Những kỹ năng giao tiếp mà một người lãnh đạo giỏi cần có

Nhà lãnh đạo giỏi là người có khả năng giao tiếp tốt, biết cách truyền đạt đúng suy nghĩ, cảm nhận của mình cho mọi người.

Những kỹ năng giao tiếp mà một người lãnh đạo giỏi cần có

Hiểu bản thân: Theo tạp chí Success, mọi giao tiếp tốt đều bắt đầu từ chỗ nhận thức rõ về bản thân. Khi giao tiếp với người khác, bạn cần chú ý đến cách biểu hiện nội tâm của mình để không tạo ra tâm trạng xấu cho người khác, không để đối phương có thể đọc được suy nghĩ của bạn, hay tỏ ra thiếu tự tin… Điều quan trọng là bạn phải nắm rõ mục đích của mình khi tương tác với người khác để điều chỉnh thông điệp cho phù hợp.

Hiểu đối phương: Giao tiếp tốt nhất được tạo ra khi bạn hiểu người mà bạn đang nói chuyện. Biết được mục đích, phong cách giao tiếp ưa thích, cách học tập, làm việc của đối phương cho phép bạn điều chỉnh thông điệp của mình và tăng khả năng giao tiếp hiệu quả. Kết nối cá nhân mang lại sự đồng cảm, giúp mọi người thoải mái và xây dựng lòng tin.

Trực tiếp, cụ thể, rõ ràng: Giao tiếp rõ ràng làm tăng khả năng mọi người hiểu và thực hiện bất cứ điều gì bạn yêu cầu. Cụ thể, rõ ràng là cách tránh gây hiểu lầm. Bất cứ khi nào giao nhiệm vụ hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ ai đó, bạn hãy tập trung vào việc đưa ra hướng dẫn đơn giản, cụ thể và có thể thực hiện. Bạn đừng kết thúc cuộc trò chuyện cho đến khi chắc chắn rằng người kia hiểu mục đích của bạn và cách đạt được chúng. Việc đưa ra hướng dẫn thân thiện, cởi mở giúp đối phương biết họ có thể tiếp xúc với bạn và hỏi thêm khi cần.

Chú ý đến giao tiếp phi ngôn ngữ: Nhiều nghiên cứu cho thấy giao tiếp phi ngôn ngữ cũng quan trọng như những gì một người nói, thậm chí có thể hơn. Nét mặt, cử chỉ tay, tư thế, giao tiếp bằng mắt đều đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định hoặc phá hoại thông điệp của bạn. Bất cứ khi nào nói chuyện với ai đó, bạn hãy tập nhận thức về ngôn ngữ cơ thể của chính bạn và đối phương. Đặc biệt, bạn nên chú ý xem ngôn ngữ cơ thể của bạn có phù hợp với những gì bạn đang nói hay không. Điều này giúp bạn trở thành người giao tiếp đáng tin cậy, có vẻ tự tin hơn.

Nghe nhiều hơn nói: Một trong những cách tốt nhất để khuyến khích giao tiếp cởi mở và trung thực trong nhóm là lắng nghe tích cực. Khi ai đó đang nói chuyện với bạn, bạn nên thực sự lắng nghe. Bạn cũng cần đặt các câu hỏi theo đó để chứng minh mình đang chú ý và đảm bảo không có thông tin sai lệch. Bạn cần luôn giữ tâm trí cởi mở, tập trung vào việc trả lời cẩn thận những gì họ nói thay vì đối phó hời hợt. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ, sự hiểu biết giữa các bên.

Tích cực và tôn trọng: Ưu tiên giao tiếp minh bạch, công bằng và tôn trọng trong nhóm là một trong những chiến lược tốt nhất để nuôi dưỡng lòng trung thành, thúc đẩy hiệu suất của nhóm. Người lãnh đạo không nên thể hiện rõ địa vị của mình hơn người khác hoặc sử dụng sự ép buộc hay sợ hãi làm động lực. Thay vào đó, bạn nên có thái độ trung thực, tích cực, bớt cái tôi trong mọi tình huống phát sinh. Bạn cần hoạt động như hoạt náo viên thay vì người chuyên trách giúp duy trì tinh thần, thậm chí có thể kích thích sự sáng tạo của mọi người và giải quyết vấn đề hiệu quả.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,