Sức mạnh thủy quân qua các vương triều Đại Việt

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vị vua chúa nào cũng rất chú trọng xây dựng và phát triển một đội thủy quân hùng mạnh, thiện chiến và có tổ chức…

Sức mạnh thủy quân qua các vương triều Đại Việt

Nếu lực lượng thủy quân thời Hùng Vương còn sơ khai, thì đến đời vua Đinh và vua Lê Đại Hành, chiến thuyền đã được tổ chức quy củ, lập thành đội ngũ hẳn hoi, thao luyện thủy trận trên sông ngòi ở ghềnh Tháp, ngòi Sào Khế, hang Luồn thuộc kinh đô Hoa Lư. Nhờ có đội chiến thuyền tinh nhuệ, Đinh Bộ Lĩnh đã tiêu diệt được cánh quân mạnh nhất của sứ quân Phạm Bạch Hổ ở Dục Thúy (núi Non Nước), thống nhất giang sơn, lập nên nhà Đinh…

Vì thế, càng mỗi triều đại tiếp theo, các hoàng đế nước Việt càng không ngừng quan tâm phát triển và “bành trướng” sức mạnh quân thủy. Ở đây, Đất Việt đề cập đến thủy quân nhà Lý, Trần.

Việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, thiện chiến và có tổ chức phải kể đến nhà Lý, gồm những binh chủng: bộ, thủy, kỵ và tượng binh. Vũ khí lúc ấy chỉ có kiếm, dáo, mác, khiên và máy bắn đá… Quân đội, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thủy binh, đã “bình Chiêm, đánh Tống, chống Khmer” một cách xứng đáng lưu danh sử sách.

Theo sử sách, thời Lý, Trần có nhiều loại thuyền chiến và rất giỏi thủy chiến. Cụ thể:

Về chiến thuyền, lúc bấy giờ, lực lượng thủy binh triều Lý đã có thuyền Mông Đồng (hai đáy), Lưỡng Phúc (hai lòng), Ngự (thuyền chỉ huy), Lâu thuyền (thuyền lầu) và Trường Quang.

Việt sử lược chép: “Tháng 11 (năm 1106), vua sắp có việc lôi thôi với nhà Tống, sai đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy và đóng chiến hạm”. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm 1124, đóng thuyền Trường Quang kiểu hai lòng”…

Loại thuyền chiến phổ biến là Mông Đồng và Lưỡng Phúc, có hai đáy an toàn và tiện lợi. Trên thực tế, thuyền Mông Đồng đã có từ những thế kỷ trước. Từ thế kỷ IX, ở nước ta đã đóng loại thuyền này và sau đó, được sử dụng phổ biến. Quân thuỷ thời Ngô Quyền ngoài các thuyền nhỏ như thuyền độc mộc, thuyền thúng, cũng đã sử dụng Mông Đồng. Theo Việt sử lược, mỗi chiếc có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió; đó là thứ thuyền hẹp và dài, dùng để xông đánh thuyền giặc”. Đến thời Lý, thuyền Mông Đồng đã được cải tiến, có hiệu quả hơn trong vận tải cũng như khi chiến đấu. Ngoài ra, còn có thuyền chỉ huy của vua, mang tên Kim Phượng, Thanh Lan, Cảnh Hưng, Vĩnh Xuân…

Không kém cạnh, thậm chí hiện đại hơn, nhà Trần – vốn xuất thân từ vùng ven biển, lại ưa chuộng nghề võ – càng chú trọng phát triển thuỷ quân, chế tạo nhiều thuyền chiến hơn nữa. như: thuyền Châu Kiều, Đinh Sắt, Trung tàu tải thương hay Cổ lâu thuyền…

Sử sách chép rằng, Trần Quốc Tuấn luôn chủ trương giữ quân số ở mức cần thiết, nhưng đối với thuyền chiến và thuyền vận tải thì vẫn thường xuyên sắm sửa và được tăng thêm. Mỗi lần chuẩn bị đánh quân Mông – Nguyên, vua Trần đều ra lệnh các lộ, các vương hầu đóng thuyền, ghe. Sứ thần nhà Tống, nhà Nguyên đều tận mắt chứng kiến sức mạnh của thuỷ quân Đại Việt. Sứ giả Trần Phu không chỉ thán phục tài bơi lội của thuỷ thủ nhà Trần, mà còn khâm phục kỹ thuật đóng thuyền Mông Đồng…

Theo An Nam tức sự, thuyền Mông Đồng thời đó được mô tả: “đuôi như cánh uyên ương. Hai bên mạn thuyền cao hẳn lên, mỗi chiếc có tới 30 tay chèo, nhiều thì đến hàng trăm. Thuyền đi như bay”…

Về tài thủy chiến, năm 1077, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt đã xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn giặc, cử Lý Kế Nguyên đánh địch ngoài cửa biển. Tiếp đến, ông cũng xây dựng chốt thủy quân vững chắc tại Vạn Xuân (Lục Đầu), có 500 thuyền chiến lớn do hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy. Đội quân Hoằng Chân và Chiêu Văn có 2 nhiệm vụ chính: Một là, hỗ trợ cho quân ta ở phòng tuyến sông Cầu đánh địch khi chúng vượt sông và đố bộ tập kích bờ bắc trong trường hợp cần thiết. Hai là, chặn không cho thủy quân Tống vào tiếp ứng quân bộ vượt sông nếu chúng vượt qua tuyến phòng ngự của Lý Kế Nguyên.

Chốt đường thuỷ của Hoằng Chân và Chiêu Văn đặc biệt có ý nghĩa trong việc chặn các hướng chính từ biển Đông vào nước ta. Lý Thường Kiệt đặc biệt coi trọng vị trí chiến lược của sông Lục Đầu, coi đây là phòng tuyến thứ hai nếu quân Tống chọc thủng phòng tuyến thứ nhất của Lý Kế Nguyên.

Sau chiến thắng của Ngô Quyền năm 938, chiến thắng của Lê Hoàn năm 981, trên miền đất thiên hiểm này lại diễn ra trận chiến chặn đứng quân thù, không cho chúng vào sâu lãnh thổ của Đại Việt. Thực tế trận chiến năm 1077 là quân thủy Tống không thể vượt qua phòng tuyến của viên tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc Lý Kế Nguyên. Phòng tuyến trên sông Thái Bình, Kinh Thầy vào tới Lục Đầu với 500 chiến thuyền lớn do Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy đã tham gia tổng công kích quân Tống tại núi Nham Biền, tiêu diệt 5.000 quân kỵ binh Tống, góp phần bảo đảm thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống quân Tống.

Trước đó, vào năm Ất Mão 1075, khi thái sư Lý Thường Kiệt đem 10 vạn quân thủy bộ sang vây đánh Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông) và Ung Châu (Quảng Tây), phá tan thành quách, triệt hạ bọn quan binh, rồi rút quân an toàn về nước, khiến nhà Tống không kịp trở tay. Điều này tỏ rõ tài thủy chiến cùng binh thuyền nhà Lý đã hết sức lợi hại.

Bước sang triều Trần, Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo lại noi gương Ngô Quyền, đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng; Trần Khánh Dư đốt thuyền lương giặc ở biển Vân Đồn; Trần Nhật Duật phá thủy trận của Toa Đô ở bến Hàm Tử; Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản đánh tan hạm thuyền giặc ở bến Chương Dương… Tất cả đều nhờ vào thủy quân tinh nhuệ và chiến thuyền đa dạng, tính năng chiến đấu cao…

Theo ĐẤT VIỆT

Tags: ,