Sử ca – một dòng chảy cuồn cuộn trong dòng sông nhạc Việt

Nhưng nếu ở trong ta còn nặng lòng với đất nước, với nhân dân vừa giản dị vừa lớn lao, chắc chắn, sẽ có một lúc nào đó, những sự kiện lịch sử đã qua, những sự kiện lịch sử đang diễn ra, những sự kiện lịch sử của tương lai sẽ được các nhạc sĩ trẻ viết ra bằng ngôn ngữ mới của thời đại hôm nay, để đóng góp vào kho tàng sử ca đặc biệt phong phú của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Nếu tính ca khúc Việt truyền miệng, chưa in thành văn bản thì có lẽ “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu là ca khúc đầu tiên mở ra thuở bình minh Tân nhạc. Ca khúc ấy lại là sử ca – một ca khúc viết về đội quân hồng binh của khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cũng thời kỳ ấy, có lẽ trước sau chút ít, những thanh niên tham gia phong trào Hướng đạo, cũng truyền miệng một ca khúc sử ca viết về Đinh Bộ Lĩnh mang tên “Anh hùng ca” của huynh trưởng Hổ Xám – nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy: “Anh hùng xưa – nhớ thời là thời niên thiếu- dấy binh lấy lau làm cờ- quên mình là mình giúp nước – dấn thân khắp nơi nguy nàn – ngàn thu lừng danh đất nước- sứ quân khắp nơi kinh hoàng – tiếng lừng nước Nam”.

Có thể nói, sử ca khởi sự Tân nhạc Việt Nam thì chắc cũng không ai phản đối. Điều đó càng được củng cố vì chỉ sau khi những ca khúc Việt đầu tiên được in trên báo “Ngày nay” mùa thu 1938, như tờ khai sinh cuộc hoài thai sinh nở Tân nhạc Việt Nam được vài năm, đã dấy lên trong thuở bình minh ấy một phong trào viết những ca khúc yêu nước khởi sự từ nhóm “Đồng Vọng” của Hoàng Quý ở Hải Phòng, rồi sau đó nở rộ trong phong trào Thanh niên – Lịch sử là Tổng hội sinh viên ở Hà Nội của Lưu Hữu Phước sau đấy là Sài Gòn từ cuộc “Xếp bút nghiên”. Và ở giữa là kinh thành Huế với những ca khúc lịch sử của Ngô Ganh, Văn Giảng, Trần Hoàn … Dường như các nhạc sĩ đã viết lại lịch sử nước nhà từ thuở Vua Hùng.

Đấy là “Giỗ Hùng Vương” (hay “Đi hội Đền Hùng”) của Lưu Hữu Phước, là “Ngày xưa” viết về Hai Bà Trưng của Tô Vũ hay “Hồn tử sĩ” của Lưu Hữu Phước, “Trưng Vương” của Đỗ Nhuận. Chiến công Bạch Đằng oanh liệt từ Ngô Quyền đến Trần Hưng Đạo đã được nhiều nhạc sĩ cảm hứng. Đấy là “Trên sông Bạch Đằng” của Hoàng Quý, “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước, “Hò kéo gỗ trên sông Bạch Đằng” của Văn Cao. Thời vua Đinh, sau “Anh hùng xưa” của Hoàng Đạo Thúy là “Bóng cờ lau” của Hoàng Quý. Thời vua Lý lại có “Người xưa đâu tá” của Lưu Hữu Phước. Thời Trần có “Trần Quốc Toản”, “Chu Văn An” của Ngô Ganh và đặc biệt là “Hội nghị Diên Hồng” của Lưu Hữu Phước. Thời Hồ ngắn ngủi cũng được Đỗ Nhuận thốt kêu trong ca cảnh “Nguyễn Trai – Phi Khanh”.

Thời Lê là “Nước non Lam Sơn” của Hoàng Quý, “Bóng người núi Lam” và “Ải Chi Lăng” của Lưu Hữu Phước. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh có “Hờn sông Gianh” của Lưu Hữu Phước. Thời Tây Sơn thì có “Thăng Long hành khúc ca”, “Đống Đa” của Văn Cao. Thời Nguyễn có “Quốc ca Nam triều” của Tôn Thất Hối. Và sau đó là sôi sục một thời tiền khởi nghĩa với hàng loạt những hành khúc bỏng cháy nhiệt huyết tuổi trẻ như “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng” … của Lưu Hữu Phước, “Cờ Việt Minh” của Vương Gia Khương, “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Phất cờ Nam tiến” của Hoàng Văn Thái và cuối cùng là một hành khúc viết vào ngày Hà Nội khởi nghĩa 19/8/1945 có tựa đề chính là “19 tháng 8” của Xuân Oanh.

