Những ngành nghề nào khiến bạn dễ bị căng thẳng nhất?

Luật sư, cảnh sát, bác sĩ phẫu thuật hay giáo viên là những công việc có thể khiến người lao động bị áp lực, căng thẳng.

Những ngành nghề nào khiến bạn dễ bị căng thẳng nhất?

Bác sĩ phẫu thuật: Áp lực của bác sĩ phẫu thuật đến từ chính việc phải chịu trách nhiệm cho tính mạng của người khác. Họ phải có kiến ​​thức và kinh nghiệm rộng về vấn đề nhất định như thần kinh, tim mạch… Một số thao tác khó đến nỗi không phải bác sĩ phẫu thuật nào cũng có thể thực hiện được. Thậm chí ngay cả phẫu thuật thông thường nhất cũng luôn có nguy cơ xảy ra các biến chứng. Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng loại áp lực mà người làm công việc này phải trải qua.

Cảnh sát: Đây cũng là một trong những nghề nghiệp rất căng thẳng. Cảnh sát thường phải đối phó với tội phạm, những kẻ bạo lực. Tuy nhiên, họ phải kiểm soát cảm xúc, cân nhắc khi đưa ra quyết định, chú ý đến phản ứng của người dân và có trách nhiệm bảo vệ tính mạng người khác.

Tài xế taxi: Mặc dù công việc này mang lại cơ hội kiếm tiền, nó cũng gây áp lực và nguy hiểm vì tài xế phải làm việc vào những giờ khác nhau, bao gồm cả đêm khuya. Họ phải luôn cảnh giác và chịu trách nhiệm không chỉ cho tính mạng và sự an toàn của chính mình mà cả hành khách. Đôi khi, với việc lái xe vào giờ cao điểm, tắc đường, chịu đựng sự phàn nàn của hành khách khó tính, đây chắc chắn là công việc gây căng thẳng cao.

Lính cứu hỏa: Lính cứu hỏa lúc nào cũng phải ở trong tình trạng sẵn sàng để có thể phản ứng kịp thời với các trường hợp khẩn cấp. Họ phải tiếp xúc hóa chất độc hại, khói và lửa, từ các vụ cháy nhỏ đến vụ nổ lớn. Không chỉ cứu tính mạng của người khác, họ phải tự bảo vệ bản thân mỗi khi làm việc, đặc biệt trong những đám cháy lớn, nguy hiểm. Ngoài ra, việc chứng kiến cảnh nhà cửa bị phá hủy có thể tác động lớn sức khỏe tinh thần của lính cứu hỏa.

Nhân viên xã hội: Những người làm công việc này phải đối phó với tổn thương tinh thần tồi tệ nhất. Nhiệm vụ của họ là giúp đỡ những người bị lạm dụng, có ý định tự tử và trầm cảm nặng. Mặc dù được đào tạo để giải quyết vấn đề này, họ vẫn gặp nhiều áp lực khi phải đưa ra những quyết định khó khăn và đôi khi vấp phải sự phản kháng của người đang cần giúp đỡ.

Giáo viên: Đặc biệt với giáo viên tiểu học và trung học, các học sinh ở lứa tuổi này rất khó quản lý và lại rất hiếu động. Họ cũng dành nhiều thời gian để giúp đỡ học sinh có học lực kém, tham gia cuộc họp của trường, đối phó với phàn nàn, tức giận của phụ huynh, soạn bài học hàng ngày hay các bài kiểm tra.

Phi công: Trở thành phi công chắc chắn là công việc hấp dẫn vì mức lương cao và có thể đi du lịch khắp thế giới. Tuy nhiên, phi công thường xuyên làm việc nhiều giờ và bay qua các múi giờ khác nhau. Điều này thường làm xáo trộn lịch trình ngủ của họ, khiến công việc khó khăn hơn và gây mệt mỏi. Trên hết, phi công phải chịu trách nhiệm về tính mạng của hành khách và chính mình.

Luật sư: Những người làm luật sư có nhiệm vụ đấu tranh thay cho khách hàng thuê họ. Vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của khách hàng. Ngoài sự căng thẳng tại tòa án, luật sư cũng phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức rộng và theo kịp các luật thay đổi.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,