Những vụ xét án lạ lùng được ghi lại trong cổ sử Việt Nam

Ấn đầu người, cho dân tắt mặt, hay giả giấc mộng lạ… là “độc chiêu” xét án của những “Bao Thanh Thiên” nổi tiếng nước Nam.

Những vụ xét án lạ lùng trong cổ sử Việt

Thời phong kiến, trong lĩnh vực hình án, việc xét xử những tội trạng, sự việc có chứng cứ rõ ràng chỉ cần căn cứ vào hình luật mà y việc. Nhưng với những việc cần điều tra, xét hỏi, việc nghị án không dễ chút nào bởi chứng cứ mất mát mà việc phục dựng hiện trường cũng không dễ tiến hành. Ấy thế nên nhiều vị pháp quan phải vận dụng trí thông minh tuyệt đỉnh của mình mà mở án những vụ khó khăn.

Trận hỏa hoạn nên duyên kiểm pháp. Ấn đầu người biết đến trước, sau

Tháng 2 năm Mậu Dần (1278), niên hiệu Bảo Phù năm thứ 6 thời trị vì của vua Trần Thánh Tông. Lúc này dân ta chết nhiều vì bệnh đậu mùa rất nhiều, một bệnh nằm trong “tứ chứng nan y” thời đó khi không có thuốc chữa.

Dạo ấy, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm, chẳng biết do bị phóng hỏa hay đốt đống rấm (đống chấu) để xóa dịch bệnh. Vua Thánh Tông ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung được đi theo hầu. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, vua muốn biết người nào đến trước, đến sau tham gia việc chữa cháy, bèn sai quan Nội thư gia họ Đoàn điểm danh, báo cáo. Việc này thực khó, vì muốn biết ai đến trước đến sau, cứ hỏi chính người đó mới biết. Nhưng chắc không phải ai cũng tâu thật. Quan Đoàn Khung liền nghĩ ra một kế.

Ông tập hợp những người chữa cháy lại xếp thành hàng, rồi ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rõ với vua người nào đến trước, người nào đến sau, quả nhiên không sai chút nào. Khâm phục tài năng của họ Đoàn, vua Thánh Tông bèn hỏi:

– Tại sao mà ngươi biết rõ thế được?

Đoàn Khung bấy giờ chắp tay mà rằng:

– Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa. Người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết.

Vua cho là giỏi, có ý cất nhắc để dùng. Nhưng 8 tháng sau, ngày 22 tháng 10 âm lịch cùng năm, Trần vua nhường ngôi cho con trai là Hoàng Thái tử Trần Khâm (tức là vua Trần Nhân Tông) rồi lên làm thái thượng hoàng. Ông về ở Bắc cung rồi đi tu, nghiên cứu Phật học, viết sách. Thời vua Anh Tông, nhớ lại việc của Đoàn Khung, vua liền cất nhắc viên Nội thư gia năm xưa, cho Đoàn Khung làm Kiểm pháp quan, khi xét án, hễ Anh Tông hỏi về điển lệ cũ, Đoàn Khung đều dẫn được án cũ làm chứng, có khi dẫn nhiều đến năm, sáu án. Vua Anh Tông khen viên Kiểm pháp quan họ Đoàn thông minh nhớ lâu và suy xét thấu đáo. Có được viên Kiểm pháp như thế, cũng là cái lợi cho dân nơi công đường, hình án.

Quan cho dân tát người, xét án ra thủ phạm

Đời vua Lê Hy Tông (1663 – 1716) thời Lê Trung hưng, lúc này đất nước phân chia, thiên hạ đại loạn, trộm cắp cũng theo đó mà nhiều vô số kể. Việc hình án cũng bởi thế mà tăng lên không ngừng. Chốn công đường cũng không khỏi nhiêu sự vụ khó khăn. Nhưng nhân tài Nguyễn Mại từ đó mà ló dạng.

Quan Nguyễn Mại, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương, năm 37 tuổi dự thi khoa Tân Sửu (1691) niên hiệu Chính Hòa đỗ Hoàng giáp, trong thời gian làm quan nhà Lê Trung hưng, ông được khen là: “có sức khỏe, có mưu lược, làm quan Thị lang Lễ bộ, ra trấn thủ Sơn Tây, có chính tích đặc biệt, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao” (Trích Đại Nam nhất thống chí, phần Hải Dương tỉnh chí, mục Nhân vật chí).

Cái chính tích đặc biệt được nói tới ở trên, xảy ra lúc Nguyễn Mại đang làm quan trấn thủ tỉnh Sơn Tây. Thỉnh thoảng, quan trấn thủ hay ra ngoài công đường đi xem xét dân tình nơi mình trị nhậm. Cũng từ một trong những lần thực tế ấy, Nguyễn Mại đã xử một vụ án với cách xử hiếm lạ để người đời sau truyền tụng là quan xử án giỏi. Việc này, trong Đăng khoa lục sưu giảng của Thượng thư Trần Tiến đời vua Lê Hiển Tông (1717 – 1786) và sách Hải Dương phong vật chí còn ghi lại sự vụ. Theo đó, một hôm ông Nguyễn Mại đi bộ qua chợ Bảo Khám thuộc huyện Gia Bình (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thấy một người đàn bà mất một cái màn (Hải Dương phong vật chí viết vật bị mất là con gà), chắc xót của lắm nên chửi rủa mãi không thôi, lại lôi cả tam đời, ngũ đại nhà kẻ ăn trộm ra mà chửi.

Sau khi biết sự tình, ông cho gọi người đàn bà mất của lại hỏi chiếc màn đáng giá bao nhiêu tiền để ông trả. Sau ông sai lính trói người đàn bà ấy ở quán, rồi cho gọi làng xóm đến, vờ mắng người đàn bà bị trộm màn cái tội chua ngoa:

– Mất một cái màn đáng giá bao nhiêu tiền mà bà chửi tổ tông người ta?

Nói xong, ông sai tất cả đàn ông, đàn bà trong xóm ấy vả vào má người đàn bà mất màn vì tội chửi ngoa. Dân trong làng thương người đàn bà ấy lắm, bởi bà ăn ở cũng không đến nỗi nào, đã mất màn lại còn bị tát. Nhưng lệnh quan ra là phải theo, bởi vậy ai cũng phải tát bà ta, nhưng không nỡ tát mạnh. Duy chỉ có một người đàn bà trong làng ra sức tát thật mạnh. Bởi chính mụ này là kẻ ăn trộm, giận vì bị lôi cả tông tộc ra mà chửi nên tát thật mạnh cho sướng tay để trả thù. Nhưng mụ ta nào có biết ý của Nguyễn Mại. Mụ vừa tát xong, quan họ Nguyễn đã cho giữ lại, tra hỏi luôn:

– Chính ngươi đã ăn trộm màn nên mới động lòng mà đánh người ta đau như thế, tội ấy còn chối cãi sao được!

Quả nhiên kẻ ăn trộm màn chính là mụ ta. Chiếc màn được trả lại cho người bị mất, còn mụ đàn bà ăn trộm cứ chiểu theo luật mà định tội. Dân tình trong làng ai cũng khen quan Nguyễn Mại là thần minh, xét án công bằng, sáng suốt mà ít ai ngờ tới. Sau này khi quan Nguyễn Mại mất, người hạt Sơn Tây nhớ công đức của ông có làm bài Sơn Tây Đức chính ký ca ngợi công đức của vị pháp quan.

Lại cũng dạo đang làm quan, theo Hải Dương phong vật chí cho hay, ở ngôi chùa thuộc huyện Sơn Vi (nay thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), các ni cô tụ họp ở đó, rồi một ni cô kêu mất chiếc xiêm lụa. Biết việc, Nguyễn Mại sai lập đàn cúng, rồi lệnh cho các ni cô một tay cầm tay người kia, một tay nắm ít thóc, cùng chạy quanh đàn cúng. Ông lại vờ bảo, ai là người gian tà thì thóc nắm trong tay sẽ nảy mầm. Các ni cô cứ thế tay cầm tay, lại tay nắm thóc chạy quanh đàn. Để ý, viên quan giỏi xử án thấy một ni cô thường hay hé tay để xem nắm thóc nảy mầm hay chưa. Đoán biết được kẻ trộm áo, ông cho mọi người ngừng chạy quanh đàn cúng, gọi ni cô kia đến bảo phải mau thú nhận. Đúng như quan sát của ông, ni cô ấy nhận tội. Cả chùa khen ông là tài.

Khi nói đến đất Hải Dương, người đời sau không thôi nhắc đến ông, như trong Đại Nam dư địa chí ước biên, Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục tán tụng rằng:

Có chính tốt, được dân Sơn Tây yêu mến, còn bia để lại, thì Nguyễn Mại, xứ Ninh Xá;

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, xét án trên đầu voi thì Phạm Đình Trọng ở Khinh Giao.

Quan Phí Trực cẩn trọng xét án, chức An Phủ Thiên Trường trao tay

Đầu thế kỷ XIV, nhà Trần vẫn đang còn ở thời thịnh. Thời vua Anh Tông (1293 – 1314) xã tắc bền vững, thiên hạ no ấm. Đời vua Minh Tông (1314 – 1329) cũng thế. Nhưng mấy năm đầu vua mới Minh Tông lên ngôi, trộm cướp đã bắt đầu nổi lên.

Thời ấy, trong các đảng cướp, có tên Văn Khánh được xem là đầu sỏ bọn cướp. Triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt mà không được. Thế mà bỗng dưng có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo tên bị bắt ấy là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, người bị bắt cũng nhận ngay mình là Văn Khánh, ai cũng cho đúng là tên cướp đầu sỏ ấy. Duy có mỗi Phí Trực là Hình bộ lang trung vẫn nghi ngờ, vì không hiểu sao tên trộm đầu sỏ mà lại bị bắt dễ thế, còn khai ngay mình là Văn Khánh chứ không chối quanh thì không khỏi chịu cái tội lụy đến thân. Bởi hình pháp nhà Trần rất thảm khốc, kẻ trộm và người trốn tránh đều phải chặt chân, chặt tay hay là cho voi giày đến chết để chừa mãi thói Đạo chích. Vì phân vân, nên án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng Anh Tông biết chuyến đó mới hỏi, Phí Trực trả lời:

– Mạng người rất trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết.

Không bao lâu, Thượng hoàng hỏi lại án Văn Khánh, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận ông, bảo:

– Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi.

Quan Phí Trực tâu:

– Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ.

Một tháng sau, tên Văn Khánh thật quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng lúc đó mới thấy tài năng của ông Hình bộ lang trung.

Tháng 3 năm Đinh Tỵ (1317), “Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang (ở hành cung Thiên Trường – người dẫn chú). Hình Bộ lang trung Phí Trực theo hầu. Chứ An phủ Thiên Trường khuyết, sai Trực kiêm làm” (trích Đại Việt sử ký toàn thư), xem đó như một đặc ân. Bởi theo lệ nhà Trần người được cử làm An Phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan đã từng kinh qua An Phủ sư cấp lộ, rồi khảo hạch đủ chuẩn mới bổ dụng. Nhưng với Phí Trực thì xem đó như một ngoại lệ bởi tính cẩn thận, minh bạch của ông.

Giả giấc mộng lạ, tìm ra kẻ ác

Theo Đại Việt sử ký tục biên, năm Canh Thân (1680), niên hiệu Chính Hòa năm thứ nhất, triều đình tổ chức “Thi hội các viên cống cử trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Côn 19 người. Khi thi Đình cho bọn Phạm Công Thiện (người Ngọc Thiện, huyện Gia Định), Nguyễn Công Xán (người xã Thượng Yên Quyết, huyện Từ Liêm) đỗ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp)”. Cũng trong kỳ thi ấy, dù không đỗ cao tột bậc, nhưng Nhữ Đình Hiền (1659 – ?) cũng dự phần đỗ đạt, làm nên công trạng hiển hách, được người đời biết đến nhiều.

