Phan Bội Châu trong vai trò nhà báo lớn vì nước, vì dân

Chí sĩ Phan Bội Châu (1867 – 1940) là một trong những ngọn cờ dẫn dắt phong trào yêu nước và cách mạng của người Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông đánh giá rất cao vai trò của báo chí, coi báo chí là công cụ quan trọng bậc nhất trên hành trình tư tưởng và cách mạng của mình. Và hơn hết, ông là một nhà báo lớn.

Phan Bội Châu trong vai trò nhà báo lớn vì nước, vì dân

Làm báo vì việc nước

Năm 1900, Phan Bội Châu đỗ giải nguyên nhưng không ra làm quan. Năm 1904, ông cùng Nguyễn Hàm và các đồng chí khác lập Hội Duy Tân để “cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập” và về sau (1906) là “khôi phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập hiến”.

Hội Duy Tân đề ra ba nhiệm vụ trước mắt, đó là: Phát triển thế lực của hội về người cũng như về tài chính; Xúc tiến việc chuẩn bị bạo động và các công việc sau đó; Ra nước ngoài cầu viện và phương thức thực hiện. Phan Bội Châu và Nguyễn Hàm nhận nhiệm vụ ra nước ngoài cầu viện và Nhật Bản là đích đến được các ông lựa chọn.

Tháng Giêng năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ đến Nhật với mục đích cầu viện nhưng không thành. Nhưng, cũng tại nước Nhật, ông đã được hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền là Bá tước Okuma Shigenobu và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi khuyên nên viết sách báo để tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới, đồng thời cổ động thanh niên sang Nhật học tập để chờ đợi thời cơ. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu tình hình, Phan Bội Châu đã phát động Phong trào Đông Du đồng thời với viết nhiều sách, thư, lời kêu gọi gửi về nước thức tỉnh đồng bào, cổ động hỗ trợ học sinh du học như Hải ngoại huyết thư, Khuyến quốc dân tư trợ du học văn, Ai cáo Nam Kỳ phụ lão… Hầu như các bài văn này đều đã được ông đăng trên báo tại Nhật Bản. Ông cũng cho đăng Việt Nam vong quốc sử trên Tân dân tùng báo xuất bản ở Tokyo sau đó in thành sách rồi chuyển về nước. Phan Bội Châu còn “gánh nghĩa vụ một biên tập viên cho Vân Nam tạp chí” – một tờ báo của Trung Hoa Cách mạng Đảng xuất bản ở Nhật Bản (từ 15/10/1906 đến 1911) để gây cảm tình với cách mạng Trung Hoa. Theo hồi ức của Phan Bội Châu thì ông đã đăng bài “Ai Việt điếu Điền và những bài Việt vong thảm trạng” ở Vân Nam tạp chí.

Thực ra, Phan Bội Châu từ khi ở trong nước đã bắt đầu nhìn thấy vai trò của báo chí. Ông kể: “Khi tôi còn ở trong nước (trước 1905) từng được đọc mấy bản sách của Lương Khải Siêu… và vài ba xấp Tân dân tùng báo thấy văn chương hay, tư tưởng mới thì đã sẵn lòng sùng bái Lương”. Trên đường sang Nhật Bản, khi dừng lại ở Hương Cảng, ông đã liên hệ trực tiếp với hai tòa báo Trung Quốc ở đây là tờ Thương báo của Đảng Bảo hoàng và tờ Trung Quốc nhật báo của Đảng Cách mạng. Trung Quốc nhật báo đã “vội vàng mời tôi vào… rất biểu đồng tình với Đảng Cách mạng ta”.

Năm 1909, Chính phủ Nhật Bản trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và các sinh viên Đông Du. Tháng 2/1909, ông về Trung Quốc rồi tập hợp hội viên sang Xiêm mở trại cày ở Bạn Thầm “mượn việc nông mà nuôi đảng”.

Tại đây, ngoài việc viết báo, ông viết các bài Ái quốc ca, Ái chủng ca, Ái quần ca và sách Liên Á sô ngôn (lời mộc mạc kêu gọi liên kết châu Á). Từ Bạn Thầm, ông lên Băng Cốc, đến tòa soạn Hoa Xiêm tân báo do Tiêu Phật Thành, người của Đảng Cách mạng Trung Quốc làm Chủ nhiệm. Ông này đã in miễn phí cho Phan Bội Châu 1.000 bản sách Liên Á sô ngôn.

Tháng 6/1912, tại Trung Quốc, Duy Tân hội giải tán và thành lập Việt Nam Quang phục hội, nhưng sớm bị thực dân Pháp khủng bố.

Ngày 24/12/1913, Phan Bội Châu bị bắt nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền vận động nên không bị giao cho Pháp mà chỉ đưa giam ở Quảng Đông cho đến tháng 2/1917 thì được thả.

Ở trong tù, nhờ kết bạn với một người nấu bếp nên ông vẫn theo dõi báo chí và nắm được tình hình bên ngoài, nhất là ở nước nhà. Ông đã viết nhiều truyện ký, tiểu thuyết, tự truyện, thơ… Rất nhiều trong số tác phẩm này, khi ra tù, Phan Bội Châu đã cho đăng báo.

Thoát ngục, từ tháng 3/1917, ông tiếp tục làm báo nhiều hơn. Ông tự nhận làm báo “bởi vì sinh nhai nơi đất khách, tất cũng bán chữ mới có ăn… chỉ mục đích ở kiếm tiền, không cốt ở làm văn”. Đó chỉ là cách nói khiêm nhường, các bài đăng báo của ông vẫn hừng hực tinh thần yêu nước, vẫn tiếp tục tuyên truyền, thức tỉnh và cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào. Phần lớn các tác phẩm của ông đều đăng trên Binh sự tạp chí ở Hàng Châu và một số bài trên báo Đông Á tân văn ở Bắc Kinh. Ông còn là biên tập viên cho hai tờ báo này. Binh sự tạp chí đã đăng hàng chục tác phẩm của ông trong đó có tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử, truyện ký Chân tướng quân viết về Hoàng Hoa Thám và một loạt truyện và thơ viết về các chiến sĩ, đồng chí của ông đã hy sinh như Tái sinh sinh, Khóc anh em Cả Tuyển (3 bài) và Khóc chân tướng quân…

Đồng hành cùng Tiếng Dân

Ngày 30/6/1925 ông bị bắt cóc và đưa về nước. Trước áp lực đấu tranh của đồng bào cả nước, thực dân Pháp không thể tử hình mà giam lỏng ông ở Huế. Bị theo dõi, giám sát ngặt nghèo, mọi hoạt động của ông hầu như bị ngăn chặn. Trong tình thế đó, ông tiếp tục sứ mệnh của mình bằng cách làm báo và viết văn.

Trong quãng thời gian này, dấu ấn quan trọng nhất của Phan Bội Châu là đã đồng hành cùng báo Tiếng Dân do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, chủ nhiệm kiêm chủ biên. Xin trích hồi ký của ông Vương Đình Quang, nguyên là thư ký báo “Tiếng Dân”, và là thư ký riêng của Phan Bội Châu trong mười lăm năm cuối đời.

“Cụ Huỳnh Thúc Kháng chuẩn bị cho ra một tờ báo. Việc đầu tiên là phải đặt cho nó một cái tên để ghi vào đơn gửi ra phủ Toàn quyền xin phép xuất bản… Thời bấy giờ, tức là vào khoảng trước những năm 30, ngôn ngữ văn tự nước ta có thói quen lệ thuộc vào chữ Hán. Một cái tên là một chuyện quan trọng. Phải là tên “chữ” đàng hoàng. Không thể là tên “nôm”, huống là tên của một tờ báo, một cơ quan ngôn luận. Trong Nam ngoài Bắc người ta đặt những tên như: Thực nghiệp dân báo, Đông Pháp thời báo, Nam phong tạp chí, Trung Bắc tân văn. Ngắn và gọn hơn thì như Trung lập Công luận…

“Tờ báo của cụ Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng lại càng phải có một cái tên xứng đáng. Chọn mãi và được nhiều người góp ý, ban đầu cụ định lấy hai chữ “Trung Thanh” vừa có nghĩa là tiếng nói ngay thẳng, vừa có nghĩa là tiếng nói của miền Trung. Cuối cùng cụ nghĩ đến hai chữ Dân Thanh (tiếng nói của dân). Hỏi ý kiến cụ Phan, cụ đáp: “Đã nói Dân thanh thì chi bằng nói quách là Tiếng Dân”. Cụ Huỳnh theo ý cụ Phan và báo Tiếng Dân đã tồn tại suốt 16 năm trời với rất nhiều đóng góp với phong trào yêu nước và cách mạng nước nhà từ 1927 đến 1943. “Cụ Phan vốn là cộng tác viên của báo Tiếng Dân. Những bài của cụ nhiều khi không ký tên hoặc chỉ ký tắt: S.N (Sào Nam), V.Đ (Việt Điểu). Cũng có khi ký Cây Sung”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 15 năm cuối đời, “Ông già bến Ngự” đã viết cho 33 báo, tạp chí; tổng cộng là 326 bài thuộc nhiều thể loại, trong đó có nhiều bài đăng nhiều kỳ. Riêng Tiếng Dân, ông dành cho nhiều nhất: 251 bài.

Cụ Phan dành nhiều tâm huyết cho Tiếng Dân. Cụ Huỳnh và những người làm báo Tiếng Dân cũng đã dành cho cụ Phan những tình cảm và chăm lo tốt đẹp nhất cho cụ ở những năm cuối đời.

Cuộc dấn thân vì nước của Phan Bội Châu kéo dài gần trọn 40 năm. Trên hành trình đó, với ông, báo chí, cùng với văn chương, là vũ khí để cất lên tiếng nói yêu nước, cổ vũ và tổ chức đấu tranh cứu nước, cứu dân. Ông là một nhà báo lớn của nền báo chí Việt Nam thế kỷ 20.
.

Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , ,