Kintsugi – nghệ thuật hàn gắn ‘vết nứt cuộc đời’ của người Nhật

Không có gì thực sự bị phá vỡ – đó là triết lý đằng sau nghệ thuật Kintsugi của Nhật Bản – một nghề thủ công hàn gắn đồ gốm bị vỡ bằng cách sử dụng các đường nối từ vàng tuyệt hảo. Mặc dù chúng ta thường có xu hướng không muốn gặp lại hay nhìn lại những tổn thương, nỗi đau mà chúng ta đã trải qua, mhưng nếu can đảm đối mặt với những “vết nứt cuộc đời” đó, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng qua nó chúng ta đã trở nên trưởng thành hơn, hoàn hảo hơn và xinh đẹp hơn.

Kintsugi – nghệ thuật hàn gắn ‘vết nứt cuộc đời’ của người Nhật

Xuất hiện từ thế kỷ 15, Kintsugi là một loại hình nghệ thuật cổ xưa mang ý nghĩa biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng, thể hiện triết lý sống hướng con người trân trọng những sai lầm và những điều không hoàn hảo trong cuộc sống.

Trong tiếng Nhật, từ Kintsugi có nghĩa là “hàn gắn vàng”, ám chỉ đồ gốm sứ bị vỡ sẽ được hàn lại bằng một đường sơn mài và kim loại quý, cụ thể là vàng, bạc, bạch kim. Nhìn vào nghệ thuật của Kintsugi, người ta có thể thấy ngay sức mạnh biến đổi của nó. Các mảnh vỡ của một chiếc bình sẽ được nối lại một cách điêu nghệ với viền vàng ánh sang trọng.

Mặc dù hình dạng ban đầu của chiếc bình đã bị biến mất mãi mãi, thông qua thuật giả kim của Kintsugi, bản chất vẻ đẹp của chiếc bình không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Kintsugi cũng mang một ý nghĩa triết học sâu sắc về việc tập trung vào vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc sống.

Là một nhà cố vấn trong suốt 20 năm, Nhà tâm lý học Tây Ban Nha Tomas Navarro chứng kiến quá nhiều người cảm thấy “vỡ vụn” sau mỗi lần tổn thương, sốc tâm lý. Ông quan niệm Kintsugi giúp con người chữa lành những tổn thương tâm lý, làm lại cuộc đời và ngày càng mạnh mẽ. Đây cũng là nguồn cảm hứng khiến ông viết cuốn “Kintsugi – Nắm bắt những điều không hoàn hảo của bạn và tìm kiếm hạnh phúc theo cách của người Nhật Bản”với thông điệp mọi người hãy áp dụng triết lý của nghệ thuật Kintsugi trong cuộc sống hàng ngày.

Nghệ thuật Kintsugi cũng mang trong mình một triết lý phương Đông pha lẫn phương Tây: Nếu vẻ đẹp đáng kinh ngạc như vậy có thể xuất hiện từ các mảnh vỡ của chiếc bình, thì một sự biến đổi tương tự cũng có thể xảy ra với chính con người chúng ta.

Mỗi vết nứt là một câu chuyện khác nhau. Những món đồ gốm càng đẹp và đáng quý hơn chính bởi những mảnh vỡ được gắn lại. Những món đồ vỡ sau khi được ghép lại không những bền hơn mà còn đẹp hơn ban đầu và trở thành một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, là biểu tượng của sự mong manh, sức mạnh và cái đẹp. Những đường rãnh không phải là thứ cần phải giấu đi, giá trị nghệ thuật của món đồ không hề giảm khi mang trên mình những vết vá đó.

Kintsugi thường có 3 phương pháp. Phương pháp đầu tiên là phương pháp phục hồi. Đây là phương pháp cơ bản nhất, bằng cách dùng hỗn hợp có thành phần chính là vàng để nối lại những mảnh vỡ.

Phương pháp thứ hai là thay thế, đây là phương pháp dùng khi sản phẩm gốm sứ bị thiếu đi một miếng. Lúc này, nghệ nhân sẽ dùng “nhựa” vàng hoặc hợp chất vàng để hoàn thiện lại.

Và phương pháp cuối cùng là phương pháp ghép lai, là việc dùng những mảnh vỡ có cùng chất liệu nhưng hoa văn lại khác với sản phẩm gốm sứ. Đây là phương pháp khó nhất bởi nó đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mẩn của người nghệ nhân vì phải lựa chọn những mảnh vỡ phù hợp và tương đồng, không chỉ về màu sắc mà còn cả bố cục, họa tiết.

Nghệ thuật Kintsugi cho chúng ta thấy rằng chẳng có ai là hoàn hảo trên cuộc đời này, nhưng những vết sẹo cuộc đời có thể khiến chúng ta tỏa sáng như những chiếc bát được hàn gắn lại từ bột vàng.

Theo ANTV.GOV.VN

Tags: , ,