Luận bàn về tầm quan trong của đạo đức trong âm nhạc

Ngay từ những năm đầu thế kỉ 20, ở những quốc gia có nền âm nhạc phát triển đã quan tâm đến vấn đề đạo đức trong âm nhạc. Song, vấn đề nhạc đức cũng ngay lập tức vấp phải khó khăn, bởi quan điểm cho rằng sáng tạo nghệ thuật là tự do cá nhân, là quyền của mỗi con người cần phải được tôn trọng một cách triệt để.

Luận bàn về đạo đức trong âm nhạc

PGS – NGNN Hoàng Cương đã nói: Nhìn sang ngành y, nhiều cơ sở chữa bệnh mà người chữa chưa chắc đã đủ kiến thức, chính vì thế mà ngành y thường nhắc nhở những người chữa bệnh về y đức; Vậy ngành nhạc chúng ta cũng nên nhắc nhau về NHẠC ĐỨC, tức là lương tâm nghề nghiệp, bởi Nguyễn Du đã đúc kết chữ TÂM bằng ba chữ TÀI…

1. Nhìn sang ngành y

Có lẽ do một số người ngoài ngành y nhìn thấy có những bác sĩ trực tiếp làm chết người bệnh nên nghĩ rằng ngành y cần phải đặc biệt chú trọng đến y đức? Hồi còn sống, Gs Tôn Thất Tùng vẫn thường dạy học trò rằng, sau lưng giáo sư là một bãi nghĩa địa nho nhỏ. Nói thế không có nghĩa Gs Tôn Thất Tùng thiếu y đức, mà ngược lại, dưới bàn tay tài hoa của giáo sư, cái chết của một người bệnh sẽ mang lại sự sống cho ngàn vạn người bệnh khác. Bởi thế mà Gs Tôn Thất Tùng không chỉ là tượng đài của chuyên môn y tế nước nhà, mà còn là tượng đài y đức để mọi thế hệ thầy thuốc sau này phải noi theo.

Âm nhạc cũng có đạo đức nghề nghiệp riêng, chỉ khác ngành y ở chỗ mức độ quan tâm của toàn xã hội đến nhạc đức không rõ ràng như y đức. Một nhân viên y tế vi phạm y đức ngay lập tức bị cả xã hội lên án, nhân viên y tế đó chắc chắn phải nhận một hình thức kỉ luật tương xứng. Một nghệ sĩ trong làng âm nhạc giải trí có hành vi không phù hợp với thuần phong mĩ tục lại được coi là một chiêu đánh bóng tên tuổi, thậm chí được đám đông khán giả trẻ tung hô rồi học theo, rất hiếm nghệ sĩ bị xử phạt vì hành vi xấu.

Âm nhạc xuất hiện từ khi có loài người trên trái đất, phép chữa bệnh ra đời muộn hơn nhiều. Vấn đề nhạc đức mà PGS Hoàng Cương đưa ra không phải là mới, nhưng lại được rất ít người đề cập đến, nhận được rất ít sự quan tâm và chưa bao giờ trở thành hiện tượng xã hội. Hippocrates được coi là cha đẻ của y đức từ gần 2500 năm trước, đến nay y đức là một phạm trù đạo đức vô cùng rộng lớn, người nhân viên y tế phải học cả đời vẫn chưa hiểu hết được hai chữ y đức tưởng như đơn giản ấy. Có lẽ vì thế mà trong cuộc sống hàng ngày luôn xảy ra những câu chuyện động trời liên quan tới y đức, trong khi âm nhạc chỉ lùm xùm những vụ Scandal về quan điểm sống chẳng giống ai của cá nhân người nghệ sĩ?

