Nhà văn Nikolai Ostrovsky: Cuộc đời là cuốn sách viết bằng máu

“Thép đã tôi thế đấy” – tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới – là tấm gương phản chiếu cuộc đời nhà văn Nikolai Ostrovsky. 

Một cuộc đời kiên cường

Nikolai Alekseyevich Ostrovsky (1904 – 1936) được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Ukraina. Thuở nhỏ, Ostrovsky là cậu bé ham hiểu biết. Chứng kiến cảnh những người nông dân phải lao động tới kiệt sức trên cánh đồng của địa chủ, Ostrovsky sớm hiểu thế nào là sự bất công trong cuộc đời.

Dù gia đình rất khó khăn nhưng Ostrovsky vẫn được đến trường. Sau khi bị đuổi học vì dám cãi lại “lời Chúa phán truyền”, cậu xin vào làm việc cho một quán ăn ở ga. Công việc nặng nhọc kéo dài 8 đến 10 tiếng mỗi ngày. Chỉ có sách vở làm cậu lãng quên những chuyện xung quanh. Ostrovsky sẵn sàng cho người bán báo suất ăn trưa của mình để anh ta cho phép đọc báo và tạp chí trong những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi…

Sau Cách mạng Tháng Mười, Ostrovsky được đi học lại. Tháng 8/1919, anh tự nguyện gia nhập Hồng quân, tham gia chiến đấu trong đội kỵ binh Kotovsky.

Khi bọn Bạch vệ Ba Lan tấn công Shepetovka, Ostrovsky ra trận. Bị thương nặng trong một trận chiến đấu, anh được chuyển đến quân y viện và phải giải ngũ vào tháng 10/1920. Vừa lành vết thương, Ostrovsky trở lại Kiev, làm thợ chữa điện. Anh được bầu làm Bí thư chi đoàn của nhà máy. Buổi tối, anh theo học tại trường Trung cấp Kỹ thuật điện. Mùa thu năm 1921, anh tham gia xây dựng tuyến đường sắt ở ngoại ô thành phố. Lao động cực nhọc, ngày đêm chịu đói rét, gian khổ để gấp rút hoàn thành con đường sắt trước mùa đông nên Ostrovsky bị cảm nặng và được chẩn đoán bị viêm đa khớp.

Tháng 8/924, Ostrovsky trở thành đảng viên Đảng Bolshevik. Ba năm sau, anh theo học hàm thụ trường Đại học I-a.M.Sverdlov.

Những năm tháng gian nan vất vả đã hủy hoại sức khỏe của anh. Đến năm 1928, Ostrovsky không thể đi lại và hầu như nằm liệt giường. Mắt anh cũng bắt đầu sưng và không thể nhìn được nữa.

Người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực nhưng không chịu nằm đợi chết, không chịu xa rời đội ngũ. Anh đã đấu tranh với đau đớn, với bệnh tật bằng nghị lực phi thường và ý chí bất khuất. Chính tinh thần lạc quan và sức mạnh ý chí đã giúp anh vượt qua những đau đớn về thể xác để sống và sáng tác. Tháng 4/930, anh bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” trên giường bệnh, khi bệnh viêm đa khớp, mù lòa và bại liệt đang hành hạ anh từng giờ, từng phút. Năm 1932, anh viết: “Thể xác suy nhược gần hết chỉ còn có nghị lực không bao giờ tắt của tuổi trẻ và niềm mong ước thiết tha được làm gì đó có ích cho Đảng mình, cho giai cấp mình”.

Có thể xem “Thép đã tôi thế đấy” là chiến công phi thường của Nikolai Ostrovsky. Cuốn sách sau này trở thành tác phẩm “gối đầu giường” của nhiều thế hệ thanh niên. Tháng 6/1934, Nikolai Ostrovsky được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô và đến tháng 10/1935, anh được tặng thưởng Huân chương Lenin.

Ostrovsky qua đời khi tập 1 của cuốn sách thứ hai “Ra đời trong bão táp” đang được sắp chữ ở xưởng in. Biết tin anh mất, công nhân xưởng in đã làm việc liền ca không nghỉ. Họ quyết tâm xuất bản cuốn sách đúng ngày mai táng anh, ngày 26/2/936. Nikolai Ostrovsky được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichie, nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật lịch sử Nga.

Vượt lên mọi đau đớn để ước mơ và sáng tạo

Tháng 4/930, vợ chồng Ostrovsky chuyển đến ngôi nhà số 12 Ngõ Chết ở Moskva. Cuộc sống vô cùng khó khăn. Kinh tế eo hẹp không cho phép bà Raisa ở nhà để chăm sóc chồng. Ostrovsky cũng không muốn xin nhà nước giúp đỡ tiền để ổn định cuộc sống. Bà Raisa kể: “Tôi phải khóa cửa lại để khỏi có ai quấy rầy anh. Bao giờ về nhà tôi cũng thấy khuôn mặt mệt lử của anh mà không sao cầm được nước mắt”.

Ostrovsky viết thư cho bạn: “Tôi mỗi ngày thui thủi một mình 16 tiếng đồng hồ. Và nếu tôi cứ sống trong tình trạng như thế này mãi thì tất sẽ dẫn tới tai họa”… Rồi anh tự nhủ: “Ta có thể viết sách ngay cả khi bị mù và bại liệt”…

Có một điều kỳ lạ là Ostrovsky đã bắt đầu từ nhan đề cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy”. Sau này, nhà văn đã giải thích ý nghĩa của nó với phóng viên tờ News Today (Anh): “Thép được tôi trong lửa đỏ và trong nước rất lạnh trở nên cứng rắn. Thế hệ chúng tôi cũng được tôi luyện như vậy trong đấu tranh và trong những thử thách ghê gớm nên đã học được cách không quỵ ngã trước cuộc sống”.

Ostrovsky không nhìn thấy những gì mình viết, vì thế dòng nọ đè lên dòng kia, chữ sau chồng lên chữ trước, đọc bản thảo rất vất vả… Thương vợ, nhà văn nghĩ ra chiếc khung khoét sẵn dòng.

“Anh hoàn toàn làm việc về đêm, khi trong nhà đã yên tĩnh. Anh đánh số những trang viết xong rồi thả xuống sàn nhà. Đến sáng, dưới sàn căn phòng nhỏ của chúng tôi trải đầy những trang giấy chi chít chữ. Anh làm việc như vậy được một thời gian, nhưng sau tay anh bị đau và không thể viết nổi nữa. Rồi anh phải đọc cho tôi viết, thường vào buổi tối, sau khi tôi đi làm về. Tôi kê chiếc bàn nhỏ lại gần giường để anh không phải đọc to. Anh đọc chậm rãi, từng câu một, ngập ngừng đắn đo một hồi lâu. Cứ được ba, bốn câu anh yêu cầu đọc lại cho anh nghe. “Em gạch đi… Chép lại nào… Câu này không đạt…”. Và cứ như thế rất nhiều lần. Thường thì quá nửa đêm phải đi nghỉ vì mai tôi phải đi làm sớm, thành thử công việc vừa chạy thì đã phải tạm dừng… Tất nhiên làm việc như vậy thần kinh anh căng thẳng đến cực độ” – bà Raisa nhớ lại.

Vào những buổi tối và những đêm mùa đông dài dằng dặc, Ostrovsky gọt giũa và nghiền ngẫm các tình tiết. Mọi chuyện không đơn giản. Ostrovsky không thể tự ghi chép mà phải nhớ toàn bộ trong đầu cho đến khi có người ghi lại cho. Có lần, hai vợ chồng làm việc đến tận 4h sáng. Biết là không tốt nhưng cả một chương sách đã sắp xếp xong. Cần phải ghi lại để giải phóng cho bộ óc của Ostrovsky được nghỉ ngơi. “Vào lúc đó mà từ chối không làm việc chỉ càng khiến anh ghi sâu thêm ấn tượng về sự bất lực của mình” – bà Raisa kể.

Ostrovsky vừa chống chọi với căn bệnh nặng vừa làm việc căng thẳng tới 18, 20 giờ mỗi ngày trong suốt 20 tháng. Tháng 11/931, Ostrovsky hoàn thành phần 1 cuốn “Thép đã tôi thế đấy” và gửi bản thảo đến nhà xuất bản trong tâm trạng hồi hộp.

Nhà xuất bản Thanh niên cận vệ đề nghị đổi tên cuốn tiểu thuyết thành “Pavel Korchagin” vì sợ độc giả nghĩ đó là sách kỹ thuật và không đọc. Nhưng Ostrovsky cương quyết không chịu: “Trong cuốn sách tôi không chỉ kể về một Pavel mà kể về hàng triệu Korchagin khác nữa. Tôi viết về hàng triệu thanh niên nam nữ đã quên mình đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người”.

Tháng 11/932, “Thép đã tôi thế đấy” phần 1 được xuất bản và đến tháng 6/1934 thì ra mắt phần 2. Nội dung của nó không chỉ là cái nhìn về cuộc đời mà đó là sự trải nghiệm, là ngọn lửa yêu cuộc sống, yêu tổ quốc của những thanh niên thế hệ mới. Cuốn sách đã chạm đến trái tim của hàng triệu độc giả khắp thế giới và vinh danh những con người đã cống hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp. Ostrovsky vui sướng: “Cánh cửa cuộc sống đã mở rộng đối với mình. Khát vọng được đóng góp phần tích cực của mình vào cuộc đấu tranh đã được thực hiện… Mình lại trở thành chiến sĩ đứng trong hàng ngũ chiến đấu…”.

“Thép đã tôi thế đấy” được tái bản tới hơn bốn mươi lần trong 2 năm sau đó. Ở các thư viện, mọi người xếp hàng chờ mượn. Cuốn sách thực sự trở thành vũ khí chiến đấu. Câu nói về ý nghĩa cuộc sống của Pavel Korchagin đã trở thành câu châm ngôn của hàng triệu độc giả trên thế giới: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì quá khứ nhỏ nhen, ti tiện của mình. Để khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Tấm gương về nghị lực sống

Nằm bất động trong 9 năm, Ostrovsky gầy và xanh rớt vì bệnh tật. Chỉ có đôi mắt màu nâu dưới đôi lông mày và lông mi đen dài là vẫn ánh lên ngọn lửa kỳ diệu. Dường như Ostrovsky vẫn nhìn thấy tất cả, mặc dù anh đã mù hẳn. Nói chuyện với anh, khách quên hẳn trước mặt mình là một con người bị bệnh hiểm nghèo. Trong anh toát lên khí thế của một chiến sĩ Hồng quân, luôn khát khao vươn tới cuộc sống, tràn đầy tình cảm với tất cả những gì đang xảy ra quanh mình.

Tháng 11/1935, nhà văn Mikhail Conxov đến thăm Ostrovsky. Sau đó, ông viết một bài bút ký nhan đề “Lòng dũng cảm” đăng trên báo Pravda: “Ostrovsky, một con người nhỏ bé, xanh xao, mù lòa, nằm liệt giường, bị quên lãng trong căn nhà nhỏ xa xôi vùng Sochi lại dũng cảm bước vào văn học. Anh đã đẩy lùi những nhà văn xoàng xĩnh. Tiến lên giành lấy chỗ đứng trên tủ sách, trên các giá sách thư viện. Phải chăng anh không phải là một con người tài năng lỗi lạc và dũng cảm vô song? Lẽ nào anh không phải là một anh hùng, một trong những người mà đất nước chúng ta có thể tự hào? Và điều chủ yếu ở đây là cái gì đã nuôi dưỡng cho lòng dũng cảm đó? Cái gì cho đến giờ vẫn thúc đẩy, hỗ trợ cho sức mạnh tinh thần và thể chất của con người đó? Chỉ có lòng yêu Đảng, tình yêu đối với tập thể, với tổ quốc vĩ đại mà ra. Đó là xuất phát từ lòng mong muốn được làm người hữu ích cho tổ quốc… Anh có lương hưu, có bạn bè thân thích – anh có thể nằm nghỉ ngơi chính đáng, không cần làm việc mệt nhọc. Nhưng lòng khao khát đấu tranh mãnh liệt, lòng tin tưởng vào sự nghiệp chung tuyệt đối đến nỗi đã khiến những chiến sĩ bệnh tật hiểm nghèo, những con người mù lòa, bại liệt trỗi dậy và anh dũng vượt lên đầu hàng quân”…

“Thép đã tôi thế đấy” đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam như một món quà dâng tặng cho sự lao động chân chính của con người biết vượt lên số phận. Sau khi Liên Xô sụp đổ, có lúc “Thép đã tôi thế đấy” bị loại bỏ khỏi sách giáo khoa trong các nhà trường ở Nga. Nhờ vào sự đấu tranh tích cực của dư luận xã hội mà tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” dần dần được phục hồi và chiếm lại vị trí xứng đáng trên văn đàn cũng như đời sống tinh thần của người dân Nga hiện nay. Điều đó khẳng định sự bất tử của một tác phẩm văn học chân chính bởi nó không chỉ là tiếng nói của một cá nhân, một lớp người, hơn thế, nó là khát khao và lý tưởng của cả một dân tộc trong thời đại anh hùng.

Theo VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: , , ,