Muhammad Ali: Từ huyền thoại sàn đấu đến anh hùng phản chiến

“Tại sao tôi phải mặc quân phục rồi đi cả vạn dặm để thả bom và nã đạn vào những người da vàng Việt Nam trong khi nhiều người khác đang bị gọi là mọi đen ở Louisville, bị đối xử như những con chó và quyền con người cơ bản của họ đều bị phủ nhận? Không, tôi sẽ không đi xa từng ấy để giết người và hủy hoại một đất nước nghèo khác chỉ vì những người da trắng muốn nô lệ hóa tất cả những người có màu da tối hơn trên thế giới”.

Muhammad Ali: Từ huyền thoại sàn đấu đến anh hùng phản chiến

TAY ĐẤM “VĨ ĐẠI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI”“Bay như bướm, đốt như ong”

Muhammad Ali sinh ngày 17/1/1942 tại thành phố Louisville, bang Arizona. Ông tên thật là Cassius Marcellus Clay, bén duyên với nghiệp boxing từ năm 12 tuổi, sau một lần tới sở cảnh sát để trình báo bị cướp xe đạp. Lúc đó, một cảnh sát đã khuyên Ali tập môn thể thao mạnh mẽ này để tự bảo vệ mình. Ali sau đó tiến bộ nhanh chóng và trở thành một võ sĩ xuất chúng, một nhà thể thao vĩ đại ở tầm cỡ thế giới.

Tên tuổi của ông lần đầu được thế giới chú ý tới là tại kỳ Thế vận hội Olympic 1960, nơi ông giành được huy chương vàng quyền anh hạng nặng. Danh tiếng của Ali trở nên “bùng cháy” hơn nữa kể từ năm 1964, sau khi đánh bại đối thủ Sonny Liston để giành lấy ngôi vô địch hạng nặng chuyên nghiệp. Được mô tả có lối đánh “bay bổng như một con bướm và đốt như một con ong”, võ sĩ Ali đã hạ gục đối thủ Liston suốt 7 hiệp đấu và trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử khi mới 22 tuổi.

Câu nói “Tôi là người giỏi nhất” sau khi Ali đánh thắng Liston đã gắn bó với ông trong suốt sự nghiệp quyền anh của mình. Trong khi môn đấm bốc mang lại cho Ali sự nổi tiếng thì những hoạt động xảy ra bên ngoài vòng sân đấu đã “tạc tượng” ông thành một con người đáng nhớ nhất trên thế giới. Bên cạnh là một đấu sĩ tài năng thì ông còn là một nhà hoạt động tích cực đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chiến tranh và bài xích tôn giáo. Con người ông thể hiện sự thẳng thắn, tự tin và hài hước – hình mẫu lý tưởng của những người Mỹ gốc Phi giữa lúc cao trào của thời đại dân quyền. Từng bị thua thê thảm dưới những cú đấm sắt đá của huyền thoại Ali trong trận so găng kinh điển năm 1974, George Foreman vẫn dành tình cảm tốt đẹp lúc nhắc tới con người tài giỏi này: “Không nghi ngờ gì, ông ấy chính là một trong những con người tuyệt vời nhất sống trong thời đại này. Nếu chỉ xếp ông là một võ sĩ đấm bốc thì thật bất công”.

“Phát ngôn viên” của người da màu

Năm 1964, Muhammad Ali đã nhận được cả sự ủng hộ lẫn lên án của hàng triệu người dân Mỹ và thế giới sau khi chính thức cải đạo và gia nhập “Quốc gia Hồi giáo” – phong trào của những người Hồi giáo Mỹ gốc Phi. Sau đó, võ sĩ da màu này tiếp tục gây “chấn động” hơn nữa với khi trở thành “phát ngôn viên không chính thức” cho người da màu, công khai tình bạn với nhà hoạt động vì quyền của những người thiểu số Malcolm X và đặc biệt là chống đối lại lệnh nhập ngũ sang Việt Nam tham chiến. Trong một lá thư ngỏ, ông đã giận dữ viết: “Tại sao tôi phải mặc quân phục rồi đi cả vạn dặm để thả bom và nã đạn vào những người da vàng Việt Nam trong khi nhiều người khác đang bị gọi là mọi đen ở Louisville, bị đối xử như những con chó và quyền con người cơ bản của họ đều bị phủ nhận? Không, tôi sẽ không đi xa từng ấy để giết người và hủy hoại một đất nước nghèo khác chỉ vì những người da trắng muốn nô lệ hóa tất cả những người có màu da tối hơn trên thế giới”.

