Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Hồ Chí Minh

Trong sự nghiệp văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn chính luận có vai trò to lớn trong việc nắm bắt hiện thực cuộc sống và thể hiện những nội dung xã hội quan trọng, có liên quan đến vận mệnh dân tộc và số phận của mỗi con người Việt Nam trong từng thời điểm lịch sử cụ thể. Qua văn chính luận, tình cảm nhân đạo và tầm vóc, phong cách nghệ thuật tuyên truyền của nhà cách mạng, nhà văn xuất sắc Hồ Chí Minh hiện lên thật rõ nét.

Bài viết của Th.S Phạm Thị Như Thúy.

1. Trước hết phải nói tới quan niệm của Hồ Chí Minh về tuyên truyền, nhất là tuyên truyền bằng hình thức văn học. Bác là nhà tuyên truyền lớn của Đảng ta, là tấm gương mẫu mực về công tác tuyên truyền. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Người luôn chú ý đến công tác tuyên truyền. Người định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”(1). Phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh là sự tổng hợp những cách thức, là khoa học và nghệ thuật mà Người đã tiếp thu, kế thừa, vận dụng một cách sáng tạo học thuyết Mác – Lênin, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, để giải thích, chứng minh, cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

2. Văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một đặc trưng nổi bật là ngắn gọn, súc tích. Chính sự ngắn gọn, súc tích này hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền. Theo Người, nội dung ngắn gọn có nghĩa là: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi, có nội dung… Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn”(2). Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Hồ Chí Minh về mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Người, không phải nhất thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc nói ngắn, viết ngắn là để chữa cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Trong bài nói tại hội nghị tuyên giáo các tỉnh miền núi, Bác đã nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”(3).

Sự ngắn gọn về mặt dung lượng của văn bản gắn bó một cách hữu cơ với sự dễ hiểu mà Hồ Chí Minh luôn muốn hướng tới. Tính dễ hiểu theo quan điểm của Người là: “…muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem…”(4). Người cho rằng, tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết thì mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, một mục đích. Người tuyên truyền khi nói ra, khi viết ra cốt là “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”(5). Nếu cán bộ tuyên truyền khi nói, viết “người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là không viết đúng, nhằm không đúng mục đích”(6).

Theo Hồ Chí Minh, không có cách nào làm cho nhân dân hiểu nhanh nội dung tuyên truyền bằng cách so sánh giữa hình tượng này với hình tượng khác. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh… Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa thành cách chỉ đạo nhân dân”(7).

Với mục đích cao nhất là diễn đạt nội dung tuyên truyền một cách thực sự dễ hiểu, dễ thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, đa đạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Chẳng hạn, khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng lời nói trực tiếp, Người đã dùng những hình thức như: lên lớp, diễn giảng, giải thích, nói chuyện, kể chuyện, hướng dẫn, mạn đàm, trao đổi, thảo luận… Khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng ngôn ngữ viết, Hồ Chí Minh dùng các hình thức như: viết văn chính luận, viết thư khen, thư thăm hỏi và lời kêu gọi… tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục, tuyên truyền đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.

3. Tinh thần dân chủ là một trong những điểm làm nên sức hấp dẫn, thuyết phục của văn chính luận Hồ Chí Minh. Quan điểm của Bác về thực hiện dân chủ trong nghệ thuật tuyên truyền là: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng… Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”(8). Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, nghe dân, học dân, trao đổi thảo luận với dân nhưng không phải nhân dân nói gì cũng nhắm mắt làm theo, mà phải: “Đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”(9). Tính dân chủ trong nghệ thuật tuyên truyền Hồ Chí Minh được biểu hiện trong toàn bộ hoạt động tuyên truyền của Người. Khi xây dựng chương trình huấn luyện: “Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Khi mỗi người phác xong, tất cả họp lại thông qua đề cương, rồi mới viết. Viết xong lại họp lại, đọc chung và sửa. Cách làm việc của Bác kiên nhẫn, chu đáo”(10). Đây là cách làm việc hết sức dân chủ của Người, không phân biệt cấp bậc, chức vụ cao hay thấp mà hướng vào việc sửa chữa những sai sót cá nhân, nhằm đạt mục đích chung của tập thể.

Nghiên cứu nghệ thuật tuyên truyền Hồ Chí Minh, chúng ta dễ dàng nhận thấy những vấn đề mà Người khêu gợi đã tác động sâu sắc tới tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Những câu hỏi mà Người đặt ra bao giờ cũng phù hợp với sự băn khoăn, thắc mắc mà trong thực tế nhân dân đang tìm lời giải đáp và hướng dẫn nhân dân hành động theo đường lối của Đảng.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú ý đến đặc điểm của đối tượng được tuyên truyền khi lựa chọn một hình thức tổ chức văn bản phù hợp. Người cho rằng: “Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”(11). Theo Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ tuyên truyền cần nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(12) và “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”(13). Vì vậy, cán bộ tuyên truyền không thể sử dụng một nội dung, một phương pháp cho mọi đối tượng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nghệ thuật tuyên truyền của Hồ Chí Minh nói riêng là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, là kim chỉ nam cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác vừa góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vừa là việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

5. Văn chính luận Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh vô tận của nhân dân, sự bùng nổ của ý chí cách mạng, sự sáng suốt đạo đức. Hồ Chí Minh luôn tin yêu và hy vọng ở con người, vượt cả giới hạn của một quốc gia để vươn lên tầm quốc tế vô sản rộng lớn. Tính nhân đạo, nhân văn trong văn chính luận Hồ Chí Minh bao giờ cũng mang giá trị kép: vừa tố cáo kẻ thù vừa bênh vực cho những người cùng khổ; vừa mang tư tưởng tiên phong của thời đại vừa dự báo về quy luật diệt vong của cái Phi lý; vừa nói lên chân lý của điều thiện và sự thất bại của cái ác.

Hồ Chí Minh thực sự là người đặt và khai sáng vấn đề có tính cấp thiết của thời đại là đấu tranh cách mạng không chỉ bằng vũ lực mà còn bằng cả vũ khí tư tưởng, thông qua văn học nghệ thuật. Qua đó, càng chứng tỏ Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, nhà tư tưởng tinh anh và là nhà báo, nhà văn tài năng. Tất cả những phẩm chất ấy được hòa quyện trong tư cách nhà chính trị, nhà lãnh đạo kiệt xuất đã nâng tầm vóc vị thế của Người lên bậc vĩ nhân của thời đại suốt đời vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng quốc tế cao cả. Tính nhân đạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm văn chính luận và các loại hình nghệ thuật khác của Người.

———————————

Chú thích:

(1) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1997, tr.40.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 11, tr.329-332, 350.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 4, tr.329.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 5, tr.276, 277, 381, 567, 406-407.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 8, tr.132, tr.298.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 2, tr.260.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 12, tr.66, 403, 283-284.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 9, tr.492.
(9) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 10, tr. 463, 296.
(10) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.162.
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 5, tr.295-298, 297, 400, 296, 289.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 7, tr.120-121, 119, 117, 119.
(13) Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2007, tr.97.

Theo THANHUYTPHCM.VN

Tags: , ,