan quá, nhưng những suy nghĩ trăn trở đó không phải không có lý.

Đó là sự bất an lặp lại về đạo đức dân sự, đức tin tôn giáo… khi cả trăm kẻ cầm hung khí đi ngang nhiên ngoài đường để “thanh toán” nhau. Một va quẹt nhỏ giao thông trên đường cũng xảy ra bạo lực, thậm chí nam thanh niên còn đánh vào đầu người phụ nữ khi chị ấy ôn hòa can ngăn. Một sư trụ trì nghiện ma túy trộm chuông đồng cổ của nhà chùa đem đi bán?

Đó là sự bất an lặp lại về đạo đức kinh doanh, nhóm lợi ích… như việc làm phân bón giả, việc khai thác rừng lấp biển tràn lan, việc làm tàu thép dỏm… phá hoại an ninh kinh tế quốc gia, phá hoại dài lâu môi trường sống? Là sự bất an lặp lại về đạo đức quan trường, nguyên tắc hành chính… khi các lãnh đạo nam nữ đánh nhau, dùng hàng nóng thanh toán nhau nơi công sở, xây biệt thự, biệt phủ, bổ nhiệm con ông cháu cha theo kiểu “gia đình trị” … trái quy định, nguy hiểm nhất là việc để lộ tin tức của những người dám tố cáo tiêu cực?

Nói vậy, nhưng bi quan như ông bạn vong niên nói trên đến nỗi giận “không thèm” lên mạng thì cũng có phần “tiêu cực” trốn tránh quá. Người viết lên mạng hằng ngày với một phương pháp riêng, đọc phớt những tin bạo lực, ẩn ngay, bỏ theo dõi ngay những hình ảnh phản cảm, nghiền ngẫm thật kỹ những bản tin, những phản biện xây dựng có tính nhân văn, có tính học thuật. Xã hội đang cần sự tử tế, mà cách tốt nhất để sống tử tế là loại bỏ những “nhập tâm” của tư duy ác, tư tưởng xấu chừng nào hay chừng đó…

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dặn dò danh ca Khánh Ly rằng “phải sống với đời bằng sự tử tế”. Theo hòa thượng Thích Nhật Từ  thì “lòng tử tế như một quặng mỏ, biết khai thác sử dụng sẽ làm cho nó trở nên có giá trị hơn. Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi, hãy hít thở sự tử tế, hãy tiêu hóa sự tử tế, hãy sống với sự tử tế…”

Không riêng gì nước ta, trên thế giới cũng quá nhiều chuyện phức tạp, cái ác cái xấu hiện hữu hằng ngày, đối diện với thực tế và cố sống tử tế bao giờ cũng là cặp phương án tối ưu nhất. Cảm nhận được người tử tế là một quá trình, qua tấm lòng nhiệt huyết, qua đức tính cao thượng, qua sự biết quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau…

Vậy thì hãy mở rộng lòng mình, bạn sẽ cảm nhận được những đức tính như vậy ở những người xung quanh, trong những mối quan hệ thật và “ảo”. Riêng bản thân người viết, cũng từ những mối quan hệ trên mạng, nhìn từ thực tế những thị phi khúc mắc nơi địa phương đang sống, người viết vẫn biết có những người đang âm thầm làm nhiều việc tử tế. Ngoài thời gian cho gia đình họ vẫn lặng lẽ trong khả năng của mình tìm mọi cách “giải cứu” rừng Sơn Trà, tận dụng các mối quan hệ để làm sao có phương án tốt nhất bảo vệ được lá phổi xanh đắc địa độc đáo của cả nước này.

Cuộc sống muốn phát triển tiến đến văn minh cần rất nhiều người tử tế, mà người tử tế thường không thích nói về mình, họ làm điều đó như một lẽ tự nhiên, vui vẻ và hạnh phúc. Để kết thúc bài viết, người viết xin trích một đoạn viết của một Facebooker:

“Trong thời kỳ chiến tranh lúc ông còn nhỏ một đêm không may nhà ông bị một trái đạn pháo kích cả nhà chết hết còn một mình ông bị cụt chân. Ông đi đánh cá ven sông Thu Bồn. Một người phụ nữ thấy hoàn cảnh đơn chiếc nhưng cần cù kiếm sống kết nghĩa vợ chồng. Trong thời gian đánh cá ông đã cứu nhiều mạng người bị tai nạn trên sông. Ông không nhớ đã cứu được bao nhiêu mạng sống. Người dân dự đoán gần 50 mạng người. Đa số tập quán nhiều người không bao giờ cứu người bị nạn trên sông nước vì sợ hà bá trả thù. Nhưng với ông cứu người là quan trọng.

Cuộc đời ông không may mắn bị tai biến liệt một tay và chân còn lại. Ông chỉ biết đi trên xe lăn bán vé số nuôi vợ đau ốm, con gái bị bệnh động kinh lang thang, 3 đứa cháu ngoại học giỏi nhưng bữa đói bữa no. Tình cờ anh Điền nhà báo một hôm gặp ông Hai ngồi trên xe ba bánh ngồi khóc. Hỏi ra biết được hoàn cảnh éo le, anh Điền viết lên Facebook. Anh em trong nhóm vì cộng đồng Quảng Nam – Đà Nẵng xác minh vấn đề và chia sẻ lên cộng đồng được mọi người trong cộng đồng nhiều nơi tham gia giúp đỡ.

Anh em đã mua được một ngôi nhà cũ và sửa sang hoàn chỉnh, nhiều người giúp đỡ đồ dùng gia đình đầy đủ để gia đình ông có thể sinh hoạt như một người bình thường. Chính quyền đoàn thể địa phương giúp đỡ về pháp lý và cứu trợ hằng tháng. Một buổi sáng… mọi người rất xúc động rơi nước mắt mừng cho ông.”

Biết chuyện này, người viết liên lạc với người bạn là một doanh nhân tham gia trong nhóm thiện nguyện này hỏi chuyện, bạn đáp ngay “ta nghĩ ta không phải người tử tế đâu, ta chỉ chuyên nghĩ đến sản phẩm nào có lợi cho cộng đồng, còn có phần chia sẻ cho chút người nghèo thôi…”

Vậy đó, muốn tìm sự tử tế, hãy tin vào những người không nhận mình là người tử tế!

Theo MINH PHƯỚC / VIETNAMNET

Tags: , ,