Nhìn lại buổi đầu sự nghiệp Nam Tiến của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, công cuộc mở đất về phương Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Qua đó, lãnh thổ được mở rộng, đất nước có điều kiện phát triển kinh tế, đồng thời văn hoá dân tộc có cơ hội giao thoa với văn hoá các tộc người ở vùng đất mới, tạo nên sự phong phú và đa dạng trong thống nhất của văn hoá dân tộc Việt Nam ngày nay.

Nhìn lại buổi đầu sự nghiệp Nam Tiến của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Chùa Thiên Mụ ở Huế do chúa Nguyễn Hoàng khởi lập năm 1601.

Để có được những chuyển biến tích cực đó, không thể không kể đến công lao của người khởi nghiệp – chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613). Chúng ta cùng nhìn lại buổi đầu dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng.

1. Sơ lược về chúa Nguyễn Hoàng

Nguyễn Hoàng là con thứ hai của Nguyễn Kim, thân mẫu họ Nguyễn (con gái của quan Đặc Tiến Phụ quốc thượng tướng quân, thự vệ sự triều Lê), ông sinh ngày 28 tháng 8 năm 1525, tại Gia Miêu ngoại trang, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hoá.

Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê Cung Hoàng, Nguyễn Kim đưa con em sang Ai Lao (Lan Xang, nay là Lào), lập Lê Duy Ninh làm vua (tức Lê Trang Tông), giúp nhà Lê trung hưng. Khi đó, Nguyễn Hoàng mới 2 tuổi, được cậu ruột là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đem về nuôi dạy.

Năm 1540, Nguyễn Kim đem quân từ Ai Lao về Nghệ An, sau đó chiếm lại Thanh Hoá giúp vua Lê Trang Tông lập Nam triều chống lại Bắc triều nhà Mạc ở Thăng Long.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, Nguyễn Hoàng được tập phong Hạ Khê hầu. Năm 1458, nhờ lập công lớn trong việc đánh Mạc Phúc Hải, ông được vua Lê phong Đoan quận công. Lúc này, quyền hành trong triều Lê chuyển sang Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim). Sau khi có ý đồ thoán đoạt ngôi vua của nhà Lê không thành, Trịnh Kiểm sợ hai người em vợ tranh mất quyền hành nên giết chết con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông (còn tên khác là Mông) và mưu đồ sẽ tiếp tục giết Nguyễn Hoàng. Trước tình thế đó, năm 1558, Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho vào trấn thủ vùng Thuận Hoá.

Năm 1570, quân Mạc tấn công mạnh vùng Thanh, Nghệ, để tăng cường phòng thủ Tây Đô, chúa Trịnh Kiểm triệu hồi Trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về bảo vệ Nghệ An và giao Nguyễn Hoàng kiêm quản Trấn thủ Quảng Nam.

Năm 1572, tướng Mạc là Lập Bạo đem quân theo đường biển vào đánh Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng dùng kế giết được Lập Bạo, vua Lê sắc phong ông chức Thái phó (1573).

Năm 1593, sau khi Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) lấy lại thành Thăng Long, ông đem quân ra Bắc giúp Lê-Trịnh tiểu trừ dư đảng họ Mạc, được phong Trung quân Đô đốc phủ đô đốc, chưởng phủ sự, Thái uý Đoan Quốc công. Sau đó, Trịnh Tùng có ý nghi ngờ nên giữ ông ở lại đất Bắc 7 năm (1593-1600) để kiềm chế và tìm cách thu hồi Thuận-Quảng.

Năm 1600, mượn cớ nhóm Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê nổi loạn chống triều đình, để thoát khỏi sự kiềm chế của Trịnh Tùng, sau khi để con thứ 5 là Hải và cháu là Hắc ở lại làm con tin, đồng thời gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con trai Trịnh Tùng), ông bí mật rút quân vào Thuận Quảng và cho tăng cường đồn luỹ, tổ chức hành chính, mộ dân khai hoang, phát triển ngoại thương, xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, mở mang bờ cõi, mưu sự lâu dài.

Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi. Sau được truy tôn là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế. (1)

2. Xu hướng Nam tiến và vùng đất phương Nam

Về vị trí địa lý, ở thế kỷ XVI-XVII, nước ta Bắc giáp Trung Quốc; Tây giáp Ai Lao (Lan Xang) có dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên; Đông giáp Biển Đông; Nam giáp Champa (Chiêm Thành). Trong các hướng đó, đâu là nơi có thể mở mang bờ cõi?

Với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, “Bắc tiến” là điều không thể. Bởi lẽ, về thế giới quan của các triều đại phong kiến Đại Việt, mỗi vương triều sau khi thành lập đều phải được sự thừa nhận của “Thiên triều” mới là “chính thống”(!). Ý thức hệ phong kiến chi phối nặng nề, hơn nữa việc đương đầu với thế lực có nhiều tham vọng phương Bắc để mở rộng lãnh thổ là điều mà rất ít các vua chúa Việt Nam “dám” nghĩ đến (trừ Lý Thường Kiệt và Quang Trung-Nguyễn Huệ).

Dãy Trường Sơn hùng vĩ như bức bình phong, vừa là biên giới tự nhiên giữa Đại Việt với Ai Lao, vừa là điểm tựa để vươn ra biển. Biên kia biên giới là lãnh thổ của các bộ tộc Lào, cũng là một chư hầu của “Thiên triều” và là nơi tranh chấp của các thế lực phong kiến Xiêm-Miến, Xiêm-Chân Lạp, vì vậy “Tây tiến” cũng không khả thi.

Biển Đông đã là “sân nhà” với ngư trường rộng lớn bao đời cung cấp thuỷ, hải sản cho ngư dân Việt. Qua Biển Đông, chủ quyền Đại Việt được xác lập đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, từ thế kỷ XVII, các hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa theo lệnh chúa Nguyễn hằng năm “Đông tiến” để khai thác sản vật và liên tục xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này.

Phía Nam là vùng Thuận Quảng, biên giới giữa Đại Việt với Champa. “Cho đến thế kỉ XVI, trình độ kinh tế vùng Thuận Quảng còn thấp kém, lạc hậu, đương thời coi là vùng “Ô châu ác địa”, là đất “biên viễn xa xôi”, là nơi đày ải tội nhân và chiến tù. Phú thuế nhà Lê, nhà Mạc thu được ở vùng này chỉ là các loại lâm thổ sản như ngà voi, sừng tê, hương liệu, … Kinh tế Thuận Quảng thấp kém, nhưng đất đai rộng, khả năng khai thác còn nhiều.” (2).

Việc tổ chức chính quyền trên vùng đất tiếp giáp Đại Việt của Champa còn rất lỏng lẻo, quá trình xác lập chủ quyền lại không liên tục, phải thường xuyên thay đổi đường biên do cuộc hôn nhân với nhà Trần trước đó, do các tranh chấp trong nội bộ và do các cuộc chiến tranh xâm lấn Đại Việt của một số vua Champa. Những nguyên nhân kể trên khiến cho việc quản trị vùng đất này của Champa hầu như không chặt chẽ và không thường xuyên. Bối cảnh đó cho phép mở ra khả năng “Nam tiến” của dân tộc.

Một hướng nữa không thể không kể đến, đó là “vùng đất tổ”. Tuy nhiên, cục diện cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều kéo dài hơn bốn mươi năm “… không chỉ gây ra bao cảnh đau thương, chết chóc, đẩy hàng chục vạn trai tráng vào cảnh chém giết lẫn nhau mà còn tàn phá mùa màng, gây nên hàng loạt trận đói 1557, 1559, 1570, 1571, 1572, 1577 v.v…” (3). Do đó, tiếp tục ở lại khai thác vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là không thể.

Như vậy, trong các khả năng để phát triển đất nước với trọng tâm là nền kinh tế nông nghiệp, Nam tiến là xu hướng có tính khả thi và chủ đạo của các lưu dân Việt trong buổi đầu mở cõi.

Xu hướng phát triển đất nước đã xuất hiện, vấn đề còn lại và mang tính quyết định là con người. Vùng “Ô châu ác địa”, “biên viễn xa xôi” phương Nam thời bấy giờ liệu người Việt có khả năng chinh phục? Muốn thế, người Việt phải hội tụ được nhiều yếu tố tích cực về tố chất. Trần Trọng Kim đã nêu những đức tính tốt của người Việt: “Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở [… ] muốn sự hoà bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật […] có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn. […] Từ khi người Việt Nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai trị mấy lần, chịu khổ sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí lực của người mình không đến nỗi kém hèn cho lắm. Tuy rằng mình còn có thể hy vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường thịnh.” (4)

Sự thông minh, khéo chân tay, mến điều đạo đức, muốn sự hoà bình, có lòng can đảm, có tính kỷ luật, những đức tính tốt đẹp đó của dân tộc là minh chứng cho khả năng chinh phục vùng đất mới của các lưu dân Việt. Sự tiếp xúc, cọ xát với cuộc sống và nền văn hoá của các dân tộc vùng đất phương Nam đã giúp người Việt tự đổi mới mình cho thích hợp ở môi trường sống mới. Bản lĩnh của dân tộc cùng với nền văn hoá bản địa vững chắc đã tạo điều kiện cho sức sống dân tộc được nâng cao hơn. “Nam tiến là xu hướng tất yếu trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam xét về các điều kiện kinh tế-tự nhiên thuận lợi so với miền đất tổ, cũng là để bảo tồn và tăng cường sức mạnh tự vệ của cộng đồng trước sức ép thường xuyên của cường địch phương Bắc.

Mặt khác, quá trình Nam tiến cũng chính là quá trình đổi mới và nâng cao sức sống của dân tộc.” (5)

Với các sử liệu nêu trên cho thấy, vùng đất phương Nam mặc dù có những khó khăn nhưng cũng tiềm tàng nhiều thuận lợi. Điều kiện khách quan như đã nêu trên và cục diện chiến tranh Nam-Bắc triều lúc bấy giờ đã tạo điều kiện chủ quan cho Nguyễn Hoàng tính đến chuyện “Nam tiến”, và “…vùng đất phương Nam từ khi khai phá và định hình lãnh thổ mấy thế kỷ nay vẫn là địa bàn sôi động nhất, bắt buộc mọi người đến đây, không kể điểm xuất phát, phải năng động sáng tạo mới có thể vươn lên trong đấu tranh, xây dựng cuộc sống…” (6)

3. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với xu hướng Nam tiến

Cục diện chính trị Đại Việt ở thế kỷ XVI-XVII chịu ảnh hưởng một phần không nhỏ bởi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sinh năm 1491, tự Hanh Phủ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc Hải Phòng), trong một gia đình sĩ phu. Ông thi đỗ Trạng nguyên năm 1535 thời nhà Mạc. Sau được bổ làm Thượng thư Bộ Lại, tước Trình quốc công, nhân dân tôn xưng gọi Trạng Trình. Năm 70 tuổi (1561), ông xin nghỉ hưu, về quê dạy học và đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ … Năm 1585, ông mất thọ 94 tuổi. Đương thời, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều cho người đến tham khảo ý kiến ông về những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Với chúa Trịnh

Từ năm 1545, sau khi Nguyễn Kim mất, binh quyền trong triều đình nhà Lê đều do một tay Trịnh Kiểm nắm giữ. Vua Lê Trang Tông chỉ là hư vị. Năm 1556, vua Lê Trang Tông mất, không có con nối ngôi, Trịnh Kiểm muốn nhân dịp này tiếm ngôi, nhưng sợ các tướng tá, nho sĩ chưa ủng hộ nên cho người hỏi Trạng Trình. “Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả, chỉ ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng: Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ. Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương, để ông ra chơi chùa, rồi bảo tiểu rằng: Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.”(7) Ngụ ý của ông là Trịnh Kiểm không nên cướp ngôi nhà Lê mà nên tìm con cháu vua tiếp tục tôn lập và giữ phận tôi thần. Biết ý ông như vậy, Trịnh Kiểm thôi không lo chuyện cướp ngôi nữa. Nhờ vậy, nội bộ Nam triều không có sự thay ngôi đổi chủ.

Với chúa Nguyễn

Sau khi nắm giữ binh quyền, “nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi. Còn Nguyễn Hoàng cũng sợ Trịnh Kiểm có ý ám hại, chưa biết làm thế nào mới cho người ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ấy bảo rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời.”(8). Nạn phe phái trong triều, sự thâu tóm quyền hành của họ Trịnh và lời tiên tri của Trạng Trình đã giúp cho Nguyễn Hoàng đi đến quyết định dứt khoát: “Nam tiến”!

Dựa vào “lời sấm” để dựng lại lịch sử là điều chưa khoa học, dù cho lời tiên tri đó được nhiều bộ sử đáng tin cậy có ghi chép lại, nhưng chúng ta chưa có đủ chứng cứ phản bác thì hãy tạm tin những ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là hiện thực và là một phần của lịch sử dân tộc, đồng thời có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển của đất nước.

4. Con người chúa Nguyễn Hoàng

Lịch sử từng chứng minh mỗi giai đoạn đều có các yêu cầu đặt ra và để giải quyết các yêu cầu đó lịch sử đã sản sinh ra những nhân vật xuất chúng mà tên tuổi của họ gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc. Nguyễn Hoàng là một trong những người như thế. Ở ông, từ buổi đầu, tầm vóc của một nhà lãnh đạo đã được thể hiện qua nhiều biểu hiện.

Sử liệu cho biết, năm 1558, khi vào trấn thủ Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng đem theo nhiều anh em, bà con quê ở Tống Sơn (Thanh Hoá) cùng một số quan lại cũ của Nguyễn Kim và một số nghĩa dũng người Thanh, Nghệ. Trong buổi đầu đi trấn nhậm vùng biên viễn, nơi được xem là “ác địa”, nhiều thách thức đặt ra. Đồng thời để đối phó lâu dài với họ Trịnh, Nguyễn Hoàng cần phải có chỗ dựa vững chắc nên những người thân thuộc, trung thành là sự lựa chọn đầu tiên của ông trong bước đường “Nam tiến”. Lịch sử đã từng chứng minh điều đó là đúng qua trường hợp Lý Công Uẩn tin dùng Đào Cam Mộc hay Trần Thái Tông tín nhiệm Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải và trung thần Trần Bình Trọng “thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” hay Lê Thái Tổ với Lê Lai “cứu chúa” và Nguyễn Trãi. Qua sự việc đó cho thấy Nguyễn Hoàng là một người khôn ngoan.

Để thoát khỏi âm mưu thủ tiêu của anh rể Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị là Ngọc Bảo xin cho vào trấn thủ Thuận Hoá, nghĩa là ông đã dùng tình cảm gia đình để giải quyết tình thế hiểm nghèo. Lựa chọn này của Nguyễn Hoàng là một độc đáo trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Điều này chứng tỏ, Nguyễn Hoàng là một người khéo léo trong xử lý tình thế.

Năm 1572, nhân Trịnh Kiểm mới mất, nhà Mạc sai tướng Lập Bạo đem quân vào đánh Thanh Hoá, Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân, sai Ngô Thị đưa vàng bạc giả cầu hoà. Lập Bạo tưởng thật, không đề phòng bị quân Nguyễn giết và quân Mạc bị đánh tan.

Năm 1593, sau khi Trịnh Tùng chiếm Thăng Long, Nguyễn Hoàng đưa quân ra Bắc giúp chúa Trịnh dẹp trừ dư đảng họ Mạc, lập được nhiều công to. Làm điều này, Nguyễn Hoàng nhằm tránh sự nghi ngờ của Trịnh Tùng. Tuy nhiên với bản tính đa nghi, Bình An vương đã giữ Nguyễn Hoàng ở lại đất Bắc đến 7 năm (1593-1600).

Năm 1600, để thoát khỏi sự kiềm chế của Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng bí mật cho người nổi loạn chống chúa Trịnh. Sau khi để lại con, cháu làm con tin và gả con cho họ Trịnh, Nguyễn Hoàng bí mật rút quân bản bộ vào Thuận Hoá chuẩn bị mưu sự lâu dài. Điều này đã được sử sách xác nhận: “Bây giờ thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ngầm sai (chúng tôi nhấn mạnh) bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu làm phản. Bình An vương cùng các quan đương bàn việc đánh dẹp. Hoàng muốn cho kế của mình được trôi chảy, giả vờ xin đem quân đi đuổi đánh, rồi đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hoá” (9)

Năm 1613, khi sắp mất, Nguyễn Hoàng đã dặn dò các cận thần: “Ta với các ông cùng nhau kham khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”(10) và di huấn cho con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên: “Đất Thuận, Quảng này bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời.” (11).

Dùng kế mỹ nhân trừ giặc, giúp dẹp dư đảng họ Mạc để tránh sự nghi ngờ, mượn cớ dẹp loạn để thoát khỏi sự kềm toả, dặn dò cận thần và di huấn cho con những vấn đề trọng yếu, quyết định sự tồn vong của chính quyền Đàng Trong trước khi mất,các sự kiện trên, chứng minh rằng Nguyễn Hoàng là một người đầy mưu trí và có tầm nhìn chiến lược.

Một vấn đề nữa góp phần thể hiện đầy đủ chân dung chúa Nguyễn Hoàng đó là hết lòng lo cho dân chúng và biết thu phục hào kiệt. Chúa Nguyễn chiêu mộ dân chúng, khuyến khích khẩn hoang, cho phép lập ruộng tư; cấp lương thực, nông cụ cho tù binh, biến họ thành lực lượng khai hoang. Đồng thời dùng chính sách khoan hoà, chinh phục cư dân Champa, Chân Lạp. Đó là những chính sách mà ông đã tạo ra để đẩy mạnh cuộc khẩn hoang, mở rộng lãnh thổ. Mặt khác, để công cuộc “Nam tiến” và xây dựng lực lượng chính quyền Đàng Trong có hiệu quả, còn phải kể đến việc thu hút các hào kiệt của Nguyễn Hoàng. “Bấy giờ ở miền Nam lại có những người tôi giỏi giúp rập như các ông Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến […] Những người ấy giúp chúa Nguyễn, bày mưu định kế, luyện tập quân lính, xây đồn đắp luỹ để chống với quân Trịnh” (12)

Những việc làm trên đã để lại trong lòng người dân Đàng Trong sự kính trọng và biết ơn đối với Nguyễn Hoàng. Danh hiệu Chúa Tiên mà dân chúng dành cho ông và vì sao một bộ phận dân cư vùng đất Nam Bộ ủng hộ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn là những chứng lý có sức thuyết phục.

Như vây, trong suốt 55 năm cai trị Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, biết thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng, lo phát triển kinh tế, biết nhẫn nhịn chờ thời cơ, lập chí lớn, mở mang bờ cõi, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau. Tất cả những việc làm ấy chỉ có thể có được ở những nhân vật kiệt xuất, những tên tuổi lớn của lịch sử.

Tuy nhiên, một vấn đề có thể gây băn khoăn đó là việc phải chăng Nguyễn Hoàng chọn con đường “Nam tiến”, chấp nhận hy sinh tình cảm cha con, ông cháu tức đã sẵn ý định cát cứ phương Nam, dùng bạo lực chống lại chính quyền Lê-Trịnh, đó là hành động cực đoan, hiếu chiến (?). Xét bối cảnh lịch sử bấy giờ cho thấy, trước viễn cảnh “nồi da xáo thịt”, không thể ở lại vùng đất tổ, chúa Tiên phải chọn vào Thuận Hoá là con đường sống duy nhất, phải sử dụng bạo lực để bảo vệ chính quyền mới và mở mang bờ cõi là điều tất yếu. Kết quả công cuộc “Nam tiến” đạt được mà chúng ta thừa hưởng hiện nay đã chứng minh lựa chọn của Nguyễn Hoàng là đúng đắn, đồng thời cũng là câu trả lời “sử dụng bạo lực” trong trường hợp này là chính đáng và có sức thuyết phục nhất, bởi lẽ “Người ta chỉ lên án bạo lực khi nó chưa cần thiết, nhưng trong trường hợp là con đường duy nhất thì ai cũng phải chấp nhận nó”. (13)

Bên cạnh những đức tính tốt như đã nêu trên, ở Nguyễn Hoàng còn tồn tại hạn chế mà sử liệu cho biết: Năm 1600, sau khi Nguyễn Hoàng rút quân trở lại Thuận Quảng, Trịnh Tùng sai thiêm đô ngự sử là Gia Lộc tử Lê Nghĩa Trạch đem thư thuyết phục cậu mình nên tiếp tục thần phục chính quyền Lê-Trịnh. “Hoàng nghe tin Nghĩa Trạch đến, lập mưu cướp lấy chiếu thư, làm nhục sứ giả. Đêm sai dũng sĩ đến chỗ trọ cướp lấy hết hòm xiểng đem về, xem không thấy có chiếu thư. Lại sai đến chỗ nhà trọ đốt hết cả. Hoàng cho là giấy tờ đều cháy hết ở trong đám lửa rồi, ngày hôm sau thân đem tướng tá, chỉnh đốn voi ngựa nghi vệ ra đón, trông thấy Nghĩa Trạch hai tay bưng thư đi đến, lấy làm kinh ngạc, bảo với tướng tá rằng: “Trời sinh chủ tướng, triều đình có người giỏi”. Từ đấy không có ý ngấp nghé gì nữa”. (14)

Tóm lại, con người luôn luôn tồn tại hai mặt đối lập trong một thể thống nhất, đó là tốt và xấu. Nếu ở Nguyễn Hoàng đã thể hiện những đức tính của một thủ lĩnh chính quyền mới như khôn ngoan, khéo léo trong ứng xử, mưu trí và có tầm nhìn chiến lược, hết lòng lo cho dân và biết thu phục hào kiệt thì chúa Tiên với việc mưu cướp chiếu thư, làm nhục sứ giả cho dù được biện minh với lý do không có chiếu thư thì không phải trở ra Bắc phục mệnh với triều đình là hành xử đáng chê trách. Tuy vậy, nhìn chung ông vẫn được hậu thế đánh giá cao về tư cách đạo đức và sự nghiệp mở mang bờ cõi. Ghi nhận công lao của Nguyễn Hoàng, nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết: “Còn những công việc họ Nguyễn làm ở phía nam quan trọng cho nước Nam hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn hơn, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những đất đai phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi, ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lắm vậy.” (15)

5. Công lao của Chúa Nguyễn Hoàng

Năm 1558, sau khi vào trấn thủ Thuấn Hoá, Nguyễn Hoàng tập trung nổ lực vào hai việc chính: ổn định bộ máy chính quyền và mở mang bờ cõi.

Để ổn định chính quyền, việc đầu tiên phải làm là chọn nơi đóng dinh cơ. Buổi đầu ông cho xây dựng trị sở ở Ái Tử (Quảng Trị). Về sau, do đất đai ngày càng mở rộng, yêu cầu an toàn của dinh cơ trong chiến tranh, năm 1570 trị sở dời về Trà Bát (cũng thuộc Quảng Trị). Năm 1602, sau chuyến kinh lý vào Quảng Nam, nhận ra vị trí yết hầu của miền Thuận Quảng, ông liền dựng dinh và cho con là Nguyễn Phúc Nguyên trấn nhậm. Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời, các chúa Nguyễn nhiều lần dời thủ phủ vào Phước Yến rồi Kim Long (năm 1626). Cuối cùng, là Phú Xuân (Huế nay) năm 1687. Từ đó, Phú Xuân trở thành kinh đô của Đàng Trong cũng như của nước Việt thời vương triều Nguyễn (1802-1945).

Công cuộc mở mang bờ cõi được thể hiện qua các hoạt động tổ chức khai hoang, xây dựng đền chùa, tiếp biến văn hoá, chinh phạt xâm lấn, ngoại giao hôn nhân, trợ giúp khôi phục ngai vàng.

Nạn chiến tranh liên miên giữa các thế lực phong kiến Nam-Bắc triều buộc nhân dân phải phiêu tán, ách áp bức bóc lột của địa chủ quan lại đã làm nông dân khốn cùng, thiên tai liên tiếp trong nửa cuối thế kỷ XVI … là những “nhân hoạ” và “thiên tai” cho nhân dân. Để mưu sinh, nhân dân vùng Thanh Nghệ phải chạy vào Thuận Quảng, lúc bấy giờ còn là đất Champa. Vì vậy, có ý kiến so sánh cuộc “Nam tiến” của Nguyễn Hoàng với công cuộc khai thác miền viễn Tây của người Mỹ như sau: “Nếu cuộc Tây Tiến của dân tộc Hoa Kỳ vào thế kỷ XVII đã thành công ngay từ đầu nhờ kỹ thuật tiến bộ, nhờ lòng can đảm và nhất là nhờ địa thế thuận tiện (vùng đất họ đến hoang vu chưa có người khai thác), thì cuộc Nam tiến của các triều chúa Nguyễn vào thế kỷ XVII đã gặp nhiều khó khăn vì những vùng phải di dân tới đều đã nằm dưới quyền kiểm soát của Chiêm Thành và Chân Lạp.”(16)

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, bằng tài năng và đức độ của mình, Nguyễn Hoàng đã biết khắc phục những khó khăn và phát huy những thuận lợi trong công cuộc khai hoang.

? vùng Thuận Quảng, động thái tích cực của Nguyễn Hoàng trong chính sách khai hoang như trên đã trình bày, nhờ vậy, “nhanh chóng khai thác đất đai và nhanh chóng xây dựng Thuận Quảng thành những tỉnh phồn vinh và giàu có.”(17). Từ đó, Thuận Quảng trở thành hậu phương vững chắc cho chính quyền Đàng Trong. Ở vùng đất phía Nam, chính sách cai trị mềm mỏng của Nguyễn Hoàng đã chinh phục được người dân Champa, Chân Lạp theo về với chính quyền mới.

Cùng với đó là việc tổ chức khai mỏ, giao dịch thương mại với nước ngoài buổi đầu tuy còn đơn giản nhưng hiệu quả, quân đội được phiên chế thành nhiều binh chủng có kỷ luật, trật tự trị an được đảm bảo góp phần tạo hiệu quả của cuộc khẩn hoang.

Trong Phủ Biên tạp lục, nhận xét về chính sách trị nhậm của Nguyễn Hoàng ở xứ Thuận Quảng, Lê Quý Đôn, đã viết: “Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế má giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ…” (18)

Thuận Quảng vốn là đất cũ của người Chǎm chịu ảnh hưởng Hindu giáo, chúa Tiên đã dùng Phật giáo để thuần hoá nhân dân. Ông sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa mà Thiên Mụ tự là một tiêu biểu. Tương truyền, nǎm 1601 trên gò đất cao hình rồng thuộc xã An Ninh ngày nay, có người nhìn thấy một bà già mặc quần áo xanh đỏ ngồi trên gò nói: “Phải có người tới dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiên để giữ vững long mạch”. Ông cho xây dựng ngôi chùa và đặt tên Thiên Mụ (19). Đây là công việc to lớn có giá trị nhất đối với lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Ngôi chùa lịch sử này đã có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hoá và triều Nguyễn ở Việt Nam.

“Sau khi Nguyễn Hoàng vào Nam và thiết lập nên nền thống trị nên nền chính trị tập quyền thì họ mang nguyên nền văn hoá của mình đến với người địa phương, bắt buộc người bản xứ mang họ Việt, chuyển thành người Việt bằng cách nói tiếng Việt và quên dần gốc gác” (20) Từ đây, một bộ phận người Việt nói tiếng Việt theo giọng Chăm hình thành. Đó là những người Việt vùng Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay. Đây là biểu hiện của sự tiếp biến văn hoá và cũng là hệ quả của công cuộc Nam tiến của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Sự nghiệp mở cõi về phương Nam còn được thể hiện thông qua công cuộc chinh phạt xâm lấn. Năm 1611, vì Champa quấy rối vùng biên giới, Trấn thủ Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong [không rõ họ] vượt đèo Cù Mông đánh Champa, chiếm đất lập phủ Phú Yên chia làm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Năm 1653, vua Champa là Bà Thấm đem quân cướp phá Phú Yên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đem quân chinh phạt, lấy đất từ núi Thạch Bi đến sông Phan Rang lập phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh, đặt dinh Thái Khang (tức Khánh Hoà nay).

Năm 1693, vua Champa Bà Tranh bỏ lệ triều cống, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đi đánh, bắt được vua Champa, giải về Phú Xuân và sáp nhập phần đất còn lại của Champa vào Đàng Trong, đặt làm phủ Thuận Thành. Đến năm 1697, Quốc Chúa sáp nhập Phan Lý (Phan Rý nay) và Phan Lang (Phan Rang nay) làm Bình Thuận. Đến đây, nước Champa mất hẳn, lãnh thổ Đàng Trong mở rộng đến Bình Thuận.

Quá trình “Nam tiến” còn được các chúa Nguyễn tiến hành qua ngoại giao hôn nhân, giữa công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chay Chetta II năm 1620 và công chúa Ngọc Khoa với vua Champa Pôrômê năm 1631 qua trợ giúp khôi phục ngai vàng cho các vua Chân Lạp: Hoàng thân Sô và Ang Tan năm 1658, Hoàng thân Ang Ton và Ang Non [Nặc Ông Nộn] năm 1673. (21) Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã nối tiếp nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê mở rộng đất nước một cách hợp pháp về phương Nam.

Tóm lại, 457 năm trước chúa Nguyễn Hoàng tổ chức cuộc “Nam tiến”. Bằng đức độ và tài năng, ông đã dựng nghiệp, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế cho đất nước, tạo nên sự phong phú và đa dạng về văn hoá cho dân tộc. Mặc dù cũng có ý kiến trái chiều về một số vấn đề xung quanh cuộc “Nam tiến” (22) nhưng các giá trị mà chúa Tiên và các chúa Nguyễn đã mang lại cho dân tộc là những công lao to lớn của tiền nhân, bổn phận của chúng ta hiện nay là phải nhận thức rõ các giá trị đó, biết trân trọng, bảo tồn cho hôm nay và cả mai sau.

>> Xem chú thích

Theo CHIM VIỆT CÀNH NAM

Tags: , , , ,