‘Mùa xuân vắng lặng’ và cuộc cách mạng trong nhận thức về bảo vệ môi trường

Rachel Carson là nhà động vật học và sinh học biển người Mỹ. Tác phẩm nổi tiếng khuyến khích mọi người trên toàn thế giới quan tâm đến sinh thái của bà, “Silent Spring” (Mùa xuân vắng lặng), được ghi nhận là xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu.

“Người hùng môi trường” Rachel Carson

Rachel Carson sinh năm 1907 tại Springdale, Pennsylvania (Mỹ). Khi còn là một đứa trẻ, Carson dành hàng giờ để hỏi mẹ về các ao hồ, cánh đồng và khu rừng. Nhưng cuộc đời của cô bé yêu thiên nhiên này không hề bình lặng. Khi đang học năm thứ hai ở khoa Văn chương và tiếng Anh của trường Đại học Nữ sinh Pennsylvania (nay là Đại học Chatham), niềm say mê khám phá thế giới tự nhiên trong Carson trỗi dậy và cô quyết định chuyển sang ngành sinh vật học. Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, Carson được nhận vào làm việc ở phòng thí nghiệm sinh vật biển tại Wooks Hole, Massachusetts. Sau đó, cô giành được học bổng tại Đại học Johns Hopkins. Năm 1932, cô nhận bằng thạc sĩ về động vật học.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã làm cho cuộc sống của người phụ nữ đam mê khoa học như Carson gặp nhiều khốn khó, nhất là khi người cha qua đời để lại cho cô trách nhiệm chăm sóc mẹ. Đến năm 1937, chị gái cô lại mất đột ngột ở tuổi 40 khiến cô phải thay chị nuôi nấng 2 cháu gái.

Vừa dạy sinh vật học tại trường Đại học Maryland, Carson vừa làm việc bán thời gian cho Cơ quan Nghiên cứu sinh vật biển Mỹ với tư cách là một người viết bài khoa học. Năm 1936, Carson trở thành người phụ nữ đầu tiên được tuyển dụng làm chuyên gia của cơ quan này.

Tháng 11/1941 cuốn sách đầu tiên của Carson được xuất bản mang tên “Under the Sea Wind” (Dưới ngọn gió biển). Cuốn sách nhận được nhiều lời khen ngợi vì lần đầu tiên có người viết về biển dưới cái nhìn của sinh vật biển. Nhưng Thế chiến thứ hai đã nhấn chìm cuốn sách vào sự lãng quên. Phải chờ đến cuốn thứ hai “The Sea Around Us” (Biển quanh ta) xuất bản tháng 7-1951, Carson mới trở thành người của công chúng. Cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia và nằm trong danh sách bán chạy nhất suốt 86 tuần của The New York Times. Sau thành công này, Carson từ bỏ công việc đang làm ở cơ quan chính phủ để dành trọn thời gian cho viết sách.

Cuốn sách thứ ba được Carson đặt tên là “The Edge of the Sea” (Bờ biển – 1955). Cho dù yêu cầu của nhà xuất bản chỉ là viết một cuốn sách chỉ dẫn về cuộc sống của các sinh vật bên bờ biển nhưng Carson đã làm nhiều hơn thế. Bà dồn hết tâm trí vào “Ecology” (sinh thái học), thuật ngữ “đã trở thành đỉnh điểm trong tâm trí” bà lúc đó. Mục đích của cuốn sách này là “muốn mọi người hiểu về những động vật sống trên vỏ ốc”.

Sau đó, Carson chuyển mối quan tâm từ biển cả lên bầu trời. Bà viết kịch bản cho chương trình truyền hình có tựa đề “Something about sky” (Tản mạn về bầu trời). Chương trình được phát sóng vào tháng 3-1956.

Tác phẩm “Silent Spring” (Mùa xuân vắng lặng – 1962) ra đời sau rất nhiều năm Rachel Carson cần mẫn nghiên cứu. Tác phẩm được xem là một tiếng chuông báo động về những hiểm họa sinh thái do hoạt động của con người gây ra và đã mở đầu cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.

“Mùa xuân vắng lặng”

Khi Rachel Carson quan sát xung quanh, bà nhận ra những điều đau lòng: Rừng bị chặt phá trơ trụi, những nhà máy thải chất độc giết hại vô số các dòng sông, những khu đất hoang bị dọn sạch để xây dựng đường sá và nhà cửa, thuốc trừ sâu DDT được phun trên diện rộng để diệt muỗi và những côn trùng có hại nhưng cũng giết luôn cả các loài côn trùng có ích và các loài động vật… Carson bàng hoàng nhận ra: Mọi người đang phá hủy thế giới.

Bà viết một số bài báo về tác hại của thuốc trừ sâu nhưng bị từ chối đăng với lí do các nhà quảng cáo đã mua chỗ và không đồng ý cho những bài báo có thể gây tranh cãi này xuất hiện.

Carson quyết định viết một cuốn sách. Bà bắt tay vào nghiên cứu về DDT – thuốc trừ sâu phổ biến nhất vào thời đó vì nó giúp người sử dụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và lao động. Vốn là nhà sinh vật biển, Carson đặt câu hỏi: DDT có ảnh hưởng thế nào tới cá? Bà khám phá ra DDT theo mưa, chảy ra sông và giết luôn cả cá. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là DDT có ảnh hưởng như thế nào đối với con người khi họ ăn phải thực phẩm đã nhiễm DDT? Carson biết đã đến lúc “không thể im lặng”. Bà viết: “Tôi không cho rằng thuốc trừ sâu hóa học sẽ không bao giờ được sử dụng. Tôi nghĩ chúng ta đang bỏ thuốc độc và những dược phẩm hóa học có độ khử mạnh vào tay mọi người mà hoàn toàn hoặc hầu như bỏ qua mất tính nguy hại của chúng. Chúng ta đã khiến cho bao nhiêu người phải tiếp xúc với những loại thuốc độc như vậy mà không hề trưng cầu ý kiến của họ, trong khi họ hoàn toàn mù tịt về mặt này. Bên cạnh đó, chúng ta không hề điều tra trước xem những dược phẩm hóa học này có những phản ứng như thế nào đối với nhân loại, thực vật, động vật hoang dã cũng như đất và nước, mà đã sử dụng chúng. Thế hệ con cháu sau này sẽ không khoan dung cho hành vi ấy của chúng ta”.

Cuốn sách tiến triển chậm. Carson suy nghĩ nhiều về tên của cuốn sách. Bà nhận ra ở chương đầu tiên bà đã đặt câu hỏi: “Tại sao chim chóc lại lặng im không cất tiếng hót vào mùa xuân? Cái gì đã làm cho loài chim im lặng?”. Và thế là bà quyết định đặt tên cho cuốn sách là “Silent Spring” (Mùa xuân vắng lặng).

“Silent Spring” đã trình ra một cái nhìn về thiên nhiên bị lũng đoạn bởi những loại thuốc diệt sâu rầy bằng hóa chất tổng hợp, đặc biệt là thuốc DDT. Một khi những thuốc trừ sâu này nhập vào bầu sinh quyển, Carson lập luận, chúng không chỉ giết sâu bọ mà còn đe dọa những quần thể chim, cá và cả con người. Phần lớn những dữ kiện mà Carson nêu ra không phải là mới; cộng đồng khoa học đã biết về những phát giác này nhưng bà là người đầu tiên tổng hợp chúng lại, đồng thời đưa ra những lời cảnh báo sâu sắc.

Đúng như những gì Carson dự đoán, tác phẩm “Silent Spring” đã bị những công xưởng sản xuất chất hóa học nông nghiệp phản đối kịch liệt. Các ông trùm hóa chất gào lên “đây là cuốn sách sẽ đẩy chúng ta đến chân tường”. Các bài báo liên tiếp ra đời “nện” bà tới tấp. Có bài báo còn gọi Rachel Carson là “Nature Nut” (Kẻ gàn dở tự nhiên). Bà còn bị cáo buộc là “một cảm tình viên của cộng sản”, được Liên Xô sử dụng với ý đồ “làm cắt giảm năng suất nông nghiệp của phương Tây”…

Tuy nhiên, bên cạnh sự chỉ trích, lăng mạ, “Silent Spring” nhận được rất nhiều lời ca ngợi. Thư động viên tới tấp gửi đến bà. Người dân khẩn thiết kêu gọi những nhà khoa học như Carson phải làm gì đó để ngăn chặn thảm họa do DDT gây ra.

Tổng thống John Kennedy đã thành lập một Ủy ban điều tra thảm họa môi trường. Bản báo cáo của ủy ban công bố vào tháng 5-1963 đã thừa nhận những điều mà Carson đưa ra là đúng. Bà được mời tới Washington để điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Hoa Kỳ đặc trách về thuốc trừ sâu. Mặc dù đang đau đớn vì bệnh ung thư ngực, bà Carson vẫn mạnh mẽ cảnh báo: “Những hành vi vô ý thức và hủy diệt mà chúng ta đối xử với thiên nhiên, theo thời gian sẽ quay lại mang rủi ro đến cho chúng ta”…

Có thể nói, “Silent Spring” tạo ra một ảnh hưởng sâu rộng tại Mỹ, làm thay đổi chính sách quốc gia về thuốc trừ sâu và đánh dấu sự bắt đầu của các cuộc vận động bảo vệ môi trường. Tác phẩm cũng là tác nhân quan trọng nhất để chính quyền Mỹ lúc bấy giờ (dưới thời Tổng thống Nixon) thành lập Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) vào năm 1970. Năm 1972, Mỹ đã cấm bán thuốc DDT trong nội địa.

Rachel Carson được truy tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ. Cho đến nay, người ta vẫn cảm nhận được tính đạo đức nhân văn và tính bức bách trong tác phẩm này.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày “Silent Spring” ra mắt, độc giả trên khắp hành tinh vẫn tìm đọc những cuốn sách của bà. Rachel Carson đã làm cho thế giới nhận ra rằng, con người có trong tay sức mạnh để chấm dứt việc phá hủy hành tinh và hãy chung tay bảo vệ nó.

Theo HÀ NỘI MỚI 

Tags: , ,