Thực tế cho thấy, ngành nghề nào cũng cần đến đạo đức, đạo đức là yếu tố quan trọng số một của mỗi ngành nghề. Một bác sĩ kém về y đức sẽ chỉ làm ảnh hưởng đến thể xác của một số bệnh nhân do bác sĩ ấy trực tiếp điều trị, nhưng một tác phẩm âm nhạc không có đạo đức sẽ làm hại tâm hồn của số đông công chúng. Định nghĩa về sức khỏe, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra ba yếu tố đồng thời phải thỏa mãn là: thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội. Nếu như thuốc chữa bệnh tập trung tác động vào yếu tố thể chất của người bệnh, thì âm nhạc lại tác động vào yếu tố tinh thần và mối quan hệ xã hội của tất cả mọi con người. Âm nhạc cũng giống như đồ ăn thức uống: có âm nhạc lành mạnh làm cho tinh thần người nghe thoải mái; có âm nhạc độc hại, nghe nhiều làm cho thẩm mĩ lệch chuẩn, tinh thần trở nên bệnh hoạn. Nếu bác sĩ là thầy thuốc chữa bệnh về thể xác, thì nhạc sĩ là thầy thuốc chữa bệnh về tâm hồn. Một đơn thuốc chỉ chữa bệnh thể xác cho đúng một bệnh nhân, một bản nhạc lại chữa được bệnh tâm căn cho rất nhiều người. Trung Quốc có nhà nhà tư tưởng lớn Lỗ Tấn đã bỏ nghề y để đi theo con đường nghệ thuật. Nhà văn Nguyễn Tuân thì lại tâm sự, nếu thời gian cho phép quay ngược lại thì ông sẽ xin đi học nghề y để làm thầy thuốc, bởi nghệ thuật nguy hiểm và đáng sợ vô cùng!?

2. Âm nhạc của quỷ Satan

Trong văn hóa phương Đông, không phải đến tận bây giờ, mà người xưa đã rất đề cao đạo đức trong âm nhạc. Khổng Tử nói: thẩm nhạc dĩ chi chính – nghe nhạc biết được nước đang thịnh hay đang suy; nhạc phản nhân đạo chi chính dã – âm nhạc sửa được cái đạo làm người cho ngay thẳng; trí nhạc dĩ trị tâm, tắc dĩ trực, từ, lương chi tâm du du nhiên sinh hỹ – dùng âm nhạc để trị lòng người, thì tính giản dị, khiêm nhường, nhân ái, ngay thẳng, thành tín, tự nhiên sẽ được sinh ra; Nhân nhi bất nhân như nhạc hà – Người không có đạo đức thì làm sao sinh ra được âm nhạc…

Trong Êxêchiên, Kinh Thánh kể rằng, khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người, Ngài cũng tạo ra một thiên sứ ở tầng trời thứ ba là Luciphe, có khả năng chơi nhạc. Luciphe sử dụng Ống sáo và Trống cơm tuyệt giỏi, bản thân Ống sáo và Trống cơm đã có sẵn trong người Luciphe. Là một thiên sứ có ánh sáng tuyệt đẹp, hương thơm quyến rũ, đặc biệt là được sở hữu khả năng âm nhạc qua những âm thanh mê hoặc, chẳng mấy chốc Luciphe trở nên kiêu căng, muốn mình được thờ phụng như Đấng Tối Cao. Đức Chúa Trời không chấp nhận sự nổi loạn, đã ném Luciphe xuống trần thế, biến thành quỉ Satan, âm nhạc của Luciphe cũng theo đó mà bắt đầu xuất hiện những sự băng hoại…

Âm nhạc ảnh hưởng của quỉ Satan, với mục đích nhanh chóng phải tạo nên sự nổi tiếng, không cách nào tốt hơn là cho ra đời những sản phẩm “rác nhạc” với càng nhiều những câu chữ tục tĩu càng kích thích được đám đông công chúng, càng nhiều tính dục càng lôi kéo được khán thính giả trẻ, càng tụt quần tụt áo càng trở nên quyến rũ, càng gào thét điên cuồng càng thêm hấp dẫn…

Nền âm nhạc thế kỉ 20 ghi danh Robert Johnson, một cây guitar blues huyền thoại và cũng là nhà sáng lập ban nhạc Rock n’ Roll. Sự nghiệp âm nhạc của Robert gắn liền với lời đề nghị nổi tiếng của quỉ Satan: Anh đưa tôi linh hồn, tôi cho anh thiên tài âm nhạc. Thập niên 60 của thế kỉ trước, nhạc rock lôi cuốn giới trẻ vào thế giới tình dục. Thập niên 70, rock cổ vũ tuổi trẻ sử dụng ma túy. Những năm 80, rock tạo ra sự nghiện ngập về âm thanh, khán giả lắc lư điên cuồng với rock, bị rock mê hoặc mà không thể bỏ nổi. Đến nay, rock đã có trách nhiệm hơn với nhân loại, hướng con người quay về với lương tri, bắt đầu để ý đến nỗi đau, quan tâm đến thận phận con người…