Nhữ Đình Hiền còn có tên khác là Nhữ Tiến Hiền, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông vốn là con của Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng đất Hải Dương đời Lê Trung hưng. Noi gương cha, ông học hành tấn tới, đến khi đi thi, đỗ tiến sĩ khoa thi được nói tới ở trên. Trong đời làm quan, ông phụng mệnh đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, có biệt tài về chính sự, xử án rất công bằng. Người đời còn truyền tụng một câu chuyện xử án nói lên tài trí của ông. Việc được Phạm Quý Thích, một danh thần cùng quê chép trong Hải Dương phong vật chí.

Lúc bấy giờ, có một vụ nghi án xảy ra. Ở vùng nọ có hai chị em ruột đều đã lập gia đình. Người em gái vì biết tin chị gái bị ốm nên đến săn sóc. Nhà hai chị em cách nhau khá xa. Nhiều ngày sau người chồng của cô em gái không thấy vợ mình trở về. Nghi là vợ mình đã bị chồng của chị gái vợ làm hại, người chồng của cô em gái mất tích mới kiện lên quan làm cho người chồng của chị gái trở thành nghi phạm lớn nhất, bị giam vào ngục. Các quan thay nhau xét án, nhưng chứng cứ không có trong tay, việc ấy đình trệ tới sáu, bảy năm mà vẫn chưa luận định được.

Đến khi án ấy được đưa tới tay quan Thượng thư bộ Hình Nhữ Đình Hiền, không dựa vào những bản cung hình trước của các quan đã kinh qua vụ án này. Quan Thượng thư họ Nhữ muốn tìm chứng cứ thực tế thuyết phục để giải đáp khuất tất. Khi xem địa đồ khu đất bao quanh khoảng nhà hai chị em, ông thấy có một ngôi chùa ở ngoài cánh đồng cây cối rậm rạp mà người thiếu phụ xấu số khi đi tất đến nhà cô chị tất phải qua đó. Đoán rằng, chắc người em gái xấu số kia nhất định bị bọn ác tăng trong ngôi chùa này giở trò đồi bại trước khi đến được nhà chị gái mình. Để có cơ sở thực tế, ông lập tức sai người đưa tới ngôi chùa kia, mượn tiếng tham thiền để lưu lại chùa ấy một đêm.

Sáng hôm sau, Nhữ Đình Hiền cho triệu tập các tăng đồ trong chùa lại, lấy cớ đêm qua nằm thấy có người đến báo mộng, mới dọa rằng:

– Các người đều là kẻ tu hành, sao lại có oan hồn đến tố giác với ta? Vậy thì sự thể ra sao, phải mau tự thú.

Những tên sư hổ mang đều tái mặt khi nghe ông nói, bèn chỉ tay ra một cây tháp. Khi đào chỗ ấy lên, xác người thiếu phụ bị cưỡng hiếp quả nằm dưới ấy. Vụ án nhờ đó được làm sáng tỏ, người chồng của chị gái mới thoát khỏi án ngục, xóa tội. Còn những tên sư phạm tội thì nghiêm trị không chút dung tha.

Tài xét án của Nhữ Đình Hiền, về sau, đa phần đều giải quyết được những vụ án khó. Thế nên người đương thời mới có câu khe: “Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nhữ Đình Hiền”. Lại xếp ông nằm trong danh sách “Tràng An tứ hổ” gồm 4 danh thần giỏi giang bậc nhất đất Thăng Long: Vũ Diệm (1705 – ?), Nguyễn Bá Lân (1700 – 1786), Nhữ Đình Hiền (1659 – ?), Nguyễn Công Thái (1684 – 1758).

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,