Phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam: Bức tranh toàn cảnh

Kể từ khi cuốn sách Tư bản trong thế kỷ 21 – Capital in the Twenty-First Century của Thomas Piketty gây tiếng vang năm 2014, vấn đề bất bình đẳng thu nhập, sự phân hóa giàu-nghèo thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của xã hội. Đối với những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh như nhóm BRICS hay Việt Nam, vấn đề này càng trầm trọng hơn vì thiếu những thiết chế phù hợp để phân phối công bằng các thành quả tăng trưởng.

Tác giả: Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TPHCM, AVSE Global.

Chênh lệch giàu-nghèo ở Việt Nam đến mức nào?

Quy mô của nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc trong hơn hai thập niên qua. Nếu như GDP của năm 1995 là 20,74 tỉ USD, thì năm 2016 đã là 205,28 tỉ USD, tức gấp khoảng 10 lần. Kinh tế tăng trưởng thời gian qua đã tạo ra một tầng lớp người giàu, thậm chí siêu giàu ở Việt Nam khi họ có thể sánh vai cùng thế giới trong danh sách các tỉ phú đô la.

Một báo cáo của Oxfam năm 2017 cho biết, năm 2014 Việt Nam có 210 người siêu giàu (tài sản ròng trên 30 triệu USD), chiếm 12% GDP cả nước, và con số này sẽ tăng lên 403 vào năm 2025. Báo cáo này cũng ví von rằng người giàu nhất Việt Nam có thu nhập một ngày bằng 10 năm thu nhập của người nghèo nhất, và với tài sản này, có thể đưa toàn bộ 13 triệu người nghèo thoát nghèo ngay tức khắc.

Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) cho thấy rằng khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu với bốn nhóm còn lại (nghèo, cận nghèo, trung bình, cận giàu) đã tăng nhanh trong giai đoạn 2004-2014, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn về thu nhập. Thậm chí một khảo sát của Oxfam năm 2016 cho thấy khoảng cách này lên đến 21 lần, so với của VHLSS 2010 là 8,5 lần và VHLSS 2012 là 9,4 lần. Ngoài ra, theo một khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động, tỷ lệ người lao động có khả năng tích lũy chỉ là 8%, số chi tiêu tằn tiện và không đủ sống là 51%, mà phần lớn các khoản chi là cho nhu cầu tối thiểu: lương thực, giáo dục, y tế, nhà ở và đi lại.

Một cách trực quan hơn, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn có thể thấy được hàng ngày trong cuộc sống và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi số lượng hộ nghèo và cận nghèo (với thu nhập trung bình 1 triệu đồng/người/tháng) là 3,3 triệu hộ gia đình thì ở những thành phố lớn, có không ít siêu xe trị giá hàng chục tỉ đồng, những túi xách, đồ trang sức trị giá hàng trăm triệu đồng, bằng cả hàng chục năm thu nhập của người nghèo. Ở những vùng sâu, vùng xa, vẫn còn không ít những hộ gia đình sống trong những căn nhà tạm bợ, thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt cơ bản của một gia đình, từ vệ sinh đến nước sạch.

Ở một góc nhìn khác, khoảng cách giàu – nghèo có thể phần nào thấy được trong sự phân bổ thu nhập GDP theo nhóm ngành nghề. Nếu tính toán GDP theo phương pháp thu nhập, tổng GDP của Việt Nam vào khoảng 200 tỉ USD, tương ứng với thu nhập của 55 triệu lao động với bình quân 3.600 USD/năm (khoảng 7 triệu đồng/tháng). Nhưng, trong số lao động này có đến 18 triệu lao động phi chính thức, với mức lương chỉ bằng hai phần ba lao động chính thức. Do đó, phần thu nhập còn lại tương ứng khoảng 21,6 tỉ USD sẽ phân bổ cho ai?

Không khó để có thể nhìn thấy rằng hiện nay, nhóm người giàu trong xã hội Việt Nam thuộc hai nhóm chính: làm kinh doanh và quan chức. Với số lượng 11.162 đơn vị xã phường như hiện nay, và cơ cấu tổ chức các bộ, sở, phòng, ban, người viết ước tính rằng có khoảng 250.000 quan chức từ cấp phó trở lên, và khoảng 100.000 doanh nhân thành công (trong số 600 .000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động). Như vậy, khoản thu nhập quốc gia 21,6 tỉ USD chia đều cho 350.000 người này thì thu nhập trung bình của những người này sẽ vào khoảng 61.700 USD/năm, tức khoảng 120 triệu đồng/tháng. Điều này khá gần với thực tế quan sát của người viết.

Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, có một nhóm người trong xã hội với thu nhập trung bình gấp 17 lần những người làm công ăn lương bình thường, và gấp 113 lần người nghèo, thì qua đó chúng ta có thể thấy phần nào khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo ở đây.

Chênh lệnh giàu – nghèo là vấn nạn của các nước tăng trưởng nhanh

Không chỉ Việt Nam, các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh gần đây cũng cho thấy khoảng cách giàu-nghèo đang trở thành một vấn nạn của xã hội. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số Gini để đo lường sự bình đẳng trong phân phối thu nhập sẽ là nghiêm trọng nếu từ 0,4 trở lên. Chỉ số này của Trung Quốc năm 2016 là 0,46 và Ấn Độ là 0,51.

Báo cáo bất bình đẳng 2018 (World Inequality Report 2018 – WIR2018), trong đó có Thomas Piketty là đồng tác giả, cho thấy tỷ lệ người giàu càng giàu hơn, và người nghèo càng nghèo hơn không chỉ có ở các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), mà còn ở các nước như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, đặc biệt là Trung Đông, nơi mà 10% giàu nhất chiếm hơn 60% tổng thu nhập của quốc gia.

Trên thế giới kể từ năm 1980, bất bình đẳng tăng nhanh ở Bắc Mỹ và châu Á, vừa phải ở châu Âu và ổn định ở mức chênh lệch nghiêm trọng ở Trung Đông, châu Phi vùng hạ Sahara và Brazil. Mặc dù tăng trưởng chung khiến thu nhập của người nghèo tăng, nhưng chi phí tăng và tốc độ tăng của người giàu nhanh hơn nhiều lần khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ tập trung sang nền kinh tế thị trường ở một số nước, cổ phần hóa hay chuyển đổi công sản thành tư sản đã tạo ra một tầng lớp người giàu mới, giàu nhanh ở những quốc gia này.

Không những thế, chi phí tăng còn khiến cho nhóm trung lưu có nhiều nguy cơ chuyển xuống nhóm thu nhập thấp. Số người giàu tăng nhanh ở các nước đang phát triển, trong khi số người giàu ở các nước đã phát triển sẽ giảm dần, nhưng tài sản ròng của những người giàu nhất sẽ tiếp tục tăng.

Làm thế nào để tránh tình trạng “bình quân mỗi người một con gà, nhưng một người có chín, chín người có một”

Vấn đề bất bình đẳng thu nhập dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội là mối quan tâm lớn của nhiều nước phát triển. Vì chính phủ các nước nhận thức được rằng, bất bình đẳng thu nhập sẽ dẫn đến các vấn đề của xã hội như tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ tội phạm tăng, năng suất lao động bình quân giảm vì người có thu nhập thấp thấy được họ chỉ được hưởng một phần rất ít trong thành quả chung, thậm chí không bù đắp được với chi phí ngày càng tăng của cuộc sống.

Vì vậy, nhiều nước đã cố gắng thực hiện giảm bất bình đẳng qua việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là giáo dục và y tế. Cụ thể, khoảng cách về chất lượng giáo dục và y tế có sự khác biệt nhiều giữa khu vực công và tư. Người nghèo được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, và luôn có các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ khi cần thiết.

Theo khuyến nghị từ báo cáo WIR2018, một số giải pháp sau có thể giảm bất bình đẳng về thu nhập, từ đó rút ngắn hố ngăn cách giàu – nghèo: thứ nhất, hướng đến nhóm giàu với thuế lũy tiến và thuế tài sản ròng (trên một mức nhất định, như 1,3 triệu euro ở Pháp). Thứ hai, đăng ký thuế toàn cầu để tránh trường hợp né thuế, trốn thuế ở các thiên đường thuế, muốn vậy phải có tiếng nói chung giữa tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Thứ ba, là hướng tiếp cận đến nhóm nghèo thông qua giáo dục và tạo công ăn việc làm có thu nhập tốt hơn. Cuối cùng, là tiếng nói của số đông và sự hỗ trợ của truyền thông đại chúng (quyền lực thứ tư). Các nhà tài phiệt có tiềm lực mạnh về tài chính vì thế có thể tác động chính sách để có lợi cho mình nhưng họ chỉ là số ít, trong khi số đông người dân cũng hoàn toàn có thể tác động đến các chính trị gia thông qua lá phiếu của mình.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: , ,