Tháng 6/1967, ông bị một tòa án ở Houston tuyên phạt 5 năm tù và 10.000 USD vì từ chối nhập ngũ. Tuy chưa phải ngồi tù nhưng ông bị tịch thu hộ chiếu và đình chỉ giấy phép thi đấu tại 50 bang cho tới khi Tòa án Tối cao Mỹ xóa án vào năm 1971. Trở lại võ đài sau 4 năm bị treo găng, tay đấm cao 191 cm, nặng 113 kg này đã tiếp tục giành ngôi vô địch thế giới hai lần vào năm 1974 và 1978, và bảo vệ được danh hiệu của mình 19 lần. Sau 21 năm làm võ sĩ chuyên nghiệp, Muhammad Ali thi đấu tổng cộng 61 trận và chiến thắng 56 trận trong số đó có 37 lần thắng knock-out. Bị bệnh tật dày vò hơn ba thập kỷ nhưng Ali chưa từng bị gục ngã. Ông vẫn nhiều lần xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là tự tay thắp ngọn đuốc Thế vận hội Atlanta 1996 và ngồi xe lăn tới dự khai mạc Thế vận hội London 2012.

Trong suốt và ngay cả sau thời kỳ hoàng kim sự nghiệp, người võ sĩ này gặp gỡ không ít nhà lãnh đạo thế giới, đã có lúc ông được mệnh danh là người được nhận ra nhiều nhất trên Trái đất, thậm chí người dân tại những ngôi làng hẻo lánh ở các quốc gia xa xôi cũng biết tới ông. Ông được coi là một biểu tượng thể thao và văn hóa tại Mỹ.

Ở cương vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Barack Obama cảm kích Ali như một “người đàn ông đấu tranh vì người da đen” và đặt ông ngang hàng với những thủ lĩnh của cuộc chiến đấu chống nạn phân biệt chủng tộc vĩ đại như Martin Luther King Jr. và Nelson Mandela. Chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng nhận xét: “Trận đấu ở bên ngoài võ đài có thể tước đi danh hiệu và vị thế trước công chúng của ông ấy. Nó có thể mang tới những kẻ thù, khiến ông ấy bị chỉ trích và gần như tống giam ông ấy. Nhưng Ali đã đứng vững. Và chiến thắng của ông giúp chúng ta làm quen được với nước Mỹ mà chúng ta công nhận ngày hôm nay”.

BA TRẬN SO GĂNG KINH ĐIỂN

Không đấu sĩ nào thể hiện được sự quyến rũ và rực rỡ trên võ đài như Ali. Phong cách sàn đấu của ông được miêu tả “bay bổng như bướm, châm đốt như ong” với đôi chân chuyển động thoăn thoắt liên hồi còn nắm đấm mỗi lần vung ra thì vô cùng hiểm hóc.

Điểm mạnh của Ali không phải thể lực phi thường mà là đôi bàn tay nhanh thần tốc, phản xạ tuyệt vời và lối di chuyển gọn lẹ như đang khiêu vũ, khiến đối thủ bị xoay vòng vòng. Ông luôn để tay ở vị trí thấp sau đó bất ngờ vung mạnh mẽ vào phía cánh trái từ một góc độ không thể lường trước. Mánh lới “đỉnh nhất” của Ali là làm cho các đối thủ bị choáng váng bởi những cú đấm móc từ phía sau. Những tay đấm hàng đầu thế giới say đòn, đuổi theo Ali và tự khiến bản thân bị chới với, mất thăng bằng vì tung đòn nào cũng bị Ali né gọn.

