Những mối tình oan trái nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Có những đấng nam nhi tài năng xuất chúng được ghi danh trong sử Việt, nhưng chuyện tình duyên của họ lại rất ngang trái.

Những mối tình oan trái nổi tiếng trong sử Việt

Mối tình hận của Nguyễn Du

Hồi còn là học trò, Nguyễn Du ở với cha là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm ở Thăng Long. Thời gian này, Nguyễn Du đang theo học với cụ đồ họ Lê ở bên Gia Lâm. Ngày ngày chàng học trò đi sang nhà thày học phải đi đò qua sông Nhị (tên sông Hồng thời trước). Người lái đò là một cô gái thôn quê nhưng xinh xắn và ăn nói có duyên nên từ lâu đã lọt vào mắt xanh Nguyễn Du.

Như bao kẻ thanh niên thời nay, đã thích nhưng còn cần phải có cớ để làm quen, để chuyện trò. Đối với Nguyễn Du, dù hàng ngày đều giáp mặt cô gái nhưng chưa biết làm thế nào để làm quen nên tâm sự ngổn ngang trăm mối nhưng chưa biết bày tỏ thế nào.

Một lần, Nguyễn Du đến chậm, lỡ chuyến đò, phải đứng chờ. Giờ học đã trễ mà đò thì vừa qua còn phải một hồi nữa mới quay sang bên này. Nhưng thật là tái ông mất ngựa, họa phúc khôn lường, trong cái rủi có cái may. Nhờ dịp lỡ đò, Nguyễn Du đã nghĩ ra một tứ thơ để làm quen với cô lái đò. Và ông đã viết một bài thơ thế này:

Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻ trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp cho nhau nữa để mà…

Bài thơ bỏ lửng hai câu hết với dụng ý để cô gái tự điền vào. Viết xong rồi ông nhờ người bạn đưa tặng cô gái. Nhận thơ, cô lái đò bẽn lẽn ngại ngần nên từ chối nhưng nhờ có anh bạn kia hết sức thuyết phục nên rồi cô gái cũng nhận. Có lẽ cũng đã cảm mến anh học trò Nguyễn Du nên sau đó cô gái đã điền nốt hai chữ “quen nhau” vào cuối bài thơ.

Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau vì Nguyễn Du là con nhà quan còn cô gái xuất thân bình dân. Theo quan niệm ngày trước, như vậy là không môn đăng hộ đối. Do vậy, khi bị gia đình biết chuyện, Nguyễn Du bị một trận đòn nên thân và bị gửi về Thái Bình theo học một ông đồ khác nhằm cách ly đôi lứa. Mãi 10 năm sau, Nguyễn Du mới có dịp trở lại bến đò xưa thì cô gái đã đi lấy chồng từ lâu. Ông viết mấy câu thơ để tỏ lòng mình:

Yêu nhau những muốn gần nhau
Bể sâu trăm trượng tình sâu gấp mười
Vì đâu cách trở đôi nơi
Bến nay còn đó người nào năm xưa

Theo Những thiên tình sử nước Việt của Quỳnh Cư thì câu chuyện này sau đó được Nguyễn Du tự tay chép trong một bản thảo có nhan đề Mối tình hận của tôi.

Trạng Lường và mối tình trắc trở

Trạng nguyên Lương Thế Vinh từ xưa đã được các danh sĩ đề cao như bậc Trạng nguyên tài danh hàng đầu. Ông không những hay chữ giỏi Nho học mà còn giỏi cả Toán học nên mới có biệt hiệu Trạng Lường (Lường là tính toán). Nhưng ông cũng còn một cái thú đam mê khá sâu sắc nữa là hát chèo.

Sách Trạng Lường Lương Thế Vinh của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam cho biết: Đêm đêm, hễ làng nào trong vùng có trống chèo nổi lên là y như có mặt Lương Thế Vinh. Có lần do quá ham thích, Lương Thế Vinh đã bỏ nhà đi theo một phường chèo diễn hay. Cậu say sưa học thêm cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc, biết đánh trống chèo, lại thuộc nhiều làn điệu dân ca, làn điệu múa hát chèo. Bố cậu đã phải đi tìm, xin cho cậu về tiếp tục đi học.

Từ tính ham mê hát chèo của Lương Thế Vinh đã đưa đến mối tình đầu có kết thúc buồn của ông. Sách Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam kể rằng: Năm 20 tuổi, hội xuân làng Si (ở gần làng Lương Thế Vinh) có gánh chèo nổi tiếng với cô đào chính của gánh chèo là người đang rất được nhân dân trong vùng mến mộ về diễn.

Lương Thế Vinh đến được đình làng Si thì đã khá muộn nhưng buổi diễn vẫn chưa bắt đầu vì tay chơi đàn nhị của gánh hát đột nhiên bị ốm chưa có người thay thế. Nghe vậy, Lương Thế Vinh bèn chen qua đám đông vào xin chơi thay cho tay đàn. Không có cách nào khác, gánh hát bèn chấp nhận. Nhưng chỉ một lúc sau, cả gánh hát lẫn người xem đã không còn phải băn khoăn gì về tay đàn vì tiếng đàn rất thành thục và đệm cho đào nương rất ăn khớp.

Trên chiếu chèo, cô đào dương như cũng diễn hay hơn bình thường vì cô biết người đang đệm đàn nhị cho mình diễn là anh học trò nổi tiếng mà cả vùng cả tỉnh gọi là thần đồng. Tâm trạng phấn khởi, bất ngờ cô đổi sang điệu sử xuân, đôi mắt nhìn về phía Lương Thế Vinh thắm thiết: “Vâng ý chàng, thiếp xin thưa lại, ĩn chuyên cần tần tảo sớm khuya. Việc tề gia là phận nữ nhi…”

Bên cây đàn nhị, Lương Thế Vinh cũng vừa đàn vừa hướng về đào nương trẻ cùng trang lứa mình với ánh mắt xao xuyến lạ lùng. Bỗng nhiên đào nương quay một vòng rồi chuyển sang hát điệu Chức cẩm hồi văn: “Thiếp xin chàng đèn sách văn chương, dầu hao thiếp rót, bấc non thiếp ngắt, ngọn đèn tàn thiếp khêu…”

Buổi diễn với tay chơi đàn bị ốm tưởng chừng phải nghỉ lại đầu xuôi đuôi lọt nên Lương Thế Vinh được gánh hát rất cảm ơn. Cô đào trẻ sau buổi diễn cũng chủ động gặp Thế Vinh để nói lời cảm tạ. Nhưng không phải như những lời cảm ơn xã giao thông thường. Hai tâm hồn như đã đồng điệu. Họ có điều gì đó muốn nói với nhau hơn là mấy lời cảm ơn mà sao không thốt nên lời.

Cô đào đã đem lòng yêu Thế Vinh mà không dám nói ra sợ ảnh hưởng đến việc học hành của chàng. Còn Thế Vinh cũng đã say men tình, muốn ngỏ lời ước hẹn mà cô gái không cho biết quê quán cũng như tên tuổi.

Bẵng đi mấy năm sau không gặp nhau nhưng Thế Vinh vẫn đêm ngày nhớ cô đào và mối tình sét đánh khôn nguôi. Dù vậy, nỗi nhớ chỉ là nỗi nhớ vì chưa ai nói ra và cũng chẳng biết ở đâu để tìm.

Năm 1463, Lương Thế Vinh đi thi, đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông. Dù vẫn nhớ người cũ nhưng chẳng có tin tức gì. Lúc này, bố mẹ Thế Vinh cũng muốn con yên bề gia thất nên giục chàng lập gia đình. Thế Vinh đã cưới con gái của một thày học.

Trớ trêu thay, ngày ông vinh quy về làng, dân làng mở hội chúc mừng, cô đào năm nào thì ra vẫn bí mật dõi theo bước đường của ông. Nay biết ông đã công thành danh đạt cũng cùng gánh hát về hát mừng góp vui cho làng. Đêm ấy, gặp lại người cũ, nàng đã hát rất hay nhưng giọng hát có gì đó sầu thảm khiến nhiều người phải khóc. Sau buổi diễn, không ai thấy nàng đâu nữa. Sáng sau người ta mới biết rằng nàng đã tự tử và để lại một bài thơ tuyệt mệnh.

Thì ra biết Thế Vinh đã lấy vợ, tủi phận mình nên nàng đã quyên sinh để vĩnh viễn mang theo mối tình đầu trong sáng. Biết tin, Trạng Lường rất thương xót và cảm phục bèn cho lập miếu thờ ở đầu làng. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam, xưa kia ở Giáp Nhất làng Cao Hương có một cái miếu thờ, người dân thường gọi là Miếu Ả Đào. Nơi đó chính là cái miếu thờ cô Đào hát đã quyên sinh vì Trạng Lường.

Sau một lần gặp gỡ trong đám hội, cô đào hát xinh đẹp chủ động tìm đến nhà trọ của chàng học trò nghèo. Họ đã tạo nên một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng éo le bậc nhất trong tình sử nước Việt.

Mối tình đau đớn của tiến sĩ Vũ Khâm Lân

Vũ Khâm Lân nguyên quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng sớm mồ côi mẹ. Gặp cảnh mẹ kế con chồng khó khăn nên phải bỏ ra Thăng Long ở trọ tại đất Dịch Vọng, vừa làm thuê vừa học. Năm ấy ở Dịch Vọng mở hội. Hội năm nay đông vui hấp dẫn hơn vì có đào nương Diễm Hương trẻ đẹp hát hay có tiếng trong vùng đến diễn. Người đến xem hát đứng kín vòng trong vòng ngoài. Mỗi lần cô đào hát xong một tiết mục, người ta lại thi nhau tung tiền lên để thưởng.

Như nhiều thanh niên trai tráng đến xem hội, chàng học trò nghèo Vũ Khâm Lân đã si mê nhan sắc cô đào Diễm Hương từ cái nhìn đầu tiên. Không có tiền để thưởng cho cô đào, Khâm Lân chỉ đứng nép bên cột đình lẳng lặng xem cô đào biểu diễn. Đâu ngờ cô đào lại chú ý đến anh học trò nghèo đứng nép bên cột đình mà cô nghe tiếng học giỏi đã lâu.

Bất giác đào nương đưa mắt nhìn về phía Khâm Lân thì bắt gặp ánh mắt chàng đang nhìn mình say đắm. Bốn mắt nhìn nhau làm lòng Diễm Hương xao xuyến. Nàng xúc động quá không hát được nữa. Mọi người tưởng nàng đã mệt liền dìu nàng vào trong đình nghỉ ngơi. Chàng thư sinh cũng bẽn lẽn ra về.

Thật chuyện đời cũng lắm bất ngờ, giữa thời phong kiến, tình yêu hôn nhân là chuyện gả bán của các bậc phụ huynh mà đào nương Diễm Hương lại bất chấp rào cản ấy. Sáng hôm sau, nàng chủ động tìm tới nhà trọ của Khâm Lân. Còn đang bồn chồn về chuyện người trong mộng bị ốm mà mình chưa có cách gì đến thăm thì tự nhiên người ta xuất hiện trước mặt khiến chàng thư sinh luống cuống không biết làm sao.

Bao nhiêu điều muốn biết, bao nhiêu điều muốn nói đều quên sạch, chàng chỉ ngượng nghịu hỏi: “Hôm qua chị bị ốm?”. Không dè cô đào lại bạo dạn nói như đã quen nhau từ lâu: mà chàng thì bỏ mặc chẳng đoái hoài. Rồi không để Khâm Lân thanh minh, nàng mạnh dạn đặt vào tay chàng 10 quan tiền và bảo: “Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành”.

Câu chuyện từ lúc gặp gỡ đến giờ cứ đưa Khâm Lân từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nên chàng đâm ra ấp úng: “Xin đội ơn nàng, xin có ngày được báo đáp”. Diễm Hương dịu dàng bảo: “Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, cố sức học hành, thiếp sẽ cho chu cấp tiền cho chàng ăn học”. Thế rồi từ đó, cứ vài bữa nàng lại đến thăm mang theo gạo tiền chăm sóc cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.

Lạm dụng tình yêu của Diễm Hương, nhiều lần Vũ Khâm Lân muốn nàng chiều chuộng mình như vợ chồng nhưng nàng đều cự tuyệt. Nàng nói: “Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Dẫu là con nhà hát xướng nhưng chàng đừng coi thường thiếp là hạng người hư thân mất nết. Thiếp biết chàng, quý chàng tựa như tìm được người vừa ý để bỏ công giúp đỡ. Đi hát chẳng phải là kế sống mà chỉ là để thiếp chọn anh hùng từ thuở hàn vi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi. Bởi thế từ nay xin cáo biệt”.

Biết Diễm Hương yêu mình cao thượng nên Khâm Lân hổ thẹn xin lỗi mãi. Nhưng từ đó nàng chỉ gửi gạo tiền đến cho chàng mà nhất định không gặp mặt nữa. Năm 1727, Vũ Khâm Lân đi thi đỗ Tiến sĩ. Sau lễ vinh quy, nhiều nhà danh giá bắn tiếng gả con gái cho chàng. Gia đình Khâm Lân cũng đã tìm được một gia đình phú hộ cho chàng làm rể. Nhớ đến cô đào đã giúp đỡ mình thành đạt, Khâm Lân toan cưỡng lại bậc sinh thành, song sự phản đối và ý chí của chàng không đủ mạnh nên đám cưới vẫn tiến hành.

Hay tin Vũ Khâm Lân lấy vợ giàu sang, Diễm Hương đau lòng lắm. Nhưng vì muốn tận mắt nhìn lần nữa kẻ bạc tình nên nàng tìm gặp Khâm Lân. Trước mặt người tình cũ, ông tiến sĩ tân khoa lúng túng: “Tôi vẫn nhớ đến nàng nhưng số kiếp tôi không được may mắn. Nàng tha tội cho tôi”. Diễm Hương cắt ngang: “Ông đừng nói nữa. Tôi đã rõ tâm địa của kẻ phản bội”.

Tự cho là duyên phận lỡ làng, nàng không lấy ai nữa. Sau đó Khâm Lân ân hận cho tìm nàng mãi nhưng không tìm được. 20 năm sau, tình cờ Khâm Lân gặp lại nàng. Lúc này Diễm Hương sống với mẹ và đã già đi nhiều. Ái ngại cho hoàn cảnh của nàng và cũng muốn chuộc lỗi, Khâm Lân xin được đưa nàng và mẹ già về nuôi nhưng được một thời gian bà cụ mất và Diễm Hương cũng bỏ đi đâu mất.

Cũng viết về chuyện tình của Khâm Lân với cô đào hát nhưng sách Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam của NXB Lao Động nói rằng, dù đã yêu nhau nhưng cô đào không cho Khâm Lân biết tên cũng như quê quán. Chàng chỉ biết cô đào họ Nguyễn.

Cũng theo sách này, cô đào và Khâm Lân chia tay nhau ở kinh thành khi chàng về quê thi hương. Khi chàng đỗ đầu kỳ thi Hương thì bố mẹ ép duyên với một cô gái con nhà phú hộ. Chàng đã thổ lộ hết chuyện tình cảm với cô đào nọ nhưng vì tên là gì và quê ở đâu cũng không biết nên bố mẹ chàng vẫn bắt phải cưới cô gái kia.

Năm sau, Khâm Lân vào kinh thi Hội gặp lại cô đào họ Nguyễn. Chàng ngượng ngùng đến mức không dám nói rằng lòng mình vẫn nhớ đến nàng. Nhưng dường như nhìn thấu tâm can ấy, cô đào nói: “Chàng không phải nói gì nữa. Nay tiền đồ của chàng đã rộng mở. Phúc bạc phận hèn như em không đáng để được nâng khăn sửa túi cho chàng. Cũng là cái số mệnh của em nó vậy, không phải là lỗi của chàng đâu”. Nói rồi cô còn tặng tiền và khăn áo cho Khâm Lân và từ biệt. Từ đó hai người bặt tin nhau.

Cho đến những năm cuối đời, khi đã về nghỉ việc quan, Khâm Lân mới lại gặp lại cô đào trong một lần đến thăm bạn cũ. Nhà bạn có tiệc mừng cho mời gánh hát. Trong gánh hát ấy người tình năm xưa của Khâm Lân cũng có mặt. Nhận ra người xưa ông hỏi han mới biết sau này nàng lấy một viên biện lại ở Thái Nguyên nhưng chồng đã qua đời. Sau đó cậu em trai lại hư đốn phát phách hết gia sản nên nàng phải dẫn mẹ già lên kinh dạy múa hát cho các con nhà giàu để kiếm sống. Đến lần gặp này Vũ Khâm Lân mới biết thêm quê nàng ở huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam.

Đoạn kết của câu chuyện cũng giống như sách Những thiên tình sử nước Việt, Khâm Lân đón đào nương về dựng cho một căn nhà riêng để nuôi cô và mẹ già nhưng khi bà cụ mất cô đào nhất quyết từ tạ ra đi.

Nếu như Vũ Khâm Lân quyết chí trở lại với tình xưa thì câu chuyện đã kết thúc có hậu. Dù sao ở thế kỷ 18, không thể đổ hết lỗi cho Khâm Lân khi những người quanh ông, cả hệ thống xã hội không coi ra gì những người hát xướng.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,