Một số quan điểm phương Tây hiện đại về bản chất của cái tôi

Lược sử nghiên cứu cho thấy đề tài cái tôi/ the self luôn dễ làm nản lòng các nhà nghiên cứu tâm lý học.

Một số quan điểm phương Tây hiện đại về bản chất của cái tôi

Như Satir & Baldwin (1987) đã chỉ ra, cái tôi là một vấn đề rất cá nhân và có thể không bao giờ được biết đến trạng thái toàn vẹn của nó. Do cái tôi thuộc về phương diện văn hoá, chủ yếu hàm ẩn và mang tính giả thuyết, nên rất khó định nghĩa nó (Pfuetze, 1958).

Tuy vậy, một sự phân tích về các cách giải thích khác nhau và xem xét lại nhiều nghiên cứu có liên quan đã cung cấp một loạt con đường dẫn đến việc hiểu biết cái tôi.

Trong số này phải kể đến: sự tự tin/ self-efficacy của Bandura (1986, 1989, 1997); “cái tôi khả thể”/ the “possible self” (Markus & Wurf, 1986, 1987; Nurius, 1986; Stein & Markus, 1994); “cái tôi thầm thì”/ the “whispering self” (Purkey, 2000); và cái tôi tự kể/ self as a narrative (Greenberg, 1995; Polkinghorne, 1991; Singer & Salovey, 1993).

Cơ bản, có thể xem cái tôi như một phức hợp, động thái và hệ thống có trật tự về hệ xác tín học hỏi được mà mỗi cá nhân nắm giữ như sự thật về sự tồn tại bản ngã mình.

Cái tôi này cung cấp tính kiên định của nhân cách và cho phép cá nhân duy trì một điểm tham khảo về các tiền đề cũng như hậu quả của nhận thức và hành vi (David J. Cain, Julius Seemans [eds]. Humanistic Psychotherapies: Handbook of Research and Practice. [2nd edn]. Washington, DC: APA, 2002, pp.474-479).

Trước hết, cần nhắc lại rằng, theo quan điểm truyền thống khởi từ W. James (1890), cái tôi được chia thành cái tôi chủ thể hoặc cái tôi tồn tại (I-self/ existential self) liên quan đến trải nghiệm chủ quan về sự sống còn, và cái tôi khách thể hay cái tôi trải nghiệm (Me-self/ sempirical self) bao gồm các đặc tính khách quan của một người.

Theo đó, khái niệm về cái tôi ám chỉ cách thức con người cảm giác, nhìn nhận hay suy nghĩ về chính bản thân mình; nó tiếp tục phát triển khi đứa trẻ tương tác với người khác. (Natalie Kalman, Claire G. Waughfield. Mental Health Concepts. [2nd edn]. New York: Delmar Publisher Inc, 1987, pp. 42-43).

Khái niệm cái tôi trở thành điều bắt buộc đối với các nhà phân tâm học, vì nó là một khái niệm rất phù hợp với nỗ lực chiếm được cấu trúc hình thức của toàn thể con người.

Mearn (2003) cho khái niệm về cái tôi là thái độ của chúng ta hướng về cái tôi của mình .

Giống như bất kỳ thái độ nào, nó có 3 thành phần, thường quy vào nhận thức- tri thức của chúng ta và các niềm tin của chúng ta về cái tôi; xúc cảm- xúc cảm và sự lượng giá của chúng ta về cái tôi; và hành vi- khuynh hướng ứng xử của chúng ta trong những cách thức khác nhau phản ánh tư duy và xúc cảm của chúng ta về cái tôi. (Dave Mearns. Developing Person- Centred Counselling. [2nd edn]. London: Sage Publications, 2003, p. 89).

Theo Lawrence Josephs (1995), cảm nhận của con người về cái tôi biểu lộ rất rõ bản chất cá nhân hơn bất cứ khía cạnh nào khác của hoạt động nhân cách. Nói về các ước mơ, sự phòng vệ, tưởng tượng, các chức năng của cái tôi, các tiến trình vô thức, các sơ đồ quan hệ,… là đề cập đến các bộ phận cấu thành của nhân cách.

Còn nói về cái tôi là nói đến con người như một cá thể duy nhất. Khái niệm cái tôi, tựa như khái niệm tính cách, cố gắng nắm bắt chức năng của con người như một đơn vị tích hợp. (Lawrence Josephs. Character and Self- Experience: Working with Obsessive-Compulsive, Depressive-Massochistic, Narcissistic, and Other Character Styles. London: Jason Aronson Inc, 1995, p.90).

Người ta cũng nhận thấy rằng, kết quả của tình trạng thiếu vắng sự nối kết và sự thật là do xu hướng nghiêng về việc tự bảo vệ/ self-proctection, khi truyền thông cùng những người khác. Đặt trong điều kiện bất an, giải pháp là có thể dự đoán được: nỗ lực vì mục đích chăm sóc và biện hộ cho cái tôi.

Hành vi tự duy trì/ self-maintenance nổi lên từ một vài cảm nhận về tính không biết chắc với tha nhân, từ sự tri giác hiểm nguy đối với bản thân; nảy sinh các cơ chế phòng vệ.

Theo Karl E. Scheibe, các cơ chế phòng vệ quá nổi tiếng trong lý thuyết phân tâm học bởi vì “cái tôi”/ ego được xem là ở bên dưới một trạng thái ít hoặc nhiều bất biến của sự vây hãm; Marshall Edelson thì cho các cơ chế phòng vệ là “một khía cạnh có mặt khắp mọi nơi trong hành động của con người.” (John Steward [ed.] Bridges Not Walls: A Book about Interpersonal Communication.[7th edn]. USA: McGraw-Hill College Inc, 1999,p.132).

Còn hệ thống cái tôi/ self-system là một tập hợp tiến trình có liên quan với nhau- hiểu biết cái tôi/ self-knowledge/ self-awareness, tự lượng giá/ self-evaluation và tự điều chỉnh/ self-regulation- cấu thành cái tôi. (Ross Vasta, Marshall M. Haith, Scott A. Miller. Child Psychology: The Mordern Science. [2nd edn]. USA: John Wiley & Sons, Inc, 1995, p.486).

Là các thành phần thuộc hệ thống cái tôi, tự hiểu biết/ self-knowledge/ self-awareness/ referential self liên quan đến hiểu biết của cá nhân về bản thân, tự lượng giá thì nói đến sự đánh giá của người ta về bản thân và các năng lực riêng, còn tự điều chỉnh dính dấp đến sự tự kiểm soát/ self-control.

Theo Staub (1979) và M. Hoffman (1971), việc kỷ luật bằng cách giới thiệu (giải thích tại sao hành động nào đó là sai trái, điều ấy vi phạm nguyên tắc ra sao, nó gây ra cảm giác ở người khác như thế nào) hướng đứa trẻ hấp thu các giá trị của bố mẹ và trở thành một trong các tiêu chuẩn riêng của trẻ; tự kiểm soát được hình thành như thế. (Morton Hunt. The Story of Psychology. New York: Anchor Books, 1994, p. 372).

Có nhiều cách định nghĩa tự kiểm soát: (a) đáp ứng của cơ thể tạo nên sự kiểm soát khả năng có thể xảy ra của một đáp ứng khác (Cautela, 1969); (b) mắc bận vào hành vi hiếm có khả năng xảy ra khi vắng mặt những sự thúc ép ngay lập tức từ bên ngoài (Thoresen & Mahoney, 1974); (c) một sự gán nhãn xã hội khác nhau áp dụng cho các mẫu hành vi bao gồm vài kiểu nỗ lực, ước muốn xã hội và lĩnh hội việc hy sinh, theo ý của Mahoney & Arnkoff, 1979. (Deane H. Shapiro, John A. Astin. Control Therapy: An Integrated Approach to Psychotherapy, Health and Healing. USA: John Wiley & Sons, Inc, 1998, p.12).

Kiểm soát nhận được một sự chú ý to lớn trong tài liệu tâm lý học thời gian gần đây. Ví dụ, trong khi xét lại các cơ chế của sự điều chỉnh hay “quản lý hành động tự ý”, Karoly (1993) bình luận: “Việc giới thiệu về sự tự điều chỉnh và những thuật ngữ có liên quan vào tâm lý học đương đại không gặp một sự hạn chế nào đối với nguyên tắc đơn lẻ.”

Với các tác giả Baumeister, Heatherton & Tice (1994) thì hầu hết sự thất bại trong việc tự điều chỉnh xảy đến với đàn ông, trong khi đó họ mô tả “tự kiểm soát” như là “đức hạnh tinh tuý của phụ nữ trong nền văn hoá phương Tây.”

Họ trích dẫn các nghiên cứu để hỗ trợ cho kết luận: năng lực tự kiểm soát là một khía cạnh trung tâm, hùng mạnh, bền vững và có lợi cho nhân cách. Khả năng lớn lao của việc trì hoãn sự hài lòng được nối kết với trạng thái chú ý, hữu lý, thông minh, tháo vát, có trình độ và hợp tác… Trẻ em có năng lực thấp để trì hoãn việc thoả mãn nên có khuynh hướng bị xung hấn, bồn chồn, không có khả năng đối phó với stress, nghiêng về cảm xúc bị ngược đãi, thích được hờn dỗi và hú hét.

Do đó, tự điều chỉnh giải thích cho gần một nửa các hành động thích ứng của con người. Theo họ, tự quản lý/ self-management mang nghĩa bảo trọng bản thân. Và sự thất bại đối với việc tự kiểm soát bản thân, nghĩa là trạng thái không có khả năng kiểm soát cảm xúc và tâm trạng cũng như các cơn xung năng và lòng thèm muốn rượu, thức ăn, thuốc lá, cờ bạc, mua sắm và sự gây hấn. (Luciano L’Abate. The Self in Family: A Classification of Personality, Criminality, and Psychopathology. USA: John Wiley & Sons, Inc, 1996, pp. 67-68).

Từ thực tế cuộc sống, mọi người đều cảm nhận được một điều là không có ai thực sự thành công hay hạnh phúc chân chính cho đến khi người đó đạt được một mức độ nhất định của sự tự chấp nhận bản thân.

Có lẽ những người khốn khổ nhất và bị hành hạ nhất trên thế giới là những kẻ không ngừng phấn đấu để chứng minh với bản thân họ và với người khác rằng, họ là một cái gì đó khác hơn những gì họ cơ bản là.

Và vì thế, dường như không có một sự khuây khoả và toại nguyện nào đến với một người bằng việc cuối cùng, người ấy đã từ bỏ những sự giả vờ và làm ra vẻ để khao khát được là chính mình. (Maxwell Maltz. Psycho-Cybernetics. [18th edn]. New York: Prentice-Hall Inc, 1972, pp.124-125).

Thành công, đến từ sự tự biểu đạt/ self-expression, thường lảng tránh đối với những người nỗ lực và căng thẳng để được là ai đó; trái lại, nó quay về với người có sự hoà hợp riêng khi người đó ước ao thư giãn và là chính mình.

Thay đổi hình ảnh về cái tôi/ self-image không có nghĩa là làm chuyển biến cái tôi, hoặc củng cố nó, mà là thay đổi bức tranh tâm thần riêng của chính bạn, thay đổi ước đoán của riêng bạn, quan niệm và tự thực hiện về cái tôi đó.

Những kết quả bất ngờ đi theo sau sự phát triển một hình ảnh cái tôi thích hợp và thực tế, không phải từ sự chuyển dạng biến chất/ self-transformation mà là từ sự thực hiện bản ngã/ self-realization và tự mặc khải/ self-revelation. Tạo nên một hình ảnh đẹp hơn về cái tôi không phải là tạo nên những năng khiếu mới, thiên tài, quyền lực; nó giải thoát và tích hợp chúng.

Nghiên cứu về bản chất cái tôi, Markus và cộng sự (1997; Markus & Wurf, 1986, 1987), Goldfried & Robins (1984) đã tập trung tiêu điểm vào các sơ đồ nhận thức về cái tôi/ self-schemas và những cái tôi khả thể/ possible selves.

Ở đây, các sơ đồ nhận thức về cái tôi là một bức chân dung nhận thức bên trong cái tôi thường dùng để thiết lập thông tin về cái tôi; “self-schemas” chi phối việc thông tin được xuất hiện hay không, thông tin được cấu trúc như thế nào, và thông tin có thể được ghi nhớ ra sao (Markus, 1977).

Hơn nữa, “self-schemas” được định hình trên cơ sở người khác nắm được như thế nào về chúng ta và từ các kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta, đặc biệt là việc trải nghiệm đầy ý nghĩa cảm xúc mà chúng ta có với người khác.

Còn theo Markus & Nurius (1986), thì khái niệm những cái tôi khả thể bao gồm những ý niệm “cá thể” của những gì chúng phải trở thành, những gì chúng muốn được trở thành và những gì chúng e ngại trở thành (Donald J. Kiesher. Contemporary Interpersonal Theory and Research: Personality, Psychopathology, and Psychotherapy. USA: John Wiley & Sons, Inc, 1996, p.68).

Theo Markus (1977), người ta chọn lọc từ cái kho chứa mênh mông của sự tự hiểu biết thông tin thích hợp với các kinh nghiệm hoặc sự kiện riêng biệt.

Kết quả chọn lọc thông tin trong cấu trúc của sơ đồ nhận thức về cái tôi giúp con người quyết định chú ý đến kích thích nào, thông tin nào được ghi nhớ và tích hợp vào cái tôi hệ thống, và những kết luận cũng như quyết định được đưa ra trong bối cảnh đặc thù.

Khuôn khổ này có giá trị để nhà tâm lý trị liệu nhìn nhận nhân dạng của cái tôi/ self-identity như là trung tâm của nhân cách con người.

Theo Allport (1961), nhân dạng của cái tôi là cảm giác “tôi là ai” gồm các suy nghĩ và hành động của tôi cũng như trí nhớ của tôi về chúng và chấp nhận chúng như là của tôi; ở trẻ thơ, cảm nhận này đầu tiên rất yếu ớt, rất gắn bó với môi trường xã hội chung quanh, đặc biệt là gia đình. (Jess Feist, Gregory J. Feist. Theories of Personality [4th edn]. USA: McGraw- Hill Company Inc, 1998, p.414).

Với các nhà tâm lý học Nhân văn thì thành tựu sau chót của sự phát triển nhân cách là sự tự khẳng định bản ngã/ self-actualization. Đó là một trạng thái của sự toàn mãn, một cái tôi tràn đầy/ self-fulfillement mà trong đó con người nhận ra tiềm năng cao nhất của chính họ. (Robert S. Feldman. Essential of Understanding Psychology.. [3rd edn]. USA: McGraw-Hill Companies Inc, 1997, p.390).

Nói chung, việc xác định cái tôi được ấn vào 5 phẩm chất: (a) trật tự; (b) động thái; (c) nhất quán; (d) có thể thay đổi; và (e) học hỏi. Những phẩm chất này được minh họa như là vòng xoáy của khái niệm về cái tôi.

S.T

Tags: , ,