Trong những ngày đầu cách mạng, người yêu nước thời đó lại hát vang “Bắc Sơn”, “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” của Văn Cao, thiếu nhi thì hát “Kim Đồng” của Phong Nhã. Khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ thì hát “Tiếng súng Nam Bộ” của Đỗ Nhuận và sau đó là “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn. Những chiến sĩ Nam tiến thì hát “Xuất quân” của Phạm Duy, đi qua Đà Nẵng thì mang theo “Đoàn Vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu. Ở Hải Phòng và Hà Nội thì hát “Cảm tử quân” của Hoàng Quý để rồi khi Toàn quốc kháng chiến thì hát “Mơ đời chiến sĩ”, “Thủ đô huyết thệ” của Lương Ngọc Trác. Và sau đó là lai láng trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Trong trường kỳ kháng chiến, mặt trận nào, vùng miền nào cũng có những nhạc sĩ ghi lại lịch sử chiến đấu, lập chiến công bằng âm nhạc.

https://www.youtube.com/watch?v=aoRyv3n9RdA

Ở chiến trường miền Bắc, khi giặc Pháp tấn công chiến khu Việt Bắc thì bên cạnh “Chiến công Việt Bắc” của Phạm Ngữ là 5 ca khúc dành cho chiến thắng sông Lô thu đông 1947. Đó là “Lô Giang” của Lương Ngọc Trác, “Chiến sĩ sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc, “Sông Lô” của Văn Cao, “Đoàn quân sông Lô” của Lưu Hữu Phước, “Tiếng hát trên sông Lô” của Phạm Duy. Bên cạnh “Trận Đoan Hùng” của Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc còn có “Bình ca” nữa. Giữa thời kỳ cầm cự đẩy mạnh hoạt động du kích thì Đỗ Nhuận có “Du kích sông Thao”, Văn Cao có “Làng tôi”: “Làng tôi theo đoàn quân du kích”. Khi giặc Pháp nhảy dù Bắc Cạn 1949, lại có “Chiến thắng Phủ Thông” của Đinh Ngọc Liên. Khi ta tiến hành chiếm dần Trung Du thì có “Quê em miền Trung Du” của Nguyễn Đức Toàn, “Làng tôi” của Hồ Bắc, “Trung du” của Ngỗ Sĩ Hiển – Phạm Chí Nhân.

Khi ta mở chiến dịch biên giới thì có “Tiểu đoàn Lũng Vài” của Văn Cao, “Tiểu đoàn Lũng Vài lên đường lập công” của Hữu Hiệp, “Vào Đông Khê” của Văn Chung, “Đường Lạng Sơn” của Phạm Duy, “Mường Loóng” của Ngọc Bích. Khi ta mở chiến dịch đường số 6 thì có “Chiến thắng Hòa Bình” của Văn Ký, “Quyết chặt tan đường số 6” của Văn Đức, “Tin chiến thắng” của Hoàng Vân. Khi ta tràn về đồng bằng châu thổ Bắc thì có “Về đồng bằng” của Nguyễn An, “Kể chuyện du kích làng Nguyễn đánh giặc” của La Thăng, viết về các nhân vật thì có “Lỳ và Sáo” của Văn Chung, về chị Nguyễn Thị Chiên là “Sóng cả không ngã tay chèo” của Đỗ Nhuận, “Anh hùng Nguyễn Quốc Trị” của Trần Ngọc Xương, về gương hy sinh của Bùi Thị Cúc có “Kể chuyện Dôi a” của Nguyễn Văn Tý, gương lao động sản xuất nông nghiệp thì có “Bài ca Hoàng Hanh” của Lê Yên.

Khi ta mở chiến dịch Tây Bắc thì có “Qua miền Tây Bắc” của Nguyễn Thành, “Đường lên Tây Bắc” của Văn An, “Đâu có giặc là ta cứ đi” của Đỗ Nhuận. Bước vào trận Điện Biên là “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, “Trận Him Lam” của Đỗ Nhuận và khép lại là “Chiến trắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận. Khi về giải phóng Thủ đô thì đoàn quân chiến thắng hát vang “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Khi về giải phóng Hải Phòng – giải phóng hoàn toàn miền Bắc thì hát “Tiến về Thành Tô” của Nguyễn An.

Ở miền Trung từ Thanh – Nghệ – Tĩnh đến Bình – Trị – Thiên, rồi đến Nam – Ngãi – Bình – Phú – Khánh Hòa – cực Nam – Tây Nguyên. Lại một dòng sử ca ăm ắp hào sảng suốt dẻo đất Liên khu IV, Liên khu V, Khu VI. Từ vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh tự do, những nhạc sĩ viết về các mặt trận như “Cảnh Dương quật khởi” của Phạm Văn Chừng, “Về miền Trung”, “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy, “Về Ba Đồn” của Ngọc Bích, đặc biệt là “Bình – Trị – Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương.

Từ vùng tự do Quảng Ngãi, Phúc Yên, các nhạc sĩ cũng vừa dõi theo chiến thắng cả nước để viết nên những bài sử ca của mình, lại cũng lên đường theo chân người lính đến các mặt trận. Ghi nhớ lại khởi nghĩa Ba Tơ có “Du kích Ba Tơ” của Dương Minh Viện. Hoàng Chi Lăng phổ thơ Lương Triệu Thành “Hải Vân chiến thắng”, “Bến Hàn Giang” của Ngọc Trai, “Trung đoàn 108” của Nguyễn Trọng Cát, “Chiến thắng Xuân Đài” của Thái Hào Quyên – nhạc sĩ đã hy sinh sau khi viết “Giải phóng Kon Tum” (1945). Ghi nhớ những thời điểm mặt trận Tây Nguyên từ đầu còn có “Tiến lên Lắk” của Trương Đình Quang” “Tây Nguyên tiến” của Đức Tùng, “Nhịp bước phản công” của Lê Trọng Nguyễn, “Mừng chiến thắng Tây Nguyên” của Huỳnh Văn Cát, “Tiếng cồng đêm ngừng chiến” của Nhật Lai, sau hiệp đình Genève có “Hát mừng anh hùng Núp” của Trần Quý. Tất cả khép lại bằng “Liên khu V yêu dấu” của Phan Huỳnh Điểu.

Ở cực Nam khu VI, những ca khúc ghi lại những diễn biến lịch sử, những trận đánh nổi tiếng, những đơn vị vệ quốc lừng danh cũng vang vọng khắp nơi. Đó là “Trung đoàn 82 quân hành khúc” của Dương Minh Đẩu và Vương Gia Khương, “Em bé đuốc sống”, “Đồng chí” của Minh Quốc, “Đêm trăng trên đỉnh Tam Giác” của Huy Sô, Minh Quốc còn viết tiếp “Nghe chiến công Duồng”, “Chiến thắng Ngã Hai” và những ca khúc tự biên của chiến sĩ mật khu Lê Hồng Phong.

Ở Nam Bộ “đi trước về sau”, nối tiếp “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn là “Quốc dân tiến”, “Tiến binh” của Lê Trần, “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí (thơ Nguyễn Bính), “Tầm Vu” của Đắc Nhân – Quốc Hương, “Du kích Long Phú”, “Cô gái Vĩnh Hanh” của Quốc Hương, “Tự do cơm áo hòa bình” của Phạm Công Nhiều, cùng những ca khúc ca ngợi Bác Hồ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ Ca trước lúc hy sinh để lại “Dạ khúc”, “Khúc khải hoàn” (viết cùng Lưu Hữu Phước) và “Tiếng dân cày”, “Cương quyết ra đi”, “Tháp mười anh dũng” của Nguyễn Ngọc Bạch, “Câu hát Vĩnh Thông” của Quách Vũ (thơ Cương Dũng), “Du kích giết tây” của Vy Luân, “Đoàn quân ma” của Lưu Hữu Phước, “Khu rừng miền Đông” của Lưu Cầu, “Anh Ba Hưng” của Trần Viết Tường, “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh, “Mến thương anh du kích” của Hoàng Hiệp, “Lên ngàn”, “Nhạc rừng” của Hoàng Việt, “Chiến binh ca vũ khúc” của Nguyễn Ngọc Thới, “Hồn Việt Nam” của Đào Mộng Long cùng những sáng tác đầu tay của Xuân Hồng, Quốc Hà, Việt Trung, Thanh Trần, Văn Lưu, Hoàng Mãnh … Khiến cho Nam Bộ luôn luôn sôi sục trong chín năm trường kỳ kháng chiến.

Từ sau hiệp định Genève, nhiều nhạc sĩ Nam Bộ ra tập kết tại miền Bắc. Tuy nhiên, vẫn có những nhạc sĩ ở lại bám trụ như Việt Trung, Quốc Hà, Phan Thế … Trong 10 năm ở miền Bắc hòa bình, các nhạc sĩ vừa có thêm thời gian để nhìn lại những chặng đường, những nhân vật trong cuộc đấu tranh và trong kháng chiến. Nhìn bao quát tổng thể thì có những ca khúc như “Tổ quốc ta trên mười năm đã lớn” của Hồng Đăng, “Phất ngọn cờ hồng” của Vũ Trọng Hối, “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho, “Hát mừng đất nước” của Văn Ký. Có những bài ngợi ca anh hùng như “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của Nguyễn Đức Toàn, “Bế Văn Đàn sống mãi” của Huy Du (thơ Trinh Đường) …

Có những bài ca ngợi những thành tựu xây dựng xã hội chủ nghĩa non trẻ ở miền Bắc. Khi cầu Việt Trì bắc qua sông Hồng có “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” của Hoàng Hà. Khi đường tàu liên vận thông suốt đến Moskva có “Hà Nội – Bắc Kinh – Mạc Tư Khoa” của Xuân Oanh. Và nhiều nhất là những ca khúc hướng về cuộc đấu tranh thống nhất. Cầu Hiền Lương, nơi giới tuyến phân chia hai miền Nam – Bắc bắt đầu được hát lên như một chứng nhân lịch sử qua “Câu hò trên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp (thơ Đằng Giao), “Dòng Bến Hải tâm tình” của Vĩnh Cát, được nhắc đến trong “Tiếng hát bay xa” của Trần Kiết Tường: “Cầu Hiền Lương đắm chìm còn trong bể máu”, trong “Gửi người em gái miền Nam” của Đoàn Chuẩn: “Nụ cười trong gió sớm em đến gặp anh giữa cầu Hiền Lương” …

Trong khi đó, các nhạc sĩ vẫn bám sát những sự kiện đấu tranh của đồng bào miền Nam. Hướng về Tây Nguyên, bên cạnh những ca khúc của Nhật Lai như “Chim lạc đàn”, “Chim Poong Kle”, “Tiếng hát Mnongtipi”, là “Tây Nguyên bất khuất” của Văn Ký. Hướng về Nam Bộ có “Quê hương ơi ta sẽ về” của Trần Kiết Tường, “Quê tôi” của Lưu Cầu, “Tình ca” của Hoàng Việt, “Anh về miền Bắc” của Đắc Nhẫn … Hướng về miền Trung có “Quê tôi” của Phan Huỳnh Điểu, “Giữ trọn tình quê” của Văn Cận, “Miền Nam tranh đấu” của Nguyễn Ngọc Thới … Đến khi chào đón Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời là “Giải phóng miền Nam” của Lưu Hữu Phước, “Hành khúc giải phóng” của Hoàng Hiệp – Lưu Hữu Phước, “Khúc quân hành” của Phan Thế, “Giờ hành động” cũng của Lưu Hữu Phước, “Đội nữ võ trang” của Việt Trung, “Lời nguyền son sắt” của Quốc Hà, “Lời ca không tắt” của Tô Hải …

Đặc biệt trong các sự kiện đấu tranh ấy, có “Lê Quang Vịnh người con quang vinh” của Nguyễn Tài Tuệ và nhất là với sự kiện Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường 15/10/1964, tất cả các nhạc sĩ ở miền Bắc và miền Nam lúc đó đều thét lên những giai điệu căm hờn kẻ thù và chất ngất ngợi ca người chiến sĩ đặc công quả cảm. Ở miền Bắc là những ca khúc “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi” của Nguyễn Đức Toàn, “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của Vũ Thanh, “Có những lời ca” của Huy Du, “Nguyễn Văn Trỗi- tên anh sáng mãi” của Hiền An … thiếu nhi có “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi” của Phong Nhã, còn ở miền Nam có “Nguyễn Văn Trỗi – người con thành đồng” của Phan Thế.

Từ ngày Mỹ đổ bộ vào miền Nam và ném bom miền Bắc, cả nước lại thét lên những giai điệu sử ca qua các sự kiện, qua những trận thắng ở cả hai miền. Ngay ở miền Bắc, sau ngày 5/8/1964 – ngày đầu tiên bom Mỹ rơi trên đất Bắc, đã có rất nhiều ca khúc được hát lên ngay như “Giặc đến nhà ta đánh” của Đỗ Nhuận, “Đánh đích đáng” của Ngô Sỹ Hiển, “Thà chết bảo vệ tổ quốc” của Huy Du, “Phải giết lũ giặc Mỹ” của Trọng Loan, “Từng bước đi vững chắc” của Văn Chung, “Tay súng sẵn sàng” của Nguyễn Xuân Khoát, sau đó là một loạt những bài ca về vùng mỏ Quảng Ninh, nơi khởi sự cuộc đối đầu như “Tôi là người thợ mỏ” của Hoàng Vân, “Khi chúng tôi vào lò” của Trần Chung, “Những ánh sao ca đêm” của Phạm Tuyên, “Trên mỏ đèo Nai em hát” của Trần Quý … Ở miền Nam, sau chiến thắng Ấp Bắc, có nhiều ca khúc ngợi ca phong trào noi gương Ấp Bắc như “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến, “Các anh tòng quân” của Việt Trung … khi ta lần đầu tiên chiến trắng giặc Mỹ cũng có những ca khúc như “Những dũng sĩ Núi Thành” của Trọng Bằng, “Hoan hô chiến thắng Bầu Bàng” của Việt Trung, “Kèn Bình Giã” của Lê Lan… Và từ đấy là một bức tranh hoành tráng bằng âm thanh của “Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền” như tựa đề một hành khúc của Lưu Cầu. Bom Mỹ ném xuống và máy bay Mỹ rơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh có ngay “Giữ vững biển trời Xô Viết Nghệ An” của Hồ Bắc, “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của Tân Huyền, “Hà Tĩnh chiến thắng” của Thái Quý. Ở Quảng Bình có ngay “Chiến thắng Quảng Bình” của Phạm Tuyên, “Quảng Bình quê ta ơi” của Hoàng Vân, “Kể chuyện sông Nhật Lệ” của Nhật Lai, “Em bé Bảo Ninh” của Trần Hữu Phát, “Trên biển quê hương” của Đức Minh. Ở Vĩnh Long có ngay “Giữ vững biển trời Quảng Bình – Vĩnh Linh” của Xuân Giao, “Bài ca Vĩnh Linh” của Hoàng Vân, “Vĩnh Linh đất mẹ anh hùng” của Đinh Thìn. Ngược ra cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa có “Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn” của Phạm Tuyên, “Chào sông Mã anh hùng” của Xuân Giao, “Cây lúa Hàm Rồng” của Đôn Truyền, “Nhịp cầu sông Mã” của Lê Xuân Thọ. Cũng vào thời điểm đó, gương hy sinh của Nguyễn Viết Xuân ở trận địa pháo đã làm nên bao giai điệu hào hùng như “Nguyễn Viết Xuân – cả nước yêu thương” của Nguyễn Đức Toàn, “Anh Xuân ơi! Tôi nghe rõ lời anh” của Đỗ Dũng (thơ Phan Cung Việt) và “Cùng anh tiến quân trên đường dài” của Huy Du (thơ Xuân Sách). Khi máy bay Mỹ xâm phạm các đảo, cũng có ngay những ca khúc như “Bài ca đảo Bạch Long Vỹ” của Vũ Ngọc Quang (thơ Mai Nam), “Quê tôi đây đảo Hòn Mê” của Đức Nhuận, “Cồn cỏ anh hùng” của Trọng Loan và “Thái Văn A đứng đó” của Văn An … Còn có thêm cho Cồn Cỏ là “Bài ca gửi đất liền” của Lương Ngọc Trác, “Con cua đá” của Phan Ngạn – Ngọc Cừ, cho Bạch Long Vỹ là “Bạch Long Vỹ đảo quê hương”, “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi” của Huy Du, “Khúc hát đảo quê hương” của Phạm Đình Sáu. Khi máy bay Mỹ tấn công vùng núi phía Bắc có ngay “Tây Bắc mừng vui chiến thắng” của Trần Thụ, “Nổi trống lên rừng núi ơi” của Hoàng Vân, “Người Châu Yên em bắn máy bay” của Trọng Loan, “Tên lửa ta về bên sông Đà” của Hoàng Tạo, “Hà Tây quê lụa” của Nhật Lai … Máy bay Mỹ xâm phạm Hà Nội, Hải Phòng thì cũng có bao giai điệu thét lên trong từng ngày chiến đấu như “Trên đường Hà Nội” của Hồ Bắc, “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh, “Phi đội ta xuất kích” của Tường Vy, “Tiếng nói Hà Nội” của Văn An (thơ Cảnh Trà) … “Thành phố hoa phượng đỏ” của Lương Vĩnh, “Hát về thành phố biển” của Nguyễn Kim. Rồi đến những ngày hội lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cũng có biết bao ca khúc như “Vui mở đường” của Đỗ Nhuận, “Chiếc gậy Trường Sơn” của Phạm Tuyên, “Bài ca Trường Sơn” của Trần Chung (thơ Gia Dũng), “Bước chân trên dải Trường Sơn” của Vũ Trọng Hối… Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, biết bao ca khúc đã vang lên trong cả nước như “Bão nổi lên rồi” của Trọng Bằng, “Sài Gòn quật khởi” của Hồ Bắc, “Gửi Đà Nẵng thân yêu giữa những ngày bão tố” của Cầm Phong (thơ Lưu Trùng Dương), “Bài ca Thành Huế” của Đào Việt Hưng, “Chào mùa xuân đại thắng, chào anh giải phóng quân” của Hoàng Vân, “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn” của Phạm Minh Tuấn, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của Lư Nhất Vũ, “Người Đà Nẵng” Phan Ngọc, “Đà Nẵng rực lửa chiến công” của Thái Cơ, “Em thương người trong Huế đấu tranh” của Trần Hoàn, “Lửa Pleiku” của Phó Đức Phương, “Khi thành phố chúng ta xuống đường” của Thanh Trần … Ở mặt trận Quảng Trị – Khe Sanh, nơi kìm chân các sư đoàn tinh nhuệ của Mỹ để không thể rút về ứng cứu cho các thành phố, miền quê nổi dậy, cũng có “Tiếng đàn Ta Lư”, “Con suối La La”, “Tiếng hát trên đường quê hương” của Huy Thục, “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” của Trọng Loan, “Bài ca đường 9” của Huy Du (thơ Xuân Sách) … Nhiều tấm gương chiến đấu cũng được hát lên như “Ngợi ca dũng sĩ miền Nam” của Nguyễn Liệu, “Bài ca Hồ Giáo” của Nhật Lai, “Hát mừng chị Nét anh hùng” của Tú Ngọc, “Bài ca Lê Mã Lương” của Huy Du, “Bài ca Trừ Văn Thố” của Lưu Bách Thụ, “Cánh chim Hồng Gấm” của Phạm Tuyên, “Hai chị em” của Hoàng Vân, “Kpaklon”, “Người con gái sông La” của Doãn Nho, “Người lái đò trên sông Pô Kô”” của Cầm Phong (thơ Mai Trọng), thiếu nhi có “Nguyễn Bá Ngọc – người thiếu niên dũng cảm” của Mộng Lân … Trong chiến thắng đường 9 – Nam Lào, cũng vang lên “Bài ca đường 9 chiến thắng” của Văn Dung, “Từ Đông Hà qua Bản Đông” của Trần Chung, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp (thơ Phạm Tiến Duật), “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của Hoàng Hà … Và giai điệu càng chất ngất hơn trong mùa hè Quảng Trị 1972 như “Những bước đi vững chắc” của Tân Huyền, “Quảng Trị giải phóng” của Vĩnh An, “Ngã ba Long Hưng” của Huy Du, “Nghe tiếng pháo Khe Xanh” của Đức Nhuận …

Hiệp định Paris được ký kết, Trịnh Công Sơn viết “Nối vòng tay lớn”, Phan Thanh Nam viết “Lá cờ chiến thắng”, còn giai điệu Huy Du thì thấm đến từng tâm hồn giai điệu “Đường chúng ta đi” (thơ Xuân Sách) với ước vọng hòa hợp hai miền tại thời điểm Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam mang theo bài “Twit sông Hồng” thân phận. Nhưng để có được ngày này, Hà Nội đã phải hứng chịu cuộc đối đầu 12 ngày đêm với B52 Mỹ. Ở thời điểm đó, Phạm Tuyên đã viết “Hà Nội – những đêm không ngủ”, “Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Phan Nhân viết “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Trọng Bằng viết “Cả nước hướng về Hà Nội”. Nguyễn An viết “Tiếng hát người Hà Nội”. Huy Thục viết “Tên lửa ta đánh rất hay” … Sau hiệp định Paris, miền Bắc lại xây dựng lại trên những hố bom, nhà đổ. Những giai điệu tươi vui về những sự kiện hòa bình lại vang lên như “Từ một ngã tư đường phố” của Phạm Tuyên, “Cả Hà Nội hành quân” của Lê Lôi, “Hà Nội – những công trình” của Nguyễn Cường (thơ Lưu Quang Vũ), “Bến cảng quê hương tôi” của Hồ Bắc, “Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Mùa xuân trên thành phố dệt” của Trần Chung, “Tiếng hát từ Gio Cam giải phóng” của Trần Hoàn.

Trong lúc đó, ở chiến trường miền Nam, bắt đầu xảy ra những cuộc đụng độ chống lấn chiếm giữa ta và địch. Cuộc chi viện khổng lồ vào mặt trận qua đường Trường Sơn được vang lên qua “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn” của Tân Huyền, “Đường Trường Sơn xe anh qua” của Văn Dung. Người lính chiến trường bắt đầu dự cảm những điều lớn lao sắp xảy ra qua “Tháng ba Tây Nguyên” của Văn Thắng (thơ Thân Như Thơ), “Cánh chim báo tin vui” của Đàm Thanh, “Cùng hành quân giữa mùa xuân” của Hoàng Hà, “Ta ra trận hôm nay” của Văn An, rồi đến “Lá đỏ” của Hoàng Hiệp (thơ Nguyễn Đình Thi) với giọng hát Quốc Hương và câu kết “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” và thật bừng bừng khí thế là “Sông Đak rông mùa xuân về” vào mùa xuân 1975. Khi trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột chiến thắng, rồi Tây Nguyên giải phóng. Những bước chân tần tốc bắt đầu thì âm nhạc chiến thắng, những giai điệu khải hoàn vang lên trên các vùng đất vừa tự do. Ở Tây Nguyên là “Bài ca Tây Nguyên giải phóng” của Nguyễn Đức Toàn, “Hát trên Tây Nguyên giải phóng” của Trọng Loan, “Hát về Tây Nguyên” của Nguyên Nhung, “Đường về rộn tiếng chim ca” của Huy Du. Khi đại quân tràn qua sông Thạch Hãn giải phóng Quảng Trị có ngay “Quảng Trị giải phóng” của Nguyễn Đức Minh. Khi giải phóng Huế có “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” của Văn An (thơ Tạ Hữu Yên), “Huế của ta ơi” của Thanh Phúc, “Chào Huế anh hùng” của Nguyễn Đức Toàn. Khi giải phóng Đà Nẵng, có “Đà Nẵng ơi chúng con đã về” của Phan Huỳnh Điểu, “Đà Nẵng kiên cường chiến thắng vẻ vang” của Thuận Yến, “Đà Nẵng quê ta giải phóng” của Nguyễn Đức Toàn, “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du (thơ Bùi Minh Quốc). Đến khi giải phóng Sài Gòn, có ngay “Bài ca Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” của Thanh Phúc, “Hát vang bài ca toàn thắng” của Mộng Lân, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách (lời Đăng Trung) và “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà, “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữu Phước. Đặc biệt trong mùa xuân 1976, mùa xuân thống nhất đầu tiên sau 30 năm chiến tranh, rất nhiều giai điệu vang lên ca ngợi sự kiện lịch sử này. Đó là “Đường bốn mùa xuân” của Đỗ Nhuận, “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, “Việt Nam ơi! Ta bước tiếp” của Huy Du, “Đất nước mùa xuân” của Nguyễn Đức Toàn, “Trên đường hạnh phúc” của Văn An (thơ Tạ Hữu Yên), “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” của Nguyễn Văn Thương, “Tổ quốc yêu thương” của Hồ Bắc, “Hát mừng non nước hôm nay” của Trần Chung, “Bài ca thống nhất” của Võ Văn Di, “Tình ca đất nước” của Phan Nhân, “Mùa xuân trên quê hương” của Hoài Mai và “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng.

Đất nước thống nhất, cả nước bước vào xây dựng thời thanh bình. Những giai điệu lại vang lên chào mừng từng sự kiện. Với ngành xây dựng chung, có “Bài ca xây dựng” của Hoàng Vân. Khi đường tàu Thống Nhất nối liền Nam Bắc có “Đường tàu mùa xuân” của Phạm Minh Tuấn. Khi chúng ta bắt đầu làm thủy điện, có “Đến với sông Đà” của Trần Chung, “Trị An âm vang mùa xuân” của Tôn Thất Lập. Nhưng cuộc tranh chấp biên giới lại diễn ra ở Tây Nam và phía Bắc. Rồi cuộc chiến tranh giải thoát Căm-pu-chia khỏi nạn diệt chủng tàn bào lại làm vang lên bao giai điệu hào hùng. Ở Tây Nam, vang lên “Ngày mai anh lên đường” của Thanh Trúc, “Hát ru em bé Căm-pu-chia” của Nguyễn Thụy Kha (thơ Nguyễn Trọng Tạo), “Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp-sa-ra” của Minh Quang, “Đồng đội” của Hoàng Hiệp … Ở biên cương phía Bắc là “Tiến lên! Vì độc lập tự do” của Phạm Tuyên, “Lời tạm biệt lúc lên đường” của Vũ Trọng Hối, “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của Trần Tiến, “Rừng biên cương vang điệu Then mới” của Nguyễn Cường, “Hoa hồng trên điểm tựa” của Hồ Bắc, “Sa Pa thành phố trong sương” của Vĩnh Cát, “Ta-ca-nô nhân chứng quả cảm” của Phó Đức Phương, “Tình ca bên bờ sông Quan họ” của Phan Lạc Hoa (thơ Đỗ Trung Lai), “Hoa sim biên giới” của Minh Quang (thơ Đặng Ái), “Tình ca tuổi trẻ” của Tôn Thất Lập, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” của Hồng Đăng, “Gởi lại em” của Vũ Hoàng, “Hát mãi khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền, “Hương hồi xứ Lạng” của Ngõ Quốc Tính, “Đêm trăng trong rừng quế” của Trọng Loan …

