Những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ

“An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác”.

Những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi thư tới Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập và lên án thực dân Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh “trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới”.

Văn kiện này đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được sự phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”.

Đây là văn kiện mang tính nhà nước thể hiện rõ quan điểm đối ngoại của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ.

Ngày từ tháng 5/1945 sau khi tiếp xúc với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ tại Côn Minh, Hồ Chí Minh đã nhờ người đứng đầu tổ chức này là A. Patti chuyển văn bản tới Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam sau khi tiêu diệt được chủ nghĩa phát xít.

Giữa tháng đó, Bác còn đề nghị chuyển một tài liệu về nạn đói ở Bắc Kỳ tới Sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh.

Ngay sau khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945) với tư cách người đứng đầu Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, Bác đề nghị “nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng: chúng tôi đã đứng về phía Liên Hiệp Quốc chống lại bọn Nhật” và “yêu cầu Liên Hiệp Quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập…”.

Ngày 29/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ chia buồn về việc Đại tá Piter Dewey chỉ huy OSS tại Sài Gòn bị tử nạn.

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Tổng thống Mỹ đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng Tư vấn về Viễn Đông.

Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đề nghị Liên Hiệp Quốc quan tâm đến việc Pháp gây hấn và cử phái đoàn điều tra đến Đông Dương.

Ngày 1/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Quốc vụ khanh Mỹ thay mặt Hội Văn hoá Việt Nam gửi 50 thanh niên sang học tập các lĩnh vực kỹ thuật và thành lập mối quan hệ văn hoá hữu nghị với thanh niên Mỹ….

Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Thống chế Tưởng Giới Thạch trình bày tình hình quân Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch nước Việt Nam gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Tổng giám đốc Cơ quan Cứu tế Mỹ (UNRRA) kêu gọi giúp Việt Nam chống nạn đói.

Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới các ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc tha thiết yêu cầu đưa vấn đề Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc và “yêu cầu nhận Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc”.

Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho Tổng thống Mỹ và chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Marshall yêu cầu có giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

Và tiếp sau lá thư ngày 17/2/1946, ngày 18/2, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Bác lại viết thư gửi các Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh đề nghị “hãy làm tất cả để ngăn chặn cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam” và tuyên bố : “đặt vấn đề Đông Dương trước Liên Hiệp Quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nền độc lập ấy thực tế không còn xa nữa và có thể giúp đỡ chúng tôi hợp tác với các dân tộc khác trong việc xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình lâu dài – những nguyện vọng chính đáng cần phải được bảo vệ”.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,