Âm nhạc nước nhà đã từng học theo rock, học một cách sáng tạo. Sân khấu biểu diễn chả khác gì vũ trường: cũng ánh sáng lập lòe, cũng âm thanh khuyếch đại đến tột cùng; nghệ sĩ biểu diễn thì uốn éo gào thét, khán giả ôm nhau lắc lư; ma túy tràn ngập, bao cao su phơi bày la liệt; dao kiếm chờ sẵn ngoài cửa vũ trường hay rạp hát. Lĩnh vực sáng tác cũng chả chịu thua kém, hàng loạt nhạc sĩ mì ăn liền xuất hiện như nấm sau mưa với công nghệ sản xuất ca khúc thị trường có năng suất tính bằng giờ và hiệu quả tính bằng tiền triệu bán cho các ca sĩ độc quyền.

Ca khúc nghệ thuật hay những tác phẩm khí nhạc viết ra chỉ để đem dự thi giải thường niên của Hội Nhạc sĩ, cùng lắm tự bỏ tiền túi ra thu âm rồi phát trên truyền hình và đài phát thanh một vài lần, sau đó dần quên vào dĩ vãng. Ca khúc lai căng giậm giật lên ngôi: một số lượng rất đông khán giả trẻ cổ vũ tán dương, cho rằng âm nhạc như thế mới là hiện đại, ca khúc như thế mới là nghệ thuật, mới là sáng tạo; ngược lại là những khán giả có tuổi thì tẩy chay, cho rằng đó chỉ là những thứ rác rưởi âm nhạc được mệnh danh bằng những ngôn từ to tát và hoa mĩ để xóa đi cái nghèo nàn về cảm xúc âm nhạc.

Nhạc sĩ ngày xưa ít có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhưng họ sáng tác bằng cả trái tim, nên mỗi tác phẩm âm nhạc mang tính giáo dục thẩm mĩ cao đối với công chúng. Ngày nay, nhạc sĩ có cơ hội tiếp cận với đủ thể loại âm nhạc trên toàn thế giới, nên nhạc sĩ như phù thủy của âm thanh với đủ phép ma thuật trong âm nhạc, họ sản xuất ra những ca khúc đủ sức bôi đen những tâm hồn trẻ thơ trong sáng nhất.

Nhà báo âm nhạc nhiều vô kể, nhà phê bình âm nhạc thì chả có mà chỉ có những nhà phê bình tự phong. Tờ báo nào cũng có trang âm nhạc, mở ra toàn thấy chuyện nhảm nhí của giới Showbiz, bói cũng không tìm thấy một bài viết về âm nhạc cho ra ngô ra khoai. Vậy thử hỏi với thực trạng như thế, liệu âm nhạc nước nhà có phát triển được khỏe khoắn hay chỉ toàn là bệnh tật đủ cả cấp và mãn tính?

Phương Tây có “âm nhạc của quỷ Satan”, ở ta có “thảm họa nhạc Việt”. Có lẽ thành công lớn nhất của các nhạc sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu diễn đương đại, của các nhà tổ chức và các nhà quản lí âm nhạc, của đông đảo đội ngũ nhà báo, đó là việc sáng tạo ra được một cụm từ mới “thảm họa nhạc Việt”…

3. Cần thiết phải có nhạc đức?

Ngay từ những năm đầu thế kỉ 20, ở những quốc gia có nền âm nhạc phát triển đã quan tâm đến vấn đề đạo đức trong âm nhạc. Song, vấn đề nhạc đức cũng ngay lập tức vấp phải khó khăn, bởi quan điểm cho rằng sáng tạo nghệ thuật là tự do cá nhân, là quyền của mỗi con người cần phải được tôn trọng một cách triệt để.

Bởi thế mà nhạc đức luôn là một chủ đề nhạy cảm.

