Không gian đô thị Hà Nội: Những hệ lụy từ sự đô thị hóa sai hướng

Đô thị hóa là một nhu cầu của phát triển. Nhưng, đô thị hóa như thế nào lại là câu chuyện rất đáng bàn bởi nó đã và đang để lại những tranh cãi lớn sau nhiều “vết thương” quy hoạch…

Hà Nội – những hệ lụy từ quá trinđô thị hóa sai hướng

Đô thị của ai?

Khi Vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra Đại La vào năm 1010, ông có viết trong “Chiếu dời đô” về vùng đất mới thế này: “Tiện nghi núi sau, sông trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”.

Một trong những mong muốn của vị vua đã mở đầu cho hơn 200 năm tồn tại của nhà Lý này có lẽ là phát triển nông nghiệp, vốn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thời ấy: đất đai màu mỡ được phù sa bồi đắp, địa hình bằng phẳng, thế đất cao, ít bị ngập úng.

Cơ sở của tầm nhìn này là hệ thống những con sông giới hạn quanh kinh thành: sông Hồng phía Đông, sông Tô phía Bắc và sông Kim Ngưu phía Nam. Sông Hồng, con sông chính gắn liền với Hà Nội, bắt đầu từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào mùa lũ có màu đỏ – hồng (cũng là nguồn gốc của tên sông) do lượng phù sa rất lớn nó mang theo.

Hà Nội ngày nay nhìn từ vệ tinh là di sản kết hợp của những viên gạch quy hoạch đầu tiên từ hơn một ngàn năm trước của nhà Lý (“tam trùng thành quách” và “trong thành ngoài thị”), rồi biến động qua 4 triều đại phong kiến khác nhau, những thay đổi dưới thời Pháp thuộc và tất nhiên là cả những dấu ấn lâu dài từ cấu tạo đặc biệt của các con sông (bản thân tên gọi Hà Nội cũng có nghĩa là nằm trong sông) như thế. Đấy là kết quả của nhiều thế kỷ “cộng tác” giữa đất đai, sông núi lẫn con người.

Nhưng, nhìn chung, đây không phải là cách chúng ta thường hình dung về không gian đô thị. Thành thị dường như là một lời nói dối mà chúng ta tự nói với chính mình. Điểm mấu chốt của lời nói dối này là chúng ta có thể tách cuộc sống con người ra khỏi tự nhiên (và tái tạo nó bằng những không gian tự nhiên kiểu… nhân tạo), sử dụng bê tông cốt thép, bản đồ và tất nhiên là cả quy hoạch để tạo ra một không gian tách biệt.

Dịch bệnh, bụi bẩn, động vật hoang dã, các vùng hoang dã, đất nông nghiệp và nông thôn đều được tưởng tượng là không thuộc về không gian đô thị. Ý tưởng này được duy trì thông qua việc dụng công vào những cơ sở hạ tầng “đồng phục”, tự hình dung ra các khả năng mới cho đô thị và tất nhiên, bao gồm việc chặt cây thô bạo, lẫn lấp các con sông. Khảo sát trên bản đồ cho thấy, trong 50 năm qua, 80-90% diện tích mặt nước sông hồ ở Hà Nội đã bị san lấp, bao gồm cả ruộng trũng và diện tích bán ngập.

Tất nhiên, việc này nằm trong câu chuyện chúng ta tự kể về quá trình hiện đại hóa đô thị dường như không thể cưỡng lại được, rằng thành phố cần nhiều không gian được thắp sáng đèn điện và bê tông hóa hơn, mà trong đó, các di sản tự nhiên đã bị đánh giá thấp, thậm chí bị lờ hẳn đi so với ý chí con người. Sự duy ý chí này dẫn đến những cuộc sửa sai dựa trên việc “tự hình dung ra các khả năng mới cho đô thị”. Cuối tháng 3 vừa rồi, một bản quy hoạch nội đô lịch sử Hà Nội đã được công bố, có thể dẫn đến việc phải di dời 215 ngàn dân. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội có đến 7 lần nỗ lực quy hoạch ven sông nhưng chưa thành. Chúng ta đang ở thế khó đến mức để thực hiện được quy hoạch này, thành phố phải bố trí tái định cư cho gần một triệu người đang sinh sống ở khu vực bờ sông.

Trong một thời gian rất dài, việc suy nghĩ về không gian đô thị như một sản phẩm thuần túy của năng lực cải tạo từ con người đã để lại những di chứng: chúng ta đang phải cố sửa lại những sai lầm quá khứ, bằng một cách khó tương đương với việc đảo ngược thời gian, mà xáo trộn cuộc sống của chính con người đô thị lại trở thành phương pháp duy nhất và cũng nặng nề nhất.

Nếu chúng ta (với nghĩa rộng nhất của từ này, là tất cả các lực lượng đã tham gia vào quá trình tạo nên Hà Nội từ ban đầu) hiểu rằng các con sông là một phần quan trọng tương đương với việc chúng ta nghĩ về những đóng góp của con người, có thể các cuộc quy hoạch sửa sai sẽ không ảnh hưởng đến số phận nhiều người như thế.

Cần nhận thức mới

Về mặt thể lý, các thành phố có những ranh giới xung quanh chúng mà ai cũng có thể nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, tất cả các đô thị đều phụ thuộc vào một lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều, vượt xa những mốc ranh giới này. Một số hoặc tất cả những thứ sau đây cần được đưa từ bên ngoài vào để cung cấp cho trung tâm đô thị: thực phẩm, nước uống, vật liệu xây dựng, công nhân, thương nhân và hàng hóa của họ, nguyên liệu sản xuất thô, năng lượng. Không một đô thị nào có thể tự cung cấp chừng này thứ.

Đô thị hóa, một tập hợp phức tạp của các quá trình mà cuộc sống đô thị được khai sinh và hỗ trợ, liên quan đến một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với chính đô thị đó. Nhưng, suy nghĩ phổ biến về đô thị lại là một khu vực mà ở đó con người có thể “phô diễn” hết sự văn minh của mình, tạo ra một ngôi nhà tách biệt với những không gian hoang dã khác.

Sản phẩm của lối suy nghĩ bỏ qua các lực lượng tự nhiên trong quá trình hình thành đô thị này thường tạo ra sự bối rối: chúng ta không thể phân biệt được không gian đô thị nào là để sống và không gian nào để phục vụ cho việc bảo tồn di sản. Một ví dụ: các khu nhà tập thể cũ vẫn còn rất nhiều ở Hà Nội, dù đa số chúng đã xuống cấp gây nguy hiểm cho chính con người sống trong đó. Để lưu giữ chúng như một di sản quá khứ thì có lẽ chỉ cần một cái tiêu biểu tồn tại là đủ.

Nhưng, chúng vẫn sống và được cải tạo liên tục theo từng năm để phù hợp với không gian đô thị tăng trưởng. Trong khu tập thể ở chỗ ngã 3 Tạ Hiện – Hàng Buồm, rất nhiều căn hộ không có nhà vệ sinh đã tự cơi nới ra để có không gian phục vụ cho sự bài tiết riêng tư. Vì tồn tại như một di sản của con người nên, đến giờ, một cái nhà vệ sinh chung của khu tập thể ở đó vẫn bốc mùi dù không ai dùng nhưng vẫn tồn tại bền bỉ.

Trong khi đó, các không gian tự nhiên của thành phố này vẫn đang từ từ chết đi, không chỉ là những con sông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo không gian đô thị của chúng ta ngày hôm nay. Nếu đã hiểu các đô thị của chúng ta là một phần của các quá trình tự nhiên tương tự như những biu-đinh (building) và công viên của chúng ta, thì ta nên học một nhận thức mới về cách thức hoạt động của các mối quan hệ này.

Bằng việc học cách nhìn thấy đất, nước, khi hậu, các dạng sống khác đã tạo nên đô thị bên cạnh con người, chúng ta có thể bắt đầu hiểu cách sống tốt hơn ở đô thị là như thế nào. Bắt đầu suy nghĩ theo cách này, chúng ta sẽ tránh được những cuộc quy hoạch sửa sai có thể làm xáo trộn cuộc sống của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người, trong nhiều năm sau. Như những gì đang diễn ra, ngay lúc này.

Theo PHẠM AN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,