Quân đội Lã Mã được tổ chức như thế nào?

Một món vũ khí mới xuất hiện, có thể coi là “đặc sản La Mã” – cây lao pilum. Mỗi hastatus và princeps được trang bị 2 cây pilum, chúng được phóng đi ngay trước khi những người lính La Mã lao vào cận chiến với quân địch.

Nói đến các quân đoàn (legio) La Mã, người ta thường nghĩ ngay tới một đội quân bộ binh hạng nặng với những áo giáp, mũ giáp bạc sáng choang với chiếc mào đỏ rực trên đỉnh, những chiếc khiên chữ nhật cỡ lớn cũng màu đỏ và những cây đoản kiếm. Một đội quân chuyên nghiệp, thiện chiến, đầy kỉ luật, hầu như bất khả chiến bại ở thế giới phương Tây.Nhưng trong thực tế, hình ảnh phổ biến đó chỉ đại diện cho một thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi kéo dài khoảng 2 thế kỉ. Khái niệm legio đã có từ thuở sơ khai của nhà nước La Mã, và legio khi đó là một đội quân hoàn toàn khác biệt với hình ảnh đội quân vô địch thường thấy trong các bộ phim.

Ban đầu, khái niệm legio dùng để chỉ toàn bộ quân đội vương quốc La Mã. Quốc vương thứ 6 của La Mã, Servius Tullius (trị vì 578 TCN-535 TCN), tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên, phân chia các công dân thành 5 tầng lớp dựa theo khả năng tài chính, nhằm phục vụ mục đích quân sự. Khi có chiến tranh, 3 tầng lớp giàu hơn được triệu tập vào binh chủng bộ binh nặng kiểu hoplite Hy Lạp, tầng lớp thứ 4 là lính ném lao và thứ 5 là lính quăng đá. Kỵ binh được triệu tập từ các eques – các “hiệp sĩ” của vương quốc La Mã. Vũ khí quân trang là do người lính tự trang bị nên các tầng lớp giàu có hơn sẽ được vũ trang tốt hơn.

Quân đội La Mã ban đầu được tổ chức từ các centuria khoảng 100 người. Các centuria gộp lại thành legio – quân đoàn duy nhất của vương quốc La Mã. Sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ và thay thế bởi nh nước cộng hòa, quân đội La Mã tách ra làm 2 quân đoàn – mỗi quân đoàn được chỉ huy bởi một vị quan chấp chính (consul).

Quân đội La Mã thời kì này chiến đấu theo đội hình phương trận (phalanx) trên địa hình phẳng, giống các quân đội Hy Lạp cổ: toàn bộ binh lính xếp thành một chiến tuyến dài nhưng mỏng, chĩa giáo về phía trước tạo thành một bức tường giáo. Đội hình phương trận rất mạnh và vững chắc ở mặt trước nhưng lại rất kém linh hoạt, dễ dàng đứt đoạn trên địa hình gồ ghề và tan vỡ nhanh chóng nếu bị tấn công từ phía sườn hoặc phía sau.

Nhận thấy các điểm yếu của mô hình cũ sau thất bại tại Allia năm 390 TCN, quan độc tài Marcus Furius Camillus chiến bãi bỏ đội hình phalanx, chuyển sang dùng đội hình triplex acies (“tam chiến tuyến”) cho quân đội La Mã. Như cái tên nói lên, đội hình này có trụ cột gồm 3 tuyến bộ binh nặng:

– Hastati (dạng từ số ít: hastatus) : ban đầu mỗi người lính mang một khiên bán trụ (scutum), mặc giáp nhẹ, thường là các tấm đồng che ngực, vũ khí chính ban đầu là giáo dài khoảng 2m gọi là hasta – đây là nguồn gốc của tên gọi “hastatus”. Đoản kiếm được mang theo làm vũ khí dự phòng khi giáo gãy hoặc kẻ thù tiến quá sát. Hastatus đứng đầu trong đội hình.

– Principes (dạng từ số ít: princeps): Trang bị của princeps tương tự hastatus nhưng các princeps giàu có hơn các hastatus nên những món vũ khí của princeps đạt chất lượng cao hơn. Họ mang giáp tốt hơn, nhiều nhất là giáp xích (maille). Họ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn các hastatus, nên trong đội hình họ đứng thứ 2.

Triarii (dạng từ số ít: triarius): những triarius là những chiến binh dày dặn kinh nghiệm nhất và giàu có nhất trong đội ngũ bộ binh quân đội La Mã, trang bị tốt nhất, đứng sau cùng trong đội hình và chỉ được tung ra trong tình huống nguy cấp. Đây thực chất các hoplite, chiến đấu trong đội hình phalanx kiểu cũ.

Ngoài 3 tuyến bộ binh nặng còn có levis (số nhiều leves) đứng phía trước hastatus, là lính phóng lao. Các levis không mặc giáp, chỉ cầm một chiếc khiên nhỏ và dao ngắn, thậm chí không có vũ Họ là những người đi đầu trên chiến trường và lùi lại phía sau các binh chủng khác khi địch áp sát. Sử gia La Mã Livius còn ghi lại 2 binh chủng bộ binh nhẹ dự bị, trợ chiến cho triarius, gọi là rorarius (số nhiều rorarii) và accensus (số nhiều accensi). Accensus, rorarius và levis là những người lính nghèo nhất trong quân đội. Mỗi quân đoàn có 300 kỵ binh là các eques (tương đương với hiệp sĩ thời trung cổ), hoặc các thường dân từ tầng lớp giàu có nhất.

Sau cuộc chạm trán ban đầu của các levis, các hastatus đang đứng dãn cách sẽ nối liền thành một tuyến, tiến lên chiến đấu với quân địch. Nếu không phá vỡ được đội hình địch, các hastatus sẽ rút lui và hợp với princeps rồi tiếp tục tấn công. Nếu cả hastatus lẫn princeps đều thất bại, tất cả sẽ rút lui về phía sau trợ chiến cho triarius – hy vọng cuối cùng của quân đoàn.

Với các cải cách ban đầu của chấp chính Camillus, mỗi tuyến được chia thành 15 manipulus, mỗi manipulus 60 lính. Tuy nhiên tới khoảng đầu thế kỉ III TCN, sau cuộc chiến với liên minh Samnite, cấu trúc quân đội La Mã được điều chỉnh lại, với 10 manipulus cho mỗi tuyến hastatus và princeps, mỗi manipulus 120 lính, chia thành 2 centuria – tổng cộng 1200 lính mỗi tuyến, so với con số 900 trong mô hình Camillus. Tuyến cuối – triarius – giảm xuống còn 600, chia thành 10 manipulus, mỗi manipulus 60 người chia thành 2 centuria. Thay vì dùng giáo thì hastatus và princeps chuyển sang dùng đoản kiếm làm vũ khí chính. Một món vũ khí mới xuất hiện, có thể coi là “đặc sản La Mã” – cây lao pilum; mỗi hastatus và princeps được trang bị 2 cây pilum, chúng được phóng đi ngay trước khi những người lính La Mã lao vào cận chiến với quân địch. Levis, rorarius và accensi được hợp lại thành một binh chủng lính ném lao, gọi là veles (số nhiều: velites), chiến đấu như levis trước đó. Mô hình mới này được gọi là mô hình Polybius, theo tên sử gia Polybius.

Ngoài trụ cột chính là các công dân La Mã, quân đội La Mã còn sử dụng quân đồng minh, lính đánh thuê và quân từ các chư hầu trong vai trò bộ binh nhẹ và kỵ binh, vốn là điểm yếu của quân đội La Mã; trong các binh chủng này, tỉ lệ công dân La Mã ngày càng nhỏ dần.

Cải cách về tổ chức của quân đội La Mã đã thay đổi lịch sử như thế nào?

Các quân đoàn lê dương trong mô hình Polybius, với hastatus – princeps và triarius đã đưa Cộng hòa La Mã lên vị trí đầu bảng tại Địa Trung Hải. Nhưng công cuộc cải cách quân đội La Mã chưa dừng tại đây – năm 107, quan chấp chính Gaius Marius tiến hành một cuộc cải cách quân sự đã làm thay đổi tiến trình lịch sử của La Mã cổ đại.

Trước năm 107 TCN, nếu muốn nhập ngũ, các công dân La Mã phải có tài sản trị giá 3500 sertertius, phải có khả năng nộp thuế và phải tự mua vũ khí. Những luật lệ như vậy giúp cắt giảm chi phí quốc phòng, đồng thời tạo động lực cho mỗi người lính bảo vệ tài sản của chính mình. Nhưng đó là con dao hai lưỡi, giới hạn nguồn nhân lực cho quân đội La Mã; ngoài ra, những người lính “bán thời gian” này chỉ được triệu tập khi có chiến tranh nên có phần kém chuyên nghiệp.

Cuộc cải cách của Marius năm 107 gỡ bỏ những yêu cầu hà khắc, cho phép những người công dân thất nghiệp, vô gia cư được gia nhập quân ngũ, từ đó mở rộng nguồn nhân lực một cách đáng kể. Các binh chủng veles, hastatus, princeps và triarius cùng kỵ binh eques được bãi bỏ, thay vào đó là một binh chủng bộ binh nặng duy nhất được trang bị tương tự princeps – 2 cây lao pilum, 1 kiếm ngắn gladius, 1 khiên bán trụ lớn scutum, áo giáp (đa phần là giáp xích lorica hamata) và mũ giáp sắt hoặc đồng thau; quân trang và vũ khí do nhà nước cung cấp. Sau cải cách Marius, việc đi lính trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn cho các công dân nghèo: phục vụ 16 năm trong quân ngũ, họ có công việc ổn định, được trả lương, được chia phần, được cung cấp nhà đất khi chiến thắng, được hưởng lương hưu và có thể thăng tiến lên hàng sĩ quan nếu chứng tỏ được khả năng của mình.

Cơ cấu tổ chức của một quân đoàn La Mã cũng được thay đổi: không còn các manipulus mà thay vào đó là 10 cohors, mỗi cohors chia thành 6 centuria. Mỗi centuria lại gồm 10 contubernium có 8 lính chiến – tương đương với tiểu đội ngày nay. Biên chế đầy đủ, mỗi quân đoàn sau cải cách Marius gồm khoảng 5000 lính, trong đó có lực lượng equites legionis (“kỵ binh lê dương”) gồm khoảng 120 người. Việc bãi bỏ đội hình triplex acies và cơ cấu kiểu mới gồm các cohors bình đẳng giúp mỗi quân đoàn trở nên linh hoạt hơn.

Nhưng lòng trung thành của các quân đoàn cũng không còn hướng về Nguyên lão viện La Mã mà hướng về vị tướng đã thành lập và chỉ huy họ. Đây là một trong những thay đổi dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Cộng hòa La Mã và sự thành lập của một nền độc tài mà ngày nay gọi là đế quốc La Mã.

Năm 27 TCN, chàng thanh niên Gaius Octavius năm nào giờ đã mang tên Imperator Caesar Divi Filius Augustus (“thủ lĩnh Caesar – con trai của bậc thánh thần – người đáng kính”), trở thành Nguyên thủ (Princeps Civitatis, thực chất là một hoàng đế), mở đầu thời kì hoàng kim của lịch sử La Mã – thời kì Nguyên thủ. Ông tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức do Marius đặt ra, tăng quân số của cohors I – cohors tinh nhuệ nhất trong mỗi quân đoàn – lên 900, chia thành 5 centuria lớn gấp đôi bình thường. Thời hạn phục vụ được tăng từ 16 lên 25 năm.

Ngoài các quân đoàn lê dương, một điểm đáng chú ý của quân đội La Mã thời kì Nguyên thủ là auxilia – các binh chủng trợ chiến (kỵ binh, bộ binh nhẹ, bộ binh nặng hỗ trợ…). Họ là những người lính từ bên ngoài Italia và không có quyền công dân La Mã. Augustus đã hệ thống hóa một cách chính thức và mở rộng quy mô của lực lượng auxilia, tới độ auxilia chiếm quá nửa quân đội thời Nguyên thủ. Không có quyền công dân không có nghĩa là họ kém cỏi – lính auxilia đa phần là bộ binh nặng trang bị kiếm ngắn hoặc giáo, mang khiên lớn, mặc áo và mũ giáp tương tự lính lê dương; họ cũng là lính chuyên nghiệp phục vụ 25 năm, nhưng với mức lương thấp hơn. Hết 25 năm, ngoài những lợi lộc về tài chính, họ còn được nhận quyền công dân La Mã và mọi đặc quyền đặc lợi đi kèm – và theo luật La Mã, quyền công dân được truyền cho các thế hệ sau.

Duy trì một quân đội hàng chục vạn lính chuyên nghiệp, hầu hết là tự nguyện, ngốn một số tiền khủng khiếp – ước tính tới 80% ngân sách của đế quốc La Mã (so với chi phí quốc phòng của Mĩ chiếm khoảng 20% ngân sách liên bang)

Trải qua thế kỉ III, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, nội chiến và các cuộc xâm lược từ bên ngoài khiến đế quốc La Mã suy sụp nghiêm trọng về mọi mặt. Đối với các quân nhân, thu nhập của họ ngày càng thấp. Quyền công dân nay đã được ban cho mọi cá thể tự do trên khắp đế quốc. Không còn những lợi lộc về tài chính và quyền lợi để thu hút người dân vào quân ngũ, nhà nước La Mã lại quay về với chế độ quân dịch – tuy nhiên lần này lính nghĩa vụ vẫn phải phục vụ 25 năm. Trang bị cũng khác đi rõ rệt, trong đó cây kiếm ngắn gladius được thay bằng kiếm dài spatha, khiên bán trụ thay dần bằng khiên tròn hoặc e-líp,… Một trong các nguyên nhân được đặt ra là do sự suy sụp về kinh tế.

Trong thời kì loạn lạc này, việc sử dụng mô hình quân đoàn cũ ngày càng trở nên bất lợi. Năm 284, hoàng đế Diocletianus thay đổi hoàn toàn bộ mặt của quân đội La Mã – không còn các quân đoàn lê dương và các đơn vị auxilia đóng quân sát biên giới, ngoài tầm kiểm soát của hoàng đế, mà thay vào đó là lực lượng biên phòng limitanei cùng quân chủ lực là các đoàn quân cơ động comitatensis hàng vạn lính, trong đó các comitatesis mạnh nhất đóng quân ngay gần thủ đô để bảo vệ hoàng đế khỏi những cuộc chính biến.

Các quân đoàn lê dương tuy còn tồn tại, nhưng cũng không thống nhất mà chia thành nhiều cấp bậc với trình độ khác nhau. Chúng chỉ là một phần của các đơn vị comitatensis và limitanei, với quân số giảm xuống chỉ còn khoảng 1000 lính mỗi quân đoàn. Số lượng các quân đoàn tăng lên đáng kể: Notitia Dignitatum – danh sách các đơn vị của La Mã cuối thế kỉ IV ghi lại gần 200 quân đoàn (so với 28 quân đoàn của Augustus). Quân đội La Mã giữ cơ cấu tổ chức này cho tới khi Heraclius thay thế nó bằng mô hình Themata, vào thế kỉ XII – danh từ “legio” đã biến mất từ trước lúc đó.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , ,