Sự bất lương của việc làm giàu nhờ đầu cơ bất động sản

Nhiều người cười vì lời lô đất này vài trăm triệu, cả tỷ thì ở nơi khác có những cặp vợ chồng bóp trán nghĩ cách kiếm tiền mua nhà.

Sự ‘bất lương’ của những người làm giàu nhờ đầu cơ bất động sản

Đầu cơ là việc nắm giữ, mua, bán khống các loại tài sản nhằm mục đích thu lợi khi có sự biến động giá trên thị trường. Đầu cơ bất động sản là việc mua vào đất đai, nhà cửa để tích trữ và bán ra khi có sự chênh lệch về giá.

Đầu cơ bất động sản khiến cho giá nhà đất tăng lên phi mã so với giá trị thực, lãng phí tài nguyên đất đai, gây khó khăn cho quản lý nhà nước, giảm hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội, có thể góp phần dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Hiện nay, tình trạng này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, mà còn khá phổ biến tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Mark Twain, văn hào Mỹ từng viết một số tiểu thuyết nổi tiếng. Ở Việt Nam, nhiều người đã từng đọc các tác phẩm của nhà văn này.

Nhưng đáng buồn thay, một câu nói của ông đã được các “cò đất” và những người đam mê buôn đất để làm giàu trích dẫn: “Hãy mua đất, người ta không tạo ra nó nữa (buy land, they’re not making it anymore). Cũng đúng thôi, người ngày càng sinh sôi nhưng đất thì không nảy nở.

Chẳng cần tìm một ví dụ nào xa xôi, ngay như trong gia đình tôi, đời ông bà nội được ông bà cố chia khá nhiều đất. Đến đời bố tôi, chỉ nhận được một phần ít ỏi trong số đó vì có tận bảy anh chị em. Đến đời tôi, dù bố tôi chỉ đẻ hai người con nhưng anh em tôi cũng chỉ được chia mỗi người hơn trăm mét vuông đất.

Nhà chú tôi đẻ tận bốn người con, nếu chia đều thì mỗi người con của chú nhận vài chục mét vuông đất: Cất nhà ở thì chật, mà trồng trọt hay chăn nuôi thì chẳng bõ công.

Đó là góc nhìn của người dân ở quê hiện nay. Làm nông nghiệp thu về món lợi quá ít. Trồng lúa một vụ mấy tháng trời nhưng tiền lời đổ vào giống, phân bón, thuốc trừ sâu là hết. Trồng cây ăn trái hay chăn nuôi thì phập phồng lo sợ giá cả lên xuống thất thường. Tình trạng người dân ở quê sẵn sàng xẻ một phần đất tổ tiên để lại bán đi để kiếm chút vốn làm ăn, xây nhà cửa là không hiếm.

Trường hợp vợ chồng tôi, học xong đại học, làm việc và có mong muốn định cư lâu dài ở thành phố với nỗi lo không biết khi nào mua được nhà chung cư. Kiếm tầm 40 triệu đồng mỗi tháng (đã cộng lương, thưởng Tết, thưởng quý) nhưng khi kiếm một dự án chung cư, dù ở xa tít tắp ngoại ô để ở nhưng cũng rất đắn đo. Một căn hộ hai phòng ngủ bây giờ cũng có giá từ gần 2 tỷ đồng.

Một con số quá sức với người làm công ăn lương. Nếu không có họ hàng, cha mẹ hai bên hỗ trợ một ít tiền thì chẳng biết khi nào mua được. Vay thêm ngân hàng từ một đến một tỷ rưỡi thì cũng phải trả trong mấy chục năm. Thế là chẳng còn vốn để kinh doanh hay nghĩ đến chuyện làm ăn gì khác.

Đầu tư lướt sóng căn hộ, tạo sốt đất ảo ở quê… là một trong những cách đổi đời, kiếm tiền nhanh được nhiều người chọn lựa. Nhưng sự may mắn của người này (một nhóm nhỏ) lại là nỗi vất vả, nhọc nhằn của biết bao người khác. Họ khoe lời vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng sau vài năm đầu tư lô đất ở chỗ này, chỗ kia. Nhưng cũng có những cặp vợ chồng trẻ không dám sinh con, nhịn ăn nhịn mặc, làm lụng cật lực chỉ để có được một chỗ chui ra chui vào.

Phải chăng, đó là hiện tượng “tiền không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác?”.

Đem tâm sự này nói với một số người, tôi nhận lại câu trả lời: “Khi nào người Việt không còn khao khát sở hữu nhà đất nữa thì giá mới hy vọng rẻ được”. Nói vậy là đủ hiểu.

Theo TRƯƠNG PHÚC / VNEXPRESS

Tags: