Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam: Quá nhiều thứ phản cảm, nông cạn

Đến nay, hình như người ta không còn màng đến “Nghệ thuật đương đại là gì”, khuôn vàng thước ngọc của nó là như thế nào nữa; có lẽ người ta đã quá chán nản, mệt mỏi khi đã nhiều lần bàn đến nó và chẳng đi đến đâu. Thuật ngữ “Nghệ thuật đương đại” (Contemporary Art) được chấp nhận dùng như một sự “bất lực” khi chưa tìm ra một từ nào thỏa đáng, để hàm chỉ những loại hình mới, như nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn, Pop art, Video art, v.v…

Lịch sử mỹ thuật đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, các trường phái, xu hướng nghệ thuật cứ thay phiên nhau xuất hiện, một mặt làm cho diện mạo mỹ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; một mặt lại làm thay đổi, thậm chí làm đảo lộn các giá trị nghệ thuật.

Trong các thời kỳ trước, người ta cố gắng đưa từng tác phẩm về đúng bối cảnh của nó, đặt trong các mối quan hệ nội tại và nền tảng cơ bản là CHÂN-THIỆN-MỸ. Bây giờ thì rối rắm vô cùng, các ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật dần bị xóa nhòa; có những cái mà người nghệ sĩ khi sinh ra không biết đặt tên nó là gì; có khi người nghệ sĩ quay lưng lại với các tiêu chí truyền thống, làm đảo lộn các giá trị nhận thức và thẩm mỹ. Họ đề cao cái tôi quá sức và bộc lộ cá tính quá mạnh làm cho người xem và giới phê bình “chẳng biết đường nào mà lần”…

Tác phẩm “Fountain” (1917) của MarcelDuchamp (1887-1968) là việc đưa cái bồn tiểu vào một phòng triển lãm sang trọng giữa “kinh đô nghệ thuật” như vậy là một hành động gây sốc, (nhiều người cho rằng nó đã làm thức tỉnh). Nó bỡn cợt cái tâm lý bái vật hóa tác phẩm nghệ thuật, linh thiêng hóa một cách giả tạo công việc sáng tạo của người nghệ sĩ, và sự “khệnh khạng”, độc đoán với đủ thứ qui phạm bày đặt của các không gian định chế (bảo tàng, các salon nghệ thuật…) kéo dài cả mấy ngàn năm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, đó chỉ là trò điên rồ của một kẻ ngông cuồng.

Người ta cũng nhắc đến nhiều cặp đôi nghệ sỹ “ngông” Christo và Jeanne-Claude với những dự án phiêu lưu và tốn kém. Họ bọc vải hết nhà Quốc hội Đức, gõi kín cây cầu Pont-Neuf tại Paris, dùng hàng trăm ngàn mét vải bọc mấy hòn đảo cũng như dựng hàng ngàn cái ô ven Thái Bình Dương… đều là những tác phẩm “khủng”. Các sản phẩm sắp đặt của Christo và Jeanne-Claude khi ra mắt đã đem lại sự “choáng váng ”(hơn là “thán phục”) và tiếng trầm trồ của người xem, tuy nhiên để làm khuôn mẫu cho người khác chắc chẳng có ai “dám” làm theo!

Ở Việt Nam, khoảng 15 năm trở lại đây, người ta cũng thấy sự phát triển mạnh của nghệ thuật đương đại với các hình thức sắp đặt, trình diễn, video art…  Cách thức biểu đạt mới lạ; nội dung phản ánh những suy tư về thân phận con người; phản kháng sự xuống cấp của văn hóa, tình yêu đồng giới, đạo đức xã hội… Bên cạnh những thành công nhất định, nhìn chung, các tác phẩm của họ đều cho thấy sự nông cạn về ý tưởng, thiếu thông điệp rõ ràng; các tác phẩm nhiều khi vu vơ, rời rạc, thiếu sự liên kết giữa các thành tố để tạo được hình tượng và ý tưởng; có cảm giác họa sĩ chỉ dừng lại ở trò chơi chất liệu hay sự tìm tòi thẩm mỹ mới lạ. Theo cách nói của họa sĩ Nguyễn Quân:“Ði đâu cũng thấy tre pheo, túi ni-lông, cái ghế, cái bàn, rác thải kim loại, đồ nhựa”.

Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam: Quá nhiều tác phẩm phản cảm, nông cạn

Một thực tế trong hoạt động nghệ thuật đương đại hiện nay là xu hướng lạm dụng loại hình này vì những mục đích phi nghệ thuật. Không ít tác phẩm tù mù khó hiểu hay bế tắc, lệch lạc về ý tưởng; hình thức thể hiện phản cảm, dung tục; thậm chí có khi lộ rõ ý tưởng không “vị nghệ thuật”, cố tình gây sốc vì những động cơ, mục đích cá nhân. Chẳng hạn một tác phẩm sắp đặt với những khối nước đá làm từ nước thải sông Tô Lịch, sau mấy ngày tan chảy, bốc mùi hôi thối để lộ ra nhiều rác rưởi, trong đó có cả sách kiến thức, lý luận. Có tác phẩm video art là hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ quất mãi lên ngực trần một thanh niên để lại những lằn đỏ. Một nữ nghệ sĩ trình diễn đã khiến người xem “choáng” khi từ từ thoát y cho tới lúc khỏa thân hoàn toàn rồi đổ dung dịch lên người, phủ lông vũ dính thân thể, nhét con chim nhỏ vào miệng rồi lại há miệng cho nó bay đi. Một nam nghệ sĩ đương đại khác gây sốc cho người xem bởi sau khi giới thiệu về tác phẩm của mình đã tự tụt quần ngồi vào bồn cầu lấy sách đọc… Nghệ sĩ Ca-nada Brian Ring, người từng tham gia và gắn bó với nghệ thuật đương đại Việt Nam từ rất sớm nhận xét rằng: “Nghệ thuật đương đại của Việt Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức gây sốc cho người xem, những tác phẩm có chất lượng rất hiếm”.

Vẫn biết rằng, thời “đương đại” nào cũng đầy rẫy những nghi hoặc, rối rắm và thách đố; những  ngộ nhận, ảo tưởng, huyễn hoặc…Bởi vậy mà, bất cứ cái gọi là “nghệ thuật đương đại” nào, cũng là một thứ nghệ thuật dấn bước trong quờ quạng, loạng choạng và liều lĩnh…!

Vậy nên có thể nói rằng, trong dòng chảy sôi động của đời sống nghệ thuật hôm nay, sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật đương đại là điều tất yếu, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm diện mạo nghệ thuật. Song làm thế nào để hoạt động này đúng hướng, hiệu quả, thật sự vì nghệ thuật, hướng đến những giá trị nhân văn chân chính lại là cả một thử thách không dễ dàng. Ở đó, vai trò, ý thức của người nghệ sĩ là điều trước tiên và quan trọng nhất. Làm thế nào để không đánh mất mình vì những động cơ, cám dỗ “phi nghệ thuật”; nỗ lực tìm tòi sáng tạo góp sức vào sự phát triển của một nền nghệ thuật hiện đại mà không mất đi bản sắc thẩm mỹ và đạo đức truyền thống. Ðó là trách nhiệm, là con đường và đích đến  trong sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ đương đại Việt Nam.

Theo NGUYỄN VĂN ÂN / HTU.UDE.VN (2015)

Tags: ,