So sánh tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Việt Nam đang sở hữu những loại nào?

Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình khác nhau như thế nào? Việt Nam đang sở hữu một số loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đầy uy lực, là những loại gì?

Khác biệt giữa tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình

Tên lửa hành trình hay hỏa tiễn hành trình (Cruise missile) hay còn gọi là tên lửa có cánh hay tên lửa tuần kích và hỏa tiễn cruise là loại vũ khí tên lửa có điều khiển mà đặc điểm bay của nó là trong toàn bộ quỹ đạo tên lửa chịu tác động của lực nâng khí động học thông qua các cánh nâng nên được gọi là tên lửa có cánh.

Loại tên lửa này có rất nhiều phương án điều khiển: có thể là theo chế độ lập trình sẵn để chống các mục tiêu cố định hoặc với radar, tự dẫn để chống các mục tiêu di động như tàu chiến, máy bay.

Còn tên lửa đạn đạo (Ballistic missile) là loại tên lửa có phần lớn quỹ đạo sau khi phóng tuân theo các nguyên tắc của đường đạn học phần quỹ đạo của tên lửa trong giai đoạn này thực chất là theo chế độ bay không điều khiển theo phương trình vật chuyển động tự do trong trường trọng lực.

Để đi được xa thường tên lửa được phóng lên rất cao, quỹ đạo vượt ra khỏi tầng khí quyển đậm đặc của Trái Đất và thâm nhập khoảng không vũ trụ. Điểm đặc trưng của tên lửa đạn đạo là được phóng theo phương thẳng đứng.

Tên lửa đạn đạo bao gồm nhiều loại tên lửa trong đó có tên lửa vũ trụ là các tên lửa mang hay tên lửa đẩy dùng để đưa tàu vũ trụ và các vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo quanh Trái Đất và các loại tên lửa đạn đạo dùng trong quân sự.

Các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Việt Nam sở hữu

Tên lửa đạn đạo Scud-B

Đến thời điểm này, Việt Nam là quân đội đầu tiên và cũng là duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud trong biên chế. Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm – SIPRI công bố, thời điểm năm 1981, Việt Nam đã nhận từ Liên Xô 4 xe mang phóng tự hành 9P117 cùng 25 đạn tên lửa R-17 Elbrus (Scud-B).

Tên lửa Scud khởi nguồn từ một sản phẩm công nghệ tên lửa thời chiến của Đức. Liên Xô đã thực hiện các thí nghiệm cần thiết, mổ xẻ tên lửa V-2 do Đức Quốc xã phát triển, và quá trình nghiên cứu phát triển này đã kéo dài trong 10 năm trước khi Liên Xô ra mắt tên lửa R-11M diễu hành qua Quảng trường Đỏ vào tháng 11/1957.

R-11M là loại tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu lỏng, được phóng trên xe mang phóng tự hành, không khác mấy so với bệ phóng Pukkuksong-2 của Triều Tiên. R-11M có thể phóng một đầu đạn thông thường sức nổ cao tới 167 dặm và một đầu đạn hạt nhân nặng hơn vượt khoảng cách tới 93 dặm. R-11M sau đó được NATO gọi là tên lửa Scud và phiên bản sau này xuất hiện được gọi là Scud-A.

Tầm bắn ngắn của Scud A biến nó thành hệ thống vận tải hạt nhân chiến thuật. Tên lửa này có độ chính xác tương đối kém với lỗi sai số trượt mục tiêu là 1,8 dặm. Điều này cùng với tình trạng ban đầu của sự phát triển vũ khí hạt nhân sớm khiến Scud dù là một hệ thống chiến thuật nhưng vẫn được trang bị các đầu đạn lớn với lượng nổ từ 20 đến 100 kiloton.

Thiết kế cơ bản của Scud được cập nhật một số lần trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. R-17, hay còn gọi là tên lửa Scud-B, đã được công bố vào năm 1965. Tên lửa Scud-B chuyển sang xe mang phóng có bánh xe 8×8 và tầm bắn hạt nhân tăng từ 93 lên 167 dặm. Hệ thống dẫn đường quán tính mới làm giảm độ chính xác của mô hình Scud-B xuống còn 0,6 dặm, và trong khi loại tên lửa mới này không phải là một “vũ khí dẫn đường chính xác”, nó vẫn chính xác hơn nhiều lần.

Tên lửa đạn đạo Hwasong-6

Cũng theo SIPRI, vào năm 1998 Việt Nam đã mua từ Triều Tiên 25 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-6 (Hỏa Tinh 6), đây là phiên bản sao chép dựa trên nguyên mẫu Scud-C.

Hwasong-6 đã bắn thử nghiệm vào tháng 6/1990, nhờ thu được kết quả tốt, nó chính thức đi vào sản xuất hàng loạt trong năm 1991.

Do trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến đi kèm động cơ hiệu suất cao mà sai số vòng tròn xác suất (CEP – Circular Error Probability) của Hỏa tinh 6 rút xuống chỉ còn 50 mét, trong khi tầm bắn tăng vọt lên 700 km (so với 300 km và CEP 500 mét – 900 mét của Scud-A/B).

Kích thước của Hwasong-6 không có nhiều khác biệt so với các phiên bản cũ: chiều dài 11,25 mét; đường kính thân 0,88 mét; trọng lượng phóng 6.400 kg với đầu đạn nặng 800 kg (đầu nổ mạnh hoặc sinh – hóa học).

Tên lửa hành trình 3M-54E Kalibr

Hiện tại trong biên chế của Hải quân Việt Nam đang có các tên lửa Kalibr phiên bản Club-S (3M-54 Kalibr) và chỉ duy nhất tàu ngầm Kilo có khả năng triển khai được loại tên lửa này.

Loại tên lửa này được chế tạo để phù hợp với nhiều mục đích tác chiến khác nhau, trong đó bao gồm các nhiệm vụ chống hạm, chống tàu ngầm hoặc phóng đi từ nhiều cơ cấu phóng khác nhau bao gồm tàu ngầm, tàu mặt nước trên bộ hoặc trên không. Loại tên lửa hành trình này là một mặt hàng cho thị trường xuất khẩu và có tới bốn phiên bản khác nhau đã được Nga chế tạo để xuất khẩu ra nước ngoài.

Phiên bản Kalibr trong biên chế của Hải quân Việt Nam là bản Club-S mang định danh đầy đủ là 3M-54E. Đây là phiên bản tên lửa Kalibr được thiết kế riêng biệt và chỉ có khả năng phóng từ tàu ngầm, làm nhiệm vụ chống tàu mặt nước.

Tên lửa Club-S của Việt Nam có chiều dài tổng cộng 8,2 mét và mang theo đầu đạn nặng tối đa 200 kg. Theo công bố của nhà sản xuất, loại tên lửa này có tầm bắn tối đa 220 km.

Các chuyên gia nhận xét, tên lửa Club-S là loại tên lửa diệt hạm nguy hiểm bậc nhất thế giới hiện nay, loại tên lửa này có tốc độ tối đa ở pha cuối lên tới Mach 3 và có khả năng bay với độ cao cách mặt biển chỉ 4,6 mét.

Việc bay cách mặt biển chỉ một vài mét khiến cho Club-S gần như miễn nhiễm với mọi biện pháp đánh chặn thông thường hoặc thậm chí không thể bị phát hiện bởi các hệ thống radar hiện đại ngày nay.

Tên lửa hành trình 3M-14E Kalibr

Theo SIPRI, ngoài tên lửa hành trình diệt hạm 3M-54E Kalibr thì Việt Nam còn nhận được biến thể đối đất của loại tên lửa này là 3M-14E. Đây cũng là mẫu tên lửa hành trình tấn công mặt đất đầu tiên của Việt Nam.

Được biết, 3M-14E là biến thể xuất khẩu của tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T đang được Hải quân Nga sử dụng, thiết kế cơ bản giữa hai biến thể tên lửa này gần như tương đồng ngoại trừ việc 3M-14E có tầm bắn chỉ 300 km so với bản gốc là 1.500 km để tránh vi phạm Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa – MTCR.

Trọng lượng chiến đấu của 3M-14E chỉ hơn 1.7 tấn; có đường kính 533 mm; dài 6.2m và được trang bị một đầu đạn nặng 450kg. Tốc độ bay tối đa của 3M-14E chỉ vào khoảng 864 km/h.

Với tên lửa hành trình 3M-14E, tàu ngầm Kilo Việt Nam đã có khả năng tung đòn tấn công tầm xa thẳng vào các mục tiêu mặt đất, tạo ra sức răn đe chiến lược rất lớn, khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải dè chừng.

Sức mạnh của 3M-14E đã một phần nào đó được chứng minh thông qua các chiến tích của 3M-14T được Hải quân Nga sử dụng trong các chiến dịch không kích vào lực lượng phiến loạn ở Syria.

TỔNG HỢP

Tags: ,