Sự im lặng tốt cho bộ não của bạn như thế nào?

Trong một thế giới ồn ào và gây sao lãng, tìm thấy những khoảng lặng có thể đem lại ích lợi cho cơ thể và não bộ của bạn.

Sự im lặng tốt cho bộ não của bạn như thế nào?

Chúng ta sống trong một thế giới ồn ào và gây sao lãng, nơi mà sự im lặng ngày càng khó tìm thấy — và điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của chúng ta.

Trên thực tế, một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2011 gọi ô nhiễm tiếng ồn là một “dịch bệnh thời hiện đại”, kết luận rằng “Bằng chứng mạnh mẽ cho thấy tiếp xúc với tiếng ồn môi trường có những ảnh hưởng có hại lên sức khoẻ của người dân.”

Chúng ta liên tục lấp đầy lỗ tai của mình bằng âm nhạc, TV và những tin tức trên radio, các file dạng âm thanh và tất nhiên, vô số âm thanh không ngớt chúng ta tạo ra trong đầu mình. Hãy nghĩ về nó: Mỗi ngày bạn dành ra bao nhiêu khoảnh khắc hoàn toàn im lặng? Câu trả lời có lẽ là rất ít.

Khi môi trường bên trong và bên ngoài của chúng ta ngày càng ồn ào hơn thì có nhiều người đang bắt đầu tìm kiếm sự im lặng, cho dù thông qua thực hành ngồi im lặng trong 10 phút mỗi buổi sáng hay hướng đến một sự ẩn dật yên lặng trong 10 ngày.

Muốn có cảm hứng để đi tìm chút bình yên và tĩnh lặng? Sau đây là bốn cách khoa học ủng hộ rằng im lặng tốt cho bộ não của bạn – và dành thời gian cho nó có thể làm bạn thấy bớt căng thẳng, tập trung hơn và sáng tạo hơn ra sao.

1. SỰ IM LẶNG GIẢI TOẢ STRESS VÀ CĂNG THẲNG

Florence Nightingale, một y tá và nhà hoạt động xã hội người Anh vào thế kỷ 19, từng viết rằng “Tiếng ồn không cần thiết là sự thiếu chăm sóc sức khỏe tàn nhẫn nhất có thể gây ra bệnh tật.” Nightgale cho rằng những âm thanh thừa thãi, vô ích có thể gây ra lo lắng, mất ngủ và hoảng sợ ở những bệnh nhân đang hồi phục.

Hoá ra ô nhiễm tiếng ồn từng được phát hiện thấy là dẫn đến huyết áp cao và những cơn đau tim, cũng như làm suy yếu thính giác và sức khoẻ nói chung. Những âm thanh ồn ào làm tăng mức độ stress do kích hoạt hạch hạnh nhân của não bộ và làm phóng thích hóc mon stress cortisol, theo nghiên cứu.

Một bài báo chưa được xuất bản năm 2014 bởi nhà tâm lý học môi trường, tiến sỹ Craig Zimring cho rằng những mức độ ồn ào cao trong khu vực phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và làm gián đoạn giấc ngủ của bệnh nhân.

Trong khi quá ồn ào có thể gây ra stress và căng thẳng, thì nghiên cứu phát hiện thấy sự im lặng có một tác động ngược lại, giải toả căng thẳng trong cơ thể và não bộ.

Một nghiên cứu năm 2006 được đăng trên tạp chí Heart phát hiện thấy hai phút im lặng đem lại sự thư giãn nhiều hơn là nghe nhạc “thư giãn”, dựa trên những thay đổi về huyết áp và tuần hoàn máu trong não bộ.

2. SỰ IM LẶNG GIÚP BỔ SUNG NGUỒN LỰC TINH THẦN

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, các giác quan đang phải hấp thụ rất nhiều kích thích từ mọi phía. Khi chúng ta có thể thoát khỏi những âm thanh gây mất tập trung, trung tâm chú ý của não bộ mới có cơ hội để khôi phục lại.

Những yêu cầu phải tập trung không ngừng trong cuộc sống hiện đại tạo ra một gánh nặng lớn lên vỏ não trước trán, vốn là nơi đảm nhiệm những suy nghi tập trung cao độ, quyết định và giải quyết vấn đề.

Kết quả là, các nguồn lực dành cho việc tập trung của chúng ta trở nên cạn kiệt. Chúng ta sẽ bị phân tâm và tinh thần mệt mỏi, và có thể phải vất vả để tập trung, giải quyết vấn đề và đưa ra các ý tưởng mới.

Nhưng theo lý thuyết phục hồi sự chú ý, bộ não có thể khôi phục lại những nguồn lực nhận thức có hạn của nó khi chúng ta sống trong những môi trường có ít tác động lên các giác quan hơn. Trong sự im lặng — ví dụ, sự tĩnh lặng bạn tìm được khi đi bộ một mình trong thiên nhiên — bộ não có thể giảm mức độ bảo vệ các giác quan của nó xuống.

3. TRONG IM LẶNG, CHÚNG TA CÓ THỂ CHẠM VÀO MẠNG CHẾ ĐỘ MẶC ĐỊNH CỦA BỘ NÃO

Mạng chế độ mặc định của bộ não được kích hoạt khi chúng ta dấn mình vào cái mà các nhà khoa học gọi là “nhận thức tự tạo”, ví dụ như mơ mộng, thiền, tưởng tượng về tương lai hoặc chỉ cần để cho tâm trí chúng ta suy nghĩ lan man.

Khi bộ não nhàn rỗi và ngắt khỏi kích thích bên ngoài, chúng ta có thể chạm vào dòng suy nghĩ, cảm xúc, ký ức và ý tưởng bên trong của chúng ta. Tham gia vào mạng này giúp chúng ta chiêm nghiệm ra nhiều điều từ kinh nghiệm của mình, thấu cảm với người khác, sáng tạo hơn và suy ngẫm về trạng thái cảm xúc và tinh thần của mình.

Để làm điều này, cần thoát khỏi sự sao lãng khiến chúng ta nấn ná trên bề mặt nông cạn của tâm trí. Sự im lặng là một cách để đạt đến đó.

Hoạt động chế độ mặc định giúp chúng ta suy nghĩ sâu sắc và sáng tạo. Herman Melville từng viết rằng, “Tất cả những điều sâu sắc và cảm xúc được dẫn dắt và có sự tham dự của tĩnh lặng trong đó.”

4. SỰ YÊN TĨNH CÓ THỂ TÁI TẠO NHỮNG TẾ BÀO NÃO

Sự im lặng theo nghĩa đen có thể làm bộ não phát triển.

Một nghiên cứu trên loài chuột năm 2013, được đăng trên tạp chí Brain, Structure, and Function, bao gồm việc so sánh những tác động của nhiễu môi trường, tạp âm trắng, tiếng kêu của chó con và sự im lặng lên bộ não của loài gặm nhấm. Mặc dù các nhà nghiên cứu chỉ định sử dụng sự im lặng như một cách làm dịu lại giữa các đợt thử nghiệm trong nghiên cứu, họ phát hiện thấy hai giờ im lặng mỗi ngày dẫn đến sự phát triển của những tế bào mới trong hồi hải mã, một vùng não quan trọng gắn liền với việc học tập, trí nhớ và cảm xúc.

Trong khi đó, những phát hiện sơ bộ cũng cho thấy sự yên tĩnh có thể được kết hợp để điều trị cho các bệnh như trầm cảm và Alzheimer, những bệnh có liên quan tới giảm tỷ lệ tái sinh tế bào thần kinh trong vùng Đồi Hải mã.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM / THE HUFFINGTON POST

Tags: