Kinh tế học đổi mới – học thuyết chi phối chính sách khoa học – công nghệ thế kỷ 21

Vai trò của khoa học – công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế đã được phản ánh qua quá trình tiến hóa của các học thuyết kinh tế chi phối chính sách kinh tế, chính sách khoa học – công nghệ ở những nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa kỳ nửa cuối thế kỷ 20.

Kinh tế học đổi mới – học thuyết chi phối chính sách khoa học – công nghệ thế kỷ 21

Đó là sự nổi lên của các học thuyết Kinh tế học tân cổ điển, Kinh tế học Keynes mới và gần đây nhất là sự xuất hiện của Kinh tế học đổi mới (Innovation Economics).

Bài viết này điểm lại những đặc điểm chủ yếu của các học thuyết kinh tế nêu trên đồng thời chỉ ra những kinh nghiệm cần lưu ý đối với Việt Nam trong việc vận dụng cách tiếp cận của Kinh tế học đổi mới để bổ sung cho các chính sách kinh tế vĩ mô đã và đang được thực thi ở nước ta những năm gần đây, mà về cơ bản vẫn mang “dáng dấp” các học thuyết kinh tế Tân cổ điển và Keynes mới và còn rất xa lạ cách tiếp cận của với Kinh tế học đổi mới.

1. Kinh tế học tân cổ điển

>> Đôi nét về kinh tế học tân cổ điển
.

Học thuyết Kinh tế học tân cổ điển (Neo-Classical), bao gồm cả Tân cổ điển bảo thủ (Conservative) và Tân cổ điển tự do (Liberal) quan niệm động lực cho tăng trưởng kinh tế là vốn và lao động. Thị trường như một “bàn tay vô hình” thông qua cân bằng cung cầu đứng ra điều tiết và quyết định việc xã hội sử dụng các nguồn vốn và lao động khan hiếm để sản xuất và phân phối sản phẩm cho các đối tượng khác nhau. khoa học – công nghệ được quan niệm chỉ là yếu tố ngoại sinh, nằm bên ngoài quá trình sản xuất, không phải là biến số chính, trực tiếp tạo ra tăng trưởng kinh tế như vốn đầu tư và lao động.

“Mỗi học thuyết kinh tế đều có “kinh thánh” của nó. Và kinh thánh của Kinh tế học tân cổ điển là tác phẩm kinh điển của Adam Smith viết năm 1776 nhan đề Một khảo cứu về Tự nhiên và nguồn gốc của tài sản quốc gia. Mặc dù Kinh tế học tân cổ điển, học thuyết kinh tế vẫn còn đeo bám các nhà kinh tế ở Washington cho đến tận hôm nay, đã đổi mới rất nhiều kể từ khi Adam Smith viết quyển sách đó, nhưng cả hai trường phái bảo thủ và tự do của học thuyết này về cơ bản vẫn dựa trên các quan điểm, nguyên tắc mà Adam Smith đã vạch ra” [1, p.4]

Học thuyết kinh tế học tân cổ điển mà Adam Smith đặt nên tảng được dựa trên năm nguyên tắc chủ yếu sau:

Thứ nhất, tích lũy vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính nhờ công trình xác lập mối liên hệ trực tiếp, vai trò của vốn và lao động đối với tăng trưởng kinh tế mà nhà kinh tế học của MIT, Robert Solow đã nhận được giải thưởng Nobel. Trong hàm sản xuất của Solow, khoa học – công nghệ không phải là biến số nội sinh, mà thể hiện một cách ngoại sinh thông qua vai trò của tiến bộ kỹ thuật được cho là có đóng góp thông qua phần dư còn lại không thể giải thích được bằng các yếu tố vốn và lao động. Xuất phát từ quan niệm về vai trò động lực tăng trưởng của yếu tố vốn đầu tư, các chính sách kinh tế tân cổ điển đều tập trung cho mục tiêu tiết kiệm chi tiêu cá nhân và chi tiêu công để tạo điều kiện tăng vốn đầu tư. Vốn đầu tư vào cơ sở vật chất và đôi khi đầu tư cho con người được tin là yếu tố duy nhất quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế học tân cổ điển nói chung “từ chối, hoặc giảm thiểu tối đa vai trò của công nghệ, thậm chí không tin vào vai trò của tiến bộ công nghệ” [1,p.5]. Hoạt động nghiên cứu và phát triển về cơ bản không phải là đối tượng chính của chính sách vì được coi là yếu tố ngoại sinh nằm bên ngoài cỗ máy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế đạt được là nhờ tối đa hóa hiệu quả phân bổ nguồn lực. Vốn đầu tư, lao động, hàng hóa và dịch vụ được phân bổ và tiêu dùng theo giá cả thị trường sẽ có tổng lợi ích mang lại là lớn nhất khi không có các quy định, các chính sách kinh tế làm sai lệch, làm méo mó giá cả như là tín hiệu thị trường đưa ra. Các chính sách điều chỉnh về thuế khóa, chi tiêu công hay chính sách khoa học – công nghệ không phản ánh trung thực giá cả thị trường, không bảo đảm hiệu quả phân bổ nguồn lực được quan niệm là cản trở tăng trưởng.

