‘Kiến trúc xanh’ – giải pháp kiến trúc vì sự phát triển bền vững

“Kiến trúc xanh” là kiến trúc thân thiện với môi trường và không gian sống của con người. Một công trình được gọi là “Kiến trúc xanh”, khi nó phải sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng; giảm thiểu tối đa chất thải, ô nhiễm và sự suy thoái của môi trường. “Kiến trúc xanh” còn được hiểu là “Kiến trúc sinh thái”.

‘Kiến trúc xanh’ vì sự phát triển bền vững

“Kiến trúc xanh”vì thế là một giải pháp, một xu hướng kiến trúc chẳng những của các nước đang phát triển mà các nước tiên tiến cũng đều hướng tới, bởi nó có khả năng giúp con người tiết kiệm năng lượng, gần gũi và gắn bó với thiên nhiên, kéo thiên nhiên xích lại gần để tận hưởng nó. Thực ra “kiến trúc xanh” đã được dân ta nghĩ ra từ xa xưa. Thể hiện rõ nhất là nhà vườn truyền thống và thú trồng và chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong nhà mình. Tổ chức không gian điển hình nhà ở Việt truyền thống gồm ngôi nhà cùng với sân, vườn, ao, một kiến trúc sinh thái đặc trưng của vùng quê Bắc Ninh. Ngôi nhà cao ráo, thiên nhiên vào nhà qua cái sân sạch sẽ và hàng hiên bao giờ cũng thoáng đãng quay ra hướng gió mát và nhìn ra cảnh đẹp. Vườn không chỉ là nơi cung cấp rau quả, nó còn là phương tiện điều tiết khí hậu trong khuôn viên nhà. Ao là một phát minh kỳ lạ về mặt sinh thái của văn minh cư trú Việt: đào ao lấy đất đắp nền, lấy nơi thả cá, thả bèo, tắm giặt, thoát nước mưa và làm mát không khí. Theo KTS. Hoàng Đạo Kính thì ngôi nhà Việt cổ truyền được giải quyết theo sơ đồ khép kín. Đầu vào và đầu ra cùng một nơi. Mọi chất thải đều tiêu tan tại chỗ ngay trên cánh đồng làng. Kiến trúc hầu hết có nguồn gốc hữu cơ. Vì thế thiên nhiên bị dùng cả ngàn vạn năm cũng ít bị suy chuyển. Mô hình nhà cổ truyền ấy đã đi vào dĩ vãng cách đây vài chục năm, không còn phù hợp với một nền kinh tế hội nhập như hiện nay.

Những năm gần đây, cùng với tốc độ gia tăng dân số, nhu cầu về nhà ở cũng rất cấp thiết, thì nhà ở lại chủ yếu lại là nhà hộp, nhà mặt phố với tiện nghi ngày một đầy đủ theo nhu cầu của con người. Các kiến trúc sư và chủ nhà đang lãng quên hoặc ít quan tâm tới những ưu việt của thiên nhiên. Trong khi ánh sáng tràn trề ở xứ nhiệt đới thì lại chỉ quen dùng ánh sáng điện, gió trời mát mẻ lại được thay bằng quạt điện hoặc máy điều hoà nhiệt độ…Có người gọi đó là hội chứng ”khách sạn 5 sao” trong nhà ở đô thị, nhờ cậy chủ yếu vào các phương tiện máy móc hao tổn điện năng để tạo nên độ dễ chịu cho con người.

Có một thực tế mà ai cũng nhận thấy đó là trong vài thập niên gần đây, cùng với khoa học, con người đã tận thu quá đáng và làm khánh kiệt các nguồn tài nguyên, làm mất cân bằng sinh thái. Chính sự gia tăng dân số, công nghiệp hoá và đô thị hoá là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng môi trường sống của con người. Cùng với sự biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi toàn cầu và ở nước ta với tần suất, mức độ tàn phá của lũ lụt, hạn hán gây ra ngày một nghiêm trọng hơn.

Sống giữa môi trường như vậy, căn nhà trở thành hạt nhân quá nhỏ bé lọt thỏm trong những đô thị ngày càng lớn mà bản thân con người không dễ chế ngự. Không còn cách nào khác, con người phải sống hài hoà với thiên nhiên, kể cả ngôi nhà mà con người đang sinh sống. Hãy tận hưởng thiên nhiên như một tài sản quý hiếm. Phải khéo léo khai thác và bảo tồn nó! Chúng ta xây dựng rất nhiều, nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ. Các khu đô thị mọc lên vì nhu cầu chỗ ở của người dân, nhưng lại không tạo ra được môi trường sống tốt, bởi thiếu không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, công viên. Chúng ta có nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích phát triển “kiến trúc xanh” một cách kêu gọi chung chung mà chưa có những chế tài cụ thể.

“Kiến trúc xanh” đem đến cái lợi lâu dài, bền vững cho con người, cho xã hội, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn. Ngôi nhà truyền thống có thể tiết kiệm năng lượng chỉ từ cách chọn vị trí đến hướng gió, hướng nắng thì hoàn toàn không tốn kém gì. Còn với công trình tiết kiệm năng lượng khác, giá thành xây dựng một m2 công trình “kiến trúc xanh” cao hơn nhiều so với xây dựng truyền thống. Thí dụ: Một bóng đèn tiết kiệm năng lượng đắt gấp 10-15 lần so với đèn dây tóc thông thường, gạch không nung đắt hơn 25% so với gạch nung truyền thống. Đó là chưa tính đến việc lắp kính hai lớp, hệ thống pin mặt trời… Rất nhiều chủ đầu tư đã từ chối thực hiện các dự án “kiến trúc xanh” do kiến trúc sư đưa ra. Tất cả chỉ vì vốn đầu tư và… lợi nhuận? Tuy nhiên nếu xét về mặt lâu dài thì kiến trúc xanh thực sự là giải pháp an toàn và tiết kiệm, vì trong quá trình vận hành, năng lượng toà nhà tiết kiệm được hoàn toàn có thể bù đắp chi phí bỏ ra ban đầu và sinh lợi. Vì thế rất cần một chủ đầu tư có trí tuệ, tầm nhìn và văn hóa!

Hiện nay, phần lớn nhà chúng ta đang ở đã sử dụng năng lượng rất lãng phí. Bởi nhà ở phố thường có xu hướng đua ra khoảng đất lưu không để tăng diện tích ở, trong khi phần mặt tiền nhà rất cần có những khoảng che chắn ánh nắng. Thực tế, nếu cửa sổ nhà xây thụt vào hoặc có được một tấm “ô văng” che nắng thì nhiệt độ phòng sẽ giảm xuống rất đáng kể. Một số biện pháp mà các kiến trúc sư thường dùng là tạo ra những khoảng không gian xanh hay đưa những yếu tố thiên nhiên vào chính ngôi nhà của mình. Tuỳ theo từng ý tưởng kiến trúc, sở thích của chủ nhân, người kiến trúc sư thiết kế có thể tạo ra những lô-gia, ban công, vườn treo trên sân thượng…đặt một số chậu hoa cây cảnh, hay đưa thảm cỏ, mặt nước vào bên trong và ngoài ngôi nhà, sử dụng thông gió tự nhiên, sử dụng năng lượng sạch, nước sạch để cung cấp cho người sống trong ngôi nhà một môi trường giầu ô xy. Những mảng tường đặc của bê tông, gạch đá được thiết kế theo dạng này đã có bóng dáng của cỏ cây hoa lá trông vừa hiện đại, vừa mềm hoá phố phường vốn dĩ đã chật chội và đông đúc.

“Kiến trúc xanh” không chỉ có tính thẩm mỹ trong nội, ngoại thất, mà còn mang lại những lợi ích từ môi trường sống cho con người. Thực tế “kiến trúc xanh” chỉ có thể mang tính khả thi khi các đô thị có khu dân cư được cải tạo, được quy hoạch xây dựng theo những quan điểm và bài bản của “kiến trúc xanh” (cộng sinh với thiên nhiên; giảm thiểu năng lượng; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên). Đương nhiên những ngôi nhà ở không thể nào cải thiện đáng kể các điều kiện tiện nghi khí hậu và tiện nghi sống trong một đô thị bị ô nhiễm, bị suy thoái về phương diện môi trường.

Cuối cùng, xin hãy nghe theo lời khuyên của Kahlib Gibran- nhà thơ Mỹ, gốc Lebanon: “Hãy đừng để ngôi nhà bạn là một cái neo, mà là một cánh buồm lộng gió. Đừng để nhà bạn ở là một nấm mồ uy nghi và lộng lẫy. Nó phải hướng ra bầu trời, cửa ra vào và cửa sổ là: Sương sớm, ánh nắng và bài ca của cõi im đêm!”.

Theo BÁO BẮC NINH

Tags: , ,