Làm sao để chữa lành bộ não bị sang chấn tâm lý?

Khoảng 50 phần trăm dân số sẽ trải qua một sự kiện đau thương, gây sang chấn tâm lý vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

Làm sao để chữa lành bộ não bị sang chấn tâm lý?

Tác giả: Jennifer Sweeton, Tiến sĩ Tâm lý học.

Nguồn: Psychology Today.

Dịch: Chó béo cute.

Mặc dù những phản ứng trước sang chấn có thể rất khác nhau, và không phải ai cũng bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), sang chấn có thể làm thay đổi não bộ theo những cách có thể dự đoán được mà tất cả chúng ta nên biết, đặc biệt nếu bạn hoặc ai đó thân thiết với bạn đang phải vật lộn để đương đầu sau sang chấn. Với nhận thức ngày càng cao hơn, bạn có thể tìm đến điều trị để xử lý những triệu chứng của bạn và học các kỹ năng có thể giúp thiết lập lại não bộ của bạn để phục hồi.

Ngoài ra, biết được những gì đang diễn ra có thể vô cùng hữu ích vì nó có thể giúp bạn nhận ra mình không điên, vĩnh viễn không thể hồi phục được hay là một người tệ hại. Thay vào đó, bạn có thể xem một bộ não bị sang chấn là một bộ não hoạt động theo cách khác biệt do những sự kiện gây sang chấn. Và cũng giống như cái cách mà bộ não của bạn thay đổi để thích ứng với các trải nghiệm trong quá khứ của bạn với thế giới, thì nó cũng có thể thay đổi để thích ứng với các trải nghiệm trong tương lai của bạn. Nói cách khác, não bộ có “tính dẻo,” và bạn có thể thay đổi nó.

3 khu vực cần biết

Sang chấn có thể làm thay đổi hoạt động của bộ não theo nhiều cách, nhưng ba trong số những thay đổi quan trọng nhất dường như xảy ra ở các khu vực sau:

1. Vỏ não trước trán (PFC), được gọi là “Trung tâm Tư duy”
2. Vỏ não vùng đai trước (ACC), được gọi là “Trung tâm Điều chỉnh Cảm xúc”
3. Hạch hạnh nhân, được gọi là “Trung tâm Sợ hãi”

PFC, hay Trung tâm Tư duy, nằm gần đỉnh đầu, sau trán của bạn. Nó chịu trách nhiệm cho các khả năng bao gồm suy nghĩ lý trí, giải quyết vấn đề, tính cách, lập kế hoạch, thấu cảm và nhận thức về bản thân và người khác. Khi vùng não này hoạt động mạnh thì chúng ta có thể suy nghĩ rõ ràng, sáng suốt, đưa ra quyết định tốt và nhận thức về bản thân và người khác.

ACC, hay Trung tâm Điều chỉnh Cảm xúc, nằm bên cạnh vỏ não trước trán, nhưng nằm sâu hơn bên trong não. Khu vực này chịu trách nhiệm (một phần) cho việc điều chỉnh cảm xúc, và (lý tưởng là) có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Tư duy. Khi vùng này hoạt động mạnh, chúng ta có thể quản lý được những cảm xúc và suy nghĩ khó khăn mà không bị chúng áp đảo. Mặc dù chúng ta có thể muốn gửi một email xỉa xói đồng nghiệp, nhưng Trung tâm Điều chỉnh Cảm xúc nhắc nhở chúng ta rằng đây không phải là một ý hay, và giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc của mình để ta không làm những việc đáng tiếc.

Cuối cùng là Hạch hạnh nhân, một cấu trúc nhỏ sâu bên trong não của chúng ta, đóng vai trò là trung tâm sợ hãi. Khu vực dưới vỏ não này nằm ngoài khả năng nhận thức hoặc kiểm soát có ý thức của chúng ta và nhiệm vụ chính của nó là tiếp nhận mọi thông tin đến—tất cả mọi thứ bạn nghe, thấy, chạm, ngửi và nếm—và trả lời một câu hỏi: “Đây có phải là một mối đe dọa hay không?” Nếu nó phát hiện ra một mối đe dọa nguy hiểm thì nó gây ra cảm giác sợ hãi trong chúng ta. Khi khu vực này được kích hoạt, chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, phản ứng lại, và đề cao cảnh giác.

Điều gì diễn ra trong một bộ não bị sang chấn tâm lý

Bộ não bị sang chấn trông khác biệt với bộ não không bị-sang chấn theo ba cách có thể dự đoán được:

1. Trung tâm Tư duy kém hoạt động.
2. Trung tâm Điều chỉnh Cảm xúc kém hoạt động.
3. Trung tâm Sợ hãi hoạt động quá mức.

Những điều đó chỉ ra rằng, một bộ não bị sang chấn thường “nặng ở đáy,” nghĩa là các hoạt động ở các khu vực bậc thấp, nguyên thủy hơn, bao gồm trung tâm sợ hãi, lại cao, trong khi những khu vực cao cấp hơn của não bộ (còn được gọi là những vùng vỏ não) lại kém hoạt động. Nói cách khác, nếu bạn bị sang chấn tâm lý thì bạn có thể thường xuyên bị căng thẳng, cảnh giác, sợ hãi và bực bội. Bạn cũng khó có được cảm giác an toàn, bình tĩnh, hoặc ngủ ngon. Tất cả những triệu chứng này đều là do hạch hạnh nhân hoạt động quá mức.

Đồng thời, những người bị sang chấn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý và thường cho biết rằng họ không thể suy nghĩ một cách rõ ràng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, điều này là do Trung tâm tư duy kém hoạt động.

Cuối cùng, những người sống sót sau sang chấn đôi lúc hay than phiền rằng họ cảm thấy mất khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Ví dụ, nếu ai đó đùa cợt với họ thì tim của họ có thể vẫn còn đập nhanh rất lâu sau khi trò đùa chấm dứt, hoặc có thể gặp khó khăn trong việc “bỏ qua” những điều phiền toái nhỏ. Ngay cả khi họ muốn bình tĩnh lại và cảm thấy khá hơn, song họ không thể làm được. Điều này một phần lớn là do Trung tâm Điều chỉnh Cảm xúc bị suy yếu.

Những điều bạn nên làm

Ta cần nỗ lực, sự lặp đi lặp lại và thời gian để thay đổi bộ não. Món quà tốt nhất mà bạn có thể tặng cho bản thân để hướng tới mục tiêu này là trị liệu tâm lý. Nếu bạn đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc hành trình đó thì hãy tìm kiếm một nhà trị liệu tâm lý chuyên về sang chấn và PTSD, và người sử dụng các phương pháp dựa trên bằng chứng làm thay đổi não bộ bằng cách làm việc với cả cơ thể và tâm trí.

Ngoài ra, hãy xem xét bổ sung thêm một kỹ thuật dựa trên-cơ thể hoặc dựa trên-chánh niệm vào thói quen hằng ngày của bạn, giúp bắt đầu làm cho Trung tâm Sợ hãi ngừng hoạt động. Đây là bước quan trọng đầu tiên để chữa lành, vì khi chúng ta có thể làm dịu Trung tâm Sợ hãi thì chúng ta có thể bắt tay vào việc tăng cường và kích hoạt Trung tâm tư duy và Trung tâm Điều chỉnh cảm xúc. Ví dụ như hai bài tập thở bằng bụng và huấn luyện tự sinh (autogenic training). Khuyến khích luyện tập các kỹ thuật này hoặc các kỹ thuật tương tự, trong khoảng thời gian ngắn, nhiều lần mỗi ngày. Hãy nhớ, muốn tiến bộ thì phải luyện tập.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM

Tags: ,