Thứ ba, tâm điểm của nền kinh tế là thị trường và giá cả. Các nhà kinh tế học tân cổ điển có niềm tin gần như tuyệt đối vào vai trò của giá cả và thị trường tự nhiên dẫn dắt nền kinh tế đạt được hiệu quả tối ưu như trong toán học và lý tưởng về xã hội mà không cần đến các chính sách can thiệp của nhà nước. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao các mô hình toán học thường hay được sử dụng trong các phân tích kinh tế học kiểu tân cổ điển. Văn hóa, tâm lý xã hội, khoa học – công nghệ và đặc biệt là các thiết chế (bao gồm cả tổ chức và chính sách) không thể thay thế được thị trường và giá cả trong điều tiết nhịp độ và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, nền kinh tế có xu hướng cân bằng.Theo nguyên tắc này, trạng thái cân bằng trong nền kinh tế là khuôn khổ chung cho các biến đổi về cơ cấu và được cho là kết cục tất yếu của các quan hệ cung cầu, của các hành vi sản xuất, phân phối và tiêu dùng dựa trên giá cả thị trường của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vai trò của các chính sách kinh tế là làm sao loại bỏ hoặc giảm thiểu các cản trở nền kinh tế đạt tới trạng thái cân bằng, đảm bảo cho giá cả phản ánh đúng giá thành sản xuất. Trên quan điểm này, các chính sách sử dụng vốn và lao động đầu tư cho các dự án không mang lại hiệu quả kinh tế trong một không gian, thời gian nhất định được cho là làm nền kinh tế mất cân bằng, ảnh hưởng đến cân đối kinh tế vĩ mô (trong đó có đầu tư cho khoa học – công nghệ) và được cho là không có lý do để được ưu tiên thực hiện.

Thứ năm, các cá nhân và công ty có thể tối đa hóa lợi nhuận và phản ứng được với các kích thích kinh tế một cách hợp lý. Theoquan điểm của Kinh tế học tân cổ điển, các cá nhân và công ty trong khi theo đuổi lợi ích của riêng mình thì cũng đồng thời do sự dẫn dắt của “bàn tay vô hình” làm thỏa mãn những lợi ích công. Sở dĩ như vậy là do “con người thay đổi hành vi của họ khi các khuyến khích thay đổi, đặc biệt là thuế”. Một trong những công cụ đắc lực của chính sách kinh tế tân cổ điển tiếp cận từ phía cung là giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế đánh vào tiết kiệm và thuế đầu tư đánh vào tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội.

2. Học thuyết kinh tế Keynes mới

Kinh tế học Keynes ra đời trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế thế giới đầu những năm 30 thế kỷ 20 với tác phẩm kinh điển của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes Lý thuyết tổng quát về việc làm, lợi tức và tiền tệ xuất bản năm 1936. Khác với Kinh tế học tân cổ điển, Kinh tế học Keynes nhấn mạnh vai trò can thiệp, điều chỉnh kinh tế của các chính phủ thông qua tăng chi tiêu công để kích thích nhu cầu kinh tế và chính sách bảo đảm việc làm đầy đủ cho công nhân nhằm khắc phục những khuyết tật của thị trường trong Kinh tế học tân cổ điển và tăng cường quản lý để duy trì các chu kỳ kinh doanh.

“Kinh tế học Keynes được chấp nhận và sử dụng rộng rãi sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là học thuyết kinh tế phổ biến ở Mỹ cho đến những năm 1970…Khi khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1970 xảy ra phái bảo thủ muốn thay thế tư duy kinh tế của Keynes bằng học thuyết kinh tế Tân cổ điển, nhiều người thuộc phe tự do lại vẫn muốn duy trì học thuyết kinh tế của Keynes. ..Một nhóm lớn các nhà kinh tế tự do tiếp tục dựa trên các tư tưởng của Keynes để thích ứng với điều kiện kinh tế mới..” [1,p.10]

Học thuyết kinh tế Keynes được cải biến cho phù hợp với bối cảnh kinh tế những năm 1970 sau khủng hoảng kinh tế thế giới được gọi là Học thuyết Keynes mới thịnh hành ở Mỹ cho đến ngày nay mà đại diện tiêu biểu là Viện Chính sách kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế, Viện Kinh tế Levy, Trung tâm tiến bộ Mỹ,.. Kinh tế học Keynes mới dựa trên 3 nguyên tắc chủ yếu:

Thứ nhất, nhu cầu là động lực tăng trưởng kinh tế. Học thuyết kinh tế Keynes mới cho rằng chính nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tổng các nhu cầu này tăng lên, đặc biệt là tăng chi tiêu công của chính phủ sẽ là một kích thích kinh tế gia tăng đầu tư xã hội. Để thúc đẩy tăng trưởng Chính phủ cần chủ động tăng chi tiêu công, tăng lương cho người lao động để họ có thêm thu nhập, kích thích tiêu dùng nhiều hơn tạo ra thu nhập lớn hơn cho nền kinh tế.

Thứ hai, phân phối công bằng của cải có vai trò trọng yếu trong tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các nhà kinh tế học Keynes mới cho rằng có rất ít khả năng và rất ít điều Chính phủ có thể làm được để tăng năng suất, thành thử việc phân phối của cải một cách công bằng trở nên quan trọng. Chính sách cắt giảm thuế cho tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội để họ có thể chi tiêu nhiều hơn còn quan trọng hơn và có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn là đưa ra các chính sách thuế có lợi cho đổi mới công nghệ hoặc cấp tín dụng ưu đãi cho hoạt động R&D.

Thứ ba, quản lý chu kỳ kinh doanh ngắn hạn là mục đích trước tiên. Thay vì chú trọng các mục tiêu dài hạn, học thuyết kinh tế học Keynes mới chủ trương duy trì cân bằng kinh tế ngắn hạn miễn sao nền kinh tế không rơi vào khủng hoảng, cho dù chỉ là trong một vài năm trước mắt. Đây là ưu tiên hàng đầu của các chính sách kinh tế kiểu Keynes mới. Tư duy kinh tế ngắn hạn này không khuyến khích và dành ưu tiên cao cho các đầu tư chỉ phát huy tác dụng trong dài hạn như đổi mới công nghệ, giáo dục đào tạo.

3. Kinh tế học đổi mới

“Nếu Adam Smith là vị thánh của Kinh tế học tân cổ điển và Keynes là của Kinh tế học Keynes mới thì Joseph Schumpeter chính là cha đẻ của Kinh tế học đổi mới. Kinh thánh của Kinh tế học đổi mới phải là tác phẩm kinh điển ông viết năm 1942 nhan đề: Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Nền dân chủ“[1, p.12]

Đối với J.Schumpeter, không chỉ vốn và lao động, hay chi tiêu chính phủ mà cụ thể hơn chính các thiết chế tổ chức, các nhà kinh doanh và đổi mới công nghệ mới chính là trái tim của nền kinh tế và là động lực cho tăng trưởng. Ông lý giải nguồn gốc của cải mà chủ nghĩa tư bản tạo ra như sau:

“Điểm thiết yếu cần nắm vững là khi đề cập đến chủ nghĩa tư bản là chúng ta tiếp cận một quá trình tiến hóa…Cái xung lực cơ bản thiết lập và bảo đảm cho cỗ máy của chủ nghĩa tư bản vận hành được là do sự xuất hiện của những hàng hóa mới, phương pháp sản xuất mới, phương tiện vận tải mới, những thị trường mới và những hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp mới mà các xí nghiệp tư bản tạo ra” [1, p.14]

Chính do sự thống trị của Kinh tế học Keynes trong suốt hơn 40 năm vừa qua mà quan điểm của Kinh tế học đổi mới chưa bao giờ thực sự được đề cao cho đến những năm gần đây. Và thật sự thì “chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây, lý thuyết và mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới bắt nguồn từ lý thuyết của Schumpeter mới xuất hiện” [1, p.12]. “Học thuyết kinh tế mới này được biết đến với tên gọi “Kinh tế học đổi mới” hoặc một số tên gọi khác như: “Kinh tế học thể chế mới”, “Kinh tế học tăng trưởng mới”, “Lý thuyết tăng trưởng nội sinh”, “Kinh tế học tiến hóa” và “Kinh tế học Schumpeter mới” đã cung cấp một khuôn khổ lý thuyết giúp lý giải và thực hiện các chính sách thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nền kinh tế dựa trên tri thức hôm nay [1, p.14; 2, p.19]. Có 6 nguyên tắc cơ bản cấu thành nên Kinh tế học đổi mới.

Thứ nhất, đổi mới là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế học đổi mới không giống với Học thuyết kinh tế tân cổ điển và Kinh tế học Keynes mới thịnh hành tại Hoa Kỳ cho đến những năn gần đây vốn coi tri thức và công nghệ là những quá trình xảy ra bên ngoài hoạt động kinh tế. Động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế tri thức hôm nay,theo quan niệm của Kinh tế học đổi mới không phải là tích lũy vốn như Kinh tế học tân cổ điển quan niệm mà là đổi mới.

“Những thay đổi chủ yếu trong nền kinh tế Hoa Kỳ 15 năm qua đã diễn ra không phải bởi vì nền kinh tế tích lũy nhiều vốn hơn để đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy thép lớn hơn, nhà máy sản xuất xe hơi lớn hơn mà nó đã diễn ra nhờ vào hoạt động đổi mới. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và triển khai áp dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi trong toàn bộ nền kinh tế. Và mặc dù cần phải có vốn thì mới có những công nghệ này nhưng vốn đầu tư không phải là động lực mà chỉ là một thứ hàng hóa ngắn hạn” [1, p.14].

Hàng loạt các nghiên cứu kinh tế trong thời gian qua từ William Baumol, Brad Delong đến Richard Nelson đều đã chứng minh rằng “các biến số tân cổ điển (trong hàm sản xuất truyền thống – ám chỉ vốn và lao động) không giải thích được sự khác biệt về năng suất giữa các hãng”. Robert Hall và Charles Jones nghiên cứu 127 nước và đã phát hiện ra một số nước đã phát triển nhanh hơn: “Năm 1998, sản lượng một công nhân làm ra tại 5 nước có năng suất cao nhất lớn gấp 31,7 lần sản lượng một công nhân làm ra tại 5 nước có năng suất thấp nhất” và nguyên nhân của sự chênh lệch này “ xuất phát tương đối ít” từ những khác biệt về vốn vật chất và vốn con người”. Klenow và Rodriguez-Clare cũng phát hiện ra rằng: “hơn 90% của chênh lệch về mức tăng trưởng thu nhập một công nhân tạo ra bị quyết định bởi cách thức sử dụng vốn, trong khi khác biệt về vốn tài chính và vốn con người chỉ quyết định có 9%” [1, p.15]. Như vậy cách thức sử dụng vốn, phân bổ theo thời gian (ngắn hạn, dài hạn) và không gian (trong nước và ngoài nước), hình thái vốn (vốn thiết bị hay công nghệ, hay vốn con người) và tổ chức sử dụng vốn (các loại quỹ, chính sách tài trợ) thông qua các đổi mới về thiết chế chính sách mới là động lực tạo nên những khác biệt về tăng trưởng và năng suất giữa các quốc gia và các nền kinh tế.

Thứ hai, động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế là các hiệu quả sản xuất và hiệu quả thích nghi. Nếu như Kinh tế học tân cổ điển tập trung nghiên cứu tạo ra hiệu quả phân phân bổ nguồn lực theo đó “các xã hội sử dụng các tài nguyên khan hiếm như thế nào để sản xuất ra các hàng hóa có giá trị và phân phối chúng cho các cá nhân khác nhau trong xã hội” thì Kinh tế học đổi mới lại chủ yếu tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua việc “nghiên cứu các xã hội đã tạo ra những hình thái sản xuất mới, các sản phẩm mới và mô hình kinh doanh mới như thế nào để mở mang thêm của cải và nâng cao chất lượng cuộc sống” [1, p.15]. Theo quan điểm của Kinh tế học đổi mới, nếu các chính sách khuyến khích đổi mới của chính phủ có làm sai lệch tín hiệu giá cả thị trường và có trước mắt gây một tổn thất nào đó cho nền kinh tế thì cũng chấp nhận được vì hiệu quả phân phối không phải là yếu tố chủ yếu chi phối tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế dựa trên tri thức của Thế kỷ 21.

Hiệu quả thích nghi là một khái niệm quan trọng trong Kinh tế học đổi mới. Đó là khả năng của một nền kinh tế và một thể chế có thể tự đổi mới tùy theo thời gian thông qua áp dụng, đổi mới công nghệ để thích ứng với tình hình mới. Đó là các quy tắc quyết định một nền kinh tế tiến hóa theo thời gian, là mong muốn của cả một xã hội tìm kiếm tri thức mới, dám chịu rủi ro để tiến hành những đổi mới sáng tạo vượt lên trên các quy tắc cân bằng của kinh tế học tân cổ điển và tầm nhìn ngắn hạn của học thuyết Keynes mới. Đó cũng là các cấu trúc tổ chức mang tính đổi mới và sáng tạo giúp cho một xã hội tìm ra hình thái tồn tại phù hợp với những biến đổi của tình hình bên ngoài. Không phải chủ yếu là cách thức các cá nhân và doanh nghiệp một mình phản ứng với các tín hiệu giá cả thị trường mà quan trọng hơn là cách thức các doanh nghiệp và cá nhân tương tác với nhau và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các cơ sở nghiên cứu mạnh, các mạng lưới liên kết công-tư, các tiêu chuẩn chung sẽ quyết định hiệu quả sản xuất và phân phối trong xã hội thay vì chỉ có thị trường và giá cả.

Thứ ba, các thiết chế (tổ chức và chính sách) tìm kiếm và phổ biến tri thức là chìa khóa cho tăng trưởng. Thị trường và giá cả là yếu tố trung tâm trong hệ thống kinh tế theo quan điểm tân cổ điển. Những yếu tố này quy định và hướng dẫn các doanh nghiệp và người tiêu dùng hành động theo quy luật cung cầu qua đó tối đa hóa lợi nhuận để đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế. Trong quan điểm của Kinh tế học đổi mới, không có thị trường hoàn hảo, không có giá cả thị trường thuần túy duy nhất quyết định hành vi của các tác nhân kinh tế. Tri thức mới, công nghệ mới, luật pháp, các hình thức tổ chức, chính sách mới, văn hóa, chuẩn mực và các mạng lưới liên kết cùng với các lực lượng thị trường tham gia quyết định hiệu quả của một nền kinh tế. Thành thử, không chỉ phản ứng theo tín hiệu thị trường, các tác nhân kinh tế còn phải tìm kiếm và áp dụng tri thức mới, công nghệ mới, thích nghi với các văn hóa, thị hiếu tiêu dùng và chuẩn mực xã hội khác nhau thì mới có thể tồn tại và tạo ra các giá trị mới đóng góp cho tăng trưởng.

Thứ tư, nền kinh tế dựa trên tri thức có xu hướng biến động hơn là đi đến cân bằng. Cân bằng kinh tế, theo quan điểm của Kinh tế học đổi mới chỉ có trong một số thị trường và ở vào những thời điểm nhất định. Do vậy, duy trì trạng thái cân bằng và cân đối kinh tế vĩ mô không phải là mục tiêu tối thượng trong Kinh tế học đổi mới. Trái lại, học thuyết kinh tế này chấp nhận và khuyến khích tạo ra các “trạng thái phá hủy mang tính chất sáng tạo” (nói như J.Schumpeter về “Creative distruction”), các mất cân đối tạm thời, ngắn hạn thông qua các đột phá công nghệ mới, hình thức tổ chức mới, cấu trúc kinh tế mới, mạng lưới liên kết kiểu mới vừa cạnh tranh vừa hợp tác trong xã hội đẻ hướng tới các hiệu quả dài hạn.

Thứ năm, các cá nhân và doanh nghiệp không thể tối đa hóa lợi nhuận một cách hợp lý theo cung cầu thị trường. Nền kinh tế dựa trên tri thức theo quan niệm của Kinh tế học đổi mới luôn luôn bất định. Rất khó, thậm chí các cá nhân và doanh nghiệp không thể đưa ra các quyết định tối ưu trong điều kiện bất định mà chỉ dựa vào các tín hiệu do giá cả thị trường phát ra. Lại càng không có sự chắc chắn đảm bảo cho các cá nhân và công ty trong khi theo đuổi những lợi ích riêng cũng đồng thời bảo đảm lợi ích công. Sự gia tăng của giá cả năng lượng và những ngoại ứng tiêu cực (negative externalities) về môi trường ngày càng khác xa với những phản ánh của giá cả trên thị trường, làm cho giá cả thị trường không thể và không còn là tín hiệu đúng hoặc duy nhất đúng làm cơ sở cho hoạch định chính sách. Cũng cần phải thấy rằng, xét về các ngoại ứng tích cực (positive externalities) không thể tính hết những đóng góp mà mạng internet toàn cầu đã mang lại cho tăng trưởng và phát triển thế giới thập kỷ qua và trong tương lai nếu chỉ dựa vào giá cả thị trường.

4. So sánh các học thuyết kinh tế học Tân cổ điển, Keynes mới và Kinh tế học đổi mới

Có thể thấy, cho dù là dựa vào vai trò của thị trường hay của các chính phủ thì cả Kinh tế học Tân cổ điển hay Kinh tế học Keynes mới đều chủ yếu quan tâm đến các cân bằng thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô. Khi thì áp dụng các hình thức can thiệp về chính sách tiền tệ, khi thì sử dụng chính sách tài khóa để cân bằng kinh tế vĩ mô, cân bằng cung cầu thị trường, khi thì từ phía cung, khi thì phía cầu. Những định đề đã ngự trị từ lâu về vai trò của thị trường, các cân bằng kinh tế vĩ mô và cân bằng cung cầu trong hai học thuyết kinh tế này một mặt dẫn đến hệ quả là không tính đến vai trò của đổi mới tri thức và công nghệ đã đóng góp trong tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến giữa những năm 1970. Mặt khác, những định đề đã trở thành giáo điều này cũng làm chậm trễ việc tạo điều kiện về thiết chế, chính sách để tích hợp và tập trung khai thác các giá trị mới tạo ra bởi sáng tạo và phổ biến tri thức khoa học, công nghệ trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Khủng hoảng tài chính, tiền tệ và kinh tế thế giới những năm1997-1998 và 2008 gần đây cho thấy vấn đề không phải là ở các định đề của Kinh tế học tân cổ điển về vai trò của thị trường bị vi phạm mà là các định chế, các thiết chế tài chính quốc tế và quốc gia đã trở nên xơ cứng chậm đổi mới không thích nghi được với bối cảnh mới. Theo các tác giả của [1], kinh nghiệm ở Hoa Kỳ cho thấy:

“ Bước vào Thế kỷ 21,…trong khi nền kinh tế Mỹ đã thay đổi, chuyển hóa về bản chất do công nghệ, toàn cầu hóa và mô hình kinh doanh mới, các học thuyết dẫn đường cho hoạch định chính sách không theo kịp mà vẫn đóng khung trong khuôn khổ các khái niệm, mô hình và lý thuyết trong Thế kỷ 20” [1, p.1].

Bảng 1. So sánh ba học thuyết kinh tế phổ biến tại Hoa Kỳ và Học thuyết kinh tế học đổi mới (Nguồn: trích trong [1])

Học thuyết kinh tế tân cổ điển
Nhân tố Tân cổ điển bảo thủ(Tiếp cận phía cung)

 

Tân cổ điển tự do(Tiếp cận Rubinomics) Học thuyết kinh tếhọc Keynes mới Học thuyết kinh tếhọc đổi mới
Khu vực tạo ratăng trưởng kinh tế Từ phía cung (các cánhân và tổ chức) Từ phía cung (các cánhân và tổ chức)

 

Từ phía cầu Từ phía cung (các tổchức, doanh nhân

và chủ thể tiêu dùng)

Nguồn gốc tạo ratăng trưởng kinh tế Tích lũy vốn Tích lũy vốn Chi tiêu Năng suất và đổi mới
Đối tượng chủ yếucủa chính sách Người tiêu dùng Người tiêu dùng Người công nhân Tất cả mọi cư dân
Mục tiêu chủ yếucủa chính sách kinh tế

 

Tăng trưởng và quản lýcác chu kỳ kinh doanh Hiệu quả và quản lýcác chu kỳ kinh doanh Sự công bằng và quản lýcác chu kỳ kinh doanh Tăng trưởng và đổi mới
Quá trình kinh tếthen chốt Đạt hiệu quảphân bổ nguồn lực

 

Đạt hiệu quảphân bổ nguồn lực Nhu cầu người tiêudùng và việc làm Hiệu quả sản xuấtvà hiệu quả thích nghi
Phương tiện chủ yếu Thuế thấp và giảmđiều chỉnh Kỷ luật tài khóa, điềuchỉnh chính sách kinh tế Chi tiêu công, thuế lũytiến, điều chỉnh

mạnh hơn

Thuế, chi tiêu và các chínhsách điều chỉnh thúc

đẩy đổi mới, nâng cao kỹ

năng, đầu tư thiết bị mới,

cạnh tranh và kinh doanh

Lý thuyết thương mại Thị trường tự do nângcao hiệu quả phân bổ

nguồn lực và phúc lợi

người tiêu dùng

Thị trường tự do nângcao hiệu quả phân bổ

nguồn lực và phúc lợi

người tiêu dùng, nhưng

chính sách của chính

phủ phải bù đắp cho

những thiệt hai do

thương mại gây ra

Thương mại có thể gâyhại cho tầng lớp công

nhân và giảm nhu cầu

người tiêu dùng

Thương mại có thể manglại hiệu quả, cơ bản phải

thông qua cạnh tranh

và tiếp thu công nghệ

nhưng để hiệu quả nhất

các chính sách chống lại

các lệch lạc mang tính

đầu cơ để thúc đẩy

đổi mới trong nước

Tổ chức của Chính phủ Rất nhỏ gọn Tập trung vào nhữngchức năng cơ bản Chính phủ lớn và mạnh Cải tổ lại chính phủ,dựa nhiều hơn vào xã hội

dân sự và hợp tác công tư

Quỹ đạo hoạt động Thị trường các loại Thị trường các loại Các thiết chếvà tổ chức Các thiết chếvà tổ chức

Về bản chất, đó là các học thuyết coi nhẹ vai trò của đổi mới và công nghệ trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do vậy, đổi mới các thiết chế tài chính quốc gia và quốc tế cho đồng bộ với kiểu chu kỳ kinh doanh mới dựa trên tri thức và công nghệ với sự đa dạng có ngắn hạn, có trung hạn và có dài hạn hiện đang là đòi hỏi bức thiết mà Kinh tế học đổi mới có thể cung cấp các giải pháp thích hợp.

Một khía cạnh khác rất đáng lưu ý khi so sánh các học thuyết kinh tế nêu trên là sự khác biệt về tầm nhìn về thời gian, không gian tương tác và liên kết của các tác nhân kinh tế. Trong khi các học thuyết kinh tế học tân cổ điển và Keynes chú trọng vai trò của hoặc thị trường hoặc nhà nước, hoặc người tiêu dùng, hoặc người công nhân thì Kinh tế học đổi mới coi trọng cả vai trò của nhà nước và thị trường, tính đến vai trò của cả người tiêu dùng, người công nhân, các tổ chức phi chính phủ và tất cả các cư dân tham gia vào các hoạt động đổi mới. Việc chú trọng kết hợp giữa các chu kỳ gắn hạn, trung hạn và dài hạn trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, giữa nhà nước, thị trường và xã hội dân sự đã tạo ra khuôn khổ rộng lớn hơn, không gian rộng lớn hơn cho tạo lập các hiệu ứng hợp trội trong hiệu quả sản xuất và hiệu qủa thích nghi với những biến của môi trường bên ngoài.

5. Bài học kinh nghiệm gợi suy cho Việt Nam

Nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm hoạch định chính sách kinh tế tại Hoa Kỳ và một số nước phát triển trong thập kỷ gần đây đã cho thấy xu thế bất cập của Kinh tế học tân cổ điển và Kinh tế học Keynes mới trong giải thích nguyên nhân tăng trưởng và tạo lập khuôn khổ chính sách đổi mới phù hợp với bối cảnh nền kinh tế dựa trên tri thức trong Thế kỷ 21.

Các thảo luận gần đây tại Hoa Kỳ và một số nước phát triển khác liên quan đến lựa chọn các học thuyết kinh tế phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển sang kinh tế dựa trên tri thức khoa học – công nghệ để thích nghi với mức độ bất định ngày càng tăng trong Thế kỷ 21 cho thấy sớm hay muộn Học thuyết kinh tế học đổi mới với những quan điểm, cách tiếp cận hiện đại và phù hợp sẽ (thực tế đã và đang) chi phối Hệ thống đổi mới toàn cầu và dần dần trở thành chuẩn mực chung cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới trong những thập kỷ tới.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Các chính sách kinh tế vĩ mô gần đây được cho là đã đi đúng hướng, giúp nền kinh tế giành được những thành tựu nhất định về tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, các thành tựu đạt được là chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp. Có thể nhận định là mô hình và chính sách kinh tế áp dụng những năm gần đây ở Việt Nam chủ yếu dựa quá nhiều vào thâm dụng vốn đầu tư kiểu Tân cổ điển hoặc các biện pháp kích cầu kiểu Keynes. Tri thức khoa học, công nghệ và các nguồn lực kiểu đổi mới khác như năng lực thích nghi về tổ chức, quản lý, thiết chế chính sách thúc đẩy các loại liên kết trong hệ thống đổi mới, như liên kết giữa tri thức khoa học – công nghệ và sản xuất, liên kết giữa các thiết chế, chính sách, liên kết hợp tác công tư, liên kết giữa các vùng theo quan niệm của Kinh tế học đổi mới chưa được quan tâm đầu tư và khai thác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao ban đầu thời gian qua đang có xu hướng chậm lại và điều quan trọng là chỉ số đổi mới của Việt Nam vẫn ở thứ hạng rất thấp ( năm 2009 xếp hạng 78 trong số 110 nước trên thế giới, dưới cả Philippin xếp hạng 54) [3, p.14].

Để có một tương lai phát triển bền vững và một nền kinh tế có năng lực đổi mới, sáng tạo cao khả dĩ có thể đưa Việt Nam tham gia và leo lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam rõ ràng cần nhanh chóng chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế kinh tế theo chiều sâu, sử dụng nhiều hơn tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới để tạo ra các hợp lực phục vụ phát triển. Để có thể hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi đó, ít nhất về mặt lý thuyết, Học thuyết Kinh tế học đổi mới, bên cạnh Kinh tế học tân cổ điển và Kinh tế học keynes mới cần được nghiên cứu sâu hơn và đưa dần vào trong tư duy, cách tiếp cận và tạo lập khuôn khổ cho hoạch định chính sách đổi mớithay vì hoạch định riêng rẽ các chính sách kinh tế, tài chính, tài khóa, chính sách công nghiệp và chính sách khoa học – công nghệ như trong thực tế ở Việt Nam hiện nay.

———————————-

Tài liệu tham khảo

1. Robert D.Atkinson (2008), David B.Audretsch (2008); Economic Doctrines and Policy Differences: Has the Washington Policy Debate Been Asking the Wrong Questions?; The Information Technology & Innovation Foundation (ITIF).
2. Kevin Bryant (1999), Alison Wells (1999); A New Economic Paradigm? Innovation – Based Evolutionary Systems; Department of Industry, Science and Resources; Canberra ACT, Commonwealth Australia.
3. Carlos Aquirre B. (2011), SWOT Analysis of the Vietnamese STI System: Trends and Policy Recommendations, UNIDO, Vienna, 5-2011.
4. Nguyễn Mạnh Quân (2010), Xã hội hậu khoa học và những gợi suy cho Việt Nam, Tia Sáng, N.8/2010

Theo NGUYỄN MẠNH QUÂN / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,