Quan niệm lệch lạc về cái đẹp và bi kịch từ nỗi ám ảnh nhan sắc

Mong rằng, các chị em hãy tỉnh táo, sáng suốt trước khi quyết định dùng đến dao kéo để chỉnh trang khuôn mặt và cơ thể. Không nên lạm dụng giải phẫu thẩm mỹ vì làm không khéo thì dễ để lại di chứng lâu dài. Trên thực tế nhiều người có dung nhan xấu hơn nhiều trước khi giải phẫu, nhưng có hối hận cũng đã muộn màng.

Quan niệm lệch lạc về cái đẹp và bi kịch từ nỗi ám ảnh nhan sắc

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề sắc đẹp trở thành nỗi lo thường trực với chị em phụ nữ như hiện nay. Nếu thời bao cấp, chỉ lo cái ăn đã là khó thì giờ đây chị em lo cho dáng chuẩn ba vòng, da căng láng mịn, mũi cao thanh tú, mắt to sáng long lanh… Và đây cũng là thời dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ ăn nên làm ra, phát đạt.

Thế nhưng thời gian qua có nhiều chị em bị chết oan uổng vì giải phẫu thẩm mỹ đã làm cho nhiều người giật mình, mới nhất là vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường, bác sĩ nhẫn tâm ném xác nạn nhân xuống sông Hồng càng làm cho dư luận xôn xao, phẫn nộ. Trong đó có không ít chị em đang có nhu cầu chỉnh sửa, trùng tu nhan sắc sẽ chùng bước, lo lắng.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến vấn đề cái đẹp của thời xưa và quan niệm cái đẹp thời nay, liệu rằng có cần phải giải phẫu thẩm mỹ để nhận những cái chết oan uổng hay những khuôn mặt biến dạng như vậy không.

Nhu cầu làm đẹp và sửa sắc đẹp đang ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Tại Hàn Quốc người ta còn nói rằng, mỗi bé gái sau khi thi đỗ đại học phần thưởng bố mẹ dành cho là cắt mắt một mí thành hai mí. Còn giới nghệ sĩ nước này được dư luận cho rằng, đến 90% từng trải qua giải phẫu thẩm mỹ, mà nhiều nhất là cắt mí mắt, nâng mũi, gọt cằm… Nên giờ đây khi xem phim Hàn, chúng ta đều thấy những diễn viên có khuôn mặt hao hao giống nhau.

Còn những cường quốc sắc đẹp và có truyền thống đạt giải cao tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế như Venezuela thì giải phẫu thẩm mỹ trở thành câu chuyện rất ư bình thường. Hay châu Phi, trong một năm trở lại đây có phong trào tắm trắng cho giống người da trắng. Nó đang trở thành một phong trào và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thật đáng ngại khi họ từ chối chính màu da chủng tộc của mình, trong khi đen vẫn đẹp.

Quan niệm về cái đẹp thì mỗi thời mỗi khác, mỗi nền văn hóa cũng có cách nhìn và đánh giá về cái đẹp khác nhau.

Phương Đông nói chung, từ ngàn xưa đã quan niệm, đánh giá vẻ đẹp của một mỹ nữ phải xét trên 4 yếu tố: Hình – sắc – thần – khí. Hình và sắc là cái đẹp dễ nhìn thấy, thần và khí là cái đẹp tiềm ẩn. Khoa Tướng mệnh học Đông phương luận về 4 yếu tố này như sau:

Hình mà trệ, tất làm việc gì cũng hỏng. Sắc mà trệ thì mặt mày như có tro bụi. Thần mà trệ, tất tâm địa u mê. Khí mà trệ thì tiếng nói mệt nhọc. Cả hình, sắc, thần, khí không trệ thì trăm việc mưu sự đều hanh thông.

Tất cả các bộ phận trên cơ thể con người đều biểu hiện hình – sắc – thần – khí. Có bộ phận biểu hiện rõ một, hai yếu tố; có bộ phận thể hiện rõ cả ba, bốn yếu tố.

Mô tả người đàn bà như thế, về sắc đẹp còn gì để mà chê? Nhưng thử hỏi, một phụ nữ có tấm thân và gương mặt hoàn hảo mà nói giọng ồm ồm như giọng đàn ông hoặc chát chúa thì có coi người ấy là mỹ nhân được không? Cổ nhân dạy: Lời nói là âm thanh của con tim, âm thanh là ngoại biểu của lá phổi, ngôn ngữ là cửa ngõ của họa phúc.

Bàn kỹ thế cho vui chứ trong thực tế tìm được một người đàn bà hoàn hảo thì rất hi hữu. Đến các bậc đại danh sĩ xưa cũng chỉ có thể khuyên vua chúa khi chọn hoàng hậu hay phi tần chỉ nên tập trung vào hai chữ: tứ hồng.

Bốn cái hồng đó là má hồng, vú hồng, rốn hồng, gót chân hồng. Trong bốn cái hồng này, người Việt ta xem ra thường lấy cái má hồng làm trọng, vì nó ở ngay mặt, dễ nhìn thấy. Người Trung Hoa thì trái lại, coi cái gót chân hồng mới là quý nhất.

Xét về đại thể thì số đông yêu cái đẹp theo khuôn mẫu ấy. Nhưng cũng vô khối đàn ông mang khiếu thẩm mỹ khá lạ. Họ cũng yêu những phụ nữ có nhan sắc dị kỳ.

Trong bộ sách “Liêu trai chí dị”, khối chàng công tử bạch diện thư sinh con nhà nề nếp gia phong lại chết mê chết mệt vì những nữ nhân nghịch tặc, ma quái, kỳ dị, lúc ẩn lúc hiện. Đấy là trong truyện. Còn trong đời thực, cũng có những đấng mày râu mỗi khi có cảm giác nhàm chán, tình vợ chồng cạn kiệt, tình yêu trong đời thực lại tìm đọc Liêu trai để được thả hồn theo những bóng xanh bóng hồng ma quái kinh dị trong đó.

Trong bài thơ “Bần gia nữ”, Bạch Cư Dị viết tặng mỹ nhân Dương Quý Phi, mở đầu có các câu:

Trong thiên hạ không có chính thanh
Hễ êm tai cho là vui
Trong thiên hạ không có chính sắc
Hễ vừa mắt cho là đẹp…

Còn trong Mỹ học thì có câu: “Cái đẹp không ở trên đôi má hồng của người phụ nữ mà ở trong mắt kẻ si tình”. Do đó, mỗi đấng mày râu si tình mỗi kiểu khác nhau. Có người thích phụ nữ mảnh mai, dáng như tơ liễu nhưng cũng có chàng thích những nàng cá tính, bản lĩnh, mạnh mẽ.

Thời đại ngày càng văn minh thì nhu cầu làm đẹp càng lớn nhưng nếu chỉ lo cái sắc bên ngoài mà quên tu bổ khối óc, nhân cách thì liệu rằng nhan sắc ấy có bền vững qua thời gian.

Mong rằng, các chị em hãy tỉnh táo, sáng suốt trước khi quyết định dùng đến dao kéo để chỉnh trang khuôn mặt và cơ thể. Không nên lạm dụng giải phẫu thẩm mỹ vì làm không khéo thì dễ để lại di chứng lâu dài. Trên thực tế nhiều người có dung nhan xấu hơn nhiều trước khi giải phẫu, nhưng có hối hận cũng đã muộn màng.

Theo NGUYỆT ANH / NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: ,