Những vị vua chống tham nhũng mạnh tay nhất sử Việt

Trong lịch sử các vương triều Việt Nam, nhiều vị vua được ghi nhận như những người chống tham nhũng quyết liệt, thể hiện qua những quy định pháp luật được xây dựng chặt chẽ với hình phạt nghiêm khắc dành cho hành vi tham nhũng.

Vua Lý Thái Tông răn đe quan tham bằng luật pháp

Lý Thái Tông (1000-1054) là vị hoàng đế thứ hai của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Dưới thời của ông, với việc ban hành Hình thư năm 1042, nhà Lý trở thành triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam ban hành bộ luật thành văn. Bộ luật này đã bị thất truyền theo thời gian, nhưng qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, tội tham nhũng được vua nhà Lý đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc.

Những vị vua chống tham nhũng mạnh tay nhất sử Việt

Bàn thờ vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở đền Đô (Bắc Ninh).

Cụ thể, theo một chiếu chỉ vua Lý Thái Tông ban năm 1042 thì: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được”.

Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì bị phạt 50 quan tiền; từ 10 quan đến 19 quan, bị phạt từ 60 đến 100 quan; của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ triều đình…

Vua Lê Thánh Tông chặn mọi đường tham nhũng của quan lại

Lê Thánh Tông (1470–1497) là một vị vua anh minh trong sử Việt. Một thành tựu lớn trong sự nghiệp cai trị của ông là việc xây dựng và thực thi bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật), bao quát nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau mà ngày nay ta gọi là Luật hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hành chính…

Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng. Có thể dẫn ra một số điều luật tiêu biểu:

– Ở Điều 1 của chương “Vi chế” ghi rằng: các chức quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức, thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ).

– Điều 42 của chương “Vi chế” ghi: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức; từ 10 đến 19 quan, xử tội “đồ”-“lưu” (“lưu” là hình phạt lao dịch khổ sai, bị đày đi các châu xa…); từ 20 quan trở lên xử “lưu”; từ 50 quan trở lên xử “tử”…

– Điều 138 quy định: Ăn lễ từ 1 đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”…

Luật này còn có một số quy định tiến bộ như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi.

Nhờ những quy định pháp luật chặt chẽ của luật Hồng Đức mà người tốt có chỗ dựa, được tin dùng, bọn tham quan, kẻ xấu khó tìm đất sống, nạn tham nhũng được kiểm soát, đời sống kinh tế – xã hội diễn ra thuận lợi.

Vua Gia Long củng cố luật chống tham nhũng

Vào đầu thời nhà Nguyễn, để củng cố kỷ cương phép nước ở một nước Việt Nam mới thống nhất sau nhiều năm loạn lạc, vua Gia Long (1762-1820) đã cho xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long (ban hành năm 1815). Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này.

Trong số 400 điều của bộ luật này, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, và có những điều rất hà khắc. Có thể kể đến như:

– Điều 31 quy định: quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ.

– Điều 111 quy định: “Quan lại dùng chức vụ vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”.

– Điều 392 quy định: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội nặng…

Vua Minh Mạng trị tham nhũng bằng “bàn tay sắt”

Kế nghiệp vua Gia Long, vua Minh Mạng (1791-1841) tiếp tục đẩy mạnh việc chống tham nhũng trong bộ máy công quyền. Ông nổi tiếng với việc nghiêm khắc và kiên quyết trừng trị quan tham, bất kể là ai, giữ chức vụ gì, có quan hệ thế nào với nhà vua.

“Bàn tay sắt” của vua Minh Mạng trong chống tham nhũng đã được lịch sử ghi lại qua nhiều câu sự vụ, tiêu biểu như ban chỉ dụ tử hình bố vợ – Phó Tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý vì tham nhũng 30.000 quan tiền (1821); ra lệnh chém đầu Đặng Văn Khuê – quản lý kho thóc ở Kinh thành vì ăn chặn thóc trợ cấp cho dân (1822); ra lệnh chém đầu viên quan Phủ Nội vụ Lý Hữu Diệm vì lấy trộm hơn một lạng vàng (1823); chặt tay Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên vì ăn bớt nhựa thơm (1831)…

Vua Minh Mạng cũng có đóng góp lớn cho nền luật pháp khi cho ban hành Luật Hồi tỵ năm 1831, quy định các việc phải kiêng kỵ, tránh né, buộc các chức sắc trong bộ máy từ triều đình đến nơi thôn dã phải triệt để chấp hành. Luật này quy định, khi sắp xếp, bố trí bộ máy quan lại, phải triệt để tránh (không bố trí) những nơi quê gốc (quê nội), vì ở đó có quan hệ họ tộc gần gũi từng sinh sống nhiều đời sinh sống…; không bố trí ở quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ và cả những nơi trước đây đã từng theo học), dù chỉ ngắn ngày.

Đến đời vua Thiệu Trị, các điều luật phòng chống tham nhũng tiếp tục được bổ sung, với các quy định ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng, hối lộ, trù dập, ức hiếp người tố cáo, làm sai lệch cán cân công lý…

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,