Lịch sử tôn giáo: Nghi lễ, sự cảm thông và tôn giáo thuở sơ khai

Do tiến trình lựa chọn tự nhiên diễn ra với việc có những thay đổi trong cấu trúc não bộ và việc phát triển khả năng xúc cảm, giao tiếp, một số thiên hướng ứng xử ở linh trưởng bắt đầu tiến hoá.

Lịch sử tôn giáo: Nghi lễ, sự cảm thông và tôn giáo thuở sơ khai

Tác giả: Brandon Ambrosino / BBC Future. Brandon Ambrosino viết bài cho New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist và các báo khác. Ông sống tại Delaware.  

Một số thiên hướng mà Jonathan Turner, tác giả của cuốn Sự Xuất hiện và Phát triển của Tôn giáo (The Emergence and Evolution of Religion), liệt kê là đã tồn tại sẵn ở linh trưởng gồm có: khả năng đọc biểu hiện trong ánh mắt và gương mặt, khả năng bắt chước cách biểu cảm trên khuôn mặt; khả năng biết cảm thông ở một chừng mực nào đó; khả năng cảm nhận được môi trường xã hội xung quanh; khả năng thực hiện các nghi lễ; có ý thức ứng xử có đi có lại và công bằng; và khả năng tự nhận biết bản thân mình là một vật thể trong môi trường xung quanh.

Theo Turner thì việc gia tăng cung bậc cảm xúc ở linh trưởng khiến cho năng lực thực hiện các hành vi ứng xử này cũng tăng lên.

Có khá nhiều, nếu không muốn nói nói là tất cả các hành vi ứng xử này đã được ghi nhận ở các loài linh trưởng.

Tuy nhiên, tôi muốn tập trung vào hai hành vi trong số đó, là nghi lễ và sự cảm thông. Đây là hai hành vi mà nếu chúng không tồn tại thì sẽ không thể có tôn giáo.

Nghi lễ

Trong một đoạn băng hình lưu trữ, nhà linh trưởng học và nhân chủng học Jane Goodall mô tả vũ điệu thác nước nổi tiếng của tinh tinh. Nhận xét của bà được trích dẫn một đoạn dài:

Khi tinh tinh đến gần, chúng nghe thấy âm thanh gầm vang này, và bạn sẽ thấy lông chúng dựng lên một chút, rồi chúng di chuyển nhanh hơn một chút.

Khi tới nơi, chúng sẽ lắc lư theo nhịp điệu, mà thường là đứng thẳng lên, nhặt những viên đá lớn ném đi trong chừng có lẽ là 10 phút.

Đôi khi chúng trèo lên những gốc nho ở bên cạnh rồi đu bay ra, ẩn thân vào màn hơi nước, rồi chúng nhảy xuống nước, điều mà bình thường thì chúng sẽ tránh làm.

Sau đó, bạn sẽ thấy chúng ngồi trên một tảng đá nằm giữa dòng chảy, nhìn lên trên, ngắm làn nước đổ xuống, rồi nhìn nước trôi đi. Tôi không thể không nghĩ rằng màn trình diễn, hoặc là vũ điệu thác nước này, có lẽ chính là được tạo ra từ cảm giác dễ chịu, cảm giác thấy rằng mọi thứ thật tuyệt.

Não của tinh tinh cũng giống như não người: chúng có những cảm xúc rõ ràng là tương tự hoặc giống hệt như những cảm xúc mà chúng ta gọi là hạnh phúc, buồn, sợ, kinh hãi, và các cảm xúc khác – những khả năng trí tuệ phi thường mà chúng ta từng nghĩ rằng chỉ con người mới có.

Vậy tại sao chúng lại không có cảm xúc về một dạng nghi lễ nào đó, điều sẽ thực sự là kỳ diệu nằm bên ngoài mỗi bản thân chúng ta?

Goodall đã quan sát thấy hiện tượng tương tự xảy ra trong một trận mưa lớn. Quan sát này khiến bà đi đến kết luận rằng tinh tinh cũng có những nghi lễ như chúng ta.

“Chúng không thể phân tích nghi lễ đó, chúng không nói về nghi lễ đó, chúng không thể mô tả cảm giác mà chúng cảm thấy. Nhưng bạn sẽ cảm nhận được rằng mọi thứ đều được cất giấu bên trong chúng, và cách duy nhất để chúng thể hiện ra chính là thông qua vũ điệu nhịp nhàng tuyệt diệu này.”

Bên cạnh việc có những màn trình diễn mà Goodall mô tả, những người khác đã quan sát được nhiều màn trình diễn lễ hội, những đợt gõ đập, và nhiều nghi thức hú hét ở tinh tinh.

Gốc rễ của nghi thức thì nằm trong thứ mà Bellah gọi là “màn trình diễn nghiêm túc”, các hoạt động được thực hiện vì chính nó, có thể không phục vụ cho năng lực sinh tồn ngay lập tức nhưng có “tiềm năng rất lớn trong việc phát triển thêm các năng lực khác”.

Quan điểm này phù hợp với những thuyết trong khoa học phát triển theo đó cho rằng các hoạt động vui đùa đóng vai trò rất quan trọng cho việc phát triển các khả năng quan trọng như thuyết tâm ý (theory of mind) và tư duy đối chứng (counterfactual thinking).

Màn trình diễn, đặt trong bối cảnh tiến hoá này, thì có nhiều đặc tính độc đáo: nó phải được thực hiện “trong một môi trường thư giãn” – khi con vật được cho ăn uống đầy đủ, khoẻ mạnh và không bị stress (đó là lý do vì sao đây là hiện tượng phổ biến nhất xảy ra trong các loài có tập tính chăm sóc con non trong một thời gian dài).

Màn trình diễn cũng xuất hiện trong các cuộc đọ sức: có sự bắt đầu và kết thúc rõ ràng.

Chẳng hạn như ở chó, màn trình diễn bắt đầu với động tác ‘cúi chào’. Màn trình diễn liên quan tới cảm giác công lý, hoặc ít nhất cũng là sự bình thản: những con vật cỡ lớn cần phải tự điều chỉnh cân bằng để không làm tổn hại đển các con nhỏ hơn.

Và không cần nói cũng rõ, màn trình diễn là sự tự thể hiện bản thân.

Bây giờ, hay so sánh màn trình diễn với nghi lễ xem cái nào là diễn, cái nào là tự thể hiện bản thân.

Các nghi lễ thì có sự bắt đầu và sự kết thúc. Cả hai đều đòi hỏi phải chia sẻ mục đích, chia sẻ sự chú ý.

Có những quy tắc, tiêu chuẩn trong đó. Các nghi lễ được thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó, vượt ra ngoài giới hạn thời gian hàng ngày. (Chẳng hạn như, hãy thử nghĩ về một trận bóng đá khi bóng bị bắt ở “ngoài vòng cấm địa” và thời gian thi đấu sẽ ngừng lại. Chúng ta thường tham gia vào những tình huống thực tế trong đó chúng ta sẵn lòng bỏ qua “thế giới thực”. Màn trình diễn cho phép chúng ta làm điều này.)

Quan trọng hơn cả, Bellah nói, màn trình diễn bản thân nó là một sự thực hành, và “không phải là thứ có một sự kết thúc bên ngoài”.

Bellah gọi nghi lễ là “hình thức nguyên thuỷ của sự trình diễn nghiêm túc trong lịch sử tiến hoá của loài người”, có nghĩa là nghi lễ là sự nâng cao của những năng lực khiến cho việc trình diễn lần đầu tiên trở nên khả thi trong những loài động vật có vú.

Có sự tiếp nối liền lạc giữa hai vấn đề này.

Trong lúc Turner thừa nhận rằng có thể sẽ là quá đà nếu coi vũ điệu dưới thác nước của tinh tinh là Nghi lễ (với chữ N viết hoa), thì có thể khẳng định rằng “những thiên hướng hành xử giống như nghi lễ cho thấy có một số thứ cần có đối với cách hành xử tôn giáo là một phần có trong gene của tinh tinh, và do đó, trong tông người.”

Sự cảm thông

Đặc tính thứ hai mà chúng ta cần phải xem xét đến là sự cảm thông. Cảm thông không phải là thứ có sẵn trong tâm trí. Nó là trong cơ thể, hay ít nhất đó cũng là nơi nó bắt đầu.

De Waal viết rằng nó bắt đầu “với sự đồng bộ hoá của các cơ thể, chạy khi người khác chạy, cười khi người khác cười, khóc khi người khác khóc, hoặc ngáp khi người khác ngáp”.

Sự cảm thông chắc chắn là nằm ở trung tâm thứ mà ta gọi là giá trị đạo đức, de Waal nói. “Nếu không có sự cảm thông, bạn không thể có giá trị đạo đức con người. Nó khiến chúng ta quan tâm đến người khác. Nó khiến chúng ta có cảm xúc với người khác.”

Nếu như tôn giáo, theo định nghĩa của chúng ta, là một cách để chúng ta ở bên nhau, thì giá trị đạo đức, thứ chỉ định cho chúng ta những cách thức tốt nhất để ở bên nhau, là một phần không thể thiếu được trong đó.

De Waal đã bị chỉ trích trong nhiều năm về việc đưa ra cách diễn giải màu hồng về hành vi ứng xử của động vật.

Thay vì coi hành vi ứng xử của động vật là có tính vị tha và do đó dẫn tới sự cảm thông, thì các nhà khoa học thông thái này nói với chúng ta rằng chúng ta nên coi hành vi ứng xử này theo cách đúng với bản chất của nó: sự ích kỷ. Các con vật đều muốn sinh tồn. Chấm. Bất kỳ hành động nào chúng cần có đều được giải nghĩa trong khuôn khổ ma trận này.

Thế nhưng đây là một cách nói sai lầm về lòng vị tha, de Waal nói.

“Chúng ta thấy rằng động vật muốn chia sẻ thức ăn cho dù như vậy chúng có thể thiệt thòi. Chúng ta làm các thử nghiệm trên chúng, và kết luận chung được đưa ra là khuynh hướng đầu tiên xuất hiện ở nhiều con vật là sự cảm thông và hợp tác. Khuynh hướng cảm thông diễn ra một cách hết sức tự nhiên ở nhiều loài động vật.”

Nhưng phải chăng đó chỉ là sự tự bảo tồn? Chẳng phải là các con vật chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình sao? Nếu như chúng cư xử như thể đầy lòng vị tha, liệu có phải chúng chỉ chuẩn bị để cho lúc chúng cần sự giúp đỡ?

“Gọi đó là ích kỷ,” de Waal đầy hoài nghi nói, “bởi vì cuối cùng thì tất nhiên là những khuynh hướng mang tính ủng hộ mối quan hệ xã hội sẽ có lợi sao?” Để làm vậy, ông nói, thì định nghĩa về các từ sẽ trở nên vô nghĩa.

Đúng vậy, tất nhiên là có những cảm xúc dễ chịu gắn với hành động trao tặng cho người khác. Nhưng sự tiến hoá đã tạo ra những cảm xúc dễ chịu đối với các hành vi ứng xử mà chúng ta cần làm, như làm tình, ăn uống, hay người mẹ cho con bú. Điều đó cũng đúng đối với lòng vị tha, de Waal nói. Điều đó không thay đổi về mặt căn bản hành vi ứng xử.

Vậy làn ranh giới cứng rắn giữa lòng vị tha và sự ích kỷ, nếu nói dễ nghe nhất thì ta nói là ngây thơ, còn nếu nhìn nhìn một cách khắt khe, thì nó có tính lừa gạt.

Các nhà triết học như David Hume đã nêu ra sự khác biệt giữa một hành vi ứng xử ‘cần tồn tại’ và một hành vi ứng xử ‘nên tồn tại’, thứ là đề tài cho việc cân nhắc thận trọng về đạo đức.

Một con vật có thể có hành vi ứng xử X, nhưng nó làm vậy bởi vì cảm thấy là nó cần phải làm vậy, nhờ vào sự đánh giá đúng đắn đối với một chuẩn mực?

Sự khác biệt này là thứ mà de Waal đã nhận thấy từ các nhà triết học, những người nói rằng bất kỳ quan sát nào của ông về sự cảm thông hay đạo đức ở động vật đều không thể nói cho ông biết liệu chúng có những chuẩn mực hay là không.

De Waal không tán thành ý này, và nói rằng động vật có nhận thức được các chuẩn mực:

Ví dụ đơn giản nhất là mạng nhện. Nếu như bạn khuấy động đến nó, thì con vật sẽ sửa chữa mạng ngay lập tức, bởi chúng có chuẩn mực đối với việc mạng nhện trông phải thế nào, và cần hoạt động ra sao.Chúng hoặc là sẽ bỏ luôn, hoặc bắt đầu sửa chữa mạng nhện.

Động vật có khả năng đặt ra các mục tiêu và cố gắng đạt được các mục tiêu đó.

Trong thế giới có mối quan hệ xã hội, nếu như có giao tranh, chúng sẽ tập hợp bên nhau và cố sửa chữa thiệt hại. Chúng cố đưa trở lại tình trạng cần có. Chúng có tiêu chuẩn về việc sự phân chia này cần phải được thực hiện ra sao.

Ý tưởng cho rằng tính cách quy chuẩn chỉ có ở con người là không chính xác.

Trong cuốn Vượn Bonobo và Người Vô thần, de Waal lập luận rằng các loài động vật dường như sở hữu một cơ chế để hàn gắn xã hội. “Khoảng 30 loài linh trưởng khác nhau hoà giải sau giao tranh, và sự hoà giải đó không chỉ có ở các loài linh trưởng. Có những bằng chứng cho thấy cơ chế này cũng tồn tại ở linh cẩu, cá heo, sói, dê nhà.”

Ông cũng tìm thấy những bằng chứng cho thấy các loài động vật “chủ động tìm cách bảo toàn sự hoà hợp trong mạng lưới xã hội của chúng… bằng cách hoà giải sau xung đột, phản kháng những phân chia bất bình đẳng, và phá vỡ các cuộc giao tranh giữa chúng với nhau.”

“Hành xử của chúng mang tính quy chuẩn, nhìn theo hướng nhằm sửa chữa hoặc tìm cách sửa chữa những lệch lạc trượt ra khỏi tình trạng lý tưởng.”

“Chúng cũng thể hiện việc tự kiềm chế cảm xúc và tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột nhằm ngăn chặn những sự lệch lạc đó. Điều này khiến cho việc dịch chuyển từ cách hành xử của linh trưởng sang các quy chuẩn đạo đức ở con người có khoảng cách nhỏ hơn so với những gì ta thường nghĩ.”

Rõ ràng là có khoảng cách giữa việc sửa chữa xã hội ở linh trưởng và việc có cơ cấu tổ chức với những quy tắc đạo đức trong xã hội loài người hiện đại.

Kể cả như vậy, de Waal nói, thì toàn bộ “những hệ thống đạo đức của con người đều sử dụng các khuynh hướng như của linh trưởng.”

Những khuynh hướng này bắt đầu có từ khi nào? Có lẽ là giống như các khả năng khác vốn cho phép màn trình diễn (và lên đến tột cùng là nghi thức) được thực hiện, chúng có từ thời bắt đầu xuất hiện bản năng cha mẹ chăm sóc con cái.

“Trong 200 triệu năm tiến hoá của động vật có vú, các con cái nhạy cảm với con non của chúng hơn sẽ sinh đẻ nhiều hơn so với những con thờ ơ, ít quan tâm đến con cái,” de Waal nói.

Tất nhiên việc chăm sóc con non cũng có cả ở những loài như cá, cá sấu và rắn, nhưng khả năng chăm con non ở các loài động vật có vú thì thực sự là bước đại nhảy vọt trong câu chuyện tiến hoá.

Tôn giáo thuở sơ khai

Các buổi hành lễ tôn giáo ngày nay của chúng ta có vẻ như vô cùng cách xa so với các màn trình diễn và thể hiện tình cảm ở động vật có vú vốn từng có trong quá khứ xa xưa của chúng ta, và thực sự thì tôn giáo được thể chế hoá đã tiến xa vượt bậc so với cái được gọi là màn khiêu vũ dưới thác nước.

Thế nhưng sự tiến hoá dạy cho chúng ta biết rằng những hiện tượng phức tạp, tiến bộ đều phát triển từ những khởi đầu đơn giản. Như Bellah nhắc nhở chúng ta, chúng ta không phải là bỗng dưng mà xuất hiện. “Chúng ta gắn bó với lịch sử sinh học và vũ trụ học sâu xa.”

Khi dòng vượn tiến hoá từ tổ tiên chung gần nhất với loài người chúng ta để sống được trong những môi trường mở, thì điều cần thiết là phải tạo áp lực để vượn người, những động vật thích sống đơn lẻ, phải cùng nhau tạo thành những cơ cấu xã hội tồn tại bền vững hơn.

Lựa chọn tự nhiên đạt được chiến thắng đáng kinh ngạc này bằng cách phát triển cao hơn các bảng màu cảm xúc mà tổ tiên chúng ta vốn đã có sẵn từ lâu.

Với việc có thêm nhiều cảm xúc phong phú, bộ não ở tông người đã có thể phát triển, nâng cao được một số các năng lực, trong đó có một số năng lực tự nhiên trao cho họ cách thức để thực hành tôn giáo.

Bởi các năng lực này được nhanh chóng nâng cao với sự phát triển ở não người Homo và sự phát triển của tân vỏ não, các hành vi ứng xử như màn trình diễn và nghi lễ bước vào một giai đoạn mới trong sự phát triển của tông người, trở thành nguyên liệu thô để cuộc tiến hoá về văn hoá bắt đầu trở thành tôn giáo có tổ chức kết cấu chặt chẽ.

Và mặc dù quá trình lịch sử này không định đoạt chúng ta – đi cùng với mỗi một giai đoạn mới trong câu chuyện cuộc đời sẽ là mức quyền lực to lớn hơn – nhưng quá trình lịch sử sinh học – vũ trụ học này ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm.

Ngay cả quyết định có vẻ như tự trị của con người cũng được đưa ra từ lịch sử này. Đó chính là bức tranh rộng lớn. Đó là điều chúng ta giữ trong tâm trí khi nhìn lại quá khứ, nhìn lại cả một quá trình mà những hạt giống tiến hoá ban đầu được hình thành, và rốt cuộc từ từ phát triển thành tôn giáo.

Tuy vậy, tôi thường suy nghĩ về mặt thần học của câu “Này là thân thể ta,” tôi không thể bỏ qua thực tế căn bản rằng sự thông công chính là cơ thể – của bạn, của tôi, của chúng ta.

Tôn giáo là một hiện tượng được hiện thân bởi cách thức con người thực hành tôn giáo đã được phát triển trong hàng triệu năm, khi cơ thể của tổ tiên chúng ta tiếp xúc với các cơ thể khác ở xung quanh.

Cho dù đó có phải là sự thông công hay không, hay thậm chí có phải là tôn giáo hay không, thì chúng ta, với những năng lực trình diễn đã được tiến hoá, lúc nào cũng tìm kiếm trong thế giới quanh mình để cảm thông, và để cùng người khác kỷ niệm các nghi lễ.

Theo BBC FUTURE

Tags: ,