Những người lính ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 30/4/1975

Thấy thành phố còn gần như nguyên vẹn, nhiều người tưởng cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 đã diễn ra một cách dễ dàng. Thực ra không phải vậy!

Những người lính tăng ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 30/4/1975

Tác giả: Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.

Đó là một loạt trận đánh hết sức ác liệt, thậm chí kéo dài cả đến sau khi Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Đặc biệt là trận kịch chiến tại khu vực Ngã tư Bảy Hiền – Lăng Cha Cả trên đường tiến công đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) và Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) của lực lượng Quân đoàn 3.

Ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả ở đâu?

Ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) là nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Từ đây có thể đi về trung tâm Sài Gòn qua đường CMT8 (Lê Văn Duyệt), quận 8 bằng ngả Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại), lên sân bay TSN bằng đường Hoàng Văn Thụ (Võ Tánh) hay về Hóc Môn, Củ Chi theo hướng Trường Chinh (Phạm Hồng Thái)…

Còn tại sao nó lại được mang tên Bảy Hiền thì hiện có nhiều giả thuyết khác nhau. Có giả thuyết cho rằng đó là tên đại điền chủ Trần Văn Hiền- một người giàu có và hay làm phúc sống ở đây.

Song cũng có thuyết cho rằng ở đó có một quán cà- phê cóc mang tên Bảy Hiền. Còn theo nhà văn Sơn Nam thì Bảy Hiền là một ông chủ giàu có chuyên đứng bán cỏ cho ngựa kéo xe ở khu vực ngã tư này trong giai đoạn năm 1930.

Còn Lăng Cha Cả là tên gọi khu vực lăng mộ của một giáo sĩ người Pháp. Đó cũng là một giao lộ của nhiều con đường. Đặc biệt, đó là cửa ngõ chính để vào sân bay TSN và cũng rất gần với Bộ TTM quân lực VNCH. Vậy Cha Cả là ai?

Cha Cả là tên thường gọi của Giáo sĩ Bá Đa Lộc, người Pháp. Năm Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm La nhưng đại bại. Nguyễn Ánh phải cầu viện Pháp, qua trung gian là Cha Cả.

Cha Cả cùng Hoàng tử Cảnh (con Nguyễn Ánh) qua Pháp; một thỏa ước tiếp viện được ký kết, nhưng sau đó lại không được thực hiện. Cha Cả tự thành lập một lực lượng để tiếp viện Nguyễn Ánh.

Tuy lực lượng do Cha Cả lập nên không mấy hùng hậu, nhưng đã giúp Nguyễn Ánh có được niềm hưng phấn, thuận lợi cho thế tấn công quân Tây Sơn, thống nhất được Nam Bắc, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Bởi vậy, Gia Long rất trọng vọng Cha Cả, xem ông là Giám mục Thượng sư.

Cha Cả mất vì bạo bệnh năm 1799. Ông được đưa về an táng tại tỉnh Gia Ðịnh, ở khu vực Vườn Xoài-Tân Sơn Nhứt. Tại đây, lăng mộ của ông được xây dựng khá hoành tráng, rộng tới 2000 m2 và mang tên Lăng Cha Cả.

Khi sân bay TSN và cơ quan Bộ TTM quân lực VNCH được xây dựng ở xế phía Bắc Lăng Cha Cả, thì ngôi lăng bị thu hẹp lại thành một điểm hình tròn, nằm lọt giữa đường Võ Tánh (bây giờ là đường Hoàng Văn Thụ, thuộc địa phận Phường 4, quận Tân Bình). Tuy vậy, toàn bộ khu vực xung quanh vẫn được gọi là khu vực Lăng Cha Cả.

Hai giao lộ này cách nhau khoảng 1 km và có một điểm tương đồng là chúng cùng nằm trên con đường mà lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 phải vượt qua để tiến công sân bay TSN và Bộ TTM.

Với vị trí quan trọng như vậy, lực lượng phòng ngự tại đây ngoài các đơn vị đồn trú tại chỗ còn được tăng cường Liên đoàn Biệt cách Dù 81- lực lượng tinh nhuệ nhất của QLVNCH do thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy.

Từ khúc dạo đầu ở Ngã tư Bảy Hiền

Sau 3 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, các đơn vị của Quân đoàn 3 đã cơ bản đánh tan lực lượng phòng thủ vòng ngoài của địch. Đến tối ngày 29/4, lực lượng thọc sâu của quân đoàn bao gồm Trung đoàn BB 24 (Sư đoàn 10) và Tiểu đoàn XT 1 (Trung đoàn xe tăng 273) đã tới khu vực Ngã ba Bà Quẹo, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.

Sáng sớm ngày 30/4, Thê đội 1 của đội hình thọc sâu gồm 7 xe tăng T-54 của Đại đội XT1 và 4 xe K63 của Đại đội 11 do quyền đại đội trưởng Nguyễn Hồng Tư chỉ huy cùng với một đại đội BB tiến về phía Ngã tư Bảy Hiền.

Phía VNCH cho máy bay ném bom đánh phá suốt dọc đường, đồng thời đưa xe tăng, bộ binh ra ngăn chặn.

Bất chấp sự cản phá của địch, lực lượng đi đầu do xe tăng T-54 số 979 của Nguyễn Hồng Tư dẫn đầu sử dụng mọi loại vũ khí trong trang bị vừa đi vừa bắn, tiêu diệt nhiều địch và chiếm được ngã tư Bảy Hiền.

Tuy nhiên, khi vượt qua ngã tư và rẽ trái để hướng về phía Cổng 5 sân bay thì xe 979 bị 1 xe M48 phục ở hướng bệnh viện Vì Dân bắn trúng. Xe bốc cháy, các thành viên hy sinh. Xe 985 của trung đội trưởng Mai Trọng Hoạt vừa lao lên ngã tư cũng bị địch bắn hỏng pháo.

Đúng lúc đó, 2 xe tăng M48 từ phía bệnh viện Vì Dân chạy tới. Khoảng cách giữa các xe tăng nhanh chóng rút ngắn lại. Pháo đã bị hỏng, không còn khả năng tiêu diệt M48, trưởng xe Mai Trọng Hoạt ra lệnh cho xe lao thẳng. Lái xe Phùng Văn Tính nhấn ga, chỉnh cần lái cho xe lao thẳng vào chiếc M48 đi đầu.

Có lẽ do quá hoảng sợ, tên lái xe M48 khựng lại rồi giật số lùi. Xe 985 vẫn lao tới, xe M48 luống cuống lùi vào một ngôi nhà ven đường. Ngôi nhà đổ sụp trùm lên chiếc xe, cả kíp xe vội thoát ra chạy mất.

Chiếc M48 chạy sau thấy vậy vội quay đầu rồi nhanh chóng rời khỏi khu chiến. Tuy vậy, xe 985 cũng phải nằm lại đó do trúng đạn địch.

Hai xe đi đầu trúng đạn song các xe sau vẫn dũng mãnh xông lên chiếm được Ngã tư Bảy Hiền. Sau khi chờ pháo binh của Mặt trận bắn vào sân bay, Thê đội 1 của lực lượng thọc sâu tiếp tục bổ sung lực lượng lên và tiến về mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ ngày nay).

Bi hùng Lăng Cha Cả

Vì là cửa ngõ chính vào sân bay TSN và gần sát Bộ TTM nên lực lượng phòng thủ ở khu vực Lăng Cha Cả rất mạnh, rất thiện chiến- nhất là Liên đoàn Biệt cách Dù 81. Đặc biệt, chúng lợi dụng các nhà cao tầng và các công trình cao đột xuất để bố trí các hỏa khí một cách dày đặc và rất khó phát hiện, tiêu diệt.

9 giờ 20, Đại đội XT1 cùng bộ binh đã đến cách Lăng Cha Cả chừng 100 mét. Hai xe tăng đi đầu bắn mạnh vào khu vực lăng và xung quanh. Phía bên kia cũng bắn trả dữ dội. Khói bụi mù mịt trùm lên toàn bộ khu vực.

9 giờ 30, xe tăng và bộ binh bắt đầu xung phong về hướng sân bay. Khi vượt qua Lăng Cha Cả được khoảng 100 mét thì xe 875 đi đầu trúng đạn bốc cháy. Xe thứ hai vừa vượt qua ngã ba cũng bị bắn cháy.

Xe K63 của đại đội trưởng Đại đội 11 bám sát yểm hộ 2 xe tăng cũng bị trúng đạn. Mũi tiến công này của xe tăng và bộ binh bị chặn lại.

Sau khi nghiên cứu lại tình hình, trung đoàn trưởng bộ binh và tiểu đoàn trưởng xe tăng quyết định điều 2 khẩu pháo 85mm lên bắn trực tiếp, đồng thời điều Đại đội XT2 lên thay cho Đại đội XT1 tiếp tục đột phá.

Lúc 10 giờ, Đại đội XT2 tiến đến Lăng Cha Cả và được lệnh dừng lại quan sát đường tiến và chờ bộ binh tiếp cận địch mới xung phong.

Khẩu đội pháo đầu tiên của Trung Đoàn PB 4 do Đại đội trưởng Chính chỉ huy vừa vào tới khu vực bên trái Lăng Cha Cả, đang triển khai pháo, chưa kịp nổ súng thì đã trúng hỏa tiễn của địch. Pháo hỏng, cả khẩu đội cùng Đại đội trưởng Chính hy sinh.

Trước tình hình pháo binh chưa thể triển khai tấn công được. Trung đoàn phó Trương Văn Việt quyết định đột phá sang khu vực bên trái Lăng Cha Cả. Bộ binh được chia thành 2 mũi. Một mũi cùng xe tăng đánh theo cổng số 5. Một mũi đánh vào cổng phía Tây.

Có lệnh xung phong, xe 326 vừa vượt qua Lăng Cha Cả lại bị bắn cháy. Phát hiện địch từ phía cổng Bộ TTM bắn sang, đại đội trưởng lệnh cho các xe tập trung hỏa lực tiêu diệt. Tuy nhiên, do nhiều nhà cao tầng, tầm quan sát trong xe lại hạn chế nên hiệu quả đánh trả khá thấp.

Sau khi chế áp được một phần hỏa lực, xe tăng và bộ binh tiếp tục xung phong. Tuy nhiên, xe 815 vừa vượt qua khu vực Lăng được một đoạn lại bị bắn cháy. Lúc này, xung quanh vị trí đó đã có 5 xe tăng và thiết giáp cháy nên đường bị tắc, khói lửa mịt mù.

Phát hiện thấy một con đường ở phía tây Lăng Cha Cả, đại đội trưởng Đại đội 2 lệnh cho xe 353 tiếp tục xung phong về phía sân bay. Song mới đi được chừng 100 mét, xe 353 lại bị bắn hỏng. Các thành viên không rời xe mà tiếp tục dùng hỏa lực 12,7 mm và K53 chi viện bộ binh xung phong.

Bên cổng phía Tây, sau khi tiêu diệt được một số chốt chặn, 3 xe tăng của Đại đội XT 1 và 4 xe K63 của Đại đội 11 cùng bộ binh xung phong vào sân bay, đánh chiếm Khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân địch, Bộ Tư lệnh Dù…

Trong khi đó, cánh quân của Tiểu đoàn XT 2 và Trung đoàn BB 28 sau khi đánh chiếm được quân trường Quang Trung thì nhận lệnh nhanh chóng tiến công Bộ TTM địch.

Thấy khu vực Lăng Cha Cả đang bị ùn tắc bởi hỏa lực địch tập trung ngăn chặn và xác xe tăng cháy, được một thanh niên dẫn đường, cánh quân này rẽ sang đường Trương Minh Ký để tiến về Bộ TTM.

Cuộc chiến đấu ở cổng Bộ TTM và cổng sân bay vẫn đang quyết liệt thì 4 – 5 chiếc xe lam treo cờ giải phóng xuất hiện. Trên xe toàn thanh niên đeo băng đỏ, trống, chiêng rầm rầm chạy từ phía ngã tư Bảy Hiền lên. Họ hô lớn: “Dương Văn Minh đầu hàng rồi! Hòa bình rồi các chú ơi!”.

Các chiến sĩ BB phải đứng ra giữa đường ngăn và nói lớn: “Yêu cầu tất cả quay lại. Ở đây vẫn còn đang đánh nhau”. Số thanh niên này có vẻ chưa tin thì đúng lúc đó pháo của địch bắn tới. Cả đoàn xe hốt hoảng, rú ga quay đầu chạy. Nhưng cũng nhờ vậy, các chiến sĩ ở đây biết TT Dương Văn Minh đã đầu hàng.

Mặc dù vậy, tại khu vực Lăng Cha Cả cuộc chiến vẫn diễn ra rất ác liệt. Binh sĩ Liên đoàn Biệt cách Dù 81 coi như chưa biết gì về Tuyên bố đầu hàng của TT Dương Văn Minh và vẫn chống cự quyết liệt. Chỉ đến khi các mũi tiến công khác làm chủ được sân bay TSN và Bộ TTM, tiếng súng ở đây mới ngừng.

Cho đến lúc đó, tại khu vực Ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả đã có 8 xe tăng và 1 xe thiết giáp bị bắn cháy, hỏng, 25 cán bộ chiến sĩ xe tăng hy sinh. Tấm ảnh những chiếc xe tăng cháy tại Lăng Cha Cả do một nhà báo nước ngoài chụp được đã phần nào nói lên cuộc chiến đấu ác liệt ở đây.

Ngay chiều 30/4, các đơn vị tổ chức thu dọn chiến trường, làm công tác thương binh tử sĩ. Riêng các xe tăng cháy phải đợi 4 ngày sau, khi xe đã nguội bớt mới làm được việc đó. Tuy nhiên, hầu hết hài cốt của các liệt sĩ chỉ còn là một nhúm tro.

Các anh được đưa về an táng tại nghĩa trang Tân Xuân. Ở nghĩa trang này có 476 liệt sĩ thì có đến 108 người hy sinh ngày 30/4/1975.

Năm 1980, Nhà nước ta quyết định di dời Lăng Cha Cả để phát triển giao thông. Hài cốt Cha Cả được Lãnh sự Pháp đưa về quê hương năm 1983. Sau đó lăng bị san bằng và trở thành bùng binh, là vòng xoay cho 5 ngả đường, ở giữa đặt một quả địa cầu lớn. Mặc dù vậy, người ta vẫn gọi đó là vòng xoay Lăng Cha Cả.

Ngày nay, địa hình địa vật khu vực Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả đã thay đổi rất nhiều so với năm 1975. Rất nhiều con đường mới được mở, rất nhiều công trình mới được xây dựng lên… Giữa phồn hoa phố thị, ai còn nhớ nơi đây đã diễn ra một trận chiến bi hùng kéo dài nhất trong ngày cuối cùng của chiến tranh.

Còn các cựu binh đã từng tham gia chiến đấu tại khu vực này khi trở lại thăm chiến trường xưa thì chỉ thầm ao ước: “Giá như tại đây có một tấm bia ghi lại trận đánh bi hùng đó!”.

Theo BÁO TỔ QUỐC

Tags: , , ,