Quan điểm của Sigmund Freud về bản ngã của con người

“Bản ngã đại diện cho cái mà chúng ta gọi là lý trí và sự minh mẫn, đối nghịch với bản năng, cái chứa đựng đầy những niềm đam mê”.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-is-the-ego-2795167

Sigmund Freud (1856-1939) là nhà phân tâm học nổi tiếng, một bác sĩ thần kinh và nhà tâm lý học người Áo.

Theo ông bản ngã (Ego) là một phần của tính cách có nhiệm vụ điều tiết những nhu cầu của bản năng, siêu ngã và đời sống thực. Freud mô tả bản năng là phần cơ bản nhất của tính cách thúc đẩy con người ta lấp đầy những nhu cầu nguyên thủy nhất.

Siêu ngã, mặt khác, lại là phần mang tính đạo đức cao nhất của tính cách, được hình thành cuối thời thơ ấu, là kết quả của quá trình nuôi dưỡng và ảnh hưởng từ xã hội. Công việc của bản ngã là tạo ra sự cân bằng giữa hai nguồn sức mạnh thường hay đối chọi này và đảm bảo rằng việc đáp ứng các nhu cầu của bản năng và siêu ngã phải tuân theo những đòi hỏi từ thực tế.

Tìm hiểu kỹ hơn về Bản ngã

Bản ngã ngăn cản ta hành xử theo những thôi thúc cơ bản (do bản năng tạo ra) nhưng cũng tạo ra thế cân bằng với những tiêu chuẩn đạo đức lý tưởng (do siêu ngã hình thành). Mặc dù bản ngã vận hành trong cả khu vực tiền ý thức và ý thức nhưng nó gắn chặt với bản năng, tức việc vận hành của nó còn diễn ra cả trong vô thức.

Bản ngã vận hành dựa trên nguyên tắc thực tế, tức là vẫn làm thỏa mãn ham muốn của bản năng nhưng theo một cách thức vừa thực tế vừa được xã hội chấp nhận.

Ví dụ, nếu một người cắt ngang bạn khi bạn đang đi trên đường, bản ngã sẽ ngăn bạn rượt đuổi theo xe kia và gây thương tổn thể chất cho người tài xế kia. Bản ngã cho phép ta thấy rằng phản ứng này sẽ bị xã hội phản đối và nó cũng giúp ta biết rằng vẫn có những cách làm phù hợp hơn để ta trút bỏ cơn giận.

Những ghi nhận, quan sát của Freud về bản ngã

Trong cuốn Các bài giảng mới giới thiệu về Phân tâm học xuất bản năm 1933 của mình, Freud so sánh mối quan hệ giữa bản năng và bản ngã như một con ngựa và người cưỡi nó. Con ngựa tượng trưng cho bản năng, có nguồn sức mạnh mang đến năng lượng để di chuyển. Người cưỡi ngựa thể hiện cho bản ngã, nguồn sức mạnh dẫn đường hướng nguồn sức mạnh của bản năng đi đúng với mục tiêu.

Tuy nhiên, Freud cũng ghi nhận rằng mối quan hệ này không phải lúc nào cũng diễn ra như dự đoán. Trong những tình huống kém lý tưởng hơn thì người cưỡi có thể đơn giản là mặc kệ, anh ta cho phép con ngựa của mình đi theo bất kỳ hướng nào mà con vật muốn. Cũng như người cưỡi và con ngựa, những ham muốn nguyên sơ của bản năng đôi khi lại quá mạnh mẽ, đến mức lấn át cả sự kiểm soát của bản ngã.

Trong cuốn “Bản ngã và Cơ chế phòng vệ của tâm lý” xuất bản năm 1936, Anna Freud cho rằng tất cả các dạng tự vệ của bản ngã chống lại bản năng được thực hiện “đằng sau ánh đèn sân khấu”. Những phương thức chống lại bản năng, có tên gọi là cơ chế phòng vệ của tâm lý, được bản ngã thực hiện một cách vô hình trong yên lặng.

Mặc dù ta không thể quan sát thấy những cơ chế tự vệ này lúc chúng hoạt động, nhưng Anna Freud cho rằng chúng vẫn có thể được quan sát lại qua hồi tưởng. Sự kìm nén là một ví dụ. Khi một điều gì đó bị đè nèn khỏi khu vực ý thức, bản năng không nhận ra sự rơi mất thông tin này. Chỉ mãi đến sau này khi ta nhận thức được rõ ràng rằng mảnh thông tin hay ký ức này đã biến mất rồi thì hành động phòng vệ này của bản ngã mới trở nên rõ ràng dễ thấy.

Những câu nói nổi tiếng về Bản ngã

Đôi khi, sẽ thật hữu ích nếu ta nhìn được vào ngọn nguồn của những ý tưởng này để có được góc nhìn tốt hơn về chủ đề đang bàn luận. Vậy Freud đã nói gì về khái niệm bản ngã của mình? Ông đã viết về bản ngã cũng như mối quan hệ của nó với những khía cạnh khác của tính cách ở khá nhiều nội dung trải rộng.

Sau đây là một số câu nói nổi tiếng của ông về bản ngã:

Về nguồn gốc của bản ngã:

“Thật dễ nhìn ra rằng bản ngã chính là bộ phận của bản năng đã được điều chỉnh bởi tác động trực tiếp từ thế giới bên ngoài.” (Sigmund Freud, 1923, từ cuốn Bản ngã và Bản năng)

Về ảnh hưởng của bản ngã:

“Bản ngã chẳng phải chủ nhân trong chính ngôi nhà của mình.” (Sigmund Freud, 1917, Từ cuốn Một khó khăn trong con đường phân tâm học)

“Bản ngã đại diện cho cái mà chúng ta gọi là lý trí và sự minh mẫn, đối nghịch với bản năng, cái chứa đựng đầy những niềm đam mê” (Sigmund Freud, 1923, từ cuốn Bản ngã và Bản năng)

“Bản ngã tội nghiệp có một khoảng thời gian khó khăn của riêng mình; nó phải đóng vai trò làm 3 ông chủ khắt khe, và nó phải cố hết sức để hòa giải những đòi hỏi và yêu sách của cả ba… ba kẻ bạo chúa: thế giới thực, siêu ngã và bản năng.” (Sigmund Freud, 1932, từ cuốn Các bài giảng mới giới thiệu về phân tâm học).

“Bề ngoài, dù ở cấp độ nào thì bản ngã có thể vẫn đang duy trì những đường ranh giới rõ ràng sắc nét. Chỉ duy nhất ở một trạng thái – chính xác là một trạng thái bất thường, nhưng không đến nỗi gọi là bệnh lý – thì bản ngã mới không thực hiện nhiệm vụ này. Khi đang ở thời điểm yêu đương cao độ, ranh giới giữa bản ngã và đối tượng có nguy cơ biến mất. Đi ngược lại với tất cả những gì mà một người cảm nhận từ thực tế, con người ta khi yêu sẽ tuyên bố rằng “Tôi” và “Em” là một, và anh ta sẽ chuẩn bị hành xử coi đó như một sự thật hiển nhiên.” (Sigmund Freud, 1929, từ cuốn “Văn minh hóa và những nỗi bất mãn).

——————————

Tài liệu tham khảo: 

Shaffer, DR. Social and Personality Development. Belmont, CA: Wadsworth; 2009.

Thep LINDANGA.COM

Tags: , ,