Kịch bản Mỹ đánh chiếm Canada bằng sức mạnh quân sự năm 1921

Thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới suýt đẩy Mỹ tới chỗ “Bắc tiến”, đưa quân đánh chiếm Canada.

Kịch bản Mỹ đánh chiếm Canada bằng sức mạnh quân sự

Việc kết thúc một cuộc chiến tranh nhiều khi vẫn chưa giải quyết được các vấn đề chủ chốt khiến cuộc xung đột đó nổ ra. Thực tế, nhiều cuộc chiến tranh không “kết thúc” theo nghĩa truyền thống. Chẳng hạn, Thế chiến 2 về thực chất kéo dài trong nhiều năm ở một số vùng của Tây Âu và vùng Thái Bình Dương.Thậm chí khi tiếng súng đã lắng xuống dọc theo Mặt trận phía Tây vào năm 1918, Mỹ và Anh đã bắt đầu tranh giành ảnh hưởng. Washington và London bất đồng sâu sắc về thực chất của các vụ dàn xếp ở châu Âu và châu Á, cũng như về việc hình thành thế cân bằng hải quân hậu chiến. Cuối năm 1920 và đầu năm 1921, căng thẳng giữa các nước gia tăng đến mức độ gây hoảng loạn thực sự ở Washington, London và đặc biệt là Ottawa.

Việc kiệt quệ sau chiến tranh cộng với Hiệp ước Hải quân Washington đã giúp làm cho các vấn đề căng thẳng này chìm xuống và đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác Anh-Mỹ trong thế kỷ 20. Nếu điều đó không xảy ra thì sẽ có hậu quả nào khác? Chuyện gì sẽ xảy đến nếu chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và Anh vào mùa xuân năm 1921?

“Giải phóng Canada”

Trong trường hợp có chiến tranh vào năm 1921, biên giới Mỹ-Canada sẽ là mặt trận trung tâm của cuộc chiến này.

Mặc dù Washington duy trì quan hệ tốt đẹp với Ottawa, kế hoạch tác chiến ở cả Mỹ và Anh sẽ tính đến một cuộc tiến công nhiều mũi vào nước láng giềng của Mỹ, nhằm nhanh chóng chiếm đất nước này trước khi lực lượng tăng viện của Anh (hoặc Nhật Bản) kịp đến.

Các tuyên bố trung lập của Canada sẽ ít có tác động đến quá trình này.

Kế hoạch mở các cuộc tấn công đầu tiên sẽ bao gồm việc chiếm Vancouver, Winnipeg, khu vực thác Niagara và hầu hết Ontario.

Với sự chênh lệch lớn giữa quân lực Mỹ và Canada, hầu hết các cuộc tấn công này sẽ thành công một cách chóng vánh. Trận đánh chủ chốt sẽ xoay quanh các nỗ lực của Anh và Canada trong việc giữ vững Nova Scotia, New Brunswick, và đặc biệt là cảng Halifax – cảng này sẽ vừa đóng vai trò cổng chính cho quân Anh vào Canada vừa đóng vai trò căn cứ tại chỗ cho hải quân Anh.

Các chiến lược gia của Mỹ hiểu rằng Halifax là chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến một cách mau chóng. Họ cũng tính đến các phương án chiếm cảng, bao gồm việc sử dụng khí độc và tấn công đổ bộ.

Giả dụ biết rõ điều đó, liệu quân Anh và Canada có ngăn được ý đồ cắt đứt tuyến tiếp tế giữa Halifax và các thành phố lớn ở Quebec và vùng Ngũ Hồ?

Ít có khả năng như vậy. Lục quân Mỹ sẽ có lợi thế lớn về số lượng, hậu cần và tính cơ động.

Ottawa và Toronto có thể là quá lớn để có thể đánh chiếm một cách nhanh chóng nhưng việc cắt đứt các thành phố này với Đại Tây Dương sẽ khiến cho việc họ đầu hàng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế còn Quebec thì sao? Chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ 20 có vẻ không mạnh lắm trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây. Hơn nữa Mỹ không có cơ chế nào trong hiến pháp mà dựa vào đó nước này có thể nhượng bộ cho cộng đồng đa số nói tiếng Pháp ở tỉnh này. Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo tỉnh Quebec có thể tìm kiếm một thỏa thuận với Washington bảo đảm nền độc lập cho Quebec để đổi lại việc Quebec sẽ dành sự ủng hộ cho nỗ lực chiến tranh của Mỹ. Đương nhiên nhiều khả năng Mỹ sẽ hoan nghênh đề xuất đó. Nếu không, Lục quân Mỹ sẽ lên kế hoạch đánh chiếm thành phố Quebec bằng một cuộc tấn công thông qua Vermont.

Chiến dịch ở Đại Tây Dương

Kế hoạch tác chiến của người Anh có thể tính đến chuyện bỏ qua Canada để tập trung cho vùng Caribbean. Tuy nhiên áp lực từ công chúng có thể buộc Hải quân Anh thiết lập và duy trì tuyến tiếp tế xuyên Đại Tây Dương để đối phó với hải quân Mỹ. Mặc dù nhiệm vụ này khó khăn – phải làm dài lâu, hải quân Anh vẫn có ưu thế trước hải quân Mỹ trong cuộc chơi này.

Tám siêu thiết giáp hạm dreadnought loại tiêu chuẩn của hải quân Mỹ hơn hẳn các chiến hạm tương ứng của Anh. Hải quân Mỹ còn sở hữu 10 tàu dreadnought cũ hơn, cộng với một hạm đội tiền dreadnought có khả năng đảm nhiệm phòng thủ bờ biển.

Mỹ (thời đó) không có một lực lượng tàu ngầm sánh được với đội tàu ngầm của Đế quốc Đức và những tàu mà họ có lại thiếu kinh nghiệm tấn công.

Về phần mình, hải quân Anh có trong tay 9 chiến hạm dreadnought, 23 siêu chiến hạm dreadnought và 9 tuần dương hạm chiến đấu. Chiến hạm của Anh nhìn chung cũ hơn, giáp yếu hơn, và vũ trang bớt “hầm hố” hơn so với tàu Mỹ.

Tuy nhiên hải quân Anh có lợi thế nhiều năm kinh nghiệm cả trong thời chiến và thời bình mà phía Mỹ lại thiếu. Ngoài ra hải quân Anh có lợi thế lớn về khu trục hạm và tuần dương hạm cũng như có lợi thế nhỏ về hàng không hải quân.

Nhưng làm thế nào mà hải quân Anh có thể triển khai tàu chiến của mình? Phong tỏa bờ biển phía Tây của Mỹ khó khăn hơn nhiều so với phong tỏa nước Đức, mà hải quân Mỹ chỉ chịu giao chiến ở những nơi có lợi cho họ. Hải quân Anh có thể mở một cuộc tấn công vào Boston, Long Island và các khu vực duyên hải khác ở phía bắc nhưng đa phần các chiến dịch của họ sẽ tập trung vào hỗ trợ cho lực lượng lục quân Anh và Canada ở các tỉnh Maritimes của Canada.

Chiến dịch ở Thái Bình Dương

Cả Mỹ và Anh đều dự kiến Nhật Bản sẽ tham gia vào bất cứ cuộc xung đột nào bên phe Anh. Mối liên hệ giữa hải quân Anh và hải quân đế quốc Nhật Bản có từ thời Minh Trị Duy tân và Tokyo thì vẫn khát khao lãnh thổ ở vùng Thái Bình Dương.

Trong Thế chiến thứ 1, Nhật Bản đã chớp thời cơ để chiếm hầu hết các vùng của Đức ở Thái Bình Dương trước khi triển khai một phần hải quân của mình để ủng hộ các chiến dịch Entente ở Địa Trung Hải.

Trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Anh, hải quân Nhật nhiều khả năng sẽ thực hiện các nỗ lực tương tự nhằm vào lãnh thổ Mỹ. Trong số lãnh thổ này có nhiều đảo mà Nhật Bản sau này xâm chiếm vào năm 1941 và 1942.

Với sức mạnh của hải quân Nhật (sở hữu 4 tuần dương hạm chiến đấu, 5 siêu dreadnought, 2 dreadnought) và cam kết đối với một chiến lược “Đại Tây Dương trước hết”, Mỹ có thể không thể giữ được Philippines, Guam, Wake, Midway và hầu hết các đảo khác ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hawaii có thể quá xa và quá lớn và ít khả năng Nhật Bản sẽ liều lĩnh triển khai trên bộ ở miền tây Canada.

Mỹ nuốt trôi Canada?

Lục quân Anh và hải quân Anh có khả năng sẽ dựng lên một tuyến phòng ngự hiệu quả ở Nova Scotia, ngăn Mỹ đánh bại hoàn toàn Canada. London cũng có thể ủng hộ các lực lượng kháng chiến trong vùng hoang vu của Canada, mặc dù Anh có thể gặp nhiều thách thức về hậu cần nếu họ hỗ trợ quân du kích ở vùng viễn bắc.

Tuy nhiên cuối cùng Mỹ có thể vẫn chiếm được một vùng rộng lớn của Canada với cái giá là đánh mất gần hết các cơ sở của họ ở Thái Bình Dương.

Bản đồ mới khi đó sẽ bao gồm một nước Mỹ mở rộng tới vùng Bắc cực, một khu vực Quebec độc lập, một nước Canada nhỏ (chưa bị Mỹ chiếm hết) gồm chủ yếu các tỉnh Maritimes và vùng Tây Thái Bình Dương thuộc về Nhật Bản.

Trong trường hợp đó, Tokyo chứ không phải là London hay Washington mới là kẻ chiến thắng lớn nhất, bá quyền ở khu vực ảnh hưởng riêng của mình và hoàn toàn có khả năng quản lý cửa ngõ quốc tế vào Trung Quốc.

Theo VOV

Tags: , ,