Lại những bài ca mới về đảo khi cuộc chiến bảo vệ biển đảo lại diễn ra. Đó là “Nơi đảo xa” của Thế Song, “Nếu em tới thăm đảo tôi” của Trọng Loan, “Gần lắm Trường Sa” của Hình Phước Liên, “Nhớ Hoàng Sa” của Hoàng Vân, “Chiều Cát Bà” của Văn Lương … Cuộc chiến bảo vệ biên giới hải đảo vẫn song hành cùng công cuộc xây dựng đất nước. Khi đất nước có dầu lửa thì có “Mùa xuân trên những giếng dầu” của Phạm Minh Tuấn, làm đường dây 500KV thì có những hành khúc xây dựng đường dây của Đình Thậm, Phương Tài, khi làm đường Hồ Chí Minh thì có những hành khúc của Phạm Hồng Sơn. Bưu chính – Viễn thông phát triển nhảy vọt thì có “Sóng từ đâu” của Trần Tiến, “Bài ca cuộc đời” của Đỗ Bảo …

Khi đất nước thanh bình, vẫn có những giai điệu nhớ về thời chiến tranh như một dịp tổng kết lại sâu sắc hơn như “Đất nước”, “Bài ca không quên” của Phạm Minh Tuấn, “Đất nước bên bờ sóng” của Thái Văn Hóa, “Đất nước lời ru” của Thái Văn Hóa, “Việt Nam mến yêu” của Quang Vinh … Hàng loạt những bài hát về mẹ Việt Nam như “Mẹ Việt Nam anh hùng” của An Thuyên, “Người mẹ của tôi” của Xuân Hồng, “Mẹ” của Phan Long (thơ Đoàn Ngọc Thu). Đã có một “Người mẹ Bàn Cờ” thời đấu tranh sinh viên – học sinh của Trần Long Ẩn (thơ Nguyễn Kim Ngân), lại có “Người mẹ” của Nguyễn Ngọc Thiện trên cung bậc mới mẻ hơn. Đình Thậm bên cạnh những ca khúc thấm đẫm âm hưởng dân ca miền Trung, đã viết về cụ Huỳnh Thúc Kháng và viết ca khúc về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhân dịp ông sinh nhật 80 tuổi. Nhớ về Nguyễn Văn Thạc với cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”, cả Phạm Đăng Khương và Nguyễn Quý Lăng đều có ca khúc với tựa đề trên. Đọc Đặng Thùy Trâm, cũng có bao bài hát ngợi ca người nữ bác sĩ anh hùng. Rồi biết bao bài ca viết về lịch sử đất nước, lịch sử thủ đô Hà Nội làm nên một dòng chảy cuồn cuộn trong dòng sông âm nhạc Việt Nam.

Nhưng đấy là những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ và hậu chiến. Đối với thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay – thế hệ thứ năm, thấy sáng tác ca khúc của họ nghiêng về tình ca rất nặng. Đó là đặc điểm của thời hòa bình. Trong khi các nhạc sĩ hậu chiến, thuộc thế hệ 6X, còn quan tâm đến biển đảo như Quỳnh Hợp, Lương Minh, còn quan tâm đếm lịch sử cha ông như Doãn Nguyên qua “Huyền Trân Công chúa”, Quang Vinh có bài ca chính thức cho seagame 23 … thì các nhạc sĩ trẻ dường như đã bỏ qua thể sử ca, đưa sử ca vào lãng quên. Thực ra trong sáng tác thì không thể ép buộc ai đi theo thể dạng nào. Nhưng nếu ở trong ta còn nặng lòng với đất nước, với nhân dân vừa giản dị vừa lớn lao, chắc chắn, sẽ có một lúc nào đó, những sự kiện lịch sử đã qua, những sự kiện lịch sử đang diễn ra, những sự kiện lịch sử của tương lai sẽ được các nhạc sĩ trẻ viết ra bằng ngôn ngữ mới của thời đại hôm nay, để đóng góp vào kho tàng sử ca đặc biệt phong phú của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Theo NGUYỄN THỤY KHA / HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM

Tags: ,