Năm 1964, Muhammad Ali đã khiến cả thế giới bất ngờ khi đánh bại đối thủ “đô con” Sonny Liston và đoạt ngôi vô địch hạng nặng khi mới 22 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử quyền anh. Kể từ đó, đai vàng chiến thắng đã liên tiếp được trao về tay Ali. Sau 21 năm làm võ sĩ chuyên nghiệp, ông đã thi đấu tổng cộng 61 trận và dưới đây là 3 trận đấu, cả thắng lẫn bại, đáng nhớ nhất.

“Âm vang trong rừng xanh”

Ngày 29/10/1974, dưới cái nắng oi ả của xứ Kinshasa nay thuộc Cộng hòa Congo, Ali đã gặp đối thủ định mệnh của đời mình – George Foreman. Trong trận đấu được nhớ tới dưới tên gọi “Âm vang trong rừng xanh”, Ali đã 32 tuổi còn Foreman “cỗ máy xay thịt” mới 25 tuổi, đang tràn trề sức mạnh. Foreman là đương kim vô địch hạng nặng và trước khi gặp Ali, chàng thanh niên này đã hạ đo ván cả Ken Norton (người từng đấm vỡ hàm Ali) và Joe Frazier chỉ trong vòng hai hiệp.

Với thành tích 40 trận bất bại và có tới 37 cú đánh knock-out đối phương, Foreman sẽ dồn cho Ali những cú đấm uy lực được xem là khủng khiếp nhất ở bất cứ hạng cân nào. Vì vậy, trận đấu với nhà đương kim vô địch đã diễn ra trong những lo ngại về cả ngôi vị lẫn tính mạng đối với Ali. Khoảng 60.000 khán giả đã tới sàn thi đấu để theo dõi.

Kinh nghiệm lâu năm đã giúp Ali tìm được cách đánh bại Foreman. Trong hiệp đầu tiên, Ali gây bất ngờ cho đối thủ ít tuổi hơn bằng nhiều cú đấm tay phải rất nhanh và chính xác. Foreman nổi cáu và bắt đầu tấn công dồn dập. Ở những hiệp sau, với chiến thuật “dựa dây” giả vờ bị lếp vế, Ali thu mình sát vòng dây bao quanh võ đài rồi gập tay phòng thủ trước những cú đấm tới tấp của Foreman. Chẳng mấy chốc gã trai trẻ tuổi mệt lử còn Ali thì chớp lấy thời cơ, tung đòn nhanh như cắt. Lợi dụng sức đàn hồi của sợi dây quanh võ đài để tạo lực phản công mạnh mẽ, Ali cuối cùng cũng hạ đo ván đối thủ sừng sỏ ở hiệp thứ 8 trong tiếng hò reo của đám đông. Trận đấu dừng lại lúc 3 giờ sáng, Ali giành lại danh hiệu vô địch từng bị tước bỏ vì phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Sau trận đấu định mệnh, Ali và Foreman trở thành bạn tốt của nhau. Tại lễ trao giải Oscar năm 1996, lúc lên sân khấu nhận giải cho bộ phim “When We Were Kings” kể về trận đấu giữa Ali – Foreman năm xưa, Ali đi lại rất khó khăn vì bệnh tật nhưng chính Foreman đã ở bên cạnh, dìu bước ông.

Hai lần đấu với Joe Frazier

Muhammad Ali đã so găng với Joe Frazier cả thảy ba lần và hai trận trong số đó được đánh giá cao về độ kịch tính. Ali vẫn bảo toàn được đai vàng kể từ lần chiến thắng Liston năm 1964 cho tới khi bị tước danh hiệu cùng với lệnh cấm thi đấu trong khoảng 4 năm. Lúc đó, Frazier vượt lên trong bảng xếp hạng và được Hội đồng boxing thế giới công nhận là nhà vô địch.

