Những nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân cho người trẻ

Mặc dù được học rất nhiều môn ở trường học, chúng ta lại không được học về tài chính cá nhân. Do đó, khi ra đời hầu hết mọi người không biết cách quản lý tiền bạc như thế nào. Thế nhưng, chẳng bao giờ là quá muộn để học điều gì, và mấu chốt của quản lý tài chính nằm ở chỗ làm được những điều quan trọng sau.

Những nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân cho người trẻ

Học cách tự chủ

Nếu may mắn, bạn đã được cha mẹ dạy về kỹ năng này khi còn nhỏ. Còn không, hãy luôn ghi nhớ rằng bạn học được cách trì hoãn ham muốn sớm chừng nào, bạn càng sớm quản lý tài chính tốt chừng đó. Mặc dù với một chiếc thẻ tín dụng, bạn có thể mua sắm rất dễ dàng, bạn vẫn nên đợi cho đến lúc có đủ tiền để mua món đồ bạn thích. Nếu không, sẽ rất vô lý khi phải trả tiền lãi cho một chiếc quần jeans hay một bữa ăn trong nhà hàng.

Nếu cứ quen quẹt thẻ tín dụng cho bất cứ lần mua sắm nào, mặc cho mình có khả năng chi trả hay không, thì số nợ tín dụng đó có thể theo bạn đến 10 năm. Nếu bạn muốn dùng thẻ vì lý do tiện lợi hay để đổi thưởng, hãy chắc chắn là bạn luôn trả được dư nợ hàng tháng, và đừng mở nhiều thẻ nếu không có khả năng kiểm soát chúng.

Kiểm soát tương lai tài chính của bản thân

Nếu bạn không học cách tự quản lý tài chính thì bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những người khác – như nhân viên bán hàng, hay những người bạn cứ rủ rê bạn ra ngoài chơi bời và tiêu tiền như nước mỗi cuối tuần.

Thay vì cứ nghe theo lời khuyên của người khác, hãy tự chịu trách nhiệm với bản thân bằng cách trau dồi kiến thức về tài chính cá nhân bằng việc đọc sách. Hiểu được nguyên tắc về tiền bạc là bước đầu tiên giúp bạn khiến tiền bạc làm việc cho mình.

Biết tiền được tiêu vào đâu

Đọc những cuốn sách về tài chính cá nhân, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc không chi tiêu quá thu nhập của mình. Cách tốt nhất để làm việc này là lập ngân sách hàng tháng và theo dõi chi tiêu bằng các ứng dụng quản lý chi tiêu rất phổ biến hiện nay. Hay bạn có thể ghi chép vào một cuốn sổ tay. Cuối tháng, khi xem lại những danh mục chi tiêu đó, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về dòng tiền. Bạn sẽ nhận ra những khoản chi tưởng chừng nho nhỏ hàng ngày ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính của mình và loại bỏ hay cắt giảm những khoản không cần thiết.

Ngoài ra, chi tiêu tiết kiệm và hợp lý sẽ giúp bạn có được một số tiền lớn theo thời gian. Thay vì chi nhiều tiền vào một căn hộ sang trọng hay chiếc xe tay ga đời mới, bạn có thể lựa chọn phù hợp hơn để sử dụng số tiền dư ra vào việc khác.

Lập một quỹ khẩn cấp

Một trong những câu thần chú dành cho việc quản lý tài chính cá nhân đó là “hãy trả cho bản thân trước”. Cho dù bạn vẫn đang phải trả học phí đại học hay nợ tín dụng bao nhiêu, và lương bạn có thấp như thế nào, dành ra một khoản cho vào quỹ khẩn cấp mỗi tháng là một việc làm sáng suốt.

Quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn thoát khỏi rắc rối tài chính và không phải lo lắng nhiều về tiền bạc. Nếu xem đó là một khoản “chi tiêu” cố định hàng tháng, một thời gian ngắn sau, số tiền trong quỹ khẩn cấp này có thể còn được dùng cho thời gian nghỉ hưu, cho các chuyến du lịch và thậm chí là khi bạn muốn mua một món đồ cấp thiết nào đó.

Tuy nhiên, đừng cất số tiền này ở nhà mà hãy gửi vào một tài khoản tiết kiệm với lãi suất cao. Nếu không, rất có thể lạm phát sẽ làm giảm giá trị của khoản tiết kiệm đó.

Bắt đầu tiết kiệm sớm cho nghỉ hưu

Bí quyết của việc tiết kiệm cho nghỉ hưu nằm ở chỗ bắt đầu sớm. Khi bắt đầu sớm, bạn sẽ có thể chia nhỏ số tiền hàng tháng ra và vẫn có được số tiền mà mình muốn khi nghỉ hưu. Càng bắt đầu sớm thì số tiền tiết kiệm hàng tháng càng ít đi. Bằng cách đó bạn sẽ tận dụng được lãi suất cộng gộp theo thời gian. Hơn nữa, khi đã có đủ tiền, bạn sẽ có thể đi làm khi thật sự muốn, chứ không bắt buộc nữa.

Kiểm soát các loại thuế

Hãy tìm hiểu về các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cũng như các khoản bảo hiểm phải đóng theo luật Lao động trước khi bắt đầu đi làm lần đầu. Như vậy, khi đàm phán mức lương với công ty, bạn sẽ có thể tính được liệu thu nhập sau thuế có phải là số tiền bạn mong muốn hay không.

Hiện nay với thu nhập hàng tháng trên 9 triệu đồng, bạn phải đóng thuế TNCN. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt thuế TNCN bằng các khoản giảm trừ như gia cảnh người phụ thuộc theo TT111/2013/TT-BTC.

Bảo vệ sức khỏe

Nếu bạn nghĩ mua bảo hiểm y tế thật là lãng phí tiền bạc thì hãy hình dung sẽ ra sao nếu bạn phải đi cấp cứu vì gãy chân, và chỉ riêng phí điều trị đã lên đến vài triệu đồng, chưa kể tiền viện phí nội trú? Nếu bạn chưa mua BHYT, đừng chần chừ gì cả mà hãy mua ngay lập tức. Tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào.

Thông thường, bạn sẽ phải mua BHYT bắt buộc khi đi làm với sự hỗ trợ của công ty. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm hiểu về các gói bảo hiểm sức khoẻ cá nhân do các công ty bảo hiểm cung cấp để có được một gói bảo hiểm phù hợp với mình.

Bảo vệ tài sản của mình

Nếu không muốn số tài sản mình vất vả lao động để làm ra bỗng chốc biến mất, bạn cần phải biết cách bảo vệ nó. Bạn có thể mua bảo hiểm cháy nổ và mất cắp cho đồ vật trong nhà. Ngoài ra, một số sản phẩm bảo hiểm khác cũng có thể sẽ đảm bảo cuộc sống tài chính của bạn cho dù bạn không thể làm việc trong một khoản thời gian dài do bị bệnh hay thương tật.

Kết luận

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân mà bạn có thể tham khảo để quản lý tài chính của mình. Hãy tìm hiểu cách để không phải đóng quá nhiều thuế và cách có thêm tiền từ số tiền đang có qua các khoản đầu tư và ủy thác.

Bạn không cần phải có bằng cấp về tài chính hay kinh nghiệm gì đặc biệt để thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân. Chỉ cần áp dụng những bí quyết trên, bạn sẽ có thể có một cuộc sống không quá căng thẳng về tài chính nữa.

Theo GOBEAR.VN

Tags: