Người Singapore không xả rác và câu chuyện ý thức – pháp luật của người Việt

Chúng ta không thể nói rằng người Việt kém ý thức, vì nếu kém ý thức thì vì sao họ lại không vứt rác ở Singapore?

Người Singapore không xả rác và câu chuyện ý thức – pháp luật của người Việt

Cách đây ít lâu tôi ngồi làm việc trong quán cà phê ở Sài Gòn, quán lúc đó có tôi và một vài người Hàn Quốc. Có hai anh chàng bước vào và gọi nước. Sau đó họ rút thuốc lá ra và bắt đầu hút, mặc dù quán này là quán máy lạnh. Tôi há hốc mồm nhìn họ như vật thể lạ, những người Hàn Quốc xung quanh cũng nhìn họ đầy ngạc nhiên như tôi, thậm chí có người còn cười khẩy. Vài phút sau, tôi bắt đầu chun mũi vì khó chịu khi phải hít mùi khói thuốc trong không gian kín, nhưng điều đáng nói là những người Hàn Quốc vừa cười khẩy hai chàng thanh niên kia giờ đây lại bắt đầu… lôi thuốc lá ra và hút!

Nhiều người chỉ trích người Việt Nam có tâm lý “bầy đàn”, nhưng có thực là vậy không? Một anh bạn của tôi, người Canada đã bày cho tôi sử dụng một phần mềm mà anh tải lậu trên mạng, khi tôi ớ ra vì sao một người từ đất nước tiên tiến như vậy lại xài phần mềm lậu thì anh cười xòa và nói: “Tôi được một người bạn khác bày cho đấy, ở Việt Nam xài lậu nhiều quá nên mua làm gì khi mình chỉ cần xài có một lần”.

Hai ví dụ trên cho thấy, nếu những người xung quanh bắt đầu làm gì đó, thì bạn cũng sẽ nghiễm nhiên xem đó là điều đúng đắn, các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là “bằng chứng xã hội”. Bằng chứng xã hội hiện diện ở nhiều nơi và bạn sẽ dễ thấy nó ở một việc mà ai cũng làm hàng ngày: vứt rác.

Tôi quan tâm đến vấn đề rác thải và luôn tự hỏi liệu có cách nào đó để giảm thiểu việc xả rác bừa bãi tại Việt Nam hay không?

Khi tôi cùng bạn bè mình du lịch ở Singapore, tôi quan sát và thấy rằng các bạn tôi đều rất có ý thức, luôn bỏ rác vào thùng! Nhưng khi ở Việt Nam, tôi cũng im lặng quan sát và thấy rằng một số người sẽ lẳng lặng bỏ rác vào nơi nào thuận tiện nhất có thể! Ngay cả tôi, tôi đang viết bài về việc bảo vệ môi trường nhưng thỉnh thoảng vẫn tiện tay vứt một tờ giấy gói đồ ăn xuống đất để rồi sau đó phải lúi húi đi nhặt để bỏ vào thùng rác.

Chúng ta không thể nói rằng người Việt kém ý thức, vì nếu kém ý thức thì vì sao họ lại không vứt rác ở Singapore? Một số người sẽ lập luận rằng do hệ thống pháp luật của Singapore rất nghiêm minh, sẽ xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi rất nặng, nhưng tại sao theo quan sát của tôi thì nhiều người Singapore khi sang Việt Nam trong những ngày đầu vẫn tuân thủ quy tắc này dù không ai theo dõi hay phạt họ?

Trong một thí nghiệm tâm lý ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đã thử mời các hộ dân thi hành một loạt thói quen sử dụng gas mới nhằm tiết kiệm gas hơn, và nếu ai tiết kiệm được 10% thì sẽ được vinh danh trên một tờ báo. Sau một tháng, nhiều hộ dân đã tiết kiệm được 10% gas, nhưng các nhà nghiên cứu lại gửi thư xin lỗi họ và nói rằng hành động tiết kiệm gas của họ sẽ không được đăng lên mặt báo như đã hứa, sau đó các nhà nghiên cứu tiếp tục quan sát phản ứng của các hộ dân. Kết quả thật bất ngờ: các hộ dân đã tiết kiệm gas nhiều hơn, nâng tỷ lệ tiết kiệm lên 14% ở tháng tiếp theo. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng ban đầu vì có phần thưởng nên mọi người đã chú ý đến việc làm theo các thói quen mới, sau đó khi đã nhận ra lợi ích của thói quen mới, thì dù mất đi phần thưởng họ vẫn sẽ tiếp tục thói quen mới, bởi thói quen mới đem lại cho họ nhiều phần thưởng hơn họ vẫn nghĩ.

Nhưng liệu chúng ta có thể áp dụng máy móc hình thức thưởng này vào thực tiễn tại Việt Nam được không? Ý kiến cá nhân của tôi là không. Trong lịch sử, khi những người Pháp trao thưởng bằng tiền mặt cho phong trào diệt chuột bằng hình thức mỗi đuôi chuột sẽ được quy ra một số tiền tương ứng, họ đã nhận ra rằng rất nhiều người Việt đã nuôi chuột và sau đó chặt đuôi rồi đem đến đổi thưởng, kết quả là chuột không những giảm mà còn tăng về mặt số lượng!

Quan điểm của tôi là để một chính sách mới có hiệu lực thì cần làm mẫu cho người dân thấy trước đồng thời tuyên truyền để họ hiểu được lợi ích của chính sách đó. Để minh họa cho quan điểm này, tôi xin kể về câu chuyện tại bãi rác gần nhà tôi. Ban đầu bãi rác có tới 8 thùng rác rất to, và rác được để vào rất gọn gàng. Một buổi tối, ai đó thả một bịch rác xuống lề đường chứ không bỏ vào thùng, sau đó vài tiếng thì rất nhiều bịch rác được bỏ la liệt quanh đó. Điều đáng nói là, kể từ hôm sau rất nhiều bịch rác được vứt bừa bãi vào khu vực này! Sau vài ngày chịu đựng, dân cư quanh đó bắt đầu phản ánh với ủy ban phường. Ủy ban phường quyết định sẽ cùng với đội thanh niên xung phong dành một ngày dọn dẹp sạch khu vực này. Kết quả, khi khu vực này được dọn sạch (sạch hơn trước kia rất nhiều) thì người dân không còn vứt rác bừa bãi nữa. Làm sao mà người ta có thể làm bẩn một khu đổ rác sạch sẽ như thế, đúng không? Như vậy là ý thức đã tăng lên, nhưng liệu có tăng đều? Tôi nhận thấy là một số ít người vẫn đổ rác bừa bãi, tuy nhiên các hộ dân quanh đó khi phát hiện ra liền cho nó vào thùng rác và cảnh hùa nhau đổ rác bừa bãi không còn diễn ra nữa.

Nhưng sẽ ra sao nếu không có ai đứng ra nhắc nhở hoặc dọn dẹp sạch rác giúp những người đổ rác bừa bãi kia? Lúc này tôi nghĩ cần phải dùng đến luật pháp. Chúng ta đã có luật xử phạt hành vi đổ rác bừa bãi nhưng cách phát hiện như thế nào và xử lý ra làm sao thì nhiều địa phương vẫn còn lúng túng hoặc không tích cực thực hiện. Nếu áp dụng luật một cách cứng nhắc và đột ngột sẽ khiến nhiều người khó chịu và phản ứng mạnh, nên tôi nghĩ bước đầu các cơ quan chức năng và truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật mới sau đó mới bắt đầu áp dụng luật dần dần, và đã áp dụng là phải áp dụng thật nghiêm túc. Chẳng hạn như trước đây khi muốn hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho người dân, các cơ quan chức năng đã ra quy định phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông ngoài khu vực dân cư, rồi tiến tới áp dụng trên mọi tuyến đường. Giờ đây nếu bạn nói ai đó – người có thói quen đội mũ bảo hiểm hàng ngày – thử chạy xe tốc độ 60 km/h trên một tuyến đường vắng và không có cảnh sát giao thông xem, tôi chắc rằng họ sẽ hỏi mượn bạn chiếc mũ bảo hiểm, đơn giản vì họ muốn bảo vệ tính mạng của họ chứ không phải vì sợ bị phạt.

Một vấn đề nữa đó là khi người dân đã có thói quen mới thì có cần duy trì luật nữa không? Tôi nghĩ là cần, bởi vì nếu không duy trì luật thì chỉ cần một người phá vỡ thói quen, những người khác có khả năng cũng sẽ làm theo. Singapore bây giờ rất sạch sẽ nhưng họ vẫn duy trì hình phạt cho hành vi xả rác và khạc nhổ bừa bãi là để ngăn ngừa trường hợp đó, hay như tại Việt Nam vẫn duy trì luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm kể cả trẻ em là để duy trì ý thức đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể cho các độc giả một câu chuyện khác. Lần đó tôi đi du lịch ở Lý Sơn và khi đứng gần cổng Tò Vò, tôi thấy có vài người dân địa phương nhặt nhạnh rác bỏ vào thùng, khi được hỏi lý do thì họ nói rằng làm như vậy khách du lịch mới có hình đẹp và còn quay lại Lý Sơn nữa chứ. Tôi thấy rằng một khi người dân đã có ý thức, hiểu ra lợi ích từ việc làm của mình thì khi đó không cần một bộ luật nào người dân cũng tuân theo. Tuy nhiên, cần phải ban hành luật thật rõ ràng để hạn chế những việc làm của thiểu số có thể gây ảnh hưởng đến ý thức của đa số. Khi ý thức và pháp luật hòa quyện cùng nhau thì xã hội của chúng ta sẽ ngày càng văn minh hơn.

Theo QUÁCH ĐẠO QUANG / VNEXPRESS

Tags: , ,