Lần đầu chạm mặt ngày 8/3/1971, hai võ sĩ người Mỹ này đều có bảng thành tích ngang tài ngang sức. Ali thắng 31 trận, chưa thua trận nào và 25 lần thắng knock-out còn Frazier thắng 26 trận, cũng chưa thua lần nào và 23 lần thắng knock-out. Vì thế mà báo giới đã gọi cuộc đối đầu này diễn ra tại võ đài Madison Square Garden ở New York, Mỹ là “Trận đấu của thế kỷ”. Cây bút nổi tiếng về quyền anh John Condon chia sẻ: “Đây là sự kiện tuyệt vời nhất mà tôi từng làm trong cuộc đời”. Trận tranh tài đã được phát sóng tại 35 quốc gia và xuất hiện trên 760 tờ báo.

Lần đầu tiên trong lịch sử quyền anh, 15 hiệp trôi qua mà trận đấu vẫn bất phân thắng bại. Những hiệp đầu, Ali nắm ưu thế nhưng rồi bị Frazier tung ra cú móc trái sở trường dồn dập kể từ các hiệp giữa cho tới phút cuối. Hiệp 11 và 15, Frazier đánh ngã Ali xuống sàn nhưng ông vẫn bật dậy được. Sau cùng, ban trọng tài quyết định Frazier giành chiến thắng. Mặc dù Ali không thừa nhận kết quả này nhưng đây đã chính thức là lần đầu tiên ông thua cuộc trong sự nghiệp boxing chuyên nghiệp của mình.

Cuộc tái đấu thứ ba diễn ra tại Manila, Philippines vào 10 giờ sáng 1/10/1975, được xem là trận so găng khủng khiếp nhất giữa Ali – Frazier và khiến họ nhớ mãi. Mặt trời thiêu đốt ở phía bên ngoài sân vận động khiến cho không khí bên trong vô cùng ngột ngạt. Frazier ước tính nhiệt độ tại sàn đấu lúc đó khoảng 49oC do bị vô số đèn chiếu sáng cỡ đại rọi thẳng vào. Ali cho biết bản thân đã giảm 2,3 kg sau trận đấu này do cơ thể bị mất nước.

Trận đấu mang tên “The Thrilla in Manila” đã chứng kiến nhiều lần hai võ sĩ hàng đầu thế giới dồn nhau ra sát mép vực nhưng lại bị đối phương lật ngược tình thế. Mở màn, Ali ra đòn sắc bén còn Frazier vào cuộc chậm hơn nên không thể tránh né những cú đấm thép của đối thủ. Ali thắng điểm hai hiệp đầu sau khi ít nhất hai lần khiến Frazier bị lảo đảo, mất thăng bằng. Từ hiệp thứ 5, Frazier làm quen được với nhịp điệu di chuyển của đối thủ, ông đã tung loạt đấm móc danh bất hư truyền rồi chiếm lấy ưu thế. Hai bên cứ quần nhau không rõ thắng bại suốt vài hiệp đấu, trong khi máu đã đổ. Đến lúc chuông báo kết thúc hiệp thứ 9 vang lên, Ali nói với người huấn luyện viên: “Đây chính là thứ gần nhất với cái chết”, còn ở góc đối diện, khuôn mặt Frazier sưng phồng, xây xẩm do hứng chịu hàng trăm cú đấm của Ali.

Mãi tới hiệp thứ 14 (luật boxing cho phép thi đấu tối đa 15 hiệp), trọng tài Eddie Futch nhận thấy hai võ sĩ đều đã bầm dập và suy lực nên ông quyết định dừng cuộc đấu tại đây vì lo ngại Frazier sẽ bị nguy hại đến tính mạng nếu tiếp tục. Frazier không chịu bị xử thua nhưng Futch đã kiên quyết. Ali đã kể lại về trận đấu mà ông không thể nào quên được này trong hồi ký: “Tôi đã không nhận ra anh ta cừ đến thế. Anh ta là một chiến binh thực thụ”.

MUHAMMAD ALI VÀ VIỆT NAM

Nhà vô địch quyền Anh Muhammad Ali không chỉ nổi tiếng trên sàn đấu mà còn nổi tiếng vì một tinh thần phản chiến sắt đá, bất diệt. Muhammad Ali đã liều mất tất cả khi ông phản đối cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ gây ra tại Việt Nam.

Tinh thần phản chiến sắt đá

Tờ Atlantic nhận xét, quyết định đấu tranh vì nền hòa bình đã lấy đi của người thanh niên da màu những thành tích đạt được trong nghề, hàng triệu USD thu nhập, thậm chí suýt khiến ông sa vào cảnh nợ nần, tù tội.

Đầu năm 1966, Ali nhận được giấy gọi nhập ngũ của quân đội Mỹ để sang Việt Nam tham chiến. Không giống đa số những thanh niên khác, võ sĩ hàng đầu thế giới này khẳng định cuộc chiến đó là phi nghĩa nên ông đã kịch liệt chống đối lệnh tòng quân. Ali tuyên bố hành động này trái với đạo đức của một người Hồi giáo da màu: “Lương tâm tôi không cho phép bắn anh em của mình hay những người có màu da tối hơn hoặc những người nghèo đói sa lầy trong vũng bùn cho nước Mỹ lớn mạnh. Và bắn họ để làm gì? Họ chẳng gọi tôi là mọi rợ, không bao giờ hành hình tôi, không thóa mạ cũng chẳng cướp đi quốc tịch của tôi hay cưỡng hiếp và giết mẹ cha tôi… Vậy bắn họ để làm gì? Sao tôi có thể bắn họ, những người khốn khổ? Cứ tống tôi vào tù đi”.

Hành động từ chối cầm súng của ông, mà nhiều người thời đó quy chụp là hồ đồ, đã phải trả một cái giá không hề nhỏ. Tháng 4/1967, tòa án liên bang tại Houston đã triệu nam võ sĩ tới để xét xử tội trốn nhập ngũ. Ba lần tòa gọi tên, Ali không hề đứng dậy. Chỉ sau 20 phút nghị án, Ali bị tuyên mắc trọng tội ngồi tù 5 năm và phải nộp phạt 10.000 USD. Tuy chưa phải ngồi tù do còn đợi phán xét cuối cùng từ Tóa án Tối cao nhưng ngay ngày hôm đó, Ủy ban Vận động viên bang New York đã quyết định tước danh hiệu vô địch thế giới mà Ali giữ suốt ba năm qua đồng thời cấm ông thi đấu. Lần lượt ủy ban ở các bang khác cũng vậy. Ali còn không thể ra nước ngoài do hộ chiếu đã bị tịch thu. Ngoài mất mát trong sự nghiệp, Ali còn hứng chịu không ít sự chê trách từ đa số người Mỹ vì đã trốn tránh lời kêu gọi cầm súng của đất nước. Thậm chí trong mắt họ Ali trở thành “kẻ bị ghét bỏ nhất nước Mỹ”. David Susskind, người dẫn chương trình truyền hình Mỹ, nhận xét về võ sĩ huyền thoại là “kẻ phản bội đất nước”, “ngu ngốc” và “có tội”. Ngay cả vận động viên bóng chày gốc Phi Jackie Robinson – người da màu đầu tiên được thi đấu trong các giải quan trọng – cũng không tán thành quan điểm phản chiến của Ali.

Thanh thản trong trái tim

Trong một lá thư ngỏ phản đối chính phủ Mỹ đem quân tới Việt Nam, Ali đã viết: “Tại sao họ lại yêu cầu tôi mặc bộ quân phục, đi chục ngàn dặm xa nhà và ném bom, đạn xuống những người dân da vàng ở Việt Nam trong khi những người da đen ở Louisville (quê hương ông) đang bị đối xử như những con chó và bị phủ nhận những quyền con người đơn giản?”.