Mặc dù đã có nhiều học giả cố gắng đề cập đến nhạc đức ở những mức độ, những hình thức, hay những cách giải quyết khác nhau, nhưng chắc chắn đó không phải là chủ đề được xem xét một cách có hệ thống và luôn thiếu vắng sự quan tâm đúng mức. Micheal Lee, một giáo sư công nghệ âm nhạc tại Đại học Azusa Pacific đã phải cay đắng thốt lên rằng, đạo đức trong âm nhạc từ trước đến nay luôn là một “khoảng trống” ngay trong chính những học viện âm nhạc.

Bước sáng thế kỉ 21, thế kỉ được ví như của mọi sự trỗi dậy, vấn đề nhạc đức lại một lần nữa được đông đảo các học giả và những người có lương tri quan tâm hơn lúc nào hết. Cùng với sự kết hợp của toàn cầu hóa, của cách mạng công nghệ và sự sụp đổ của những “bức tường”, đã bắt đầu xuất hiện nhiều câu hỏi liên quan đến quan niệm truyền thống của đạo đức và luân lí, trong đó có vấn đề nhạc đức. Xã hội bắt đầu quan tâm đến hành vi “ăn cắp” nhạc trên Internet, đến lợi nhuận của các hãng thu âm, đến bản hợp đồng thu lại bộn tiền của các nghệ sĩ biểu diễn hay các nhạc sĩ sáng tác mà bản thân họ vẫn chưa thật sự cảm thấy thỏa đáng ở mọi khía cạnh.

Quan niệm kiếm thật nhiều tiền miễn là chân chính trong sáng tác và biểu diễn được ca ngợi một thời cũng bắt đầu có sự nghi ngờ. Blair Tilldan, tác giả cuốn “Mozart trong rừng rậm” cho rằng, thế giới âm nhạc cổ điển khủng hoảng bởi có quá nhiều nhạc sĩ đào tạo và hỗ trợ số ít ngôi sao may mắn được hưởng lương quá cao. Cách thực hành đạo đức trong âm nhạc được Tilldan vạch trần nhiều vấn đề, Norman Lebrecht trong tác phẩm “Ai đã giết nhạc cổ điển” đã phân tích những yếu tố làm cho âm nhạc cổ điển không còn “sạch” như xưa nay vẫn tưởng.

Thế giới đã bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động về nhạc đức. Vậy ta thì sao? Hãy nhìn vào nền âm nhạc què quặt thì đủ thấy, từ lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, tuyên truyền và quảng bá, ở đâu cũng thấy những sản phẩm độc hại, âm nhạc bệnh hoạn lên ngôi và phát triển một cách nhanh chóng. Đồng hành cùng âm nhạc là công chúng yêu nhạc. Theo đúng qui luật cung cầu, công chúng nào sẽ sinh ra hình thái âm nhạc ấy. Ở các trường tiểu học và phổ thông cơ sở, học sinh chỉ được dạy học vài bài hát quen thuộc, không được dạy về cảm thụ âm nhạc, không được dạy sử dụng những nhạc cụ, kiến thức âm nhạc thì thầy còn chưa biết huống hồ là trò. Lên bậc trung học phổ thông thì dừng hẳn việc dạy nhạc. Một số sinh viên trước khi đi du học đã tìm đến các giáo viên dạy nhạc cụ truyền thống, học cấp tốc một nhạc cụ trong khoảng một tháng, sang trời Tây không lo vì chả ai biết nhạc cụ các em đang chơi đầu ngô mình sở ra sao. Bởi thế mà nhạc sĩ ở ta có viết nhạc khí thì cũng chỉ để diễn cho Tây nghe, mà Tây thì chả mấy ai có ý định nghe nhạc của ta. Ngay trong ca khúc cũng thế, giới trẻ chỉ thích những ca khúc mì ăn liền, ca khúc nghệ thuật không có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Nhạc đức phản ánh mối quan hệ giữa các nhân tố cấu thành nên nền âm nhạc của mỗi quốc gia. Đó là mối quan hệ không thể tách rời giữa sáng tác, biểu diễn, công chúng, truyền bá và phê bình… Tất cả mọi nhân tố đều quan trọng, nhưng đâu là nhân tố quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định sự lành mạnh hóa nền âm nhạc nước nhà? Phải chăng, đó là công chúng yêu nhạc?

Theo TRẦN VĂN PHÚC / VNMUCIS.COM.VN

Tags: ,