Sơ lược về chế độ tem phiếu ở Việt Nam thời bao cấp

Ở Việt Nam thời bao cấp, việc phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân được thực hiện qua chế độ tem phiếu.

Sơ lược về chế độ tem phiếu ở Việt Nam thời bao cấp

Tem phiếu dành cho các cán bố công nhân viên làm việc trong cơ quan, xí nghiệp quốc doanh. Hàng hóa thông qua chế độ tem phiếu thường có giá thấp hơn rất nhiều so với giá bên ngoài thị trường (chợ đen). Theo đó, lương của người lao động sẽ được quy ra hiện vật.

Sổ gạo hay lúc đầu tên là cuốn sổ lương thực. Chế độ này được áp dụng vào khoảng những năm 1960, đầu tiên là lương thực, sau đổi thành tem phiếu bao gồm các loại mặt hàng, số lượng mà một gia đình được phép mua, dựa trên quy chuẩn như cấp bậc và niên hạn. Do đó, có gia đình được ưu đãi mua, được ưu tiên mua hàng, có gia đình thì không. Tem phiếu mua nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ có chế độ riêng tùy vào vị trí công việc, nghề nghiệp mà cán bộ công chức nhà nước và người dân lao động được phát khác nhau. Theo đó, tem phiếu được phân chia cho những cán bộ viên chức cấp cao như sau:

– Tiêu chuẩn đặc biệt A1 dành cho cán bộ cao cấp
– Phiếu A dành cho bộ trưởng
– Phiếu B dành cho thứ trưởng
– Phiếu C là trưởng các vụ, cục, viện

Những người thuộc đối tượng này đều có các cửa hàng riêng phục vụ ở phố Nhà Thờ, Tông Đản và Vân Hồ ở thủ đô.

Trong thời kì bao cấp, có rất nhiều loại tem phiếu, trong đó có những loại quan trọng nhất sau đây:

Gạo

Từ năm 1955, Nhà nước tạm thời bán gạo định lượng cho các hộ gia đình ở thành phố. Mỗi thành phố áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau.

Bắt đầu từ ngày 1/3/1957, Nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho tất cả bộ đội, CBCNV, học sinh các trường chuyên nghiệp, học sinh trường phổ thông hưởng học bổng toàn phần, bệnh nhân tại các bệnh viện, trạm điều dưỡng… Giá thống nhất và ổn định là 0,4 đ/kg (cụ thể hơn, xin xem bài viết về Lịch sử sổ gạo trong số này).

Vải

Từ 1962, định lượng phân phối như sau (1):

– CBCNVC 5m/người, năm.
– Nhân dân thành phố, thị xã 4m/người, năm
– Nhân dân nông thôn 3m/người, năm

Các loại phiếu vải cũng chia ra hai loại nam và nữ. Phiếu vải nữ có quyền được mua mỗi năm 2m lụa đen hay các loại vải tương tự để may quần.

Các mặt hàng thực phẩm (thịt, đường, sữa…).

Sữa là mặt hàng chỉ dành cho trẻ em và người ốm.

Chất đốt (dầu, than, củi)

– Các hộ gia đình ở thành phố, thị xã từ 4 người trở lên được cấp than là chủ yếu và được mua 10kg củi/hộ (để nhóm lò).
– Các hộ dưới 4 người được dùng dầu hoàn toàn.
– Diện đối tượng được cung cấp tem phiếu chất đốt ở miền núi thì chỉ được mua củi.
– Diện đối tượng được cung cấp tem phiếu chất đốt ở các nơi khác thì được mua than.

Sổ cung cấp phụ tùng xe đạp

Từ năm 1965, Nhà nước quy định tiêu chuẩn của mỗi CBCNVC nhà nước là được phân phối 1 chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Ai đã có xe đạp thì được đăng ký để xin sổ mua phụ tùng. Việc phân phối này khá phức tạp. Mỗi đợt có “tiêu chuẩn” đưa về cơ quan và xí nghiệp như xích, líp, xăm, lốp… là lại có một cuộc bình xét.

Bìa mua hàng gia đình

Các hộ gia đình (kể cả thành thị và nông thôn) được cấp bìa mua hàng để được mua các mặt hàng như: chiếu, xà phòng, diêm, kim chỉ… và trong các dịp lễ tết thì được mua các loại chè, thuốc, bánh, mứt, kẹo…

– Ngày Quốc khánh (2/9), các bìa được cung cấp bánh, kẹo, thuốc lá, chè.
– Ngày tết Trung thu, được cung cấp bánh nướng, bánh dẻo.
– Ngày tết Nguyên đán được cung cấp phong phú hơn cả: Mỗi hộ được mua 1 túi hàng Tết.

Ngoài các loại tem phiếu trên, còn có nhiều thứ giấy tờ có thể mua hàng: giấy giới thiệu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy báo tử, bệnh tật… cũng có giá trị để xét cho hưởng chế độ cung cấp định lượng. Tang ma (có giấy báo tử) thì gia đình được mua 1 quan tài theo giá cung cấp kèm theo một số vải tang (người dân tộc: 10m/người; người Kinh: 6m/người)… Có giấy khai sinh (cho trẻ sơ sinh) thì được mua xoong nồi, chậu tắm, vải làm tã lót… Có giấy kết hôn được mua 1 màn đôi, 2kg bánh kẹo, 10 bao thuốc lá, ngoài ra tuỳ nơi, tuỳ lúc mà còn có thể được mua cả 1 giường đôi, chậu tắm trẻ con, 1 xoong hoặc nồi nhôm, 1 phích nước…

S.T

Tags: