Nhất Linh: Những trang văn trường tồn trước sự phán xét của lịch sử

Có thể một Nguyễn Tường Tam – nhà chính trị đã thất bại nhưng một Nhất Linh – nhà văn thì sống mãi trên văn đàn Việt Nam.

Nhất Linh: Những trang văn trường tồn trước mọi sự phán xét của lịch sử

Nhất Linh là con thứ 3 trong một gia đình có 7 người con là Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách.

Nhất Linh thành lập Tự lực văn đoàn gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệtĐôi bạnBướm trắng, Lạnh lùngXóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy.

Trong 7 tác phẩm của Nhất Linh, đến nay, đã có 5 tác phẩm được ra mắt công chúng trong nước, còn 2 tác phẩm là Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy – những sáng tác sau năm 1945, thì mới chỉ được biết đến ở hải ngoại.

Nhất Linh và Tự Lực văn đoàn

Tự Lực Văn Đoàn thành lập vào trung tuần tháng 7/1933, gồm toàn bộ nhân viên toà soạn báo Phong Hoá:  Nhất Linh, Khái Hưng, Tứ Ly (Hoàng Đạo), Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ.

Mặc dù là người quyết đoán, ông không bao giờ lạm dụng uy thế một ông bầu và một ông chủ báo, hay cố giữ một “khoảng cách” với người cộng sự, như hầu hết các ông chủ báo cốt dùng tờ báo để khoe danh và thăng quan tiến chức. Ông hòa hợp mật thiết với anh em, nhận số lương ngang như anh em, gánh vác tất cả mọi việc không khác gì anh em.

Nhất Linh đã biết đoàn kết cả nhóm lại trong một ý hướng chung do mình xướng xuất, biết truyền niềm say mê mãnh liệt của mình cho người khác, nhất là có con mắt tinh đời, biết khơi gợi đúng thiên hướng của từng người để mỗi tác giả trong văn đoàn trở thành một cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại.

Như Khái Hưng, được ông khuyến khích chuyển từ lối viết luận thuyết trên các báo Văn học tạp chíDuy tân (dưới bút danh Bán Than) sang viết tiểu thuyết. Tú Mỡ được ông gợi ý chuyên làm thơ trào phúng. Trọng Lang được ông cổ vũ đi hẳn vào phóng sự còn Thế Lữ dưới con mắt Nguyễn Tường Tam phải là người mở đầu cho “thơ mới”…

Có ai ngờ được rằng bấy nhiêu lời chỉ bảo tưởng chừng bâng quơ như thế cuối cùng đều có một đáp án chính xác: chỉ sau chưa đầy 3 năm kể từ ngày thành lập, Tự lực văn đoàn nghiễm nhiên là một hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của văn học được công chúng xa gần thừa nhận. Và mỗi thành viên của nó cũng nghiễm nhiên đóng vai trò ông tổ của cái hình thức sáng tác mà Nhất Linh đã phó cho mình cầm chịch.

Không ai còn có thể tranh ngôi vị cây bút tiểu thuyết tài danh của Khái Hưng. Nói đến giọng thơ trào phúng kế sau Tú Xương ai cũng phải nhường Tú Mỡ. Còn Thế Lữ thì được cả làng “thơ mới” thừa nhận là chủ soái thi đàn. Cũng không thể quên Thạch Lam với những kiệt tác truyện ngắn trữ tình mà về sau ít người sánh kịp. Và Xuân Diệu, người tiếp bước Thế Lữ đem lại sự toàn thắng cho “thơ mới”, phổ vào thơ cái ma lực của những cảm xúc đắm say quyến rũ.

Nhất Linh – Nghệ sĩ đa tài

Nhất Linh trước hết là một nhà văn. Ông còn là nhà văn luôn luôn tìm tòi không ngừng, không mỏi.

Thời Tự lực văn đoàn, vừa cho ra mắt một loạt tiểu thuyết luận đề làm cả một thế hệ thanh niên mê thích, ông lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết không cốt truyện, lấy việc phân tích các biến thái tâm lý nhân vật làm chủ điểm (Đôi bạn), rồi lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết khơi sâu vào những miền khuất tối, không dễ nhận biết của cái “tôi”, cái thế giới bí mật nhất trong mỗi con người, kể cả sự mò mẫm vô thức trên quá trình cái “tôi” phân thân, tự hủy, ít nhiều mang dáng dấp hiện sinh (Bướm trắng)…

Trong rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nhất Linh, Đôi bạn đem lại cho độc giả nhiều ấn tượng.

Câu chuyện, xúc cảm, nhân vật, khung cảnh, tất cả đều bao trùm một màu sắc đẹp đẽ vô cùng thanh thản, dễ chịu và nó sẽ khiến một tấm lòng dịu dàng lại. Dĩ nhiên, cái buồn bã bao trùm ở cuốn tiểu thuyết này cũng là một đẹp đẽ ướt đẫm được biện giải bằng một thứ văn phong óng ánh, tươi tốt như nắng ban mai, vừa có nét đưa đẩy gợi cảm, lại điềm đạm như lời thầm thì tự sự.

Chất nội tâm chảy trôi, êm đềm lại khắc khoải của các nhân vật, đặc biệt là Dũng, được Nhất Linh tỏ bày bằng thứ văn chương khoan thai nhàn nhã. Đôi bạn chú trọng vào những “dòng ý thức” của nhân vật, diễn tả tâm lý sâu xa, chứ không còn lưu tâm nhiều đến kịch tính cốt truyện như trong những tác phẩm trước đây của Nhất Linh là Đoạn tuyệt hay Đời mưa gió

Không chỉ là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, Nhất Linh còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng.

Ít ai biết được trước khi đến với văn chương, Nhất Linh từng là sinh viên khóa đầu tiên của trường Mỹ Thuật Hà Nội. Bạn cùng lớp với ông có Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ,Mai Trung Thu, Lê Ang Phan… những người mà sau nầy được xem là lớp họa sĩ tiền phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại.

Mặc dù sau năm 1929 Nhất Linh không sống về nghề vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng lòng mê say hội họa của ông vẫn theo ông cho đến cuối đời. Ông dùng tài vẽ của mình, theo từng giai đoạn, hoặc để làm báo, hoặc vẽ theo cảm hứng.

Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Có một số bức họa rất nổi tiếng của ông như Cảnh phố chợ Đông Phương, hay Cúc xưa

Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam mất ngày 7/7/1963 vì tự vẫn bằng một loại thuốc ngủ rất nặng. Cái chết của ông nhằm phản đối quyết định mà chính quyền đương thời bắt ông ra trình tòa vì tội tham gia đảo chính. Ngày ông phải đứng trước tòa là ngày 8/7/1963.

Sinh thời, nhiều người vẫn nói, kỹ thuật viết văn của Nhất Linh bị chi phối và chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối viết của Lev Tolstoi, nhưng với Nhất Linh cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại là cuốn Đồi gió hú của Emily Brontë. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất ông dịch trong đời. Ngay cả lúc quyên sinh, ông cũng nằm cạnh cuốn sách này.

Đúng như di chúc Nhất Linh để lại, đời ông lịch sử sẽ phán xét. Thế nhưng ông đã tự nhận ra rằng: trong cuộc đời của mình, Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi làm chính trị, chỉ còn một nhà văn Nhất Linh sống mãi trên văn đàn Việt Nam.

Theo PHONG LINH / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,