Lửa Hy Lạp – vũ khí hủy diệt tàu chiến trong các cuộc chiến cổ xưa

Ngay từ thế kỷ thứ 5 TCN, người Hy Lạp cổ đại đã nắm trong tay một loại hỏa khí có sức mạnh khủng khiếp đủ sức thiêu rụi mọi hạm đội tàu chiến.

Lửa Hy Lạp – vũ khí hủy diệt tàu chiến trong các cuộc chiến tranh cổ xưa

Hỏa khí Hy Lạp không phải là vũ khí cháy đầu tiên trên thế giới. Bởi ngay từ thời cổ đại lửa đã được con người sử dụng làm “vũ khí”, nếu chỉ tính tới hình thức đốt cháy mùa màng, công sự hay cả nhà cửa của quân địch đây chỉ là một bộ phận của kiểu chiến tranh “đốt trụi đất đai”. Đến thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên (TCN), hỏa khí có sự thay đổi khi những mũi tên tẩm hắc ín cháy lần đầu tiên được được phóng đi.

Tuy nhiên, hỏa khí Hy Lạp hay còn được gọi là “Lửa Hy Lạp” còn xuất hiện trước cả tên tẩm hắc in khi loại vũ khí này lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ 5 TCN, cũng có nhiều ghi chép bí ẩn về một thiết bị phóng lửa và dùng lưu huỳnh phóng hỏa có nguồn gốc từ Hy Lạp. Đến năm 672, danh tính của người phát minh ra hỏa khí Hy Lạp lộ diện, đó là Kallanicus một nhà phát minh đến từ xứ Heliopolis, Hy Lạp cổ đại.

Hỗn hợp có sức tàn phá

Điều tạo nên sức mạnh cũng như cấu tạo của hỏa khí Hy Lạp đến nay vẫn còn là điều bí ẩn, có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải mã sức mạnh của hỏa khí Hy Lạp trong đó khả thi nhất vẫn là nhận định đây là một hỗn hợp chất từ dầu mỏ trộn với những nhiên liệu như vôi sống hay kali nitrat – nhưng về cơ bản nó là một chất lỏng sền sệt, dễ cháy, có khả năng biến một công trình hay tàu địch thành biển lửa gần như chỉ trong vài giây.

Thêm vào đó, có vẻ như không thể dập tắt được ngọn lửa từ loại vũ khí này khi nó đang cháy bằng nước, một số tài liệu cổ còn khẳng định rằng nước chỉ làm “Lửa Hy Lạp” bùng lên mạnh hơn.

Thoạt đầu, “Lửa Hy Lạp” được tạo ra như một loại vũ khí trên các chiến thuyền Hy Lạp và cách nó được sử dụng cũng không khác mấy so với các mẫu tàu chiến hiện đại ngày nay. Cách thứ nhất là hỗn hợp này được nhồi bên trong những quả bộc phá bọc đất sét và vải cháy, bắn từ máy bắn đá trên thuyền. Bình chứa sẽ vỡ sau khi đâm vào thuyền của đối phương và bùng cháy. Cách thứ hai sáng tạo hơn là phóng ra một chùm “Lửa Hy Lạp” khủng khiếp từ một ống đồng gọi là Siphon ở mũi thuyền, ống đồng này thường được neo giữ bởi một hình khắc rồng hay đầu sư tử đầy dũng mãnh.

Về bản chất, có thể xem hỏa khí Hy Lạp là một trong những loại súng phóng lửa đầu tiên của nhân loại. Cơ chế hoạt động của nó như thế nào vẫn chỉ là phỏng đoán, nhưng chất cháy có lẽ được đun nóng vào trong một bình kim loại để đẩy áp suất lên cho đến khi van của Siphon được mở ra, giải phóng và kích hỏa chất lưu, tầm bắn hiệu quả của hỏa khí Hy Lạp theo cách này có thể lên tới 15 mét.

Thử thách chiến trận

Trong năm thế kỷ liên tiếp, Đế chế Byzantine đã sử dụng hỏa khí Hy Lạp trên chiến trường. Suốt thời kỳ này, nó đã giúp Byzantine vươn lên nắm vị trí một trong những quốc gia có thủy quân mạnh nhất trên thế giới. “Lửa Hy Lạp” giúp đảm bảo những chiến thắng có tính bước ngoặt trước các cuộc bao vây của hạm đội tàu chiến của quân Ả Rập quanh Constantinople vào thế kỷ 7 và 9.

Sau đó giúp đánh bại vô số kẻ thù Đông Âu và Trung Đông trong giai đoạn Đế quốc Byzantine mở rộng. Nó cũng trở thành một loại vũ khí trên mặt đất – máy phóng lửa vận hành bằng tay được đặt trên những tòa tháp công thành để bắn lửa vào công sự và thành lũy của địch.

 Jean de Joinville, một quý tộc Pháp ở thế kỷ 13 đã ghi lại trải nghiệm trước hỏa khí Hy Lạp do chính quân Ả Rập sử dụng trong cuộc Thập tự chinh thứ Bảy như sau: “Nó phóng tới phía trước một ngọn lửa to như thùng dấm, cái đuôi lửa kéo dài phía sau lớn như một cây thương cỡ đại; và chao ôi cái âm thanh mà nó tạo ra nghe như tiếng sấm vọng từ trời cao. Nó giống như một con rồng bay qua không trung. Nó chói sáng đến mức người ta có thể nhìn toàn doanh trại như giữa ban ngày, do đám lửa lớn và ánh sáng chói lòa nó tỏa ra. Đêm đó, ba lần địch quăng “Lửa Hy Lạp” và bốn lần dùng nó bắn lửa vào chúng tôi.”
.

Nhưng tới thế kỷ 13, hỏa khí Hy Lạp đồng loạt biến mất khỏi các tư liệu và không xuất hiện trở lại. Nguyên nhân dẫn tới sự biến mất đó vẫn là một bí ẩn. Hiệu quả của thứ vũ khí này trong các điều kiện lý tưởng là không có gì nghi ngờ, tuy nhiên khi gặp địa hình rộng mở hay vào lúc nhiều gió, tính thực tiễn của nó rõ ràng bị hạn chế.

Ngoài ra có một điều chắc chắn là việc phát minh ra súng thần công vào thế kỷ 14 đã khiến hỏa khí Hy Lạp trở nên lỗi thời. Dù thế, hỏa khí Hy Lạp cũng đã chứng tỏ được rằng các vũ khí phóng lửa của thế kỷ 20 cũng có nguồn gốc từ rất lâu đời trước đó.

Theo TUẤN ANH / KIẾN THỨC

Tags: , , , , , ,