Bất chấp hàng trăm mũi dùi công kích chĩa vào, Ali vẫn vững niềm tin rằng bản thân không hề mất mát thứ gì, mà ngược lại: “Tôi đã đạt được nhiều thứ. Thứ nhất, tôi có sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi có sự thanh thản trong trái tim”. Dù Ali được sống trọn vẹn với lý tưởng chân chính nhưng huấn luyện viên Angelo Dundee của võ sĩ vẫn tiếc thay khi ông đã phải đánh đổi “những năm tháng đẹp nhất cuộc đời”.

Suốt thời gian bị treo găng, tay đấm này đã tới nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ để diễn thuyết về quyền dân chủ, phản chiến hay tự do tín ngưỡng. Tại Trường Đại học Howard, ông đã có bài phát biểu nổi tiếng “Đen là tốt nhất” (Black is Best) trước 4.000 sinh viên và giảng viên. Lòng dũng cảm đấu tranh vì lẽ phải của ông cuối cùng đã không hề đơn độc mà đã được lĩnh hội và truyền cảm hứng cho vô số người dân Mỹ trên toàn thế giới. Phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cũng vì thế mà trỗi dậy mạnh mẽ.

Thời điểm đó, ai đứng về phía Ali đồng nghĩa với việc tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm. Phóng viên thể thao Jerry Izenberg chia sẻ đã nhận được vô số lời dọa giết cũng như thư chửi rủa bởi vì ông sẵn sàng lắng nghe Ali giãi bày về quyết định không nhập ngũ. Người phụ trách chuyên mục của tờ New York Times cũng viết rằng hành động của Ali đã làm thay đổi các tiêu chuẩn của ông về sự cao quý của một vận động viên. Ắt hẳn họ sẽ phải đấu tranh để giải phóng cho dân tộc và giúp đất nước sống theo những giao ước từ ngày được sáng lập… như Muhammad Ali đã thể hiện. Muhammad Ali đã trở thành một biểu tượng đấu tranh sống mãi của thập niên 1960. Năm 1968, như một lời cảm tạ, tạp chí Esquire của Mỹ đã đem chân dung người võ sĩ này với 6 mũi tên găm sâu vào thân thể lên trang bìa. Hình ảnh này đã gợi nhắc lại bức họa Thánh Sebastian tử vì đạo sau khi ông bị bắt trói và bắn tên vào người.

Mãi tới tháng 6/1971, Tòa án Tối cao Mỹ mới quyết định xóa tội và trả giấy phép thi đấu cho Ali. Ngày tái xuất võ đài, ông liên tiếp minh chứng cho cả thế giới thấy mình xứng đáng với danh hiệu “vĩ đại nhất” trong làng quyền Anh. Ông từng tự hào tuyên bố: “Tôi là người Mỹ. Tôi là một phần mà các bạn không công nhận. Nhưng hãy làm quen với tôi – đen, tự tin, vênh váo; tên tôi, không phải của các bạn; tôn giáo tôi, không phải của các bạn; mục tiêu của tôi, của riêng tôi. Hãy làm quen với tôi”.

Phát biểu sau khi biết huyền thoại quyền Anh đã qua đời vì bệnh nặng tối 3/6/2016, cựu Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Eric Holder đã chia sẻ sự kính trọng đối với Ali, đồng thời nhấn mạnh: “Chiến thắng lớn nhất của ông ấy không đến từ sàn đấu mà là tại những phiên tòa nơi ông đã đấu tranh vì lý tưởng”. “Nhà vô địch vĩ đại”, “thần tượng của công chúng”, “biểu tượng của xã hội”, “sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc”, “vận động viên của thế kỷ” hay “cột mốc của hi vọng trong bốn thập kỷ qua”… là những danh hiệu sống mãi cùng Muhammad Ali.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , , ,