Lịch sử sóng gió của nghệ thuật vẽ tranh biếm họa

Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến cho chúng ta tiếng cười trí tuệ, tiếng cười mà con người cần có để tự hoàn thiện chính mình.

Nhờ những biếm họa trên giấy Pararyi của Ai Cập cổ đại, những biếm họa trên tường ở Pompei và Rome, những biếm họa trên truyền đơn hồi thế kỷ 15, biếm họa của các họa sĩ khuyết danh và có danh tính ở thời Cận đại và Đương đại, thế giới may mắn có thêm một nguồn cứ liệu vô giá, xác thực, sống động, đầy tính phê phán và trào lộng về các biến cố lịch sử cũng như muôn vẻ cuộc sống đời thường của xã hội loài người.

Khái niệm biếm họa, tiếng Latinh là Carrus, tiếng Italia là Caricare do anh em họa sĩ nhà Carracci sử dụng đầu tiên cuối thế kỷ 16. Năm 1665, khái niệm này mới được “nhập khẩu” vào ngôn ngữ Pháp với chữ Caricature, khi một họa sĩ Italia vẽ chân dung đang ngồi của vua Pháp Louis XIV trình bày về nghệ thuật tranh chân dung. Người phiên dịch đã dịch: “Cho phép thần được tâu với Đức vua là những tranh chân dung mà sự giống hệt nhân vật trông hơi xấu và hơi buồn cười chính là biếm họa”. Người Anh dùng từ Caricature từ năm 1686. Từ Karikature trong tiếng Đức xuất hiện muộn hơn rất nhiều, trong từ điển tiếng Đức của anh em nhà Grimm năm 1854. Ở Việt Nam, người ta thường dùng từ tranh châm biếm, tranh đả kích, tranh vui, hí họa. Từ biếm họa mới xuất hiện gần đây.

Các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí và biếm họa có chung quan điểm, biếm họa chủ yếu đăng trên báo bắt đầu từ năm 1827, sau hơn 200 năm báo chí ra đời. Lý do báo phải đăng tranh biếm họa? Đơn giản vì người đọc có nhu cầu xem những bức tranh châm biếm sâu sắc nhưng hài hước, và thời sự – in biếm họa báo sẽ bán chạy hơn.

Đến đầu thế kỷ 19, những tiến bộ của kỹ thuật in, như kỹ thuật in phẳng, đã góp phần vào bước phát triển vượt bậc của biếm họa trên báo chí. Trước đó, để in tranh biếm họa, người ta buộc phải sử dụng kỹ thuật khắc gỗ và khắc đồng vừa tốn kém lại vừa mất rất nhiều thời gian.

Sau báo giấy, đến lượt báo mạng của thời đại Internet đưa biếm họa phát triển hơn bao giờ hết. Một ví dụ: Hằng ngày có khoảng 260 triệu lượt người xem, và 2.700 báo/tạp chí khắp thế giới, trong đó có báo Vietnam News của Việt Nam, đăng biếm họa nhiều kỳ Garfield về con mèo béo và lười để giễu cợt thói xấu của đời sống Mỹ của họa sĩ Jim Davis.

Đối tượng không biên giới

Đối tượng của biếm họa không có biên giới, từ thể chế, chính quyền, tôn giáo, cho đến vua chúa, nguyên thủ quốc gia, chính khách, văn nghệ sĩ, ngôi sao bóng đá… và cả thường dân…

họa báo chí có mấy thể loại chính là biếm họa chính trị, chân dung biếm, biếm họa nhiều kỳ, biếm họa hài hước… Có tác động mạnh mẽ nhất, nhạy cảm nhất là biếm họa chính trị. Tạp chí châm biếm-chính trị “Äsop in Europa” ra đời rất sớm, từ năm 1701 ở Hà Lan với hàng loạt biếm họa đả kích, giễu cợt chính sách bành trướng cũng như sự xa hoa đến tột đỉnh của vua Louis XIV, người có câu nói nổi tiếng “L’État, c’est moi” (Nhà nước là ta).

Cũng trong thế kỷ 18, ở Anh nổi lên các họa sĩ như William Hogarth, James Gillray, Thomas Rowlandson, hay George Cruikshank… dùng biếm họa để phê phán xã hội, chống Hoàng gia Anh và các chính khách Anh… rồi chống cả cách mạng Pháp (1789-1799) và đế chế của nó…

Thế kỷ 20 nhờ nhiều tranh biếm họa chính trị của các họa sĩ Đông Âu trước đây, ví dụ như nữ họa sĩ CHDC Đức Barbara Henninger, họa sĩ Ukraine Juri J Kosobukin v.v, chúng ta có được một cái nhìn toàn diện, logic, và đầy cảm thông về sự sụp đổ của khối XHCN này.

Định nghĩa biếm họa chính trị cũng gắn liền với định nghĩa biếm họa: Biếm họa là một loại hình mỹ thuật sử dụng thủ pháp cường điệu nhằm phản biện, có quan điểm riêng và có chất trào lộng về một vụ việc, một sự kiện xã hội mang tính tinh thần hay vật chất. Hiệu quả của nó phụ thuộc vào nhận thức của người xem.

Mục đích cơ bản của biếm họa chính trị là nêu bật được sự sai trái, khiếm khuyết, trì trệ của đối tượng mà nó đề cập một cách hài hước. Có một thể loại biếm họa chính trị rất đặc sắc là chân dung biếm của các nguyên thủ quốc gia, các chính khách v.v…

Nghề nguy hiểm

Chính vì tính chất phê phán, giễu cợt sâu cay không chừa một ai của biếm họa nên nghề biếm họa luôn chứa ẩn mối nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt ở các chế độ xã hội đang phát triển, thiếu dân chủ, độc tài, toàn trị. Trước thế kỷ 17, hầu như chỉ có biếm họa khuyết danh. Đến đầu thế kỷ 18, nhiều họa sĩ ý thức được vai trò của biếm họa, chuyển hẳn sang vẽ biếm họa, coi biếm họa là một nghề – tiêu biểu là các họa sĩ ở Anh. Ở đây cần nêu rõ, nước Anh với trí tuệ của mình đã ban hành Luật tự do báo chí sớm nhất thế giới, ngay từ năm 1695. Nhờ đó, các họa sĩ biếm họa cũng như các nhà báo, và người dân được bảo vệ khi họ phê phán, chỉ trích, giễu cợt Hoàng gia hay nền chính trị cùng với các chính khách của nó. Từ thế kỷ 19, khi báo chí phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, các họa sĩ biếm họa đều ký tên trên tranh với ý thức chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình trước xã hội.

Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu ở châu Âu, người ta đã xếp các họa sĩ biếm họa vào giới trí thức, những người có khả năng phản biện xã hội. Họa sĩ biếm họa Anh nổi tiếng Ronald Searle cho rằng: “Họa sĩ biếm họa phải có cái đầu của một nhà bác học, bàn tay khéo léo của bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của một anh hàng thịt.” Họa sĩ vẽ biếm họa chính trị là những người trí tuệ và dũng cảm, dám “đương đầu với sự ngu dốt của thời đại, thể chế, sự độc tài và ngu dốt của đám đông”.

Năm 1832, họa sĩ Honore Daumier bị tống giam 6 tháng vì bức tranh Gargantua, chế giễu vua Pháp Louis Philippe phàm ăn và tham lam vô độ. Chứng cứ để quan tòa buộc tội ông là cái mặt phệ ra của nhân vật trong tranh trông như quả lê giống mặt đức vua! Từ đó, ở Pháp cứ nói đến lê nghĩa là ám chỉ Louis Philippe.

Họa sĩ Đức John Heartfield với những bức tranh chống Hitler nổi tiếng khắp thế giới những năm ba mươi của thế kỷ 20 buộc phải rời nước Đức sang Mỹ lánh nạn.

Hitler cũng từng tuyên bố, nếu chiếm được Moskva thì một trong những người đầu tiên phải bị treo cổ là họa sĩ biếm họa Boris Jefimow bởi những bức tranh biếm họa đả kích Hitler quá xuất sắc trong Chiến tranh Thế giới II của ông.

Họa sĩ biếm họa Algeria Ali Dilem, được tôn vinh là một trong 50 người quyền lực nhất ở châu Phi năm 2010, từng bị chính quyền Algeria tống đạt hơn 80 cái trát hầu tòa bởi tranh biếm họa làm “phiền lòng chính quyền” của ông.

Mấy năm qua, Kurt Westergaard, họa sĩ có bức biếm họa mô tả nhà tiên tri Muhammad của Hồi giáo mang trái bom trên khăn quấn đầu đăng trên nhật báo “Jylland-Posten” của Đan Mạch ngày 30-9-2005, phải sống trong lo sợ vì bị các phần tử Hồi giáo cực đoan săn đuổi, dọa giết. Nhưng năm 2010, ông đã được Thủ tướng Angela Merkel, người đàn bà quyền lực nhất thế giới hiện nay, trao giải thưởng truyền thông M100 (Giải thưởng của 100 tổ chức truyền thông uy tín nhất châu Âu) tại một buổi lễ long trọng ở Sanssouci, Đức. Lý do là, quyền tự do báo chí được luật pháp ghi nhận phải được bảo vệ.

Trước đây, nhất là trong thời chiến tranh lạnh, không ít họa sĩ đã biến biếm họa thành “vũ khí sắc bén” trên mặt trận tuyên truyền cho hệ thống chính trị mà họ phục vụ, tiêu biểu là các họa sĩ biếm họa Đông Đức và Tây Đức. Đến khi nước Đức thống nhất mà không có đổ máu, chiến tranh lạnh kết thúc, họ mới có điều kiện trăn trở về những tranh biếm họa họ đã vẽ theo đơn đặt hàng phục vụ cho ý thức hệ ngày nào. Ngày nay dễ dàng nhận thấy các họa sĩ biếm họa không còn quá phụ thuộc vào “chính kiến” của người đặt hàng nữa, bởi nếu tranh của họ không được đăng trên báo chí chính thống thì vẫn luôn tìm được chỗ nào đó trong thế giới mạng để công bố – blog, weblog, facebook…

Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến cho chúng ta tiếng cười trí tuệ, tiếng cười mà con người cần có để tự hoàn thiện chính mình.

Ở Việt Nam, họa sĩ Phan Kế An nổi tiếng với tranh biếm họa qua bút danh Phan Kích thời kháng chiến chống Pháp cho biết, tranh của ông khi in xấu hay đẹp hoàn toàn phụ thuộc vào người thợ khắc gỗ. Ông may mắn có được một người thợ rất giỏi, khắc tranh biếm họa của của ông tỉ lệ 1:1 không những giống hệt mà còn mềm mại về đường nét, sắc sảo về mảng, hình… Ngày nay, các khả năng vô hạn của máy tính đã đưa kỹ thuật vẽ biếm họa đi rất xa. Nhưng hấp dẫn nhất, và được giới sưu tầm biếm họa săn lùng nhất vẫn là các tranh biếm họa được vẽ tay có màu hoặc đen trắng theo lối vẽ truyền thống.
.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,